Ăn uống đúng cách để bảo vệ cơ thể trong mùa cảm lạnh và cảm cúm

Bệnh cảm lạnh và cảm cúm mang đến gánh nặng lớn hơn những gì chúng ta có thể nghĩ. Ước tính rằng, chỉ riêng bệnh cảm lạnh thông thường đã tiêu tốn 40 tỷ USD mỗi năm do chi phí điều trị, giảm năng suất lao động, và nghỉ làm.

Chúng ta đều biết về những điều cơ bản để giảm sự phơi nhiễm [với mầm bệnh] — rửa tay, tránh chạm vào mặt, và tránh tiếp xúc với người đang bị bệnh. Một số người có thể lựa chọn chích vaccine cúm, tuy nhiên bạn cần biết rằng cách đó không thực sự hiệu quả. Một phân tích độc lập của Cochrane Collaboration về các nghiên cứu vaccine cúm đã phát hiện ra rằng ngay cả dưới điều kiện lý tưởng (vaccine hoàn toàn phù hợp với virus cúm đang lưu hành), có 4% người chưa chủng ngừa và 1% đã chủng ngừa bị nhiễm bệnh. Điều này cho thấy chủng ngừa chỉ đem lại lợi ích nhỏ. Các tác giả ước tính rằng trong các điều kiện thông thường, 100 người cần chích vaccine chỉ để tránh cho một người không bị cúm hoặc bạn có thể phải chích ngừa mỗi năm trong 100 năm để bảo vệ bản thân khỏi một đợt cúm. Điều thú vị là nghiên cứu cho thấy vaccine cúm không tác động đáng kể đến số lượng người nhập viện hoặc số ngày nghỉ làm, và không ngăn được các biến chứng liên quan đến cúm hoặc những trường hợp tử vong hiếm gặp do cúm.

Những người ăn uống lành mạnh không cần phải lo lắng về những tác hại của cúm. Ăn uống đúng cách có thể làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh, cũng như giảm thời gian và mức độ trầm trọng của bệnh. Để hệ miễn dịch hoạt động bình thường, cơ thể cần nhiều chất dinh dưỡng vi lượng và các phytochemical từ các thực phẩm đầy màu sắc có tác dụng kháng khuẩn và tăng khả năng miễn dịch.

1. Nấm

Nấm có một khả năng đặc biệt giúp kích hoạt các hàng rào miễn dịch tự nhiên trong cơ thể. Nấm linh chi và nấm đông cô có tác dụng làm tăng hoạt động của các tế bào tiêu diệt tự nhiên (tế bào NK), tấn công các tế bào ung thư và tế bào nhiễm virus. Các nghiên cứu trên động vật đã chứng minh khả năng chống nhiễm virus cúm của nấm đông cô.

Nhưng may mắn thay, không chỉ các loại nấm lạ mới đem lại lợi ích cho hệ miễn dịch. Ăn nấm mỡ trắng hàng ngày được cho là giúp tăng khả năng phòng vệ miễn dịch ở niêm mạc, chẳng hạn như niêm mạc miệng và đường hô hấp. [Đồng thời] các phytochemical trong loại nấm này cũng làm tăng hoạt tính của các tế bào trình diện kháng nguyên, một loại tế bào miễn dịch khác giúp bảo vệ đường hô hấp.

Cần lưu ý rằng, chỉ nên ăn nấm khi đã nấu chín do một số nấm tươi có chứa chất agaritine độc hại. Việc nấu chín nấm sẽ giúp làm giảm đáng kể thành phần này.

2. Rau cải

Các loại rau họ cải bao gồm cải xoăn, cải rổ, cải bẹ xanh, cải lông, cải xoong, bông cải xanh, bông cải xanh rabe, bắp cải, súp lơ, su hào v.v. thường có vị đắng, cay hoặc hăng do chứa glucosinolate. Khi cắt nhỏ hoặc nhai, glucosinolate sẽ được chuyển thành các chất chống ung thư mạnh, gọi là isothiocyanate (ITC). Ngoài các hiệu quả chống ung thư, ITC cũng trợ giúp hệ miễn dịch và có các đặc tính kháng khuẩn.

Các phytochemical trong rau cải có thể làm tăng hoạt động của interferon — thành phần quan trọng trong phản ứng kháng virus của cơ thể. Để hấp thu tối đa các hợp chất ITC, hãy cắt nhuyễn rau cải, ăn sống và nhai kỹ, [bởi vì] enzyme chuyển glucosinolate thành ITC (gọi là myrosinase) được kích hoạt bằng cách phá vỡ các tế bào thực vật và bị vô hiệu hóa bởi nhiệt. Tuy nhiên, bạn có thể vẫn nhận được các hợp chất ITC từ việc nấu chín rau cải bằng cách: cắt nhuyễn rau cải trước khi nấu và thêm một ít rau cải sống vào bữa ăn. Ví dụ, nếu bạn ăn bông cải xanh đã nấu chín, thêm một ít bắp cải cắt nhỏ vào món salad. Điều này sẽ cung cấp một số enzyme myrosinase để sản xuất thêm ITC từ phần rau cải đã nấu chín. Ngoài ra, vi khuẩn đường ruột cũng chứa enzyme myrosinase, vì vậy có thể tạo ra một lượng nhỏ ITC từ rau cải đã nấu chín.

Ăn uống đúng cách để bảo vệ cơ thể trong mùa cảm lạnh và cảm cúm
(Ảnh: Shutterstock*)

3. Các loại quả mọng

Các loại quả mọng là những thực phẩm chống ung thư và kháng virus mạnh mẽ. Các chất chống oxy hóa — flavonoid, có nhiều trong quả mọng, cũng có hoạt tính chống virus. Trên thực tế, nếu bạn bị cảm, uống nước ép quả mọng chín giàu anthocyanin còn có thể rút ngắn thời gian bị bệnh. Các loại quả mọng và nho cũng rất giàu resveratrol, một loại phytochemical chống oxy hóa khác với hiệu quả kháng virus mạnh mẽ. Resveratrol được chứng minh là giúp ngăn chặn sự nhân lên của virus cúm và các loại virus đường hô hấp khác. Thêm vào đó, dâu tây với hàm lượng vitamin C dồi dào cũng giúp bảo vệ các tế bào miễn dịch khỏi tác hại của quá trình oxy hóa.

Lợi ích của quả mọng không chỉ giới hạn ở việc bảo vệ cơ thể khỏi cảm lạnh và cảm cúm. Các chất chống oxy hóa flavonoid trong quả mọng không những có tác dụng chống oxy hóa mà còn tham gia vào việc truyền tín hiệu bên trong tế bào. Điều này giúp mang lại nhiều lợi ích khác như: kích hoạt các enzyme giải độc tự nhiên, ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư, giảm viêm, và điều hòa huyết áp. Quả mọng (và quả lựu) cũng rất giàu acid ellagic, một hợp chất chống oxy hóa được biết đến với tác dụng ngăn chặn tế bào ung thư và sự phát triển của khối u.

4. Hành tây và tỏi

Không có bằng chứng thuyết phục về việc bổ sung tỏi cho các triệu chứng của cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, ăn tỏi và hành tây mỗi ngày mang lại lợi ích chống ung thư rõ rệt, và giúp hình thành các hàng rào miễn dịch, bao gồm hoạt động của đại thực bào, tế bào T và tế bào NK. Thêm vào đó, một số phytochemical trong hành tây có hoạt tính tiêu diệt các virus hô hấp thông thường. Giống như rau cải, phytochemical trong hành tây và tỏi được sản xuất khi các tế bào thực vật bị phá vỡ, vì vậy tốt nhất là nên ăn sống, cắt nhỏ và nhai kỹ.

5. Các chất bổ sung thích hợp

Vitamin D và kẽm đóng vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch, vì vậy duy trì sự dự trữ đầy đủ các chất dinh dưỡng vi lượng này cũng sẽ giúp bảo vệ cơ thể chống lại cảm lạnh và cúm. Các trẻ em được bổ sung vitamin D trong suốt mùa đông đã giảm sự xuất hiện của cúm so với nhóm dùng giả dược, và bổ sung kẽm thường xuyên giúp làm giảm số trẻ em bị cảm lạnh. Bởi vì vitamin D không có sẵn trong thực phẩm, và kẽm không được hấp thụ nhiều từ thực vật, [do đó] các chất bổ sung chất lượng cao sẽ là một lựa chọn tốt.

Một số điều cần lưu ý khi bị bệnh

Nếu bạn bị cảm lạnh, hãy chú ý một số điều. Có nhiều phương pháp chữa cảm lạnh không hiệu quả, và một số thậm chí có thể kéo dài bệnh. Ví dụ lượng lớn vitamin C không ngăn được cảm lạnh hay giảm các triệu chứng, và các thuốc hạ sốt thực sự cản trở cơ thể chống lại nhiễm trùng. (Trong cuốn sách Super Immunity – Siêu miễn dịch của mình, tôi đã đánh giá một số loại thuốc cảm và cúm thông thường.)

Đừng lo lắng nếu các triệu chứng cảm lạnh kéo dài hơn dự đoán. Trung bình các bệnh nhân báo cáo rằng các triệu chứng cảm lạnh thông thường của họ kéo dài từ một hoặc một tuần rưỡi cho đến hai tuần. Ở trẻ em, đau tai có xu hướng kéo dài từ ít hơn 1 ngày cho đến 9 ngày, đau họng từ 2 đến 7 ngày, ho trên 25 ngày, và cảm lạnh thông thường từ 7 đến 15 ngày. Trong thời gian đó, cơ thể sẽ tự loại bỏ virus. Hãy nhớ rằng, các thuốc không kê toa chỉ che giấu các triệu chứng, và thậm chí có thể làm giảm khả năng chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng đột ngột trở nên tệ hơn, đặc biệt liên quan đến chứng thở gấp, hoặc sốt trên 103℉ (39.4℃) trong ba ngày, thì bạn nên gọi bác sĩ.

Tất nhiên, khi cải thiện cách ăn uống, bạn sẽ ít bị bệnh hơn, và nếu bị bệnh, bạn sẽ hồi phục nhanh hơn. Năm nay, để phòng tránh cảm lạnh và cúm, bạn nên ngủ đủ giấc, tránh đưa tay lên gần mũi hoặc miệng, và ăn uống lành mạnh. Một bữa ăn giàu dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể một loạt các phytochemical giúp tăng khả năng miễn dịch, cũng như bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tim mạch, tiểu đường, và ung thư.

Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Joel Fuhrman
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bác sĩ Joel Fuhrman là bác sĩ gia đình được hội đồng chứng nhận, tác giả sách bán chạy nhất và nhà nghiên cứu dinh dưỡng chuyên về ngăn ngừa và đẩy lùi bệnh tật thông qua các phương pháp dinh dưỡng và tự nhiên. Bài báo này ban đầu được xuất bản trên DrFuhrman.com.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn