Bạn đã sẵn sàng ngừng coi mình là một nạn nhân chưa?

Sẽ không có gì là tốt đẹp khi bạn cứ sống như một nạn nhân hoặc với một nạn nhân, nhưng với nhận thức đúng đắn, mong muốn thay đổi và những thói quen mới, bạn có thể thoát khỏi tâm lý đau khổ này.

Theo từ điển của Webster, nạn nhân là một người bị tấn công, bị thương tích, bị cướp bóc, bị giết hại, bị lừa dối hoặc phải chịu tổn hại bởi một sự cố bất hảo.

Mọi người đều đã trải qua cảm giác bị tấn công, bị thương, bị lừa gạt và bị tổn hại trong suốt cuộc đời — nếu không phải về mặt thể chất thì cũng về mặt tình cảm. Trong từng khoảnh khắc, tất cả chúng ta đều là nạn nhân của những thử thách và khó khăn — Cuộc sống chính là thế!

Việc thừa nhận những trải nghiệm cùng với sự đau khổ và cảm giác bất lực là một [phản ứng] tâm lý lành mạnh. Nhưng có những người luôn cảm thấy mình là nạn nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Những người có tâm lý nạn nhân sẽ luôn luôn trở thành nạn nhân, ít nhất là trong tâm trí của họ. Họ sống kiên định với danh hiệu nạn nhân và vĩnh viễn nhìn cuộc đời qua lăng kính của một nạn nhân.

Tất cả chúng ta đều biết rằng có những người dường như thường xuyên than vãn về một số điều bất công xảy đến với họ. Đó có thể là cách những người khác từ chối những gì họ cần, mong muốn và xứng đáng, kiểm soát và bắt họ làm những gì họ không muốn. Hoặc cách mà cuộc sống đang chống lại họ, cũng như cả vũ trụ sinh ra chỉ để trừng phạt riêng họ vậy. Có lẽ bản thân bạn đôi khi cũng đã trải nghiệm cuộc sống theo cách tương tự.

Cảm giác bản thân là nạn nhân của cuộc sống hoặc yêu một người tin rằng họ là nạn nhân của cuộc sống là điều không hề dễ dàng. Cả hai đều mang lại nỗi đau đớn. Lấy ví dụ như:

Trường hợp 1

Cô Mary và chồng, anh Phil chuẩn bị đi nghỉ dưỡng. Cô đã đặt trước tất cả các dịch vụ và bảo chồng gọi điện xác nhận thời gian đón của taxi. Buổi sáng chuẩn bị ra phi trường, anh Phil (đã biết trước thời gian bay) thờ ơ nói rằng thời gian hẹn đón của taxi như thế sẽ không kịp cho chuyến bay. Khi cô hỏi rằng anh có thay đổi thời gian đón hay không, anh trả lời rằng đó là do cô chắc chắn đã đặt taxi quá muộn, theo ghi nhận của công ty.

Cô Mary cảm thấy thất vọng, bối rối và tức giận. Đáp lại, cô quyết định không làm gì để thay đổi thời gian đón, thay vào đó, cô bối rối trong cơn thịnh nộ và giận dữ với chồng. Cô dành ba tiếng còn lại trước khi chiếc xe đến để tạo dựng một câu chuyện về nạn nhân, trong đó anh Phil đang kiểm soát cô và đánh cắp kỳ nghỉ mà cô đã đặt trước, đã trả tiền và xứng đáng được hưởng. Theo cô, quyết định không đổi thời gian đón của anh Phil đã khiến cô cảm thấy bất lực trong việc đạt được thứ mình muốn. Cô quyết định vẫn giữ nguyên thời gian đón của taxi, cũng như khả năng sẽ bị nhỡ chuyến bay và kỳ nghỉ — để giữ đúng danh hiệu nạn nhân và chứng minh rằng chồng cô chính là người đã phá hủy hạnh phúc của cô.

Trường hợp 2

Câu chuyện của Peter là anh ấy luôn bị điều khiển bởi những yêu cầu của người khác và không bao giờ quyết định được cuộc sống của mình. Một buổi sáng gần đây, cô con gái đang trong lứa tuổi trưởng thành của anh cảm thấy lạnh khi ở trong nhà (lúc này đang mặc áo phông) và hỏi Peter xem liệu anh có biết cách nào để tăng nhiệt độ hay không vì hình như máy sưởi đang có vấn đề. Điều này khiến anh Peter rơi vào tâm lý nạn nhân hoàn toàn và kèm theo đó là cơn thịnh nộ.

Anh chắc chắn rằng anh đang bị con gái cố ý điều khiển và phải dành cả ngày để tìm cách sửa hệ thống sưởi để cô con gái không còn cảm thấy khó chịu. Anh tin chắc rằng nếu anh không ngay lập tức giải quyết, anh sẽ bị trừng phạt, đổ lỗi và phải chịu trách nhiệm cho vấn đề của con gái.

Anh nhìn nhận bản thân giống như một nạn nhân cho những nhu cầu của cô và không có bất kỳ tiếng nói nào đối với cuộc sống của chính mình. Mới ngày hôm trước, anh đã đấu tranh với con gái về việc anh phải dọn phòng cho cô vì cô không tự làm việc đó, và sự thật rằng cô là một người vô ơn. Cô trả lời rằng cô không cần quan tâm xem phòng của mình có sạch sẽ hay không: Đó là lý do vì sao cô ấy không dọn phòng và nếu anh ấy dọn phòng cho cô thì có nghĩa là anh ấy đang làm cho chính mình chứ không phải cho cô. Anh Peter hét lên: “Tôi phải làm mọi thứ cho mọi người trong nhà trong khi mọi người lại được làm những thứ mà mình muốn.”

Trường hợp 3

Cô Lisa đã phải làm việc không có ngày nghỉ trong một tháng trời, một phần là do sự lựa chọn của cô và một phần là do đang vào thời điểm bận rộn của công ty. Cuối cùng, ngày nghỉ mong chờ của cô cũng đến, nhưng lại chào đón cô bằng cơn mưa rào trên mái nhà khi cô thức giấc. Lisa đã dành hai giờ đầu tiên của ngày rảnh rỗi đầu tiên trong một tháng để tự hành hạ bản thân với những ý nghĩ về việc Chúa luôn trừng phạt cô và cả vũ trụ này đang chống lại cô. Tất cả những gì cô muốn là bước ra khỏi chiếc chăn và đi ra ngoài kia. Liệu cô có đang đòi hỏi quá nhiều không? Hiển nhiên là vậy.

Chúng ta đã bỏ qua điều gì?

Đối với cô Mary, người sắp bị lỡ chuyến bay, tâm lý nạn nhân bắt nguồn từ việc không có khả năng hoặc không sẵn sàng làm chủ những mong muốn và nhu cầu của bản thân. Bất chấp sự lựa chọn tồi tệ của chồng, cô vẫn muốn kịp giờ để lên phi cơ. Cô muốn cảm thấy thư thái trên đường đến phi trường. Cô muốn có một kỳ nghỉ, cũng như một người chồng bảo đảm thời gian đưa đón theo ý muốn của mình. Ba trong số bốn mong muốn này đã có thể thực hiện được và một mong muốn thì không. Nhưng thay vì cố gắng để đạt được những điều mong muốn, chỉ đơn giản bằng cách nhấc điện thoại và thay đổi thời gian đón của taxi thì cô lại dùng sức lực để tranh đấu (trong suy nghĩ của riêng mình) với chồng về lý do vì sao anh lại hành động như vậy, và vì sao anh lại lấy đi kỳ nghỉ của cô.

Trong trường hợp của anh Peter, người phải bỏ tất cả mọi thứ để sửa lại hệ thống sưởi và dọn dẹp phòng cho cô con gái mới lớn vì cô không tự làm điều đó, tâm lý nạn nhân xuất phát từ cảm giác bất lực không liên quan đến tình huống hiện tại. Một số người giống như anh Peter ban đầu cảm thấy bất lực và sau đó áp đặt lên người khác khiến họ trở thành người cố ý làm mất quyền lực của anh. Anh ấy thiếu khả năng chịu đựng sự khó chịu của con gái và không cảm thấy có trách nhiệm phải sửa chữa. Vậy, anh Peter đã bỏ qua điều gì? đó là sự nhận thức hoặc nhu cầu tìm hiểu về căn nguyên của sự bất lực thực sự, vốn đã có trước khi anh tạo ra câu chuyện về người đang kiểm soát anh vào lúc này. Và, tương tự như cô Mary, anh thiếu khả năng tôn trọng và chịu trách nhiệm về nhu cầu và mong muốn của bản thân, bao gồm cả việc không muốn dành cả ngày để sửa chữa hệ thống sưởi.

Trong trường hợp của cô Lisa, tâm lý nạn nhân là một loại tự ái tiêu cực — tức là cô có niềm tin rằng vũ trụ (và hành vi của người khác) xoay quanh mình. Mọi thứ xảy ra đều dành cho cô, cũng như chống lại (đa số là chống lại) và liên quan đến cô. Và cô cũng tin rằng Chúa và những người khác, có chung mục đích chính là trừng phạt cô.

Làm thế nào để thoát khỏi tâm lý nạn nhân

  1. Làm chủ và chịu trách nhiệm về nhu cầu và mong muốn của bản thân. Hãy xác định những điều bạn muốn và những điều quan trọng đối với bạn. Sau đó, gọi tên và làm những gì cần thiết làm để biến những nhu cầu và mong muốn thành hiện thực — cho chính bạn. Đừng lãng phí thời gian để đổ lỗi hoặc tức giận với những người không muốn hoặc không cần những thứ giống như bạn, đừng đợi họ chung tay hoặc giúp bạn đạt được điều bạn muốn. Thay vì tập trung vào người khác, hãy để những điều thực sự quan trọng trở thành mối bận tâm của bạn.
  2. Thực hành việc nói “không”. Nếu bạn không muốn làm điều gì đó và không (thực sự bắt buộc) phải làm điều đó, hãy từ chối. Hãy nhớ rằng bạn được phép có nhu cầu, giống như những người khác.
  3. Ngừng đổ lỗi. Khi bạn nghe thấy chính mình đang đổ lỗi, cho dù với người khác, thế giới, cuộc sống, bất kỳ ai… thì hãy nói to câu “dừng lại” với bản thân và thực sự chuyển sự chú ý ra khỏi những suy nghĩ đổ lỗi đó.
  4. Nhận ra nguồn gốc của cảm giác bất lực. Trước khi bạn tạo dựng câu chuyện tiếp theo về người đang đánh cắp quyền lực của bạn, bạn nên tìm hiểu về cảm giác bất lực tiềm ẩn trước mọi tình huống của mình.
  5. Đối xử tử tế với chính mình. Khi bạn đổ lỗi cho vũ trụ và cuộc sống về nỗi đau khổ của mình thì có nghĩa là bạn đang không thực sự chú ý đến nỗi đau hoặc muốn giúp bản thân cảm thấy tốt hơn. Bằng cách khẳng định vị trí nạn nhân, bạn đang gia tăng nỗi đau của chính mình. Với vai trò là nạn nhân trong cuộc chơi, bạn không chỉ thống khổ vì bất cứ điều gì đã xảy ra, mà giờ đây bạn còn đau đớn hơn khi không nhận được những gì người khác nhận được, bởi vì bạn bị nguyền rủa, cuộc sống và tất cả mọi người trên thế giới không bao dung bạn và về cơ bản cả vũ trụ này đều ghét bạn. (Như vậy bạn có cảm thấy tốt hơn không?)
  6. Giúp đỡ người khác. Khi bạn ở trong tâm lý nạn nhân, cả thế giới đều hướng về bạn và nỗi đau của bạn. Bạn nên nhìn nhận nỗi đau qua lăng kính của lòng tốt và sau đó hãy xem xét, tìm cách để giúp đỡ người khác. Ngược lại, nếu bạn càng cảm thấy bị bất công, bạn càng cần phải cho đi nhiều hơn. Đối xử với mọi người bằng lòng tốt chính là liều thuốc giải tốt nhất cho tình trạng “Sao tôi lại khổ thế này.”
  7. Thực hành lòng biết ơn. Tâm lý nạn nhân nhấn chìm bạn trong nỗi đau khổ, nhất là đối với những gì bạn không có được. Hãy thử xoay chuyển góc nhìn và tập trung vào điều quan trọng đối với bạn, điều mà bạn thực sự cảm thấy thích thú và thực sự “có được.” Hãy chuyển sự chú ý của bạn từ những gì bạn thiếu sang những gì bạn có.
  8. Lập danh sách những cách bạn có thể làm để thay đổi tình huống tồi tệ. Khi ở trong cảm giác giống như một nạn nhân, bạn sẽ tự thuyết phục rằng bản thân không thể làm gì để thay đổi hoàn cảnh, nhưng điều đó hầu như không bao giờ đúng. Hãy tập trung vào cách bạn có thể cố gắng và cải thiện hoàn cảnh, ngay cả khi cảm thấy điều đó là không thể.
  9. Lắng nghe với sự đồng cảm. Khi nghe người khác thổ lộ tâm tình, hãy thử chú ý lắng nghe để cảm nhận tiếng nói từ trái tim của họ. Ngừng tập trung vào những suy nghĩ hay những điều bạn cần làm về những gì họ đang nói, hoặc bất kỳ điều gì khác liên quan đến bạn. Hãy lắng nghe như thể bạn chỉ là đôi tai đang nghe và không làm bất kỳ điều gì khác ngoài lắng nghe.
  10. Thực hành sự tha thứ. Khi đóng vai là nạn nhân, bạn đã quyết định giữ lấy sự đắng cay, tức giận cho riêng mình và bạn chắc chắn rằng bạn đã làm sai — mà thường không cần suy xét về ý định của người khác. Thay vì tự đầu độc bản thân bằng những suy nghĩ bực bội, bạn hãy thử đối xử với người khác bằng lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu. Hãy bắt đầu một thói quen mới: thực hành buông bỏ nỗi oán hận và cố gắng tha thứ mỗi ngày.

Sẽ không có gì là tốt đẹp khi bạn cứ sống như một nạn nhân hoặc với một nạn nhân, nhưng với nhận thức đúng đắn, mong muốn thay đổi và sự tạo lập những thói quen mới, bạn có thể thoát khỏi tâm lý đau khổ này. Khi chịu tổn hại, một người sống với lòng biết ơn và lòng nhân ái sẽ tốt hơn nhiều so với người sống trong sự oán giận và cay đắng. Mỗi người trong chúng ta đều có năng lực cũng như khả năng kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ và hành động, vì vậy tất cả những gì bạn cần là một thái độ mới và hành vi mới. Bước đầu tiên chỉ đơn giản rằng: Bạn đã quyết định sẵn sàng ngừng trở thành nạn nhân chưa?

Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Nancy Colier
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Nancy Colier là nhà trị liệu tâm lý, công sứ của những người có tín ngưỡng khác nhau, diễn giả cộng đồng, nhà dẫn dắt hội thảo, và tác giả của cuốn sách “Can’t Stop Thinking: How to Let Go of Anxiety and Free Yourself from Obsessive Rumination” (Tạm dịch: Không thể ngừng Suy tư: Làm thế nào để buông bỏ lo lắng và Giải thoát bản thân khỏi tin đồn ám ảnh) và cuốn “The Power of Off: The Mindful Way to Stay Sane in a Virtual World.” (Tạm dịch: Sức mạnh của sự buông bỏ: Cách tỉnh táo để giữ vững lý trí trong một thế giới ảo.) Để biết thêm thông tin, xin mời truy cập trang NancyColier.com
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn