Báo cáo: ‘Mối liên quan chặt chẽ’ giữa béo phì và bệnh tự miễn

“Bằng chứng dịch tễ học thuyết phục” đã cho thấy “mối liên quan chặt chẽ” giữa tình trạng béo phì hoặc thừa cân với nguy cơ phát triển các bệnh tự miễn như bệnh tiểu đường loại 1 và xơ cứng rải rác.

“Theo quan điểm của miễn dịch học, các cơ chế tế bào và phân tử của mối liên quan này bao gồm sự kích thích quá mức tế bào lympho T bằng các con đường cảm nhận dưỡng chất và năng lượng,” theo một ấn phẩm ngày 30/03 trên tập san “Science” của Tiến sĩ Giuseppe Matarese, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Naples Federico II ở Naples, Ý.

Tế bào lympho T là thành phần chính của hệ miễn dịch chủ động.

Mô mỡ, còn được gọi là mỡ cơ thể, là một cơ quan hoạt động miễn dịch có ảnh hưởng đến các phản ứng miễn dịch toàn thân thông qua việc sản xuất adipocytokine. Ông Matarese viết: “Đổi lại, các tế bào miễn dịch ảnh hưởng đến cân bằng nội môi tế bào mỡ và chuyển hóa thông qua việc sản xuất các cytokine tiền viêm và chống viêm.”

“Tôi cho rằng tải lượng chuyển hóa — do dưỡng chất, yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc từ tế bào mỡ và adipocytokine — gây ra — có thể là tác nhân của các rối loạn tự miễn ở những người ăn uống theo kiểu Tây phương dẫn đến béo phì.”

Viêm khớp dạng thấp, viêm ruột, xơ cứng rải rác, tiểu đường loại 1, vẩy nến và xơ cứng bì hệ thống là các bệnh tự miễn— một rối loạn được đặc trưng bởi tình trạng hệ miễn dịch hoạt động quá yếu hoặc quá mức một cách bất thường.

Béo phì vẫn là yếu tố nguy cơ của các tình trạng tự miễn như bệnh xơ cứng rải rác và tiểu đường loại 1 (T1D), như ông Matarese cho biết. Trong số các yếu tố lối sống làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ cứng rải rác, chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức cao là một trong số đó.

Ông trích dẫn các nghiên cứu ở những người trẻ tuổi bị béo phì cho thấy nguy cơ phát triển bệnh xơ cứng rải rác tăng từ 1.6 đến 1.9 lần trong thời niên thiếu và thanh niên.

“Tương tự như vậy, chỉ số BMI ở mức cao khi sinh có liên quan đến tăng khả năng mắc bệnh T1D ở trẻ em. Thật vậy, tỷ lệ mắc bệnh T1D tăng gần như tuyến tính với cân nặng khi sinh (tỷ lệ mắc bệnh tăng 1.7% với 100g cân nặng khi sinh tăng lên).”

Để kiểm soát phản ứng tự miễn của cơ thể, ông Matarese gợi ý các biện pháp can thiệp hành vi bao gồm hạn chế lượng calorie nạp vào cũng như thực hành phương pháp nhịn ăn. Ông cũng đưa ra phương pháp dùng thuốc có tác dụng tương tự việc nhịn ăn.

Tình trạng béo phì ở Hoa Kỳ

Theo Khảo sát Kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia được thực hiện tại Hoa Kỳ từ năm 2017 đến tháng 03/2020, tỷ lệ béo phì ở nước này là 41.9%. Con số này là 30.5% từ năm 1999 đến năm 2000. Trong thời gian này, tỷ lệ béo phì nghiêm trọng tăng gần gấp đôi từ 4.7% lên 9.2%.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính tỷ lệ béo phì cao nhất gặp ở người trưởng thành từ 40 đến 59 tuổi, chiếm 44.3% nhân khẩu học của nhóm này. Tiếp theo là người trưởng thành từ 60 tuổi trở lên với tỷ lệ là 41.5% và người trưởng thành từ 20 đến 39 tuổi với tỷ lệ là 39.8%.

Về mặt chủng tộc, người trưởng thành da đen không phải gốc Tây Ban Nha có tỷ lệ béo phì điều chỉnh theo độ tuổi cao nhất là 49.9%, tiếp theo là người trưởng thành gốc Tây Ban Nha với tỷ lệ là 45.6% và người trưởng thành da trắng không phải gốc Tây Ban Nha với tỷ lệ là 41.4%. Người trưởng thành gốc Á không phải gốc Tây Ban Nha có tỷ lệ béo phì thấp nhất, chỉ 16.1%.

Một nghiên cứu vào tháng 03/2021 được công bố trên tập san PLOS cho thấy béo phì có liên quan đến chi phí y tế hàng năm vượt quá 1,861 USD cho mỗi người trưởng thành. Con số này chuyển thành 172.74 tỷ USD chi tiêu hàng năm bổ sung trong nước.

Xử lý thực phẩm gây béo phì

Thực phẩm chiên rán là một yếu tố góp phần gây ra tình trạng béo phì. Khi một món được chiên, nó sẽ mất đi hàm lượng nước và hấp thụ nhiều chất béo hơn. Tiêu thụ những thực phẩm này sẽ khiến bạn hấp thụ nhiều calorie hơn.

Ngoài ra, đồ chiên rán cũng có thể làm tăng mức cholesterol. Nó có thể chứa chất béo chuyển hóa làm thay đổi cấu trúc hóa học của chất béo và khiến cơ thể khó phân hủy những chất này.

Việc thêm bơ vào thức ăn cũng là một lựa chọn rủi ro làm tăng trọng lượng cơ thể. Một muỗng canh bơ có thể chứa khoảng 102 calorie.

Các loại thịt đã qua chế biến được xử lý và ướp muối có xu hướng chứa nhiều chất béo bão hòa và calorie hơn. Kẹo và đồ uống có đường cũng làm tăng trọng lượng cơ thể nếu tiêu thụ quá nhiều.

Vào tháng 5 năm ngoái, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Baptist Hồng Kông đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy cách hiệu quả nhất để đối phó với bệnh béo phì đơn giản là giảm lượng thức ăn tiêu thụ vào.

Việc ức chế protease thủy phân có tên là MT1-MMP có thể giúp tăng cảm giác no của cơ thể, từ đó giúp mọi người ăn ít hơn và giảm cân. Protease thủy phân đề cập đến một nhóm các enzyme. Các nhà khoa học kết luận rằng các loại thuốc nhắm vào MT1-MMP có thể là phương pháp điều trị bệnh béo phì hiệu quả.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Naveen Athrappully
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn