7 vị trí nếp nhăn là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe

Nếp nhăn trên da mặt không chỉ là dấu hiệu của sự lão hóa mà còn phản ánh sức khỏe của các cơ quan trong cơ thể. Cải thiện nếp nhăn sẽ có thể chăm sóc các cơ quan nội tạng của bạn.

Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể con người, tình trạng sức khỏe của cơ thể thường sẽ phản ánh trên bề mặt của da. Khi một người bị bệnh và thường xuyên lo lắng, bồn chồn, thì không chỉ khả năng hấp thụ của dạ dày kém đi mà khí huyết lưu thông cũng bị đình trệ, rất khó để có một làn da tươi sáng và đàn hồi. Nếu khả năng giữ ẩm và phục hồi độ ẩm của da không đủ, các nếp nhăn sẽ hình thành trên khuôn mặt.

Bác sĩ Lâm Mạnh Dĩnh (Lin Mengying), Giám đốc Bệnh viện Trung Y Đỉnh Nghiên tại Đài Loan, chuyên nghiên cứu Trung Y và Ayurveda (hệ thống y học truyền thống của Ấn Độ), cho biết: những nếp nhăn trên mặt thường thấy sau đây nói lên những vấn đề sức khỏe ở các bộ phận khác nhau của cơ thể:

7 vị trí nếp nhăn trên khuôn mặt

  1. Nếp nhăn trên trán

Theo Ayurveda – y học cổ truyền của Ấn Độ, nếp nhăn trên trán biểu thị cho sự buồn bã và lo lắng. Những cảm xúc như buồn bã, lo lắng sẽ khiến cơ thể tiết ra nhiều hormone căng thẳng – cortisol, quá nhiều cortisol sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch.

Nghiên cứu hiện đại cũng phát hiện ra rằng những người có nếp nhăn trên trán sâu và nhiều có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn.

Trong một nghiên cứu được công bố bởi Hiệp hội Tim mạch Âu Châu, các bác sĩ đã đánh giá số lượng và độ sâu của các nếp nhăn trên trán ở 3,200 người tham gia từ 32-62 tuổi. Điểm 0 có nghĩa là không có nếp nhăn, trong khi điểm 3 có nghĩa là có rất nhiều nếp nhăn sâu. [1] Các nhà nghiên cứu đã theo dõi những người tham gia trong vòng 20 năm và nhận thấy rằng:

  • Những người có điểm số nếp nhăn là 1 có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn một chút so với những người không có nếp nhăn.
  • Những người có điểm nếp nhăn 2 và 3 có nguy cơ tử vong cao hơn gần 10 lần so với những người có điểm nếp nhăn bằng 0, sau khi loại trừ các yếu tố như tuổi tác, huyết áp và mỡ máu, v.v.

Nghiên cứu cho thấy các nếp nhăn sâu trên trán có thể là dấu hiệu của chứng xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch là một hiện tượng bệnh lý trong đó các mảng xơ vữa được hình thành do sự tích tụ của mỡ, từ đó khiến nội mạc dày lên dẫn đến xơ cứng, hẹp, thậm chí là tắc nghẽn mạch máu. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân phổ biến của các bệnh tim mạch.

Sự hình thành các nếp nhăn trên trán còn có liên quan đến sự thiếu hụt collagen và ứng kích oxy hóa gây ra bởi các gốc tự do dư thừa, những yếu tố này cũng có thể dẫn đến xơ cứng động mạch. Ngoài ra, các mạch máu ở trán rất nhỏ, chúng có thể sẽ nhạy cảm hơn đối với sự hình thành mảng bám, có nghĩa là nếp nhăn có thể là một trong những dấu hiệu sớm của lão hóa mạch máu.

7 vị trí nếp nhăn là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe
Nếp nhăn sâu trên trán có liên quan đến trầm cảm, lo lắng và bệnh tim mạch. (Ảnh: Shutterstock)
  1. Nếp nhăn giữa hai lông mày

Theo Ayurveda, đường cau mày giữa hai lông mày, nếp nhăn ở giữa đại biểu cho tính cách đa nghi, nếp nhăn bên trái đại biểu cho sự mệt mỏi của lá lách, còn nếp nhăn phía bên phải đại biểu cho sự mệt mỏi của gan.

Ngoài ra, Trung Y cũng cho rằng những cảm xúc tiêu cực có liên quan đến gan và lá lách. Giận dữ làm hại gan, suy nghĩ điều gì lâu có thể làm tổn thương lá lách, người nóng giận và suy nghĩ thái quá thường hay cau mày, thậm chí lưu lại nếp nhăn.

  1. Bọng mắt và rãnh lệ quanh mắt

Bọng mắt xuất hiện, nguyên nhân có thể là do cơ thể bị ẩm nhiều và quá trình trao đổi chất diễn ra kém.

Bác sĩ Lâm Mạnh Dĩnh giải thích rằng vùng da quanh mắt là phần mỏng nhất và dễ bị tổn thương nhất trên toàn khuôn mặt, nếu cơ thể có quá nhiều thấp khí (khí ẩm), vùng da quanh mắt sẽ dễ bị phồng ra và tạo thành các bọng dưới mắt.

Quá nhiều khí ẩm trong cơ thể cũng có thể ảnh hưởng đến lá lách. Trung Y cho rằng tỳ (lá lách) có nhiệm vụ tiêu hóa, hấp thu và vận chuyển các chất dinh dưỡng, đồng thời là nguồn sinh khí và sinh huyết của cơ thể. Tuy nhiên, lá lách ưa khô và không thích ẩm ướt, khí ẩm quá mức sẽ khiến cho sự vận hành và chức năng của lá lách không bình thường, dẫn đến tình trạng không khỏe mạnh của tất cả các chức năng trong cơ thể.

Ngoài ra, một phần nguyên nhân gây ra bọng mắt là do căng thẳng, và biểu hiện đầu tiên là quầng thâm. Quầng thâm có liên quan đến tuần hoàn xung quanh mắt kém, dẫn đến dư thừa chất lỏng ở mô xung quanh mắt. Bác sĩ Lâm Mạnh Dĩnh chỉ ra rằng, “bọng mắt có thể nói là quầng thâm ở một mức độ nhất định”, nhẹ thì thâm quầng, nặng thì sẽ hình thành bọng mắt.

Có 2 lý do dẫn đến dư thừa chất lỏng ở mô quanh mắt:

  • Dị ứng mũi.
  • Quá căng thẳng, ngủ không ngon. Điều này có thể dẫn đến tăng áp lực nội sọ, làm căng đường tuần hoàn từ đầu đến cổ, dẫn đến tuần hoàn kém.

Vì vậy, khi quầng thâm mắt xuất hiện, đồng nghĩa với việc dị ứng mũi và vấn đề giấc ngủ cần phải giải quyết để tránh quầng thâm biến thành bọng mắt.

  1. Vết chân chim ở cả hai mắt

Sự hình thành các vết chân chim có liên quan đến các bệnh về mắt, chủ yếu là do hoạt động quá mức của các cơ quanh mắt. Khi mắt không thể nhìn rõ mọi vật, người ta dễ nheo mắt một cách vô thức để nhìn rõ hơn, việc sử dụng quá mức cơ vòng mi sẽ gây ra phì đại cơ, sẽ dễ hình thành nếp nhăn ở đuôi mắt khi cười, đó chính là vết chân chim.

  1. Nếp nhăn ngang ở mũi

Các nếp nhăn ngang ở vị trí Sơn Căn (gốc mũi) biểu thị cho sự mệt mỏi về chức năng của “tim”. Cô Lâm Mạnh Dĩnh cho biết, kiểu nếp nhăn ngang này chủ yếu xuất hiện ở phụ nữ, những người gầy yếu, dễ mệt mỏi.

  1. Nếp nhăn râu rồng trên má

Những người bị dị ứng mũi, do thường xuyên xì mũi nên sẽ liên tục sử dụng cơ nâng môi trên và cánh mũi cùng các cơ khác xung quanh mũi. Sau khi các cơ này phì đại sẽ dễ hình thành các rãnh xung quanh như nếp nhăn râu rồng, rãnh lệ.

Ngoài ra, theo Ayurveda, nếu nếp nhăn râu rồng quá sâu, thường cho thấy hệ thống sinh sản có vấn đề. Ở nam giới, nó có thể liên quan đến hoạt động tình dục, còn ở nữ giới, nó là bệnh của buồng trứng và tử cung.

7 vị trí nếp nhăn là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe
Những người bị dị ứng mũi dễ bị nếp nhăn râu rồng do thường xuyên xì mũi. (Ảnh: Shutterstock)
  1. Nếp nhăn ở cằm

Các nếp nhăn ở cằm biểu thị cho sự căng thẳng, có liên quan đến chứng trầm cảm. Bác sĩ Lâm Mạnh Dĩnh giải thích rằng khi người ta thực sự muốn nói nhưng không nói được thì độ căng xung quanh môi sẽ tăng lên, hoặc người hay cười gượng thì cằm cũng phải hoạt động nhiều hơn.

Điều chỉnh nội ngoại, 3 cách để đảo ngược nếp nhăn và cải thiện sức khỏe nội tạng

Sự hình thành nếp nhăn là “băng dày ba thước không bởi cái lạnh một ngày”. Ngay cả khi các vấn đề về sức khỏe như xơ vữa động mạch, dị ứng mũi, gan và lá lách mệt mỏi được điều trị và cải thiện, nó cũng chỉ có thể ngăn chặn các nếp nhăn đã có không tiếp tục trầm trọng đi.

Bác sĩ Lâm Mạnh Dĩnh giải thích rằng sở dĩ nếp nhăn khó trị, ngoài các yếu tố như sức khỏe thể chất, cảm xúc và việc sử dụng các cơ quá mức, còn bao gồm cả tình trạng mất nước ở các cơ cục bộ và khô da, từ đó làm cứng các nếp nhăn đã hình thành. Vì vậy, nếu bạn chỉ cải thiện các vấn đề bên trong thì tối đa cũng chỉ làm giảm tốc độ hình thành và gia tăng của nếp nhăn.

Nếu muốn thay đổi những cấu trúc đã được hình thành giữa mạc cơ và da, đồng thời khôi phục độ ẩm và độ đàn hồi của da, thì cần phải có thời gian và một số phương pháp. Đồng thời, việc cải thiện nếp nhăn cũng sẽ khiến các cơ quan nội tạng được điều chỉnh.

  • Châm cứu thẩm mỹ mặt(Facial Cosmetic Acupuncture)

Sử dụng châm cứu có thể trực tiếp điều chỉnh độ căng của cơ mặt và mạc cơ, cải thiện tình trạng mất nước của vùng da mặt, từ đó đảo ngược các nếp nhăn, thậm chí đạt được hiệu quả làm phẳng nếp nhăn.

Một đánh giá nghiên cứu của Hàn Quốc vào năm 2018 cho thấy rằng, châm cứu có thể giảm số lượng và diện tích của nếp nhăn một cách hữu hiệu, ngoài ra còn có thể thúc đẩy lưu thông máu ở mặt, cải thiện tình trạng da và khiến mặt nhỏ đi. [2]

Một đánh giá vào năm 2020 của Hoa Kỳ phát hiện rằng, châm cứu có thể cải thiện làn da chảy xệ do lão hóa và giảm độ dài nếp nhăn. [3]

Châm cứu thẩm mỹ mặt chủ yếu tác động vào mạc cơ, lớp mạc cơ ở mặt không có chức năng rõ ràng trong việc thể hiện các biểu hiện trên khuôn mặt, nhưng muốn làm cho khuôn mặt trông tự nhiên, tràn đầy sức sống, có khí sắc và độ đàn hồi, thì mạc cơ đóng vai trò hết sức quan trọng.

Bác sĩ Lâm Mạnh Dĩnh, người có kinh nghiệm thao tác châm cứu thẩm mỹ mặt hơn 35,000 lần cho biết, dù là đường kinh lạc trong Trung Y hay dòng năng lượng trong Ayurveda, chúng đều đi trên lớp mạc cơ này. Do đó, bằng cách cải thiện phần mạc cơ thông qua châm cứu thẩm mỹ, sự lưu thông năng lượng tại chỗ vô hình chung cũng được cải thiện.

Hơn nữa, theo lý luận của Trung Y, ngũ tạng và ngũ quan có mối quan hệ đối ứng, chúng sẽ ảnh hưởng lẫn nhau thông qua các kênh dẫn truyền năng lượng như kinh lạc. “Lục phủ ngũ tạng đều khai khiếu ở ngũ quan trên đầu và mặt, việc điều chỉnh khuôn mặt cũng tương đương với việc chăm sóc cho các cơ quan nội tạng”, bác sĩ Lâm Mạnh Dĩnh nói.

7 vị trí nếp nhăn là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe
Châm cứu thẩm mỹ mặt có thể trực tiếp điều chỉnh độ căng của cơ mặt và mạc cơ, từ đó đẩy lùi nếp nhăn. (Ảnh: Shutterstock)
  • Bổ sung nước cho mạc cơ

Dùng các thực phẩm bổ sung chứa collagen và acid hyaluronic có thể bổ sung nước cho mạc cơ. Những chất này cũng có thể được hấp thụ từ thực phẩm tự nhiên, chẳng hạn như mộc nhĩ trắng và tổ yến.

Bác sĩ Lâm Mạnh Dĩnh cho biết, có người cho rằng nạp collagen kém hiệu quả, nhưng cái này vốn không phải có tác dụng tức thì, mà là nạp nước từ từ vào mạc cơ để tránh tình trạng căng cứng thành nếp nhăn.

  • Dưỡng ẩm da

Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da như kem dưỡng, mặt nạ và kem chống nắng để dưỡng ẩm cho da của bạn.

Kem dưỡng da cũng có thể được sử dụng như một chất bôi trơn khi massage mặt, để tránh massage quá mạnh làm gia tăng nếp nhăn. Bác sĩ Lâm Mạnh Dĩnh nhắc nhở: “Một số người đã tự massage mặt, kết quả là khiến vùng da quanh miệng và mắt bị chùng lại”.

Tránh các thói quen xấu dẫn đến nếp nhăn

Cho dù bạn sử dụng các sản phẩm chăm sóc da hay châm cứu thẩm mỹ, thuận theo độ tuổi gia tăng, khuôn mặt của bạn cuối cùng cũng sẽ bị lão hóa và sinh ra nếp nhăn. Nhưng tránh những hành vi dưới đây có thể ngăn ngừa việc nếp nhăn xuất hiện sớm, đồng thời có thể giúp bạn trông trẻ hơn so với những người cùng tuổi.

Ở lâu một chỗ, tư thế không đúng: Những người hay lướt điện thoại, dùng máy tính lâu thường bị gù lưng, vai và cổ cứng, tình trạng căng cơ vai gáy sẽ dần kéo dài đến đầu. Khi lực căng của cơ vai và cổ cao lên, nó sẽ trở thành một lực rất mạnh kéo cơ mặt xuống.

Tập luyện quá sức: Trái ngược với ở lâu một chỗ, một số người tập thể dục với cường độ quá mức. Bác sĩ Lâm Mạnh Dĩnh chỉ ra rằng việc tập luyện quá sức sẽ ảnh hưởng đến việc điều chỉnh sức căng của các cơ, vì vậy nên tập thể dục điều độ. Cái gì nhiều quá cũng không tốt.

Uống không đủ nước, thói quen ăn uống không lành mạnh: Uống không đủ nước sẽ khiến da và mạc cơ thiếu nước, mất nước. Ăn quá nhiều thực phẩm có hàm lượng muối cao cũng dễ khiến cơ thể mất nước. Thường xuyên ăn đồ nướng, chiên, xào, v.v. sẽ làm tăng các gốc tự do trong cơ thể và đẩy nhanh quá trình lão hóa.

Những thói quen sinh hoạt không tốt: thức khuya, hút thuốc lá, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời mà không dùng kem chống nắng sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa của da và khiến các nếp nhăn xuất hiện sớm hơn. [4]

Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn