Cháo – Món ăn bổ dưỡng được lưu truyền 3,000 năm

Cháo còn được gọi là hi phạn (cháo gạo hoặc cháo kê), thời cổ xưa thì gọi là bao mi, di (cháo loãng), là một trong những món ăn chính trên bàn ăn của các gia đình phương Đông. Theo “Chu Thư” ghi chép, từ thời Hoàng Đế đã bắt đầu “nấu ngũ cốc làm cháo”, có thể thấy được rằng lịch sử ăn cháo của người Trung Quốc đã có từ rất lâu đời.

Cháo cũng được người xưa ca tụng là “món ăn Thần Tiên”, không chỉ có thể làm no bụng, còn có tác dụng dưỡng sinh, cho thêm dược liệu Trung y rồi nấu chín thì sẽ trở thành bát cháo thuốc, rất có ích đối với sức khỏe con người.

Cháo là món ăn trị liệu bổ dưỡng

Cháo là món ăn sáng của nhiều gia đình truyền thống, theo sự Tây hóa trong ẩm thực, nhiều người hiện đại thường dùng bánh mì sandwich, Hamburger, thức uống lạnh… làm bữa sáng. Kỳ thực, sáng sớm sau khi ngủ dậy, các chức năng của dạ dày chưa trở lại bình thường, nếu ăn thức ăn khó tiêu và lạnh sẽ làm suy yếu chức năng tiêu hóa và vận chuyển của tỳ vị. Ăn cháo vào sáng sớm có thể làm ấm dạ dày, nóng cơ thể, nhanh chóng cung cấp năng lượng cho cơ thể. Lục Du thời Nam Tống đã từng viết một bài “Chúc ký” khuyên mọi người ăn cháo hàng ngày: “Mỗi sáng ngủ dậy ăn một tô cháo, bụng rỗng vị (dạ dày) hư, cốc khí phát huy tác dụng, tác dụng bổ dưỡng không nhỏ.”

Cháo - Món ăn bổ dưỡng được lưu truyền 3,000 năm
Một chén cháo trắng phối hợp với vài loại thức ăn ăn kèm, làm cho người ta nhớ mãi dư vị của nó. (Ảnh: Giang Bách Dật/Epoch Times)

Trong “Tùy hoạn cư ẩm thực phổ” của Vương Mạnh Anh thời Thanh có nói: “Gạo tẻ tính cam bình, thích hợp nấu cháo ăn. Cháo là thứ bổ người nhất thế gian.”

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, dùng gạo nấu cháo, tinh bột có thể chuyển hóa thành Dextrin, trong quá trình ninh nhừ gạo sẽ phân giải thành các thành phần phân tử nhỏ dễ tiêu hóa. Trong cháo có chứa nhiều loại enzym, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, ăn cháo còn có thể bổ sung nước, ngăn ngừa huyết dịch bị đặc dính.

Đặc biệt, người già có chức năng tỳ vị dần suy yếu, khả năng tiêu hóa giảm, cộng thêm răng miệng kém, khoang miệng bài tiết Amylase giảm, ảnh hưởng đến tiêu hóa và mức độ hấp thu thức ăn. Cháo dễ tiêu hóa, lại có hiệu quả kiện tỳ dưỡng vị, sinh tân nhuận tràng, là cách ăn uống dưỡng sinh tốt nhất đối với người già.

Trong đại y thư “Bản Thảo Cương Mục” thời Minh có ghi chép lại 62 loại cháo thuốc. Trong “Chúc phổ” thời Thanh cũng ghi chép lại hơn 200 loại cháo thuốc, có tác dụng trị liệu rất lớn. Cách phối hợp khi nấu cháo cũng có thể tùy theo dụng ý mà thay đổi. Ví dụ, người mất ngủ có thể dùng “cháo hạt sen hoa bách hợp”; muốn nâng cao tinh thần giải muộn phiền, tán ứ, thì dùng “cháo gạo tẻ hoa quế”; bị phong nhiệt cảm mạo dùng “cháo gạo tẻ hoa kim ngân”…

Văn hóa ăn cháo của người xưa gồm những gì?

Lịch sử ăn cháo của người Trung Quốc đã có từ 3,000 năm, các nhân sĩ Trung Nguyên thời Ngụy Tấn đã rất coi trọng việc ăn cháo. Người xưa sẽ dựa theo sự thay đổi của tiết mùa, hoặc mục đích dưỡng sinh để thay đổi thành phần nguyên liệu nấu cháo, đạt được công hiệu dưỡng sinh khác nhau.

Ăn cháo theo mùa

Vạn vật trong Trời Đất này dựa theo Ngũ hành. Mộc, Hỏa, Kim, Thủy tượng trưng cho khí của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, dựa theo tương sinh tương khắc trong ngũ hành của bốn mùa mà biến đổi cách dưỡng sinh. Mùa xuân nên ăn “cháo hoa cúc”, có thể dưỡng gan giải độc; mùa hạ ăn “cháo đậu xanh”, có thể thanh nhiệt trừ nóng; mùa thu ăn “cháo ngân nhĩ”, tư âm nhuận táo (tăng âm trừ khô táo); mùa đông ăn “cháo bát bảo”, có thể ôn vị kiện tỳ (ấm dạ dày khỏe lá lách).

Cháo - Món ăn bổ dưỡng được lưu truyền 3,000 năm
Cháo hạt sen (Ảnh: Fotolia)

Ăn cháo dưỡng sinh bồi bổ cơ thể

Các loại nguyên liệu nấu cháo khác nhau đều cho hiệu quả dinh dưỡng khác nhau. Người bị mất ngủ có thể ăn “cháo hoa bách hợp hạt sen”, có tác dụng an thần bổ tâm; người đầu gối và lưng bị nhức mỏi, ăn “cháo trái dâu tằm câu kỷ”, có thể bổ thận chắc xương; người bị phù thũng, ăn “cháo đậu đỏ lá sen”, thanh nhiệt lợi thấp; người bị tiêu chảy ăn “cháo gạo nếp táo tàu”, có tác dụng kiện tỳ ích khí; người mắc chứng táo bón ăn “cháo củ mài khoai ngọt”, có thể ích khí thông tiện; người tiểu tiện không thông, ăn “cháo ý dĩ nhân ngọc mễ” (hạt bo bo và ngô), lợi thủy thông thấp.

Dùng hoa tươi làm nguyên liệu nấu cháo

Hoa tươi có tác dụng tĩnh thần xoa dịu tâm trí, dùng các loại hoa tươi khác nhau nấu cháo sẽ cho công hiệu khác nhau. Ví dụ, “cháo hoa bách hợp gạo tẻ” có thể thanh tâm an thần, trị ho nhuận phế; “cháo hoa quế gạo tẻ” có thể nâng cao tinh thần, giải muộn phiền, tán ứ giải u uất; “cháo hoa kim ngân gạo tẻ” trị phong nhiệt cảm mạo, cổ họng sưng đỏ; “cháo hoa lăng tiêu hạt bo bo” có thể hoạt huyết hóa ứ, dưỡng gan khỏe tỳ.

Lý Hi thực hiện
Tô Minh Chân biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn