Ba loại trà giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi kinh niên

Luôn cảm thấy mệt mỏi, nghỉ ngơi cũng không tốt lên, đây rất có thể là triệu chứng của mệt mỏi kinh niên. Rất nhiều người bị mệt mỏi kinh niên cảm thấy tình trạng thể chất của họ không ổn, nhưng không biết là do nguyên nhân gì.

Không chỉ mệt mỏi mà khả năng miễn dịch cũng suy yếu, cảm lạnh, sưng lợi, loét miệng, dị ứng và các triệu chứng khác trở nên thường xuyên hơn hoặc nghiêm trọng hơn trước. Đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe lại thường được thông báo là “không có vấn đề gì”. Trên thực tế, tình trạng nhiễm trùng đã bắt đầu trong cơ thể.

Mệt mỏi kinh niên nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến các bệnh khác, và thậm chí làm tăng chỉ số ung thư. Nó là kết quả của sự mất cân bằng kéo dài trong cuộc sống, và không phải một sớm một chiều là có thể khôi phục. Tuy nhiên, bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, sử dụng cứu ngải và uống trà dược thiện để điều dưỡng, bạn có thể dần thoát khỏi tình trạng mệt mỏi kinh niên.

Mệt mỏi kinh niên là phản ánh của tình trạng viêm trong cơ thể

Nếu cơ thể chúng ta thường xuyên làm việc quá sức, kéo dài thời gian thì sẽ sưng đau. Thường xuyên mệt mỏi, kỳ thực là phản ánh rằng cơ thể đang trong tình trạng bị viêm nhiễm kinh niên.

Mệt mỏi kinh niên kéo dài hơn 6 tháng là khó có thể thuyên giảm bằng cách nghỉ ngơi bình thường. Giới y học định nghĩa nó là “hội chứng mệt mỏi kinh niên”.

Đồng thời với tình trạng mệt mỏi kinh niên còn dễ xuất hiện các bệnh như tăng cholesterol, nổi mề đay, mẩn ngứa v.v. thậm chí khi cơ thể suy nhược và mệt mỏi đến một mức độ nhất định, sẽ có thể xuất hiện tình trạng chỉ số ung thư khá cao. Lúc này, nếu dạ dày của người bệnh tương đối yếu thì có thể bị viêm dạ dày và chỉ số ung thư cao, nếu đường ruột yếu thì có thể bị viêm ruột, chỉ số ung thư cũng khá cao.

Nguyên nhân của mệt mỏi kinh niên rất có thể là do thiếu ngủ

Tâm trạng không tốt, chế độ ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi không tốt, tất cả đều có thể gây ra tình trạng mệt mỏi kinh niên. Tuy nhiên, có lẽ nguyên nhân rõ ràng nhất của tình trạng mệt mỏi kinh niên là do thiếu ngủ.

Các phòng khám ngoại trú phát hiện 80% bệnh nhân mệt mỏi kinh niên đều là ngủ không đủ giấc. Thời gian ngủ tốt cho sức khỏe là từ 11 giờ đêm đến 3 giờ sáng, trong khoảng thời gian này, con người phải ở trong trạng thái ngủ. Ngay cả khi không thể chìm vào giấc ngủ lúc 11 giờ, thì cũng đừng muộn hơn 12 giờ.

Người hiện đại vì bận rộn với công việc và gia đình nên rất nhiều người đi ngủ sau 12 giờ đêm, sáng dậy sớm đi làm hoặc chăm con; có người hôm nay ngủ ít, mai lại ngủ bù, tình trạng cứ lặp đi lặp lại như vậy. Trường kỳ như thế sẽ gây hại cho cơ thể. Rất nhiều người mắc các bệnh kinh niên cũng có vấn đề về thiếu ngủ.

Cứu ngải bổ khí huyết, điều dưỡng thể chất bị mệt mỏi kinh niên

Những người bị mệt mỏi kinh niên có thể dùng phương pháp cứu ngải để phục hồi sức khỏe tại nhà. [“Cứu ngải” là phương pháp đốt dược liệu là lá ngải cứu khô để thực hiện xông, tức dùng sức nóng tác động lên huyệt để kích thích, tạo nên phản ứng của cơ thể giúp phòng và điều trị bệnh].

Ba loại trà giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi kinh niên
Cứu ngải có thể điều trị chứng mệt mỏi kinh niên và có thể thực hiện tại nhà. Ảnh chụp ngải cứu tại huyệt Bách Hội, huyệt Đản Trung, huyệt Khí Hải, huyệt Quan Nguyên, huyệt Túc Tam Lý. (Ảnh: Trung Y đàm cổ luận kim thoại)
  • Cứu ngải tại huyệt Bách Hội

Vị trí: Tại giao điểm của đường giữa đỉnh đầu và đường nối hai đầu tai.

Huyệt Bách Hội có tác dụng nâng khí, khai khiếu tỉnh não, có thể cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ do thiếu khí và tuần hoàn kém ở đầu.

Khi thực hiện cứu ngải trên huyệt Bách Hội cần giữ khoảng cách với tóc, khi da đầu cảm nhận được nhiệt độ thì lấy ra, sau đó lại lặp lại như vậy.

  • Cứu ngải tại huyệt Đản Trung

Vị trí: Ở phần ngực, giữa hai vú.

Cứu ngải ở huyệt Đản Trung cũng có tác dụng đề thăng khí. Huyệt Đản Trung là “hung trung chi hải” (biển trong lồng ngực), khí trong ngực sẽ tụ về đây. Tình trạng mệt mỏi kinh niên như tức ngực và rối loạn hệ thần kinh tự chủ sẽ có thể được cải thiện bằng cách cứu ngải ở huyệt Đản Trung.

  • Cứu ngải tại huyệt Khí Hải và huyệt Quan Nguyên

Vị trí: Huyệt Khí Hải nằm dưới rốn hai ngón tay ngang, huyệt Quan Nguyên nằm dưới rốn bốn ngón tay ngang.

Khí Hải và Quan Nguyên, một huyệt có tác dụng bổ khí, một huyệt ôn dương. Cứu ngải với nhiệt độ vừa phải tại hai huyệt này có thể giúp khí huyết tuần hoàn thông suốt toàn thân.

  • Cứu ngải tại huyệt Túc Tam Lý

Vị trí: Dưới đầu gối ba tấc, cách khoảng bốn ngón tay ngang có một chỗ lõm.

Kích thích huyệt Túc Tam Lý có tác dụng đề thăng khí rất mạnh, có thể điều trị chứng mệt mỏi kinh niên liên quan đến tỳ vị suy yếu (lá lách và dạ dày).

Người xưa sử dụng phương pháp cứu ngải tại huyệt Túc Tam Lý sẽ làm đến mức có một vết thương nhẹ, để huyệt này quanh năm không bị khô thì mới có thể đạt được hiệu quả dưỡng sinh tốt. Người hiện đại có thể không dễ dàng tiếp nhận phương thức này, vậy cứu ngải ở nhiệt độ vừa phải là được.

3 loại trà giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi kinh niên

Ba loại trà sau đây có thể cải thiện tình trạng mệt mỏi kinh niên trong các tình huống khác nhau:

  1. Trà hoa

Thành phần: Cúc la mã, hoa nhài, hoa hồng, có thể thêm một chút mật ong.

Bản thân trà hoa có tác dụng giải uất ức, sảng khoái não bộ và cải thiện tâm trạng. Hơn nữa, trà thảo mộc có thể tiêu sưng, thông dạ dày và loại bỏ các chất gây nhiễm trùng trong cơ thể.

Hoa hồng có tác dụng phá khí. Những người ngồi lâu, ít vận động uống trà hoa hồng sẽ cảm thấy ngực thông suốt, đại tiện dễ dàng hơn. Hoa nhài có tác dụng cải thiện nhu động đường tiêu hóa, hoa cúc la mã có tác dụng chống trầm cảm và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Người tiêu hóa kém có thể cho ít hoa hồng và nhiều hoa cúc, hoa nhài.

  1. Trà Long nhãn Đương quy Đẳng sâm

Thành phần: Long nhãn, Đương quy, Đẳng sâm.

Loại trà này có thể cải thiện chứng mệt mỏi kinh niên do khí huyết hư, đồng thời cải thiện tuần hoàn não.

Đương quy bổ huyết, Đẳng sâm bổ khí, Long nhãn thiên về bổ ôn Những người ngủ không tốt, hay mơ mộng có thể cho thêm một chút long nhãn để dưỡng tâm an thần.

  1. Trà vừng hạch đào

Thành phần: Bột vừng, hạch đào (quả óc chó), sữa bò.

Những người thận yếu có thể dùng thức uống này để bồi bổ. Hạch đào giúp tăng cường sinh lực cho não, vừng bổ thận, sữa chứa tryptophan có thể giúp ngủ ngon.

Bệnh nhân thường khó xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi kinh niên của mình, cách tốt nhất là tìm bác sĩ Trung Y chẩn đoán trước, sau đó mới chọn loại trà phù hợp để điều dưỡng.

Những người bị mệt mỏi kinh niên, ngoài việc dùng thuốc và cứu ngải thì việc điều chỉnh thói quen ngủ nghỉ và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng là rất quan trọng. Vì mệt mỏi kinh niên không phải sinh ra trong thời gian ngắn, vậy nên trong quá trình hồi phục cần kiên nhẫn để cơ thể từ trạng thái mất cân bằng trở về trạng thái bình thường.

Tác giả: Bác sĩ Trung y Trần Tuấn Như (Chen Junru)
Mạt Lê biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn