4 phương pháp điều trị thay thế trong bệnh Alzheimer

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 50 triệu người trên thế giới bị mắc chứng sa sút trí tuệ, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer. Khoảng 60% – 70% các trường hợp sa sút trí tuệ được chẩn đoán là bệnh Alzheimer.

Các phương pháp điều trị bệnh Alzheimer hiện tại

Mặc dù hiện tại không có cách chữa khỏi hẳn bệnh Alzheimer, nhưng có nhiều loại thuốc kê đơn khác nhau, chẳng hạn như Donepezil (Aricept), Galantamine (Razadyne) và Rivastigmine (Exelon). Các loại thuốc này có sẵn ở dạng viên nén và cung cấp các mức độ điều trị triệu chứng khác nhau.

Thật không may, khoa học phương Tây hiện đại thường không công nhận các phương pháp điều trị thay thế trong bệnh Alzheimer.

Tuy nhiên, bất chấp sự phức tạp của căn bệnh này, vẫn có những suy đoán về việc liệu bản thân cơ cấu của ngành y tế có ảnh hưởng đến sự phát triển và thừa nhận của các loại thuốc cũng như các phương pháp điều trị khác cho bệnh Alzheimer hay không.

Ví dụ, tại sao tỷ lệ gia tăng của bệnh Alzheimer và các bệnh thoái hóa thần kinh khác không phải là trọng tâm của các khoản đầu tư cho sức khỏe cộng đồng? Thực trạng của việc chữa khỏi bệnh mang đến lợi nhuận thấp hơn so với việc điều trị triệu chứng bệnh liệu có ảnh hưởng đến cách chúng ta giải quyết căn bệnh này không?

Dù thế nào đi nữa, các bằng chứng khoa học vững chắc nên là điều kiện tiên quyết để ủng hộ mọi tuyên bố, rằng một chất nhất định có thể mang lại lợi ích y học nào đó.

Dưới đây là 4 phương pháp điều trị thay thế trong bệnh Alzheimer dựa trên các bằng chứng khoa học.

1. Phosphatidylserine

Nhiều nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả của phosphatidylserine trong điều trị bệnh Alzheimer đã đưa ra một số kết quả ấn tượng.

Ví dụ, trong hai nghiên cứu riêng biệt, các bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer hoặc những người gặp các vấn đề về trí nhớ cho thấy những cải thiện đáng kể về khả năng ghi nhớ và nhận thức sau khi bổ sung phosphatidylserine.

Tuy nhiên, những cải thiện này biểu hiện đáng kể ở những bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ và nhận thức ít nghiêm trọng hơn. Điều này gợi ý rằng phosphatidylserine có thể có hiệu quả điều trị tốt hơn đối với phòng ngừa bệnh hoặc trong giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer.

Phosphatidylserine hoạt động như thế nào?

Ngay từ khi khởi phát, bệnh Alzheimer gây ra sự thoái hóa các tế bào não, nghĩa là làm cho màng tế bào mất đi tính toàn vẹn. Khi màng tế bào mất chức năng, tín hiệu và quá trình truyền đạt thông tin trong tế bào sẽ bị phá vỡ, từ đó dẫn đến các triệu chứng như mất trí nhớ.

Phosphatidylserine giúp hình thành và hỗ trợ cấu trúc màng tế bào khỏe mạnh. Vì vậy, bổ sung phosphatidylserine có thể hỗ trợ tái tạo các tế bào não. Đây là một trong những lý do tại sao một số nhà khoa học tin rằng phosphatidylserine có thể được sử dụng như một phương pháp tiềm năng để điều trị thay thế trong bệnh Alzheimer.

Thực phẩm bổ sung Phosphatidylserine

Phosphatidylserine là một chất bổ sung được sử dụng rộng rãi, được bán trên thị trường cho một số mục đích, bao gồm chất bổ sung thể thao và chất bổ sung hỗ trợ trí não. Một người cần phải bổ sung vào chế độ ăn uống tối thiểu là 300mg phosphatidylserine mỗi ngày để nhận được lợi ích bảo vệ thần kinh.

2. Ubiquinol

Nghiên cứu về hiệu quả của ubiquinol, một dạng coenzyme Q10 giàu điện tử, như một phương pháp điều trị thay thế trong bệnh Alzheimer hiện đang bị hạn chế. Tuy nhiên, dữ liệu hiện tại chứng minh rằng ubiquinol là một ứng cử viên tiềm năng.

Ubiquinol có một số đặc tính đáng chú ý, một trong số đó là khả năng hỗ trợ chuyển hóa năng lượng và chống oxy hóa các tế bào não, và do đó hỗ trợ sức khỏe tổng thể của não bộ.

Ubiquinol hoạt động như thế nào?

Các nghiên cứu cho thấy Ubiquinol có thể hỗ trợ trí nhớ và nhận thức bằng cách giảm bệnh lý amyloid. Beta-amyloid là protein chịu trách nhiệm cho sự hình thành mảng bám não gây gián đoạn mạng lưới thần kinh.

Việc tích tụ một lượng lớn mảng bám amyloid trong não có thể phá hủy các tế bào não, dẫn đến chứng mất trí nhớ và suy giảm nhận thức.

Các nghiên cứu tiền lâm sàng đã chỉ ra rằng ubiquinol cũng làm giảm sự mất mát của các tế bào thần kinh tổng hợp chất dẫn truyền dopamin. Một số nhà khoa học tin rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa sự suy giảm nhóm tế bào này và các bệnh thoái hóa thần kinh.

Thực phẩm bổ sung ubiquinol

Các chất bổ sung ubiquinol ngày càng phổ biến và được bán trên thị trường với nhiều mục đích, bao gồm hỗ trợ sức khỏe thể thao, sức khỏe tim mạch, kiểm soát cholesterol và sức khỏe não bộ. Ubiquinol tương đối đắt nên thường được bán với liều thấp hơn.

Nên dùng ít nhất 600mg ubiquinol mỗi ngày để có được lợi ích bảo vệ thần kinh.

3. Acetyl L-Carnitine

Acetyl L-carnitine được cho là có lợi đối với sức khỏe não bộ và việc bổ sung acetyl l-carnitine có thể giúp ngăn chặn sự suy giảm nhận thức, cải thiện khả năng ghi nhớ và nhận thức.

Ví dụ, kết quả của một nghiên cứu song song mù đôi chỉ ra rằng việc sử dụng acetyl l-carnitine với liều 2500mg mỗi ngày, có thể làm chậm sự suy giảm trong một số lĩnh vực nhận thức ở bệnh nhân Alzheimer.

Một nghiên cứu nhỏ khác đã thử nghiệm hai nhóm gồm 30 bệnh nhân, mỗi nhóm từ 65 tuổi trở lên bị suy giảm tâm thần nhẹ. Một nhóm bệnh nhân được điều trị bằng acetyl-l-carnitine với liều 2000mg mỗi ngày trong ba tháng, và nhóm còn lại chỉ được điều trị bằng giả dược.

Kết quả thống kê từ nghiên cứu cho thấy nhóm bệnh nhân được điều trị bằng acetyl l-carnitine đã có sự cải thiện đáng kể trong các bài kiểm tra về trí nhớ, khả năng chú ý và mức độ trôi chảy trong lời nói.

Acetyl-carnitine hoạt động như thế nào?

Acetyl l-carnitine với hình dạng cấu trúc đặc biệt có thể dễ dàng đi qua hàng rào máu não, và phát huy tác dụng bảo vệ thần kinh.

Các nhà khoa học cũng đưa ra giả thuyết rằng acetyl l-carnitine có tác dụng hữu ích đối với bệnh Alzheimer nhờ khả năng hoạt động như một tiền chất của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine.

Đặc tính thứ ba của acetyl l-carnitine được cho là có lợi đối với bệnh Alzheimer là khả năng bảo vệ và ổn định cấu trúc màng tế bào.

Chất bổ sung acetyl l-carnitine

Các chất bổ sung acetyl l-carnitine được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm giảm cân, hỗ trợ hình thái học, hỗ trợ trí não và như một phương pháp điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý.

Để đạt được lợi ích bảo vệ thần kinh, nên dùng liều tối thiểu 2000mg mỗi ngày.

4. Axit R-Lipoic

Nghiên cứu khoa học cung cấp bằng chứng thuyết phục chứng minh rằng acid R-lipoic có thể làm giảm tình trạng suy giảm trí nhớ ở cả động vật và con người.

Acid R-Lipoic còn có công dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường, một yếu tố nguy cơ của bệnh Alzheimer.

Acid lipoic R hoạt động như thế nào?

Acid R-lipoic có thể dễ dàng đi qua hàng rào máu não. Tại đây, acid R-lipoic được cho là có tác dụng hỗ trợ trí nhớ thông qua khả năng chống lại các căng thẳng oxy hóa và cải thiện quá trình chuyển hóa năng lượng trong tế bào não.

Ví dụ, một nghiên cứu đo lường các chỉ số sinh học do căng thẳng oxy hóa (liên quan đến thoái hóa thần kinh), đã cho thấy các tác dụng có lợi của acid R-lipoic trong việc giảm các yếu tố căng thẳng này, qua đó giúp cải thiện tình trạng sụt giảm trí nhớ.

Hơn nữa, acid R-lipoic còn có tác dụng chống viêm và bảo vệ thần kinh rõ rệt hơn khi kết hợp với acetyl l-carnitine.

Chất bổ sung acid R-lipoic

Mặc dù được tìm thấy trong hầu hết các loại thực phẩm, đặc biệt ở trong tim và nội tạng, nhưng lượng acid lipoic trong chế độ ăn là không đáng kể. Ví dụ, quá trình xử lý khoảng 10 tấn bã gan chỉ thu được khoảng 30mg acid lipoic. Chính vì lý do này mà các chất bổ sung acid lipoic luôn được tổng hợp trong phòng thí nghiệm chứ không phải được “chiết xuất” từ thực phẩm.

Điều quan trọng cần lưu ý là các chất bổ sung axit lipoic tồn tại ở hai dạng hơi khác nhau: Acid R-lipoic (RLA) và acid S-lipoic (SLA). RLA là dạng hoạt tính sinh học, do đó nếu bạn đang cân nhắc muốn bổ sung acid lipoic, hãy chú ý đến nhãn sản phẩm và nhớ chọn phiên bản RLA.

Sử dụng khoảng 300mg – 600mg RLA mỗi ngày sẽ mang lại lợi ích trong hầu hết các trường hợp.

Kết luận

Mặc dù hiện nay bệnh Alzheimer không thể chữa khỏi, nhưng các phương pháp điều trị thay thế thực sự cho thấy tiềm năng to lớn. Nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để đánh giá đầy đủ hiệu quả của các biện pháp tự nhiên trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, nhiều dữ liệu lâm sàng hợp pháp đã chứng minh tác động tích cực của một số phương pháp điều trị thay thế, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer.

Việc kết hợp tất cả các phương pháp điều trị thay thế ở trên thay vì sử dụng riêng lẻ từng phương pháp, có thể tạo ra tác dụng hiệp đồng và đem đến một kết quả điều trị tốt hơn.

Nếu bạn đang cân nhắc sử dụng các phương pháp điều trị thay thế trong bệnh Alzheimer cùng với đơn thuốc, hãy luôn luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc các chuyên gia thần kinh có chuyên môn trước tiên. Vì bạn có thể có chống chỉ định với bất kỳ phương pháp nào.

Ngọc Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn