Cải thiện sức khỏe nhờ thiền định 20 phút mỗi ngày 

Nếu như trước đây bạn chưa bao giờ thiền định, có thể bạn sẽ nghĩ rằng cần phải “học cách làm” hoặc “phải làm đúng cách” để đạt được những lợi ích nhất định. Chính suy nghĩ này đã ngăn cản nhiều người ngay từ đầu, nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy. Bạn có thể cải thiện sức khỏe với một bài tập đơn giản mà không cần phải làm bất cứ điều gì.

Chỉ cần dành ra 10 hoặc 20 phút ngồi yên tĩnh trong trạng thái không bị phân tâm, bạn cũng sẽ nhận được rất nhiều lợi cho sức khỏe và tinh thần. Trong một nền văn hóa tôn thờ sự đa nhiệm với lịch trình bận rộn, việc dành riêng một khoảng thời gian để ngồi yên tĩnh nghe có vẻ dị thường, nhưng những lợi ích mang lại rất xứng đáng với nỗ lực bỏ ra.

Cân bằng sức khỏe

Trong Đông y, sự cân bằng trong mọi mặt của cuộc sống giúp chúng ta khỏe mạnh và ngăn ngừa bệnh tật. Trong quá khứ, cuộc sống cân bằng được coi là một chuẩn mực. Mọi người đều hiểu về tầm quan trọng của việc thực hiện điều độ mọi thứ từ ăn uống, hoạt động thể chất đến theo đuổi các mục tiêu xã hội và tinh thần. Trong cuộc sống, khi mọi thứ trở nên quá thiếu thốn hoặc dư thừa sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận trong cơ thể và tạo cơ hội cho các bệnh tật xâm nhập.

Khi thân thể có bệnh, Đông y có nhiều công cụ khác nhau để đưa cơ thể trở lại trạng thái cân bằng, chẳng hạn như châm cứu, thảo dược, cứu ngải,cạo gió và massage tuina. Nhưng rốt cuộc, sống một cuộc sống cân bằng là chìa khóa để chúng ta luôn khỏe mạnh.

Mất trạng thái cân bằng

Ngày nay, nhiều người trong chúng ta đang có một cuộc sống không cân bằng trong một thế giới ngày càng bất ổn. Việc tìm kiếm trạng thái cân bằng như những người xưa trở nên khó khăn hơn do cuộc sống đang ngày càng trở nên phức tạp hơn. Khi so sánh với thậm chí chỉ một hoặc hai thế hệ về trước, cũng có thể thấy rằng chúng ta phải làm việc nhiều hơn, ít kết nối xã hội hơn. Các thành phố đang trên đà phát triển trong khi thiên nhiên dần thu hẹp lại, và mọi người phải vật lộn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của bản thân trong khi ngày càng cách xa với sự cân bằng tối thiểu cho sức khỏe và hạnh phúc.

Vậy chúng ta có thể làm gì? Chúng ta không thể thay đổi thế giới xung quanh mình, nhưng chúng ta có thể thay đổi phản ứng của chính mình. Bản chất của trạng thái cân bằng là sự bình yên, không biến đổi liên tục cũng không thiên lệch quá độ. Trạng thái cân bằng sẽ giúp chúng ta ổn định và hạnh phúc bằng cách sống chậm lại, ngồi xuống và lắng nghe cơ thể của mình. Hãy điều chỉnh bản thân. Đây chính là bước đầu tiên giúp chúng ta xoa dịu tâm trí và đạt đến trạng thái thiền tĩnh lặng.

Nếu bạn thuộc kiểu người không thể ngồi yên một chỗ và cố gắng tĩnh tâm, thì bạn có thể tập dần dần bằng cách bắt đầu với một điều gì đó nhẹ nhàng nhưng hấp dẫn, kiểu như thiền động.

Thiền động

Có rất nhiều cách mặc dù không phải lúc nào cũng được coi là thiền, nhưng có thể giúp bạn thư giãn tâm trí và thả lỏng cơ thể.

Đối với một số người, đi bộ là một loại thiền chữa bệnh tuyệt vời. Đối với những người khác, vẽ tranh, nấu ăn hoặc làm vườn là cách để họ thư giãn đầu óc. Tôi thích định nghĩa thiền là trạng thái hoàn toàn hài hòa và không vướng bận, những người khác thì thiên về sự tĩnh lặng đạt được thông qua thực hành thiền định.

Trong khi các hình thức thiền động có thể giúp tâm trí thoải mái, nhiều người tin rằng sự tĩnh lặng sâu hơn chỉ đạt được khi tâm trí và cơ thể đều bất động và ý thức của chúng ta không còn quan tâm đến các hoạt động bình thường của con người, thay vào đó là một trải nghiệm mới mẻ khác.

Thiền tĩnh lặng

Nhiều thiền giả mô tả thiền như một trạng thái tĩnh lặng sâu, khi đó tâm trí sẽ ngừng hẳn những suy nghĩ bình thường và chuyển sang trạng thái nhận thức khác. Mọi người thường mô tả rằng trong khi thiền, tâm trí như được kết nối hoàn toàn với vũ trụ trong niềm hạnh phúc và thời gian dường như không còn tồn tại.

Thiền thường được thực hiện ở tư thế ngồi bắt chéo hai chân. Có nhiều tư thế thiền định khác nhau gắn với các truyền thống tâm linh khác nhau. Có lẽ nổi tiếng là phương thức ngồi kiết già, hai chân xếp chồng lên nhau, hai tay đặt vào lòng tạo thành vòng tròn hoặc tách ra với mỗi cánh tay đặt trên đầu gối và lòng bàn tay hướng lên.

Một số phương pháp thiền sử dụng thần chú để tập trung tâm trí nhằm át đi tất cả những suy nghĩ khác. Những người khác hướng sự chú ý vào hơi thở, hoặc một nhóm ý tưởng hoặc suy nghĩ cụ thể nào đó. Tuy nhiên, mục tiêu của tất cả các phương pháp này đều là làm cho tâm trí tĩnh lặng. Những người thường xuyên thiền định nói rằng những trải nghiệm này thay đổi nhận thức của họ trong cuộc sống bình thường, khiến họ tự ý thức hơn, cũng như tốt bụng, bình tĩnh và tự chủ hơn.

Cải thiện sức khỏe nhờ thiền định 20 phút mỗi ngày 
Thiền định đã được chứng minh là có lợi ích tích cực đối với sức khỏe con người. (Ảnh: Shutterstock)

Các thách thức khi thiền định

Chắc chắn bạn sẽ suy nghĩ miên man khi thiền định, đặc biệt trong thời gian đầu. Nếu bạn chưa bao giờ thực hành thiền định và là một người thường xuyên suy nghĩ, tâm trí của bạn chắc chắn sẽ bị phân tán khắp nơi. Điều này được một số Phật tử gọi là tâm viên ý mã.

Bạn không cần phải làm khó bản thân mình. Có thể những ngày đầu bạn sẽ không thể làm việc gì khác ngoài việc tập trung tâm trí vào hơi thở hết lần này đến lần khác. Nhưng dần dần, bạn sẽ thấy không cần phải cố gắng nhiều như thế nữa. Cuối cùng (có thể mất vài ngày hoặc vài tuần), tâm trí của bạn sẽ đi vào trạng thái ổn định, yên tĩnh và thanh thản, cho phép bạn kết nối với chính bản thân theo cách mà từ trước đến nay có thể bạn chưa từng làm. Đó thực sự là một điều tuyệt vời.

Thiền là một trong những phương pháp chữa bệnh đơn giản nhất và dễ tiếp cận nhất. Chỉ cần dành ra từ 10 đến 20 phút mỗi ngày để ngồi yên lặng cũng sẽ mang lại những tác động sâu sắc đến sức khỏe và tinh thần của chúng ta. Từ nhiều thế kỷ trước, nhiều nền văn hóa đã biết đến điều này. Và đôi khi lời cầu nguyện của nhiều tu sĩ Cơ đốc được coi là một kiểu thiền định.

Trong thời điểm mà thế giới hiện nay dường như đang bất định và hỗn loạn hơn bao giờ hết, thì thiền định có thể giúp chúng ta quay trở lại sống với trái tim chân thật nhất.

Thiền định có thể giúp chúng ta như thế nào

Một số báo cáo viết tay sớm nhất về thiền định bắt nguồn từ Ấn độ và có niên đại khoảng 1,500 năm trước Công nguyên. Các mục đích ban đầu của thiền định là tạo ra sự kết nối sâu sắc hơn với bản thân và như một con đường dẫn đến giác ngộ tâm linh. Khoa học hiện đại đang khám phá ra rất nhiều lợi ích của thiền đối với sức khỏe và tinh thần. Thiền định đang trở thành một trong các phương pháp điều trị hỗ trợ hiệu quả cho nhiều căn bệnh về thể chất, tinh thần và tâm linh.

Một trong những điều tốt nhất về thiền là bạn không cần bất kỳ thiết bị nào và có thể thực hiện ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ lúc nào. Chỉ riêng điều này cũng đã giúp tất cả mọi người trên hành tinh này có thể tiếp cận với bộ môn thiền. Và vì vậy không có lý do gì ngăn cản chúng ta thu được các lợi ích cho thể chất và tinh thần của mình từ việc thực hành thiền định.

Lợi ích của thiền định

  • Bạn có thể chọn phương pháp hoặc cách thức thực hành thiền phù hợp.
  • Bạn có thể thiền ở một góc yên tĩnh nào đó trong nhà riêng.
  • Bạn không cần bất kỳ loại thiết bị đặc biệt nào.
  • Dành ra ít nhất vài phút để thiền mỗi ngày, bạn sẽ cảm nhận được tác dụng tích cực của thiền.
  • Bạn có thể sáng tạo một không gian đẹp để truyền cảm hứng cũng như hỗ trợ việc thực hành thiền định.
  • Những tác động có lợi sẽ xuất hiện ở tất cả các mặt trong cuộc sống của bạn, và những người xung quanh cũng cảm nhận được sự thay đổi này.
  • Cùng với thời gian, bạn sẽ có thể xử lý căng thẳng và các tình huống khó khăn khác một cách bình tĩnh hơn.
  • Cải thiện trí nhớ, khả năng tập trung và tâm trạng.
  • Mang lại một giấc ngủ chất lượng hơn.
  • Khoa học đã chứng minh rằng thiền làm giảm căng thẳng.
  • Thiền giúp cải thiện sự lo lắng và trầm cảm.
  • Thường xuyên thực hành thiền định làm tăng tính khả biến thần kinh (khả năng thay đổi của các mạng lưới thần kinh trong não nhằm thích nghi với sự thay đổi của môi trường).
  • Thiền được chứng minh là có tác dụng hỗ trợ sức khỏe tinh thần.
  • Sức mạnh của phương pháp chữa bệnh này hoàn toàn nằm trong tay bạn.

Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Emma Suttie
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Emma Suttie là một bác sĩ châm cứu và viết chủ yếu về sức khỏe cho nhiều ấn phẩm trong thập niên qua. Cô hiện là ký giả sức khỏe cho The Epoch Times, cô chuyên viết về Trung y, dinh dưỡng, chấn thương, và y học lối sống.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn