Đậu nành biến đổi gene có gây hại cho sức khỏe không?

Đậu nành biến đổi gene (GM) luôn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Hiện tại, 90% đậu nành trồng ở Mỹ đã được biến đổi gen. Đậu nành biến đổi gene có gây hại cho sức khỏe? Hãy cùng chúng tôi khám phá một cách chi tiết về chủ đề này dưới đây.

1. Biến đổi gene và lai tạo

Có điểm gì khác biệt giữa hai phương pháp này?

Biến đổi gene là việc chủ động thay đổi bộ gene của một sinh vật bằng cách chèn gene của một hoặc nhiều loài vào gene của loài khác thông qua kỹ thuật tái tổ hợp gene hiện đại (hay còn gọi là kỹ thuật tái tổ hợp DNA), một giống hoàn toàn mới sẽ được tạo ra.

Ngược lại, lai tạo là một phương pháp giúp thụ phấn chéo giữa hai loài để tạo ra một loài mới trong một quá trình hoàn toàn tự nhiên và được sử dụng từ hàng ngàn năm qua. Quá trình này sau đó được cải thiện theo thời gian để đạt được kết quả mong muốn. Sự lai tạo cũng xảy ra trong tự nhiên mà không cần đến bàn tay của con người.

Trong lịch sử, phương pháp lai tạo và nhân giống chọn lọc đã được sử dụng để sửa đổi các đặc tính di truyền của sinh vật và thực vật.

2. Mục đích của biến đổi gen

Biến đổi gene dùng để làm gì? Có ba câu trả lời chính thức cho điều này.

  • Tăng sản lượng lương thực. Người ta cho rằng khoảng 820 triệu người trên thế giới đang thiếu lương thực và việc tăng sản lượng đã trở thành lý do quan trọng nhất để sử dụng các sinh vật biến đổi gen.
  • Cải thiện giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Trong quá trình biến đổi gene, thực phẩm có thể được thay đổi để tăng hàm lượng protein, vitamin và các nguyên tố vi lượng.
  • Tăng khả năng chống chịu của cây trồng với thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu. Ngoài việc cung cấp khả năng kiểm soát cỏ dại và côn trùng, biến đổi gene còn giúp cải thiện sức chịu đựng của cây trồng với lượng lớn thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu, mà nếu không, điều này sẽ làm cây trồng kém phát triển.

3. Tranh cãi xung quanh thực phẩm biến đổi gen

Tại sao thực phẩm biến đổi gene lại gây ra tranh cãi?

  • Có nhiều phương pháp khác để tăng sản lượng lương thực. Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng biến đổi gene không phải là cách duy nhất để cải thiện sản lượng. Đất tốt, phương pháp canh tác thích hợp và việc luân canh cây trồng đều có thể làm tăng sản lượng.
  • Tăng nhạy cảm hoặc dị ứng với thực phẩm mới. Thực phẩm biến đổi gene, trong khi cố gắng cung cấp thêm dinh dưỡng, cũng có thể làm phát sinh các chất gây dị ứng mới. Ví dụ, methionine tăng trong đậu nành biến đổi gen có thể gây dị ứng ở một số người.
  • Thuốc trừ sâu mạnh hơn có thể tạo ra sâu bệnh mạnh hơn. Những người ủng hộ đậu nành biến đổi gene lập luận rằng cây biến đổi gene cần ít thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu hơn để phát triển. Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng cây trồng biến đổi gene có thể đẩy mạnh sự tiến hóa của siêu vi khuẩn và cỏ dại mới. Vì khi thực vật tiến hóa một cách tự nhiên để phát triển mạnh trong một môi trường luôn thay đổi—thì côn trùng và cỏ dại cũng vậy.

4. Thí nghiệm về tính an toàn của thực phẩm biến đổi gen

Mối quan tâm lớn nhất là liệu thực phẩm biến đổi gene có gây hại cho con người hay không. Do thực phẩm biến đổi gene còn tương đối mới, chúng ta không có đủ quan sát dài hạn từ các nghiên cứu để đưa ra kết luận chắc chắn.

Một nghiên cứu nổi tiếng đã tiến hành thí nghiệm về tác động của biến đổi gene trên động vật, trong đó các nhà nghiên cứu cho chuột ăn đậu nành biến đổi gene trong 90 ngày. Sau khi xét nghiệm các chỉ số sinh học và sức khỏe khác nhau trên chuột, người ta kết luận rằng thực phẩm biến đổi gene không gây nguy hiểm hay gây hại cho con người.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Nghiên cứu về biến đổi gen được thực hiện trên chuột—không phải trên người và thời gian nghiên cứu chỉ là 90 ngày. Các thí nghiệm trên động vật khác cũng được thực hiện cho thấy thực phẩm biến đổi gene có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và bệnh tự miễn ở người. Vậy nên, cuộc tranh luận chắc chắn sẽ còn tiếp tục.

Theo ý kiến của tôi, thực phẩm biến đổi gene khác với thực phẩm tự nhiên ở phương thức canh tác. Chúng ta nên tôn trọng tự nhiên và sử dụng phương pháp tự nhiên để sản xuất đủ thực phẩm lành mạnh dựa trên trí tuệ của con người.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo các nguyên tắc này và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan (Jingduan Yang) có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm thần học tích hợp," "Các vấn đề về thuốc," và "Liệu pháp tích hợp cho bệnh ung thư." Đồng tác giả "Hướng về phương Đông: Bí quyết cổ xưa về sắc đẹp+sức khỏe cho thời hiện đại" của HarperCollins và "Châm cứu lâm sàng và Trung y" của Oxford Press. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York, kể từ tháng 7/2022.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn