Các triệu chứng giống Alzheimer sau thay khớp háng có thể do nhiễm độc cobalt

Phẫu thuật thay khớp háng là một trong những phẫu thuật chỉnh hình phổ biến nhất ở Hoa Kỳ mỗi năm, đã giúp hàng triệu người bị các bệnh đau khớp như viêm xương khớp hoặc viêm khớp dạng thấp giảm sự đau đớn. Nhưng không may thay, độc tính từ cấy ghép kim loại chứa cobalt có thể dẫn đến các vấn đề như mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, mù lòa hoặc các vấn đề về thần kinh khác.

Nhưng bất kể những tiến bộ trong vài thập niên qua, phẫu thuật này vẫn tiềm ẩn những rủi ro trầm trọng đối với một số bệnh nhân, đặc biệt là những người được thay khớp háng toàn phần bằng kim loại (metal-on-metal MOM: cả chỏm và hõm khớp đều là kim loại).

Vật liệu cấy ghép MOM là những vật liệu trong đó cả “quả bóng” và “ổ cắm” của khớp hông đều được làm từ một hợp kim bao gồm cobalt và crom. Với sự ma sát xảy ra do hao mòn, các hạt kim loại sẽ đi vào các mô và dòng máu xung quanh. Sự tích tụ của các hạt này có thể dẫn đến hiện tượng nhiễm kim loại có hại (độc tính kim loại) hoặc hiện tượng cobalt rơi ra từ các hạt cobalt nhỏ. Kết quả có thể dẫn đến các triệu chứng từ mô chết và mất xương đến các biến chứng thần kinh giống như bệnh Alzheimer.

Sơ lược về lịch sử thay khớp háng

Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần (Total hip replacement–THR) đã xuất hiện gần một thế kỷ. Hiện nay kỹ thuật này được xem là một trong những phẫu thuật chỉnh hình an toàn và thành công nhất. Theo Ban Phẫu thuật Chỉnh hình Hoa Kỳ, có hơn 450,000 ca phẫu thuật THR được thực hiện hàng năm tại Hoa Kỳ. Các phương pháp thay khớp háng truyền thống thường sử dụng một “quả bóng” kim loại cùng với lớp lót hoặc “ổ cắm” bằng polyetylen (nhựa). Gần đây, sự kết hợp khác nhau của hợp kim kim loại, polyetylen có liên kết cộng, và sứ đã trở nên phổ biến nhất.

Thay khớp háng Metal-on-metal (MOM) lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1966 và nhanh chóng trở nên phổ biến. MOM có một số lợi thế hơn so với khớp háng metal-on-polyethylene thông thường, chẳng hạn như ít “hao mòn”, độ bền cao và khả năng sử dụng chỏm xương đùi lớn hơn (phần quả bóng). Điều này có thể mang lại sự ổn định và tầm vận động lớn hơn cho bệnh nhân, cũng như khả năng bị trật khớp thấp hơn. Chính vì vậy, thay khớp MOM đã trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với những bệnh nhân trẻ tuổi và năng động.

Sau đó người ta đã sử dụng hợp kim cobalt-chromium để thiết kế MOM. Việc dùng MOM loại này đã bùng nổ vào những năm 2000, với hơn 600,000 người Mỹ được thay khớp háng MOM từ năm 2006 đến 2012, trước khi việc sử dụng bắt đầu giảm mạnh do thu hồi sản phẩm, các vụ kiện và nhận thức ngày càng tăng về những rủi ro trầm trọng. Những rủi ro này bao gồm các vấn đề tim mạch, tuyến giáp, cũng như các triệu chứng thần kinh đáng lo ngại, và những vấn đề khác.

Phát hiện vấn đề

Tiến sĩ Steven Tower, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình có 30 năm kinh nghiệm chuyên về phẫu thuật khớp háng, đầu gối và vai, đã tiên phong trong nghiên cứu về rủi ro của khớp nhân tạo chứa cobalt. Trải nghiệm kinh hoàng của chính ông với ca thay khớp háng MOM không thành công đã khiến ông có đam mê nghiên cứu và chia sẻ kết quả về vấn đề này.

Sau khi được thay khớp háng vào năm 2006, ông đã nhanh chóng bắt đầu gặp phải các triệu chứng đáng lo ngại.

“Khi tôi bị bệnh nặng vào năm 2007, tôi đã nghi ngờ là do cobalt. Hông lộ ra ngoài vì có quá nhiều tổn thương đối với các mô xung quanh. Tôi cũng bị tổn thương võng mạc, ngoài ra còn bị ù tai khó chịu và mất thính lực,” Tiến sĩ Tower nói với The Epoch Times.

Ông cũng bị rối loạn giấc ngủ, tâm trạng không ổn định, mất cân bằng, và suy tim tâm trương.

Ngay sau khi khớp háng MOM được giới thiệu với giới chỉnh hình, các phản ứng bất lợi, tác dụng không mong muốn xuất hiện rõ ràng. Tỷ lệ thất bại cao hơn nhiều so với các loại khớp khác—khoảng sáu lần—và ma sát giữa quả bóng và ổ cắm dẫn đến hiện tượng phóng thích các “mảnh vụn” kim loại vào mô và dòng máu xung quanh. Sự tích tụ cobalt hoặc các kim loại khác trong máu có thể gây tổn thương cho tim, não, mắt, tai và các cơ quan khác.

Nguồn gốc vấn đề của khớp háng nhân tạo MOM

Nếu bạn đang thắc mắc làm thế nào mà những thiết bị có rủi ro cao này lại được sử dụng cho hàng nghìn bệnh nhân, hãy bắt đầu bằng—Tập san New England Journal of Medicine với những báo cáo rằng MOM có thể được đưa ra thị trường thông qua một lỗ hổng pháp lý được gọi là quá trình 510(k).

Thông qua cách này, một số thiết bị y tế có rủi ro cao—thường phải trải qua thử nghiệm lâm sàng để chứng minh tính an toàn và hiệu quả—có thể được đưa ra thị trường nếu có thể chứng minh “sự tương đương đáng kể” với các sản phẩm đã được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA chấp thuận.

Điều đáng chú ý ở đây là “sự tương đương đáng kể” không nhất thiết phải là các thiết bị hiện đang được sử dụng và có hồ sơ theo dõi đã được chứng minh về tính an toàn và hiệu quả. Các sản phẩm mới có thể “tương đương đáng kể” với những sản phẩm đã bị thu hồi một cách tự nguyện hoặc được chứng minh là không an toàn hoặc không hiệu quả.

Loại bỏ dần nhưng vẫn đang được dùng

Mặc dù các phương pháp thay thế khớp háng bằng kim loại dần dần bị thu hồi hoặc loại bỏ dần và không được sử dụng ở Hoa Kỳ kể từ tháng 05/2016, nhưng ước tính có khoảng một triệu người Mỹ đã dùng từ trước khi chúng hoàn toàn được bán ra thị trường.

Một số mô cấy tái tạo bề mặt hông cũng như một số loại mô cấy khác bao gồm đầu gối và vai vẫn sử dụng các bộ phận cobalt-chromium.

Giải pháp khắc phục duy nhất cho các trường hợp nhiễm cobalt hoặc kim loại nặng là phẫu thuật chỉnh sửa, loại bỏ và thay thế các bộ phận kim loại bằng các chất thay thế phi kim loại. Thật không may, phẫu thuật chỉnh sửa thường rủi ro và tốn kém hơn so với phẫu thuật ban đầu.

Tình trạng mất xương sau ca phẫu thuật đầu tiên có thể gây khó khăn hơn cho các mô cấy mới cố định tốt. Tuy nhiên, trong những trường hợp ít trầm trọng hơn, liệu pháp thải sắt có thể có hiệu quả trong việc giảm mức độ của cả ion cobalt và chromium trong máu. Một số báo cáo ca bệnh đã ủng hộ cho phương pháp điều trị này, bao gồm một báo cáo có tiêu đề “N-Acetyl-Cysteine Reduces Blood Chromium and Cobalt Levels in Metal-on-Metal Hip Arthroplasty” (Tạm dịch: N-Acetyl-Cysteine ​​làm giảm nồng độ chromium và cobalt trong máu trong phẫu thuật tạo hình khớp háng bằng kim loại) được công bố trong số tháng 06/2020 của tập san Arthroplasty Today.

Độc tính Cobalt

Độc tính cobalt do cấy ghép MOM là mối quan tâm đặc biệt vì các triệu chứng do nồng độ cobalt tăng cao thường liên quan đến thần kinh, giống như bệnh Alzheimer hoặc chứng mất trí nhớ và có thể giống với những triệu chứng do các loại độc tính khác gây ra.

Tiến sĩ Tower giải thích rằng điều này làm cho cobalt dễ bị chẩn đoán nhầm, hoặc quy nhầm cho các tác động tự nhiên của quá trình lão hóa.

“Các triệu chứng phổ biến nhất được ghi nhận là run mà bệnh nhân có thể không nhận thấy. Rất phổ biến là tình trạng suy giảm trí lực, và mệt mỏi là một vấn đề trầm trọng khác. Nhưng các triệu chứng như vậy là chúng rất phổ biến ở những người già. Câu hỏi đặt ra là họ có cảm thấy rằng những gì họ đang trải qua nặng nề hơn những gì gây ra bởi tuổi tác hay không?”

Ngưỡng an toàn cho nồng độ cobalt trong máu không được thống nhất rộng rãi. Theo Mayo Clinic, nồng độ cobalt trong máu bình thường phải dưới 1.8 microgam/lít (mcg/L). Trên 2.0 microgam, nên theo dõi và 5.0 trở lên được xem là độc hại. Ở những bệnh nhân cấy ghép khớp háng giả bằng cobalt-chromium, nồng độ cobalt trong máu có thể tăng lên gấp nhiều lần so với mức an toàn.

Ba trường hợp được trình bày tại ACR Winter Symposium vào ngày 29/01/2014, bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật thay khớp háng bằng MOM hoặc kim loại và polyethylene cho thấy nồng độ cobalt trong máu dao động từ 20.0 mcg/L đến 287.6 mcg /L, vượt ngưỡng an toàn gần 160 lần.

Ông Robert D. Bunning, M.D., FACP, FACR, người trình bày các ca bệnh, nói rằng một khía cạnh đáng chú ý của mỗi bệnh nhân là “đau hông không phải là một đặc điểm nổi bật.” Thay vào đó, các triệu chứng đa dạng của cobalt bao gồm các biến chứng trầm trọng về tim và tuyến giáp, mệt mỏi, và đục thủy tinh thể.

Hậu quả thần kinh do cobalt

Nghiên cứu sau đó đã tìm thấy mối liên hệ giữa độc tính cobalt và rối loạn thần kinh.

Một đánh giá về nghiên cứu liên quan đến độc tính kim loại sau khi cấy ghép khớp háng, được công bố trong ấn bản Clinical Toxicology từ tháng 09 đến tháng 10/2014 cho thấy, trong số 18 ca bệnh riêng lẻ, “Các đặc điểm [triệu chứng] toàn thân được báo cáo thuộc ba loại chính: nhiễm độc thần kinh-mắt (14 bệnh nhân), nhiễm độc tim (11 bệnh nhân) và nhiễm độc tuyến giáp (9 bệnh nhân). Nhiễm độc thần kinh biểu hiện như bệnh lý thần kinh ngoại vi (8 trường hợp), mất thính giác thần kinh giác quan (7) và suy giảm nhận thức (5); độc tính ở mắt được biểu hiện dưới dạng suy giảm thị lực (6). Tất cả những đặc điểm thần kinh này, ngoại trừ suy giảm nhận thức, đều có liên quan đến nhiễm độc cobalt trước đây.”

Các nghiên cứu khác cũng nhấn mạnh chứng trầm cảm và mất trí nhớ sau khi nhiễm độc cobalt.

Không khó để thấy, đặc biệt là ở những bệnh nhân lớn tuổi, độc tính do cấy ghép cobalt-chromium có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với bệnh Alzheimer hoặc chứng mất trí nhớ, trong đó mất trí nhớ và khó tập trung là những triệu chứng chính.

Và mặc dù thay thế khớp háng MOM đã được chú ý, nhưng các bộ phận cấy ghép giả khác cũng chứa cobalt-chromium và có thể gây ra một số rủi ro, ông Tower cảnh báo.

Ông nói: “Chúng tôi đã nhận ra rằng tất cả những vấn đề tương tự này có thể xảy ra với bất kỳ mô cấy chỉnh hình cobalt-chromium nào.”

Điều này đặt ra một mối lo ngại đáng kể về sức khỏe cộng đồng khi bạn cho rằng 20 triệu người ở Bắc Mỹ hiện đang có một số loại cấy ghép khớp cobalt-chromium.

Mối nguy hiểm khác nhau ở từng người và không thể đoán trước

Ông Tower cho biết: “Mặc dù một số người dường như dung nạp tốt mô cấy cobalt-chromium, nhưng nhiều người khác lại có phản ứng bất lợi. Không thể đoán trước được phản ứng của bất kỳ một người nào.

“Cũng có sự khác biệt về mức độ cobalt [gây hại] khác nhau đối với một người và điều này liên quan đến hệ miễn dịch. Một số bị bệnh nặng với nồng độ cao vừa phải, trong khi những người khác có nồng độ cobalt trong máu rất cao và không thấy bất kỳ vấn đề nhiễm độc toàn thân nào.

“Ở đây chúng ta đang giải quyết một chứng rối loạn phổ—chúng ta đã biết về sự tồn tại của nó từ những trường hợp tương đối trầm trọng như bản thân tôi, hoặc những trường hợp tử vong, bị điếc hoặc mù. Nhưng đối với mỗi báo cáo ca bệnh, có bao nhiêu trường hợp trầm trọng tương tự không bao giờ được viết ra?”

Cũng có thể có nhiều trường hợp bị chẩn đoán nhầm thành các bệnh lý khác. Do việc tiếp xúc với cobalt có thể ảnh hưởng đến những người khác nhau theo nhiều cách khác nhau nên cả bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần phải biết các triệu chứng có thể cho thấy nhiễm độc cobalt sau phẫu thuật thay khớp.

Theo Trung tâm Y tế Đại học Rochester, các triệu chứng nhiễm độc cobalt có thể bao gồm mệt mỏi, suy nhược, bệnh thần kinh ngoại vi, giảm thính lực, giảm thị lực, suy giảm nhận thức, bệnh cơ tim và/hoặc suy giáp. Đau, giấc ngủ bị gián đoạn và rối loạn tâm trạng cũng được ghi nhận là các triệu chứng của nhiễm độc cobalt.

Có thể dễ dàng phát hiện nồng độ cobalt bằng xét nghiệm máu hoặc nước tiểu. Nhiều trường hợp nhiễm kim loại cobalt có thể được điều trị, đặc biệt nếu được phát hiện sớm. Những người đã cấy ghép [vật liệu] có chứa cobalt nên biết những triệu chứng này để có thể liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu xảy ra vấn đề. Như ông Tower lưu ý, “Ai biết được có bao nhiêu người đã bị hạn chế khả năng hoạt động độc lập do phơi nhiễm cobalt? Kinh nghiệm của tôi với tư cách là bệnh nhân, bác sĩ phẫu thuật và nhà nghiên cứu cho thấy nhiễm cobalt trong cấy ghép chỉnh hình là phổ biến, có thể điều trị và phòng ngừa được.”

Thanh Long và Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Zrinka Peters
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Zrinka Peters là cây bút tự do thường viết các bài có chủ đề về sức khỏe, lối sống lành mạnh và giáo dục. Cô có bằng Cử nhân Văn học Anh của Đại học Simon Fraser và cô có nhiều bài viết được đăng trên báo giấy và trên các trang Health Digest, Parent.com, Today Catholic Teacher, và Education.com
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn