Bệnh Parkinson đã trở thành đại dịch

Bệnh Parkinson là một rối loạn hiếm gặp trong phần lớn lịch sử loài người. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa dân số già và các sản phẩm phụ của quá trình công nghiệp hóa có thể đã tạo ra đại dịch Parkinson, theo một tổng quan y văn năm 2018 trên Tập san Bệnh Parkinson.

Vào năm 2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã báo cáo rằng tình trạng tàn tật và tử vong do bệnh Parkinson đang gia tăng nhanh hơn bất kỳ chứng rối loạn thần kinh nào khác, kể cả bệnh Alzheimer.

Parkinson đã trở thành một ‘đại dịch’

Năm 1817, Tiến sĩ James Parkinson lần đầu tiên mô tả tình trạng này ở London. Khi đó, bệnh này rất hiếm và ông chỉ tìm thấy sáu bệnh nhân.

Tuy nhiên, 200 năm sau, vào năm 2015, hơn 6 triệu người đã sống chung với căn bệnh này. Hơn nữa, các phát hiện chỉ ra rằng số người bị bệnh Parkinson được dự đoán sẽ tăng gấp đôi từ 6 triệu vào năm 2015 lên hơn 12 triệu vào năm 2040, chủ yếu là do tuổi tác.

Theo nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu, rối loạn thần kinh hiện là nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật trên toàn thế giới. Bệnh Parkinson là bệnh phát triển nhanh nhất trong số này về tỷ lệ phổ biến, tàn tật và tử vong.

Tổng quan y văn năm 2018 nói trên cho thấy bệnh Parkinson, mặc dù không lây nhiễm, nhưng lại có những đặc điểm xác định đây là bệnh mang tính “đại dịch.”

Tại Hoa Kỳ, trước đây người ta cho rằng có khoảng 60,000 ca bệnh được chẩn đoán hàng năm, nhưng một nghiên cứu mới trên Tập san NPJ Parkinson cho thấy tỷ lệ bị bệnh thực sự cao hơn 50% so với ước tính trước đây.

Bên cạnh tỷ lệ chẩn đoán và tỷ lệ bị bệnh ngày càng tăng mạnh, bệnh Parkinson còn có những điểm khác tương đồng như một căn bệnh đại dịch.

Giống như một căn bệnh đại dịch, Parkinson lan rộng trên các khu vực địa lý rộng lớn. Parkinson đang gia tăng ở khắp mọi nơi nhưng dường như đang thay đổi để đáp ứng với sự già hóa dân số và những thay đổi trong công nghiệp hóa.

Năm 2017, bệnh Parkinson khiến Hoa Kỳ tiêu tốn khoảng 52 tỷ USD và con số đó được dự đoán sẽ tăng lên gần 80 tỷ USD hàng năm vào năm 2037.

Tiến sĩ Patrik Brundin, tổng biên tập của Tập san về bệnh Parkinson, cho biết: “Đến năm 2040, chúng ta có thể thực sự nói về một đại dịch sẽ làm gia tăng đau khổ cho con người, cũng như làm tăng chi phí xã hội và y tế.”

Mặc dù lý do khiến tỷ lệ mắc bệnh Parkinson tăng mạnh không hoàn toàn rõ ràng, nhưng có ba yếu tố chính đã góp phần vào xu hướng này.

Dân số già

Yếu tố nguy cơ số 1 đối với bệnh Parkinson là tuổi tác.

Tuổi thọ là tiền đề cho nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh Parkinson. Tiến sĩ Ray Dorsey, giáo sư thần kinh học tại Đại học Rochester và là tác giả của cuốn sách “Chấm dứt bệnh Parkinson” cho biết: “Ngoài các dạng di truyền hiếm gặp, căn bệnh này hiếm gặp ở lứa tuổi rất trẻ.”

Tỷ lệ người Mỹ từ 65 tuổi trở lên tăng gần gấp bốn lần từ 4.1% năm 1900 lên 16% vào năm 2019.

Bệnh Parkinson được cho là do tình trạng mất tế bào thần kinh sinh ra dopamin, một chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chuyển động.

Khi chúng ta già đi, bộ não sẽ trở nên kém hiệu quả hơn trong việc sửa chữa tổn thương và chống lại stress oxy hóa. Ngoài ra, số lượng tế bào thần kinh sản xuất dopamine trong não cũng giảm đi.

Cả hai yếu tố này đều có thể dẫn đến giảm mức độ dopamine, góp phần gây ra các triệu chứng vận động của bệnh Parkinson, chẳng hạn như run, cứng và cử động chậm.

Độc tố môi trường

Tiến sĩ Dorsey nói rằng, tuy nhiên, lão hóa và thậm chí cả di truyền “không giúp bạn có được từ 6 lên đến 6 triệu mà cần tính đến các yếu tố môi trường.”

Tiến sĩ Dorsey cho biết hầu hết nguyên nhân của bệnh Parkinson là các yếu tố môi trường gắn liền với cuộc Cách mạng Công nghiệp. Trong số các sản phẩm và sản phẩm phụ này có ô nhiễm không khí, một số loại thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu, thậm chí cả một loại hóa chất được sử dụng trong quá trình giặt khô.

Ví dụ như, tiến sĩ Dorsey cho biết việc tiếp xúc với thuốc diệt cỏ paraquat có liên quan đến “tăng 150% nguy cơ” bị bệnh Parkinson, có thể là do khả năng tạo ra các loại oxy phản ứng và gây ra stress oxy hóa trong não.

Tiến sĩ Dorsey cho biết: “Paraquat, được tạo ra vào những năm 1950, được coi là một trong những loại thuốc diệt cỏ độc hại nhất từng được tạo ra. Nó giết chết những loại cỏ dại mà Roundup không thể, [và đã] được sử dụng để giết người và tự sát.” Trang web của EPA cho biết, “Một ngụm có thể tử vong.”

Tiến sĩ Dorsey tiếp tục nói rằng: “Nhà sản xuất thuốc trừ sâu rõ ràng đã biết về độc lực của nó liên quan đến bệnh Parkinson trong hơn 50 năm.” Đã có hơn 30 quốc gia cấm chất này.

Vậy mà, Hoa Kỳ thì không.

Ông nói: “Thay vào đó, thuốc diệt cỏ dại được phun gần như khắp cả đất nước này. Những năm gần đây, họ đã dùng gấp đôi.”

Điều tương tự cũng xảy ra đối với hóa chất giặt khô trichloroethylene (TCE) được sử dụng rộng rãi. TCE có liên quan đến việc tăng 500% nguy cơ bị bệnh Parkinson, tái tạo các đặc điểm của bệnh ở động vật thí nghiệm và gây thiệt hại các bộ phận của tế bào bị suy yếu trong bệnh Parkinson.

TCE cũng được sử dụng để chiết xuất dầu từ rau và loại bỏ dầu mỡ khỏi các bộ phận kim loại. TCE bay hơi nhanh chóng và có thể gây ô nhiễm không khí, nước và đất ở những nơi được sản xuất hoặc sử dụng.

Vào tháng 01/2023, EPA cho biết TCE “có nguy cơ vô lý đối với sức khỏe con người.”

Tiến sĩ Dorsey nói: “Tuy nhiên, TCE vẫn còn trên thị trường. Và việc sử dụng trên toàn cầu đang tăng lên chứ không giảm đi. Hàng ngàn địa điểm trên khắp đất nước đã bị ô nhiễm bởi hóa chất, bao gồm cả căn cứ thủy quân lục chiến Camp Lejeune.”

Ông cảnh báo: “Nhiều người trong chúng ta sống gần một địa điểm bị ô nhiễm và thậm chí không biết điều đó.”

Tiếp xúc với thuốc trừ sâu có thể làm tăng 70% nguy cơ bị bệnh Parkinson. Thuốc trừ sâu như rotenone và organophosphates có thể làm hỏng ty thể, cấu trúc sản xuất năng lượng trong tế bào, dẫn đến stress oxy hóa và chết tế bào thần kinh.

Theo nghiên cứu về Bệnh Parkinson của NPJ, những điều này có thể giải thích một phần lý do tại sao tỷ lệ bị bệnh Parkinson cao hơn ở miền Đông Bắc và Trung Tây Hoa Kỳ. Nơi đây được gọi là “Vành đai rỉ sét,” vốn là nơi sản xuất công nghiệp đã phổ biến. Tuy nhiên, sự gia tăng này cũng được quan sát thấy ở Nam California, Đông Nam Texas, Trung tâm Pennsylvania và Florida.

Tiến sĩ Allison Willis, phó giáo sư thần kinh học tại Trường Y khoa Perelman thuộc University of Pennsylvania, cho biết: “Hiểu được nguồn gốc của những biến thể này sẽ rất quan trọng đối với chính sách chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu và lập kế hoạch chăm sóc.”

Nhiễm virus

Bằng chứng cho thấy rằng việc nhiễm một số loại virus có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Parkinson, chẳng hạn như virus herpes simplex (HSV).

HSV là một loại virus phổ biến gây ra vết loét lạnh và mụn rộp sinh dục. Trong khi hầu hết những người bị nhiễm HSV đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, một số người có thể phát triển các biến chứng thần kinh nghiêm trọng hơn.

Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng HSV cũng có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh Parkinson. HSV đã được tìm thấy trong não của những người bị bệnh Parkinson. Nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp xúc với virus có thể gây viêm và chết tế bào thần kinh trong não.

Một tổng quan hệ thống cho thấy có thể có mối liên hệ giữa nhiễm COVID-19 và sự phát triển của bệnh Parkinson, vì virus có thể vượt qua hàng rào máu-não. Một nghiên cứu trên chuột cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa não gặp trong bệnh Parkinson.

Các loại virus khác có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị bệnh Parkinson bao gồm virus cúm và coxsackievirus.

Giải quyết khủng hoảng

Liệu pháp hiệu quả nhất cho bệnh Parkinson, levodopa, đã có hàng thập niên và vẫn chưa có cách trị khỏi hoàn toàn Parkinson, nhưng có nhiều cách chúng ta có thể giải quyết cuộc khủng hoảng đang gia tăng.

Tiến Dorsey nói: “Giải pháp để giải quyết bệnh Parkinson là phòng ngừa.”

Mặc dù cơ chế chính xác của việc nhiễm virus góp phần vào sự phát triển của bệnh Parkinson vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng mọi người có thể thực hiện các chiến lược để giảm nguy cơ nhiễm virus liên quan đến bệnh Parkinson.

Ví dụ, có thể ngăn ngừa HSV bằng cách tránh một số hành vi tình dục và tránh tiếp xúc bằng miệng với người bị nhiễm bệnh.

Ngoài ra, dân số ngày càng già nên được khuyến khích hoạt động thể chất thường xuyên. Điều này đã được chứng minh là cải thiện chức năng vận động và giảm nguy cơ phát triển bệnh Parkinson.

Tiến sĩ Bibhuti Mishra, trưởng khoa thần kinh tại Long Island Jewish Forest Hills, một bộ phận của Northwell Health ở New York, cho biết: “[Những người] tập thể dục và kiểm soát bệnh tiểu đường cũng như kiểm soát huyết áp có ít nguy cơ chẩn đoán mắc bệnh Parkinson hơn.”

Điều quan trọng là giảm lượng thức ăn được trồng bằng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, đồng thời cố gắng giảm tiếp xúc với chất độc trong cuộc sống hàng ngày.

Tiến sĩ Dorsey nói: “Nếu chúng ta cấm paraquat, TCE và hóa chất giặt khô perchloroethylene (PCE) đồng thời làm sạch không khí thì tất cả chúng ta có thể sống trong một thế giới mà bệnh Parkinson ngày càng hiếm gặp chứ không còn phổ biến nữa.”

Lan Hoa biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn