Cơ thể có mùi, cần chú ý các vấn đề về gan

Gan được coi là cơ quan thầm lặng, thường đến khi xuất hiện cơn đau thì bệnh đã rất nặng. Nhưng trên thực tế, nếu chức năng gan suy giảm, sẽ phát đi các tín hiệu phản kháng từ trước đó, chẳng hạn như cơ thể và miệng có mùi hôi.

Để ngăn chặn các triệu chứng trầm trọng hơn, Trung y khuyên dùng 3 loại trà và Tứ Thần thang, có thể giúp dưỡng gan và cải thiện tình trạng hôi miệng và mùi cơ thể.

Nếu cơ thể và hơi thở có mùi hôi thì chứng tỏ gan đang bất thường

Bạn đã bao giờ ngửi kỹ mùi của cơ thể mình chưa? Mùi hôi khi con người đổ mồ hôi là mùi được hình thành do sự phân hủy mồ hôi của vi khuẩn trên bề mặt da. Nhưng nếu như là mùi hôi thối, thậm chí chua ngọt thì đó là mùi của gan bị bệnh.

Bá sĩ Ngô Uyển Dung (Wu Wanrong), Giám đốc Phòng khám Trung y Duệ Minh Đường tại Đài Loan giải thích rằng, gan là cơ quan xử lý và phân hủy các chất độc trong cơ thể con người. Nếu chức năng gan bất thường khiến các chất độc trong gan không được bài tiết ra ngoài thuận lợi, amoniac và nitơ urê trong máu sẽ tăng lên. Amoniac là một chất khí có mùi khó chịu, được thải ra từ miệng, mũi và mao mạch qua đường hô hấp, dẫn đến hôi miệng và mùi cơ thể. Những biểu hiện nặng hơn sẽ có mùi hôi thối.

Những bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan nặng sẽ có mùi cơ thể giống như mùi táo thối. Bác sĩ Ngô mô tả mùi này có vị chua ngọt kèm theo mùi trứng thối hoặc tanh, “Đây được gọi là mùi của gan. Khi mùi này xuất hiện, phần lớn là bệnh nhân bị suy gan”. Vì vậy, khi cơ thể có mùi táo thối thì nên đi kiểm tra gan càng sớm càng tốt.

Uống rượu, hút thuốc lá và ăn trầu sẽ làm tăng gánh nặng giải độc cho gan, những người có thói quen này thường có chức năng gan kém và mùi cơ thể rõ ràng hơn người bình thường.

Những triệu chứng liên quan đến chức năng gan suy giảm

Khi chức năng gan suy giảm, con người không chỉ dễ xuất hiện mùi cơ thể mà còn xuất hiện các triệu chứng khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng:

Can huyết hư (thiếu máu gan): tóc và mắt khô, tóc bạc trắng nhiều, mắt mờ, chân tay tê mỏi.

Can hỏa vượng: Xuất hiện triệu chứng suy giảm ở gan, chẳng hạn như miệng khô lưỡi táo, huyết áp cao, đầu đau trướng, hơi thở và cơ thể có mùi hôi. Khi Can hỏa thượng viêm (Can khí uất kết hóa hỏa, hỏa khí nghịch lên), dẫn đến thần kinh não bộ khó an định, gây rối loạn giấc ngủ, khó đi vào giấc ngủ, giấc ngủ nông, mộng mị nhiều… Bác sĩ Ngô nói rằng một số người nghe thấy vợ/chồng mình nghiến răng thường xuyên và nói mớ trong khi ngủ; đó là do Can hỏa quá vượng, nên đi khám để điều trị.

Viêm gan, suy gan: Lúc này mùi cơ thể rất nặng, có mùi táo thối.

Do Can chủ tàng huyết (nghĩa là gan tàng trữ và điều tiết lượng huyết trong cơ thể), nên giai đoạn đầu của quá trình suy giảm chức năng gan là can huyết hư. Huyết là một loại âm dịch, khi âm dịch không đủ lâu ngày sẽ sinh ra Can hỏa vượng, nếu tích tụ lâu ngày sẽ xấu đi thành viêm gan, suy gan. Bác sĩ Ngô nhắc nhở mọi người nếu có các triệu chứng ban đầu như can huyết hư, thì nên điều trị càng sớm càng tốt, đừng để tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Cơ thể có mùi, cần chú ý các vấn đề về gan
Nguyên nhân hôi miệng có thể do chức năng gan kém. (Ảnh: Shutterstock)

Màu xanh của rau đi vào gan

Từ 11 giờ đêm đến 3 giờ sáng hãy là giai đoạn cần ngủ sâu, để gan thực hiện chức năng giải độc và chữa trị. Tuy nhiên, do các yếu tố như công việc bận rộn hoặc nuôi dạy con cái, giờ giấc của nhiều người thường xuyên bị đảo lộn, thức khuya hoặc ngủ không đủ giấc. Việc này khiến gan không thể nghỉ ngơi trong thời gian giải độc, dẫn đến tình trạng hôi miệng và cơ thể có mùi hôi.

Những tình trạng này rất phổ biến ở phòng khám của Bác sĩ Ngô. Nếu khó thay đổi lối sống, bác sĩ sẽ khuyên những bệnh nhân này bổ sung nhiều dưỡng chất có lợi cho gan.

Trung y giảng, màu sắc và tạng phủ có sự đối ứng, màu xanh nhập Can, màu đen vào Thận, màu đỏ vào Tâm, màu vàng vào Tỳ, và màu trắng vào Phế. Để bồi bổ gan, sơ can giải độc, nên ăn nhiều thực phẩm có màu xanh như súp lơ, đậu xanh, mướp đắng, măng tây, lá khoai lang, rau mồng tơi, v.v. Y học hiện đại cho rằng rau xanh có chứa chất chống oxy hóa, có thể ức chế phản ứng viêm nhiễm.

Đồng thời, cũng có thể ăn thêm các loại nấm giàu polysaccharide. Khi gan ở trạng thái bị viêm, polysaccharide có thể đóng vai trò phục hồi tế bào, tăng cường hoạt động của tế bào miễn dịch, giảm gánh nặng giải độc cho gan.

Bác sĩ Ngô nhắc nhở rằng bệnh nhân có tình trạng suy gan và viêm gan nhẹ nên tránh các thực phẩm nướng, chiên, cay và các thực phẩm gây kích thích khác trong chế độ ăn hàng ngày, cũng như hẹ, tỏi, hành lá, rau húng chó, gừng và các loại gia vị khác có thể làm mùi cơ thể nghiêm trọng hơn. Những loại gia vị này thường được nấu và xào với các loại rau, chỉ cần vớt ra là có thể dùng được.

3 loại trà dưỡng gan giảm hôi miệng và mùi cơ thể

Vì gan có nhiệm vụ chuyển hóa và giải độc nên bệnh nhân suy gan càng phải uống nhiều nước và bổ sung đủ nước để thúc đẩy quá trình tuần hoàn. Lượng nước hàng ngày của người trưởng thành khoảng 1500-2000cc, có thể thay thế một phần nước bằng các loại trà dưỡng gan sau:

1. Câu kỷ hồng táo trà

Liều lượng và cách dùng hàng ngày: Câu kỷ 3 tiền (khoảng 15 gam), táo đỏ 5-6 trái, thêm 1000cc nước đun sôi khoảng 10 phút rồi tắt bếp.

Bác sĩ Ngô cho biết, câu kỷ và táo đỏ đều có tác dụng bổ can huyết, người có triệu chứng can huyết hư có thể pha lấy nước uống.

Cơ thể có mùi, cần chú ý các vấn đề về gan
Câu kỷ và táo đỏ đều có tác dụng bổ can huyết, người có triệu chứng can huyết hư có thể pha lấy nước uống. (Ảnh: Shutterstock)

2. Quyết minh tử trà

Liều lượng và cách thực hiện hàng ngày: Quyết minh tử 3 tiền (khoảng 15 gam), thêm 1000cc nước để pha trà.

Quyết minh tử có công dụng bổ gan, cải thiện thị lực, nhuận tràng thông tiện. Vì vậy, những người có triệu chứng can hỏa vượng như miệng lưỡi khô, đắng miệng, hôi miệng, đồng thời bị táo bón, có thể uống trà quyết minh tử.

3. Cúc hoa trà

Liều lượng và cách thực hiện hàng ngày: Hoa cúc 3 tiền (khoảng 15 gam), thêm 1000cc nước, đun thành trà hoa cúc.

Hoa cúc có tác dụng mát gan, tăng cường thị lực, thanh nhiệt giải độc. Người can hỏa vượng xuất hiện tình trạng khô mắt, miệng hôi mà phân nhão, thì thích hợp uống trà hoa cúc.

Bình thường uống những loại trà này có thể cải thiện chức năng gan, tiến tới làm giảm mùi hôi miệng và mùi cơ thể do gan kém gây ra. Bác sĩ Ngô lưu ý rằng, vì gan đã ở trong tình trạng viêm, đường lại là thực phẩm có thể gây viêm, vì vậy không nên đun các loại trà này với đường.

Cơ thể có mùi lại ăn kém ? Bát canh Tứ Thần thang

Trong Trung y, gan không chỉ liên quan đến cảm xúc mà còn ảnh hưởng đến trường vị. Nhiều người do chức năng gan kém dẫn muốn đi vệ sinh khi căng thẳng. Lúc này có thể dùng Tứ thần thang để điều dưỡng.

Bác sĩ Ngô giới thiệu rằng, Tứ Thần thang là dược thiện tính bình phù hợp với mọi lứa tuổi, trong thành phần có Liên tử (hạt sen), Khiếm thực, Phục linh, Hoài sơn đều có tác dụng bổ tỳ, có thể điều hòa trường vị. Sau khi chức năng tiêu hóa được tăng cường, gan mới có được đầy đủ dinh dưỡng.

Cơ thể có mùi, cần chú ý các vấn đề về gan
Tứ thần thang có công hiệu điều lý trường vị. Sau khi chức năng tiêu hóa được tăng cường, gan mới có thể được nuôi dưỡng đầy đủ (Ảnh: Shutterstock)

Thành phần Tứ thần thang gồm: 600 gam sườn heo (cũng có thể thay thế bằng ruột heo hoặc dạ dày heo), Ý dĩ, Liên tử, Khiếm thực mỗi vị 75 gam, Phục linh 3 lát, Sơn dược 10 lát, muối ăn: 1 thìa nhỏ, rượu gạo: 1 thìa lớn. ( Khẩu phần cho 4 người ăn)

Cách làm:

  1. Rửa sạch ý dĩ và ngâm trong nước khoảng 2-3 giờ, vớt ra để riêng.
  2. Rửa sạch Liên tử, Khiếm thực, Phục linh, Sơn dược bằng nước, để riêng ráo nước.
  3. Rửa sạch sườn và chần sơ cho hết máu, sau đó vớt ra để ráo nước.
  4. Cho tất cả các nguyên liệu trên vào nồi, đổ nước khoảng 1,500c.c, đun sôi trên lửa lớn.
  5. Sau khi sôi chuyển sang lửa nhỏ đun liu riu cho đến khi các nguyên liệu chín mềm, nêm một lượng muối và rượu gạo vừa ăn, đun khoảng 2 đến 3 phút, sau khi rượu bay hơi hết là có thể dùng được.

Lâm Mộc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Tô Quán Mễ
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn