Các món ăn vặt không tốt cho sức khỏe

Đừng để bị lừa bởi những người tiếp thị những món ăn vặt lôi cuốn này.

Thật đáng hoan nghênh nếu bạn đang thực hành việc tập luyện thể dục trong lối sống của mình. Tuy nhiên, chỉ tập luyện thể dục sẽ không đủ để đảm bảo sức khỏe của bạn. Để hoàn chỉnh hơn, bạn cần phải ăn uống lành mạnh. Và đôi khi điều này không đơn giản như bạn nghĩ.

Nhiều thực phẩm và đồ ăn vặt “lành mạnh” trong các tiệm tạp hóa đưa ra những lời hứa hấp dẫn mang tính bảo đảm. Các công ty quảng cáo đã rất khôn ngoan khi phát hiện ra rằng việc gán các từ ngữ như là “lành mạnh” hoặc “tự nhiên” hoặc hình ảnh của những người khoẻ mạnh lên các gói thực phẩm và đồ ăn vặt có thể khiến những người quan tâm đến sức khỏe mua các loại thực phẩm này.

Ví dụ: người nào đó có thể ghé qua tiệm tạp hóa và mua một số thanh granola hoặc khoai tây chiên hoặc một loại đồ uống không chứa calo vì tin rằng đây là một lựa chọn khôn ngoan đối với một món ăn nhẹ lành mạnh.

Nhưng không phải lúc nào những thực phẩm này cũng tốt cho sức khỏe như bạn nghĩ. Nhưng đừng thất vọng nếu các loại thực phẩm bạn yêu thích có trong danh sách dưới đây – thỉnh thoảng bạn vẫn có thể ăn. Tiết chế các thực phẩm này là yếu tố then chốt vì vậy hãy đảm bảo rằng đây là “thực phẩm đôi khi” chứ không phải là thứ bạn ăn hàng ngày.

Dưới đây là một số món ăn vặt giả dạng thực phẩm “tốt cho sức khỏe” trên kệ hàng tạp hóa:

Trái cây đóng hộp

Trái cây đóng hộp dường như có một số ưu điểm: Ít tốn kém, dễ bảo quản, thời hạn sử dụng lâu và chế biến đơn giản. Nhưng cũng có nhược điểm chẳng hạn như nhiều loại trái cây đóng hộp được ướp trong xi-rô với rất nhiều đường tinh chế. 

Nếu bạn rất yêu thích trái cây đóng gói, hãy chọn một số loại được đóng gói trong nước ép trái cây hoặc nước lọc. Và nếu bạn muốn sử dụng trái cây đóng hộp, hãy đảm bảo đóng kín nắp thay vì để tồn đọng trái cây trong một hộp mở. Vì nếu không đóng kín nắp, không khí sẽ đi vào trong hộp và có thể khiến vi khuẩn phát triển.

Hỗn hợp trái cây và hạt khô 

Mặc dù cả trái cây và các loại hạt tươi đều tốt cho bạn, nhưng một số hỗn hợp trái cây và hạt lại chứa các thành phần đã qua chế biến, như bánh quy giòn mặn, bánh Smarties, sô cô la sữa hoặc nho khô phủ “sữa chua”. Hãy tìm các loại hỗn hợp chỉ bao gồm các loại hạt và trái cây sấy khô, và lưu ý rằng cả hai đều có thể chứa nhiều calo nên rất dễ dẫn đến dư thừa năng lượng nạp vào. 

Bơ thực vật

Bơ thực vật được coi là một lựa chọn thay thế “dựa trên thực vật” lành mạnh hơn cho bơ sữa. Nhưng thông điệp này có thể gây hiểu lầm.

Như chuyên gia dinh dưỡng Kelly Jones đã nói: “Trong khi chất béo dạng trans nhân tạo trong các loại bơ thực vật cổ điển đã bị cấm, rất nhiều sản phẩm bơ thực vật đã đổi dầu hydro hóa thành dầu cọ.”

Dầu cọ không tốt cho sức khỏe tim mạch, đặc biệt là khi so sánh với các loại dầu lành mạnh hơn nhiều, chẳng hạn như dầu chiết xuất từ ô liu và trái bơ. Những loại dầu này tốt cho hệ tim mạch của bạn hơn nhiều. Hãy nhớ rằng, bệnh tim là căn bệnh gây tử vong số 1 thế giới.

Nước tăng lực

Giống như nhiều loại nước uống thể thao, các công ty quảng cáo đã đi quá đà khi đưa các loại nước tăng lực ra ngoài thị trường. Mặc dù được coi là nguồn năng lượng cho các vận động viên tập luyện khắc nghiệt, nhưng nước tăng lực không mang lại lợi ích gì.

Những đồ uống này chứa hỗn hợp các chất kích thích và caffein không được kiểm soát và do đó, không có giới hạn mức độ sử dụng. Nước tăng lực có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm cả các biến cố về tim. Theo Hội Tim mạch Hoa Kỳ, nước tăng lực có thể ảnh hưởng đến tim rất nhanh và gây ra các trường hợp nhịp tim bất thường, nhồi máu cơ tim và các vấn đề tim mạch khác.

Các thanh Protein và Granola

Giống như đồ uống tăng lực, cả thanh protein và granola đều được quảng cáo rầm rộ là thực phẩm lành mạnh cho lối sống năng động. Tuy nhiên, nếu bạn đọc nhãn dán trên hộp (hoặc giấy gói), bạn sẽ thấy rằng các loại đồ ăn này không hơn gì những thanh kẹo được đánh bóng tên tuổi.

Nhiều thuật ngữ thông dụng liên quan đến nhận thức về sức khỏe ngày nay được thể hiện trên bao bì của các sản phẩm này, chẳng hạn như “không chất bảo quản”, “không GMO – không biến đổi gen” và “không chứa gluten” có thể gây hiểu lầm. Đó là bởi vì, mặc dù bản thân mỗi thứ trên đều có thể tốt, nhưng bạn cần phải đề phòng và xem xét vấn đề một cách toàn diện.

Các thanh protein và granola phổ biến thường chứa nhiều đường (hoặc xi-rô ngô với hàm lượng fructose cao), natri, và rất ít giá trị dinh dưỡng. Các loại đồ ăn vặt này thường không chứa nhiều vitamin, khoáng chất hoặc thậm chí là chất xơ thiết yếu.

Nếu bạn muốn bổ sung thêm một số protein vào chế độ ăn uống của mình, bạn có thể tự chế biến các thanh protein hoặc làm một số món thịt khô mà bạn yêu thích.

Sữa chua có hương vị

Sữa chua là một sản phẩm khác được cho là tốt cho sức khỏe. Mặc dù điều đó có thể đúng với một sự lựa chọn như sữa chua Hy Lạp “tự nhiên” hoặc không có hương vị, chứa nhiều prebiotic và probiotic rất tốt cho sức khỏe đường ruột. Nhưng sữa chua có hương vị lại là một vấn đề hoàn toàn khác.

Đừng để những bao bì sáng sủa, hào nhoáng đánh lừa bạn vì sữa chua có hương vị được bổ sung thêm đường để cải thiện mùi vị. Điều này có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư, béo phì và nhiều vấn đề tim mạch khác.

Nếu muốn làm ngọt sữa chua của mình, bạn chỉ cần cho một ít trái cây tươi (chẳng hạn như dừa và quả mọng), các loại hạt (như hồ đào hoặc hạnh nhân) hoặc quế vào hỗn hợp. Như vậy, bạn sẽ có được hương vị tuyệt vời mà không cần sử dụng đường.

Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn