Đau đầu: 5 nguyên nhân chính và cách giảm đau hiệu quả

Đau đầu là một chứng bệnh phổ biến. Nhiều người bị đau đầu đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung y sau khi không thể giảm đau bằng các phương pháp khác. Điều trị đau đầu là một trong những thế mạnh của Trung y.

Để giảm đau, trước tiên bạn cần tìm ra nguyên nhân. Nhìn chung, những người bị đau đầu thường có một hoặc nhiều hơn các thói quen sau:

  1. Kỳ vọng vào bản thân cao và áp lực cao.
  2. Tư thế không đúng, đặc biệt là hay nghiêng đầu về phía trước.
  3. Thường ăn đồ lạnh.
  4. Làm ướt tóc sau khi tắm.
  5. Làm việc quá sức, căng thẳng.

Công thức kỳ diệu giúp giảm đau đầu nhanh chóng

Đau đầu do căng thẳng: Bấm vào một huyệt ở bàn chân, cơn đau sẽ biến mất sau ba giây.

Những người hay căng thẳng thường dễ bị chứng đau nửa đầu nhất. Loại đau đầu này có thể trầm trọng đến mức gây ra tình trạng suy nhược – khiến người bệnh không thể thực hiện các công việc hàng ngày trong cuộc sống. Đau nửa đầu có thể đi kèm với buồn nôn và nôn, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn. Thuốc giảm đau là giải pháp nên dùng nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Và đây là điều kỳ diệu của phương pháp bấm huyệt – thay vì uống thuốc – chỉ cần ấn vào “huyệt Khâu Khư” và cơn đau sẽ dịu đi sau 3 đến 4 giây.

Khâu Khư là huyệt ở bên ngoài bàn chân, nơi có một hõm lớn ở phía trước và bên dưới mắt cá ngoài. Ấn huyệt ở bàn chân trái có thể giảm đau đầu bên phải trong khi ấn huyệt ở bàn chân phải có thể giảm đau đầu bên trái.

Đau đầu: 5 nguyên nhân chính và cách giảm đau hiệu quả
Huyệt Khâu Khư. (Ảnh: The Epoch Times)

Đau đầu do tư thế: Khi cải thiện lưu lượng máu ở cột sống cổ, cơn đau sẽ dần thuyên giảm.

Tư thế xấu là nguyên nhân phổ biến nhất của đau đầu. Việc dùng máy tính trong thời gian dài có thể khiến một người có thói quen cúi đầu về phía trước, làm căng các cơ ở cổ và đầu.

Khi tôi thấy một bệnh nhân bị đau đầu, đầu tiên tôi sẽ hỏi rằng: “Phần cổ của bạn có bị đau không?” Tôi thường xuyên nhận được câu trả lời: “Có.” Với loại đau đầu này, chỉ cần giải quyết vấn đề ở phần cổ, khí huyết sẽ lưu thông trở lại. Và khi điều chỉnh tư thế sai, cơn đau sẽ dần dần biến mất.

Đau đầu do nhiễm lạnh: Uống nước trong “thời kỳ vàng” để loại bỏ đàm ẩm.

Thói quen thứ ba gây đau đầu là dùng quá nhiều thực phẩm lạnh và nước đá. Uống nước lạnh làm tổn thương các cơ quan nội tạng và khiến khả năng chuyển hóa nước của lá lách bị suy yếu. Trong Trung y, lá lách kiểm soát độ ẩm – nếu chất thải và chất độc không thể đào thải ra ngoài đúng cách, độ ẩm sẽ tăng lên gây ra chứng “đau đầu do đàm ẩm” và kèm theo triệu chứng “nặng đầu.”

Trung y phát hiện rằng cơ thể có 12 kinh mạch chính chịu trách nhiệm vận chuyển “khí” và “huyết.” Hai chất này cần lưu thông khắp cơ thể để duy trì sự cân bằng và ổn định trong các mô và cơ quan khác nhau.

Trong Trung y, mỗi hai giờ trong 24 giờ có liên quan đến một kinh mạch cụ thể chạy trong cơ thể. Kinh mạch bàng quang và thận có liên quan đến khung giờ từ 3 đến 7 giờ tối – được gọi là “thời kỳ vàng.” Uống nước trong giai đoạn này có thể đẩy nhanh tuần hoàn cơ thể, đồng thời làm thoát nước trong kinh mạch bàng quang và thận.

Hai kinh mạch này hoạt động phối hợp với nhau để tăng khả năng ích thận, lợi tiểu, từ đó cải thiện được chứng đau đầu do dùng đồ lạnh.

Đau đầu do phong, hàn, ẩm thấp: Xoa bóp hai huyệt trên bàn tay có thể giúp nhanh chóng làm giảm đau đầu.

Thói quen xấu thứ tư dẫn đến đau đầu là không làm khô tóc kỹ sau khi gội đầu. Ngồi trong môi trường máy lạnh và ra ngoài trời lạnh mà không bảo vệ đầu và cổ có thể gây đau đầu. Khi xâm nhập vào vùng đầu, gió, không khí lạnh, và ẩm ướt thường làm chậm quá trình lưu thông khí huyết, dẫn đến đau đầu.

Để nhanh chóng loại bỏ các cơn đau đầu do phong-hàn-ẩm thấp và giữ cho đầu óc minh mẫn, hãy thử xoa bóp các huyệt “Hợp Cốc” và “Liệt Khuyết” trên bàn tay.

Huyệt Hợp Cốc nằm trên mu bàn tay, ở giữa gốc ngón cái và ngón trỏ.

Đau đầu: 5 nguyên nhân chính và cách giảm đau hiệu quả
Huyệt Hợp Cốc. (Ảnh: The Epoch Times)

Huyệt Liệt Khuyết nằm ở phía trên cổ tay và mặt trong cánh tay. Để xác định vị trí của huyệt này, hãy đan ngón cái và ngón trỏ của bàn tay này với ngón cái và ngón trỏ của bàn tay kia, huyệt nằm trên mép ngón trỏ, ở chỗ lõm giữa gân và xương.

Trung y cho rằng “đầu và mặt hội tụ về Hợp Cốc,” trong khi Liệt Khuyết tương ứng với một bên đầu. Do đó, [xoa bóp] hai huyệt Hợp Cốc và Liệt Khuyết có thể ngăn ngừa các bệnh ở đầu và mặt. Chứng đau nửa đầu nói riêng có thể được cải thiện nhanh chóng.

Đau đầu: 5 nguyên nhân chính và cách giảm đau hiệu quả
Huyệt Liệt Khuyết. (Ảnh: The Epoch Times)

Đau đầu do làm việc quá sức: Một bát canh cùng một tách trà có thể giúp bổ máu và giảm đau.

Phụ nữ thường xuyên bị đau đầu do làm việc quá sức. Phụ nữ thời nay phải đồng thời quản lý công việc, làm việc nhà, chăm sóc con cái, v.v.— do đó thường cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, thậm chí chóng mặt.

Một số phụ nữ cũng có thể bị đau đầu dữ dội và thậm chí nôn mửa trong thời kỳ hành kinh. Điều này chủ yếu là do vấn đề về lưu thông [khí huyết] xung quanh tỳ vị. Bất cứ khi nào khí huyết không được cung cấp đủ cho các bộ phận khác nhau của cơ thể, các cơ quan sẽ trở nên suy yếu, dẫn đến khó chịu ở đầu.

Khi cảm thấy đau đầu và chóng mặt, bạn có thể làm món “canh đầu cá măng sữa.” Đây là một món ăn bổ sung có thể làm dịu thần kinh, giảm đau, và có hương vị rất ngon. Bạn có thể thử công thức sau đây.

Thành phần:

  • 3 đến 5 đầu cá măng
  • đậu hũ

Dược liệu*:

  • Thân cây thiên ma 15g (0.53 ounce)
  • Phục thần 15g (0.53 ounce)
  • Cây lan tiên 15g (0.53 ounce)
  • Đẳng sâm 15g (0.53 ounce)
  • Phục linh 15g (0.53 ounce)
  • Hoa cam cúc 15g (0.53 ounce)
  • Cam thảo rang 10g (0.35 ounce)
  • Thạch cao thô 25g (0.9 ounce)
  • Dứa 10g (0.35 ounce)
  • Phòng phong xanh 3g (0,1 ounce)
  • Vỏ quýt khô 15g (0.53 ounce)
  • Câu đằng 25g (0.9 ounce)

Chuẩn bị:

  • Rửa sạch tất cả các nguyên liệu và dược liệu.
  • Đun sôi tất cả trong nồi.
  • Thưởng thức khi canh nguội.

Trong số này, cây câu đằng cần phải được bọc riêng. Chỉ cho vào sau khi canh đầu cá măng đã chín kỹ, khuấy đều rồi vớt ra khỏi nồi và thưởng thức.

Các thành phần quan trọng nhất trong món canh này là đầu cá măng và thiên ma, trong khi các loại thảo mộc như đẳng sâm có thể giúp dưỡng tỳ vị. Và bởi vì những loại thuốc này có thể có tác dụng đối với phần đầu, chúng có thể giúp giảm đau rất hiệu quả.

Ngoài ra, trà gừng táo tàu đỏ cũng có thể giúp giảm đau đầu. Bạn có thể pha trà bằng cách ủ gừng thái nhỏ, đường nâu, chà là đỏ với nhau, và đừng quên thêm một chút quế. Bản thân quế có tác dụng làm ấm, và cũng có thể “thu khí về nguồn,” nhờ đó tất cả khí có thể quay trở lại thận, một bộ phận quan trọng nhất của cơ thể và là cánh cửa quan trọng của sự sống. Loại trà này có tác dụng bổ huyết, khiến da dẻ người phụ nữ hồng hào trở lại, và giảm đau đầu.

Điều trị bàn chân để giảm đau đầu

Nếu bạn bị đau toàn bộ đầu, Trung y gợi ý phương pháp “dưỡng chân để chữa đau đầu.” Một huyệt đạo có thể giúp giảm đau đầu, đó là “Huyệt Dũng Tuyền,” nằm ở lòng bàn chân, trong chỗ lõm ở mặt gan bàn chân, có thể nhìn thấy khi ngửa bàn chân.

Cố gắng đi bộ vài lần mỗi tuần trên con đường rải sỏi để kích thích huyệt Dũng Tuyền, lòng bàn chân, và gót bàn chân. Làm như vậy bạn sẽ cảm thấy cơn đau đầu thuyên giảm ngay lập tức. Quá nhiều khí ở phần trên cơ thể có thể gây đau đầu, kích thích bàn chân có thể dẫn khí xuống và làm thuyên giảm các triệu chứng.

Tất nhiên, hãy nhớ rằng luôn giữ bình tĩnh trong cuộc sống và học cách kiên nhẫn, khi đó bạn có thể nói lời tạm biệt với những cơn đau đầu.

*Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có thể không quen thuộc, nhưng chúng thường được bán ở các siêu thị của người Á Châu.

Lưu ý: Vì mỗi người có một thể chất khác nhau, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc chuyên gia Trung y trước khi thực hiện các giải pháp trên.

Kim Khuê biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Hồ Nãi Văn
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Tiến sĩ Hồ Nãi Văn là bác sĩ Trung y tại Trung tâm Y học cổ truyền Đồng Đức Thượng Hải ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Ông là giáo sư tại Đại học Y khoa Nine Star ở Sunnyvale, California, Hoa Kỳ. Ông cũng là nhà nghiên cứu khoa học đời sống tại Viện nghiên cứu Standford. Trong hơn 20 năm hành nghề y, ông đã điều trị hơn 140,000 bệnh nhân. Ông nổi tiếng với việc chữa trị thành công bệnh nhân ung thư hắc tố thứ năm trên thế giới bằng Trung y. Bác sĩ Hồ hiện đang dẫn chương trình sức khỏe trên YouTube với hơn 700,000 người đăng ký. Ông cũng được biết đến với chương trình trình diễn lưu động về sức khỏe nổi tiếng được tổ chức ở nhiều thành phố khác nhau ở Úc và Bắc Mỹ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn