Đậu là thực phẩm trường thọ, mỗi loại đều có những lợi ích riêng

Trong “Hoàng Đế Nội Kinh” viết rằng, “Ngũ cốc nghi vi dưỡng, thất đậu tắc bất lương”, ý rằng: ngũ cốc phù hợp để làm chất dinh dưỡng, thiếu Đậu tất không có lợi. Vậy rốt cuộc Đậu có gì đặc biệt?

Tuổi thọ trung bình của người Okinawa ở Nhật Bản cao hơn người Mỹ 7 năm, số người sống trên 100 tuổi ở nơi đó gấp 5 lần so với Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, ung thư ruột và ung thư vú chiếm 1/5 số ca tử vong, còn bệnh tim mạch chiếm 1/6. Người Nhật Bản đã tránh được hậu quả nghiêm trọng do các bệnh tương tự bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Chuyên gia nghiên cứu tuổi thọ Dan Buettner đã phát hiện ra rằng, người Okinawa ăn Đậu phụ nhiều gấp 8 lần người Mỹ. Điều này nói lên rằng Đậu là một thực phẩm không thể thiếu nếu muốn trường thọ.

Ông Kimura Jiroemon là một trong số ít những người đàn ông trường thọ ở Nhật Bản. Ông sinh năm 1897 vào thời Minh Trị, sống qua Thế chiến đệ nhị cho đến trước năm 2013, trải qua ba thế kỷ và hưởng thọ 116 tuổi. Ông sống tại thành phố Kyotango, Kyoto, Nhật Bản, một khu vực có rất nhiều người trường thọ. Thành phố này đã đặc biệt chế ra “công thức nấu ăn cho cuộc sống trăm tuổi”, tích hợp các nguyên liệu truyền thống của địa phương, trong đó Đậu là nguyên liệu dưỡng sinh hàng đầu.

Không chỉ người Nhật, mà cả cư dân của các quốc gia Địa Trung Hải (nơi thường xuyên ăn đậu ván, đậu gà và đậu trắng) và người Thụy Điển (thích ăn đậu nâu và đậu Hà Lan) đều có xu hướng sống lâu hơn. Tiến sĩ Michael Greger, chuyên gia nghiên cứu về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm nói rằng: “Những người lớn tuổi ăn Đậu thì sẽ càng trường thọ.”

Đặc điểm lớn nhất của Đậu là chứa một lượng protein cao. Nói chung, hàm lượng protein trong Đậu cao gấp 2-3 lần các loại lương thực chính như lúa mì và gạo, và là nguồn protein thực vật chính.

Ngoài ra, Đậu còn giàu chất xơ, tinh bột, chứa nhiều vitamin nhóm B, vitamin E, sắt, calci và nhiều loại vitamin cũng như nguyên tố vi lượng khác, là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng tương đối cao.

Theo thành phần dinh dưỡng, các loại Đậu chúng ta thường ăn có thể được chia thành hai loại:

Một là Đậu có hàm lượng carbohydrate cao, chẳng hạn như Đậu đỏ, Đậu xanh, Đậu mây, v.v. Tuy nhiên, chúng không dễ khiến lượng đường trong máu tăng cao, thích hợp để thay thế một phần cơm trắng và mì trắng, vừa bổ sung lượng calo cơ bản, vừa tăng cường bổ sung chất xơ và các chất dinh dưỡng khác.

Một loại nữa là các loại đậu giàu protein, chẳng hạn như Đậu nành, edamame và Đậu đen. Theo dữ liệu từ Bệnh viện Cơ đốc giáo Chương Hóa, Đài Loan, protein của Đậu nành cao tới 37%, hơn nữa chất lượng tương đương với thịt, nó còn có 8 acid amin thiết yếu mà cơ thể con người cần, thuộc vào loại “protein hoàn chỉnh”.

Tác dụng đối với sức khỏe và cách ăn của 4 loại đậu phổ biến

Vì Đậu rất giàu và đa dạng chất dinh dưỡng, nên tác dụng kháng bệnh và chăm sóc sức khỏe cũng rõ ràng. Các loại đậu khác nhau có những lợi ích khác nhau. Dưới đây là những lợi ích sức khỏe của một số loại đậu phổ biến.

Đậu nành

Đậu nành hay còn gọi là Đậu tương có chứa một lượng lớn protein chất lượng cao, trong đó có 9 loại là acid amin thiết yếu mà cơ thể con người không thể tự sản xuất, nên người ta còn gọi Đậu nành là “thịt trồng trong đất”.

Trường thọ
Đậu nành chứa một lượng lớn protein chất lượng cao, được mệnh danh là “thịt trồng trong đất”. (Ảnh: Shutterstock)

Đậu nành có tác dụng đặc biệt hiệu quả trong việc ức chế lượng cholesterol xấu trong cơ thể con người. Trong một nghiên cứu về giảm huyết áp ở nam giới Scotland, những người đàn ông có huyết áp tâm thu 140mmHg đã giảm xuống 130mmHg sau khi ăn bổ sung đậu nành, đồng thời cholesterol của họ cũng giảm từ 240mg/dl xuống 220mg/dl.

Đậu nành còn chứa isoflavone, lecithin và saponin, có thể ngăn ngừa xơ cứng động mạch và ung thư. Ngoài ra, Đậu nành còn có các tác dụng khác như hạ đường huyết, nhuận tràng, làm đẹp, v.v.

Cách ăn: Ngoài việc tiêu thụ các chế phẩm từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành, đậu hũ khô, mầm đậu nành v.v., cũng có thể kết hợp đậu nành với các nguyên liệu khác. Ví dụ, xào củ cải trắng với đậu nành đã ngâm sẽ có tác dụng lợi ẩm, dưỡng huyết, giúp tiêu hóa, khai vị bổ tỳ.

Đậu đen

Đậu đen hay còn gọi là Đậu nành đen nổi tiếng là “vua của các loại đậu”. Trung y cho rằng đậu đen có thể giải độc lợi tiểu, bổ thận tiêu phù, làm đen tóc, kéo dài tuổi thọ, rất thích hợp cho người bị thận hư.

Trường thọ
Đậu đen được mệnh danh là “vua của các loại đậu”, rất thích hợp cho những người bị thận hư. (Ảnh: Shutterstock)

Chất anthocyanin dồi dào trong đậu đen có công dụng chống oxy hóa và phục hồi sau mỏi mắt. Điều đáng nói là, chất anthocyanin có tác dụng ức chế tích tụ mỡ bụng rõ rệt. Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy so với đậu nành, đậu nành đen có tác dụng chống béo bụng cao hơn 39%.

Isoflavone trong đậu đen có thể thanh lọc máu, ngoài ra nó còn chứa chất xơ không hòa tan giúp cải thiện tình trạng táo bón.

Cách ăn: Vỏ đậu đen cứng và sáp, khá khó ăn, thích hợp để nấu canh. Ví dụ như, ngâm đậu đen 2-3 tiếng, sau đó nấu canh với sườn heo, đồng thời cho thêm lê đã gọt vỏ và bào sợi, có thể bổ thận, dưỡng âm, bồi bổ cơ thể. Bạn cũng có thể đun nước đậu đen để uống.

Đậu đỏ

Theo quan điểm của Trung Y, Đậu đỏ thuộc loại thực phẩm có màu đỏ, mà màu đỏ đi vào tim, có thể dưỡng tim. Chất saponin có trong đậu đỏ có tác dụng tống khứ lipid thừa trong máu, ngăn ngừa và cải thiện tình trạng tam cao (đường huyết cao, huyết áp cao và mỡ máu cao) một cách hiệu quả. Vitamin B1 trong đậu đỏ có tác dụng cải thiện tình trạng mệt mỏi và giải độc.

Đậu là thực phẩm trường thọ, mỗi loại đều có những lợi ích riêng
Theo quan điểm của Trung Y, đậu đỏ thuộc loại thực phẩm có màu đỏ, có thể dưỡng tim. (Ảnh: Shutterstock)

Hàm lượng chất xơ trong Đậu đỏ là thứ đáng chú ý nhất. Cứ 100 gam đậu đỏ nấu chín có chứa từ 11-12 gam chất xơ không hòa tan, gấp khoảng 3 lần so với ngưu bàng và 4 lần so với khoai môn. Vì vậy, đậu đỏ có tác dụng nhuận tràng rất tốt.

Cách ăn: Hàm lượng chất xơ trong đậu đỏ nấu chín gấp 1.5 lần so với lúc còn sống. Nấu chè đậu đỏ có rất nhiều tác dụng như giải độc, thanh nhiệt, bổ tỳ vị, tiêu phù, lợi tiểu, thông khí tiêu phiền v.v., hơn nữa lại ít calo, thích hợp cho những người có tình trạng mập giả, sưng phù hoặc muốn giảm cân.

Đậu xanh

Đậu xanh còn được gọi là “tế thế lương cốc”, là một loại thực phẩm vừa là thuốc vừa là lương thực, có công dụng thanh nhiệt, giải độc và lợi tiểu.

Đậu là thực phẩm trường thọ, mỗi loại đều có những lợi ích riêng
Đậu xanh còn được gọi là “tế thế lương cốc”, là một loại thực phẩm vừa là thuốc vừa là lương thực. (Ảnh: Shutterstock)

Các nghiên cứu hiện đại đã phát hiện ra rằng β-carotene, vitamin C và methionine trong đậu xanh có thể cải thiện tình trạng dị ứng, tăng cường khả năng miễn dịch và điều chỉnh chức năng gan.

Cách ăn: Ngoài cách làm chè đậu xanh, bạn cũng có thể thử món kem đậu xanh tự chế vào mùa hè nóng nực. Nấu đậu xanh đã ngâm cho đến khi chín, sau khi nguội thì cho vào tủ lạnh 2 tiếng, lấy ra cho thêm một lượng sữa đặc và mật ong vừa đủ là có thể ăn được rồi. Tuy nhiên cần lưu ý đậu xanh có tính lạnh, những người tỳ vị hư yếu không nên dùng nhiều.

Lý Mai thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn