Bạn không thể nghe rõ? Các thiết bị nhỏ xíu sẽ giúp bạn 

Nhiều người dần dần bị mất thính lực theo tuổi tác. Tình trạng này có thể dẫn đến khó khăn trong giao tiếp, từ đó ảnh hưởng đến các mối quan hệ, tình cảm và hiệu quả công việc.

Tuy nhiên, một thiết bị nhỏ xíu là máy trợ thính có thể hữu ích. Các thiết bị điện tử này được đeo ở bên trong hoặc sau tai, có chức năng khuếch đại âm thanh. Gần 29 triệu người trưởng thành có thể được hưởng lợi từ máy trợ thính, nhưng chỉ 1/4 trong số họ đã từng sử dụng máy trợ thính.

Khám tai-mũi-họng có thể tim được lý do thực thể khiến bạn không nghe thấy. Vì vậy bạn nên bắt đầu bằng cách nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc chính của mình hoặc với bác sĩ tai mũi họng.

Bác sĩ có thể tìm kiếm nguyên nhân gây mất thính lực, chẳng hạn như ráy tai, nhiễm trùng, chấn thương, v.v. Ngoài ra, bác sĩ có thể thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia thính học để kiểm tra thính lực nhằm chẩn đoán được loại và mức độ mất thính lực. 

Nếu nguyên nhân là do ráy tai hoặc nhiễm trùng tai, thì tình trạng mất thính lực có thể chỉ là tạm thời. Các nguyên nhân khác, chẳng hạn như tổn thương dây thần kinh, có thể dẫn đến mất thính lực vĩnh viễn. Tổn thương dây thần kinh có thể do tiếng ồn lớn, tác dụng phụ của một số loại thuốc, v.v. Máy trợ thính có thể hữu ích trong những trường hợp này.

Một số người không muốn thử máy trợ thính vì họ ngại đeo trước mặt người khác. Tiến sĩ Kelly King, chuyên gia sức khỏe thính giác của NIH cho biết: “Mất thính lực dễ dàng nhận thấy hơn nhiều so với máy trợ thính. Sự khó khăn trong công việc do tình trạng mất thính lực, và những sai lầm mà họ thỉnh thoảng mắc phải khi giao tiếp khiến việc mất thính giác còn dễ nhận thấy hơn là dùng máy trợ thính.”

Thời nay, những tiến bộ trong công nghệ đang làm cho máy trợ thính ít được quan sát thấy hơn. Tiến sĩ King nói: “Một trong những thay đổi lớn nhất diễn ra trong 15 năm qua là kích thước của các thiết bị này đã giảm đáng kể. Một số có thể ẩn bên trong ống tai, một số khác được đeo bên ngoài tai.

Việc lựa chọn thiết bị tốt nhất sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như chi phí, tính năng và mức độ suy giảm thính lực của bạn. Máy trợ thính thời nay cung cấp nhiều tính năng khác nhau. Ví dụ: một số có thể kết nối với điện thoại di động, TV và các thiết bị khác bằng công nghệ Bluetooth. Điều đó có nghĩa là bạn có thể nói chuyện trên điện thoại và phát nhạc trực tiếp đến loa trong máy trợ thính mà không cần dây.

Nhưng bạn cần hiểu rằng máy trợ thính không thể phục hồi thính giác theo cách mà kính đọc sách điều chỉnh thị lực. Thay vào đó, máy trợ thính có thể giúp bạn tận dụng tối đa khả năng nghe còn lại bằng cách tạo ra âm thanh to hơn. Nếu đã lâu rồi bạn chưa nghe thấy âm thanh nhẹ nhàng từ giọng nói, thì bộ não có thể cần thời gian để học lại và dịch những âm thanh đó cho bạn.

Bạn có cần kiểm tra thính lực không?

Nếu bạn trả lời có cho một số câu hỏi trong số này, bạn có thể cần kiểm tra thính lực:

  • Bạn có khó khăn trong việc nghe hoặc hiểu người khác không?
  • Bạn có cảm thấy tuyệt vọng khi cố gắng lắng nghe mọi thứ?
  • Mọi người có bực bội vì họ cần lặp lại những gì họ nói với bạn không?
  • Bạn có bật TV hoặc radio to hơn những người xung quanh bạn không?
  • Bạn có gặp khó khăn khi nghe những gì mọi người đang nói trong nhà hàng hoặc tại các bộ phim không?
  • Cuộc sống xã hội, trường học hoặc công việc có bị giới hạn bởi vấn đề về thính giác của bạn không?

Tài liệu tham khảo

The Effects of Service-Delivery Model and Purchase Price on Hearing-Aid Outcomes in Older Adults: A Randomized Double-Blind Placebo-Controlled Clinical Trial. Humes LE, Rogers SE, Quigley TM, Main AK, Kinney DL, Herring C. Am J Audiol. 2017 Mar 1;26(1):53-79. doi: 10.1044/2017_AJA-16-0111. PMID: 28252160.

Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

National Institutes of Health
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Viện Y tế Quốc gia (NIH) là cơ quan nghiên cứu y sinh lớn nhất thế giới, thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn