3 nguyên nhân chính gây tăng huyết áp và 3 cách hạ huyết áp không dùng thuốc

Tăng huyết áp đôi khi còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” và gieo rắc nỗi sợ cho nhiều người. Theo hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ năm 2017, khi huyết áp được đo trong trạng thái nghỉ ngơi, không bị kích động và tăng cao trên ba lần đo trong vòng hai tuần liên tiếp, thì được coi là tăng huyết áp.

Sau khi được chẩn đoán, việc giảm huyết áp đơn thuần không phải là mục tiêu duy nhất. Điều quan trọng không kém là tìm ra nguyên nhân gây tăng huyết áp. Khi giải quyết được nguyên nhân, “kẻ giết người thầm lặng” sẽ trở thành “trợ lý” cảnh báo tình trạng sức khỏe cho bạn.

Có một số nguyên nhân gây ra tăng huyết áp; tức giận, căng thẳng, sợ hãi, cứng vai và thời tiết lạnh giá là một trong các yếu tố.

1. Chữa tăng huyết áp do nóng giận hoặc môi trường căng thẳng

Một số người dễ bị kích động hơn những người khác—ngay cả khi xem TV, cảm xúc của họ cũng dâng trào, bộc lộ cơn giận ra bên ngoài như mặt đỏ bừng, cổ phình ra và dễ nổi nóng. Hiện tượng này phát sinh khi các dây thần kinh giao cảm tăng hoạt tính, khiến các mạch máu ngoại vi co lại. Ở trạng thái này, máu vận chuyển oxy trực tiếp đến tất cả các bộ phận của cơ thể kém, dẫn đến huyết áp cao.

Một lần tôi có bệnh nhân ở độ tuổi 50, hơi béo phì và chỉ số huyết áp luôn ở mức khoảng 200mmHg. Sau khi thử sáu loại thuốc hạ huyết áp Tây y khác nhau mà không có tác dụng, bà đã đến gặp tôi để điều trị. Sau khi điều trị, huyết áp của bà giảm xuống còn 140 hoặc 150. Bà rất hạnh phúc và nói với mọi người ở khắp mọi nơi: “Bác sĩ Hồ đã chữa khỏi bệnh huyết áp của tôi.”

Lúc đó tôi đã nói với bà ấy: “Bệnh cao huyết áp của bà không phải do tôi chữa khỏi, mà là do chính bà.” Vì sao? “Thuốc tôi kê là thuốc xoa dịu cảm xúc. Vì vậy, bà cũng đang điều chỉnh cảm xúc của mình, và trở nên vui vẻ hơn mỗi ngày. Một khi bà đạt được trạng thái ‘không tức giận, thoải mái,’ bệnh tăng huyết áp sẽ tự biến mất.”

2. Trà xoa dịu cảm xúc và hạ huyết áp

Trà hoa cúc

Cho 10 bông hoa cúc vào cốc và pha với nước nóng. Dù là cúc vàng, cúc trắng hay cúc dại cũng đều tốt. Uống trà khi hoa cúc đã được ngâm kỹ, nở và tỏa hương thơm. Để thức uống hấp dẫn hơn, bạn có thể thêm một chút cam thảo hoặc quả kỷ tử.

Nước sắc táo tàu cam thảo

Đây là một trong những phương thuốc điều trị cho bệnh nhân được đề cập ở trên.

Trong một nồi 1500ml nước, đun sôi 15g cam thảo, 38g lúa mì và 12 quả táo tàu rồi đun cạn cho đến khi còn lại 1000ml. Uống hàng ngày thay trà.

Lưu ý: Tốt nhất là chọn “lúa mì nổi”, tức là lúa mì đã được bảo quản trong thời gian dài hơn.

Trà hoa cúc với quả kỷ tử. (Hồ Nãi Văn/The Epoch Times)
Trà hoa cúc với quả kỷ tử. (Hồ Nãi Văn/The Epoch Times)

Tập thể dục hàng ngày để tăng chỉ số hạnh phúc

Tập thể dục sẽ làm mạch máu mềm ra. Một khi mạch ngoại vi nở rộng máu có thể lưu thông hiệu quả, đồng thời đào thải cholesterol trong mạch máu. Khi máu lưu thông bình thường trong các mạch máu lớn, huyết áp sẽ giảm xuống. Hơn nữa, trong khi tập thể dục, não bộ sản sinh ra hoóc-môn gọi là endorphin—còn được gọi là “hoóc-môn hạnh phúc,” giúp con người cảm thấy hạnh phúc hơn và làm giảm huyết áp một cách tự nhiên.

Vậy những người rất bận rộn tại nhà cũng như nơi làm việc có thể tập thể dục vào lúc nào? Thật may là lợi ích của việc tập thể dục mỗi ngày có thể được tích lũy. Ví dụ, khi đang đi xe buýt trên đường đi làm, hãy xuống sớm một bến và đi bộ quãng đường còn lại. Hoặc dành năm hay sáu phút để đi bộ lên xuống cầu thang lúc đi ăn trưa. Bạn cũng có thể đi dạo sau khi hết giờ làm việc và sau bữa tối. Bằng cách này, vào cuối ngày, bạn đã tích lũy được khoảng 30 phút tập thể dục—và bạn càng tìm ra được nhiều cách để tranh thủ càng tốt!

Bạn cũng có thể “tiếp đất” năng lượng tiêu cực trong cơ thể bằng cách đi giày vải mềm, chỉ đi tất, hoặc để chân trần và đi trên cỏ hoặc đất. Nhờ đó, ngoài việc cơ thể được vận động, lượng máu cung cấp cho não cũng sẽ tăng lên. Khi đủ oxy, huyết áp sẽ giảm xuống tự nhiên.

3. Bấm 3 huyệt chữa cứng cổ gây tăng huyết áp

Cứng cổ và vai là những bệnh lý có thể góp phần làm tăng huyết áp.

Ví dụ, nhiều nhân viên văn phòng dành cả ngày trước màn hình máy tính trong tư thế “cổ rùa” và phải ngồi yên trong nhiều giờ liền. Khi về đến nhà, họ lại nằm trên ghế sofa — không cử động — hoặc cúi đầu vào điện thoại, càng làm cho cổ và vai bị cứng, từ đó có thể dẫn đến huyết áp cao.

Tôi có một bệnh nhân khác vào bệnh viện khám, mỗi lần đo huyết áp gần 200. Ông luôn cảm thấy khó chịu sau khi uống đủ loại thuốc hạ huyết áp mà bác sĩ kê, bất kể là hạ cholesterol hay giãn mạch máu. Sau đó, tôi đã giúp ông kéo giãn động mạch cảnh (ở vùng cổ -ND), và bệnh cao huyết áp của bệnh nhân này đã biến mất.

Có một huyệt trị cứng cổ và vai là huyệt Xích Trạch (LU 5). Ấn nhẹ vào huyệt Xích Trạch trên bàn tay trái và phải mỗi ngày từ 3 đến 5 phút, đồng thời lắc và di chuyển cổ trong khi ấn. Phương pháp này giúp cải thiện quá trình lưu thông máu ở cổ và máu trong động mạch cảnh sẽ lưu thông lên não tốt. Khi được cung cấp đủ máu, huyết áp sẽ tự nhiên giảm xuống.

Ngoài huyệt Xích Trạch còn có hai huyệt khác có thể tăng cường lưu thông máu. Một là huyệt Túc Tam Lý (ST 36) và một là huyệt Tam Âm Giao (SP 6).

Ngoài ra, những người không thể bấm chính xác các huyệt cũng có thể sử dụng phương pháp vỗ. Bằng cách vỗ vào cả phần trên và phần dưới của huyệt, đôi khi họ có thể vỗ chính xác vị trí huyệt, hiệu quả đem lại cũng rất tốt.

Lưu ý: Phụ nữ mang thai nên tránh xoa bóp hoặc bấm huyệt Tam âm giao.

3 nguyên nhân chính gây tăng huyết áp và 3 cách hạ huyết áp không dùng thuốc
Vị trí huyệt Xích Trạch. ( The Epoch Times)
3 nguyên nhân chính gây tăng huyết áp và 3 cách hạ huyết áp không dùng thuốc
Vị trí huyệt Túc Tam Lý (trái) và huyệt Tam Âm Giao (phải). (The Epoch Times)

4. Tăng huyết áp kiểu cảm lạnh – Giữ ấm cơ thể

Thời tiết lạnh cũng có thể khiến huyết áp tăng cao.

Vào mùa lạnh, để giữ nhiệt cho cơ thể, các mạch máu quanh cơ thể sẽ co lại, tức là trở nên mỏng hơn và thu nhỏ kích thước. Điều này làm giảm lưu lượng máu đi khắp cơ thể và đa phần máu nằm lại bên trong các mạch lớn, khiến huyết áp luôn ở mức cao.

Bạn cần phải làm gì? Hãy mặc nhiều lớp quần áo ấm và uống đồ ấm. Điều này giúp các mạch máu bị hẹp nở ra bình thường, máu được lưu thông đều đến tất cả các mạch và huyết áp sẽ giảm mà không cần dùng đến thuốc hạ huyết áp.

Đại Hải biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Hồ Nãi Văn
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Tiến sĩ Hồ Nãi Văn là bác sĩ Trung y tại Trung tâm Y học cổ truyền Đồng Đức Thượng Hải ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Ông là giáo sư tại Đại học Y khoa Nine Star ở Sunnyvale, California, Hoa Kỳ. Ông cũng là nhà nghiên cứu khoa học đời sống tại Viện nghiên cứu Standford. Trong hơn 20 năm hành nghề y, ông đã điều trị hơn 140,000 bệnh nhân. Ông nổi tiếng với việc chữa trị thành công bệnh nhân ung thư hắc tố thứ năm trên thế giới bằng Trung y. Bác sĩ Hồ hiện đang dẫn chương trình sức khỏe trên YouTube với hơn 700,000 người đăng ký. Ông cũng được biết đến với chương trình trình diễn lưu động về sức khỏe nổi tiếng được tổ chức ở nhiều thành phố khác nhau ở Úc và Bắc Mỹ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn