Dữ liệu cho thấy: Quá liều acetaminophen là nguyên nhân hàng đầu gây ra suy gan ở Hoa Kỳ

Tại Hoa Kỳ, acetaminophen* có sẵn ở khắp nơi và là thành phần của hàng trăm loại thuốc trị ho và cảm lạnh. Thật không may, loại thuốc này cũng dễ bị lạm dụng và là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong do tự tử và ngộ độc thuốc không chủ đích.

Do mối nguy hiểm tiềm tàng này, acetaminophen là một trong những loại thuốc bị cấm hoặc hạn chế thường xuyên nhất (pdf). Các quốc gia hạn chế hoặc cấm kết hợp thuốc có chứa acetaminophen bao gồm Vương quốc Anh, Na Uy, Ấn Độ, Algeria và Kyrgyzstan.

Theo một báo cáo được cập nhật gần đây của Viện Y tế Quốc gia, quá liều acetaminophen là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ghép gan ở Hoa Kỳ. Khoảng 500 người Mỹ tử vong hàng năm do biến chứng nhiễm độc acetaminophen. Nó cũng gây ra khoảng 56,000 lượt khám cấp cứu và 2,600 ca nhập viện hàng năm.

Tại sao tỷ lệ độc tính của acetaminophen lại cao như vậy?

“Cho đến nay, acetaminophen là nguyên nhân số 1 gây suy gan cấp tính ở Hoa Kỳ,” Tiến sĩ Nima Majlesi, giám đốc khoa chất độc y tế tại Bệnh viện Đại học Staten Island ở New York, nói với The Epoch Times.

Ông lưu ý rằng, hầu hết các trường hợp ngộ độc là do dùng quá liều acetaminophen kinh niên không chủ đích, thường là dùng sai các loại thuốc như Percocet, Vicodin và Tylenol PM hoặc dùng nhiều sản phẩm có chứa acetaminophen mà không nhận ra sự nguy hiểm của liều cao hàng ngày.

Acetaminophen được bán dưới nhiều nhãn hiệu và là một thành phần trong nhiều loại thuốc kê đơn và không kê đơn.

Ông Majlesi cho biết: “Các loại thuốc như Percocet, Tylenol PM, Robitusson và Nyquil đều chứa acetaminophen. Trên thực tế, acetaminophen có mặt trong khoảng 600 sản phẩm khác nhau.”

Mặc dù acetaminophen có hiệu quả trong điều trị các triệu chứng như đau và sốt, nhưng liều cao của thuốc có thể gây nguy hiểm và làm tổn thương gan không hồi phục. Khi dùng acetaminophen liều cao, gan không thể phân hủy kịp thời và khiến sản phẩm phụ độc hại bị tích tụ lại, gây tổn thương tế bào gan.

Theo Tiến sĩ Kevin Zacharoff, một chuyên gia về đau kinh niên và chất kích thích, mọi người nên dùng thuốc theo chỉ dẫn, nhưng ngay cả khi đó, vẫn có lo ngại rằng không phải tất cả bác sĩ kê đơn kết hợp opioid/acetaminophen đều bảo đảm được bệnh nhân sẽ không dùng bất kỳ loại thuốc chứa acetaminophen nào khác.

“Điều đó có nghĩa là, một tỷ lệ đáng kể những người cần cấy ghép gan ở Hoa Kỳ không cần ghép gan vì lạm dụng thuốc đường tĩnh mạch hay bất cứ điều gì khác ngoài thực tế là họ đã bị ‘đầu độc’ theo một cách nào đó bởi dùng quá nhiều acetaminophen,” ông Zacharoff nói.

Tử vong do tai nạn và tự sát

Acetaminophen thường được kết hợp với opioid, chẳng hạn như Percocet, và được kê để kiểm soát cơn đau. Tuy nhiên, nhiều người dùng Percocet không biết về sự hiện diện của acetaminophen, ông Zacharoff nói.

“Nếu tôi nói với bạn, ‘Hãy chắc chắn rằng khi tôi kê Percocet cho bạn, bạn sẽ không dùng bất kỳ loại thuốc nào khác có chứa acetaminophen,’ thì bạn có thể biết hoặc không biết rằng Tylenol là một từ khác của acetaminophen, ” ông nói.

Mọi người cũng không biết rằng Robitussin, một loại thuốc ho phổ biến, thường chứa acetaminophen, hay các loại thuốc trị dị ứng, xoang và đau nửa đầu thông thường cũng chứa acetaminophen.

Ông Zacharoff nói: “Điều đó tạo điều kiện… khiến mọi người vô tình tiếp xúc với quá nhiều acetaminophen.”

Khả năng sẵn có của thuốc cũng khiến cho acetaminophen trở thành một công cụ tiềm năng cho những người muốn tự tử.

Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho thấy số vụ tự tử bằng thuốc độc ở trẻ em từ 10 đến 19 tuổi tại Hoa Kỳ từ năm 2019 đến năm 2021 đã tăng 30%. Dữ liệu cho thấy một xu hướng thậm chí còn đáng báo động hơn ở trẻ nhỏ: Trẻ từ 10 đến 12 tuổi tăng 73% và thanh thiếu niên từ 13 đến 15 tuổi tăng gần 49% tỷ lệ tự tử trong thời gian đó.

Vào năm 2011, Johnson & Johnson, nhà sản xuất Tylenol, thông báo tự nguyện giảm liều tối đa hàng ngày cho các sản phẩm Tylenol Extra Strength một thành phần được bán ở Hoa Kỳ từ tám viên mỗi ngày (4,000 miligam) xuống còn sáu viên mỗi ngày (3,000 miligam) để giảm nguy cơ quá liều không chủ đích.

Quan điểm của FDA về acetaminophen

Năm 2009, ban cố vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã bỏ phiếu khuyến nghị cấm kết hợp acetaminophen và opioid dưới nhãn hiệu Percocet và Vicodin và giảm liều acetaminophen tối đa hàng ngày. Tuy nhiên, thuốc kết hợp vẫn được kê ở Hoa Kỳ nhưng với các nhãn chung như hydrocodone và acetaminophen hoặc hydrocodone/APAP.

Năm 2022, FDA đã thực hiện các bước để giải quyết mối nguy hiểm liên quan đến acetaminophen, bao gồm hạn chế các sản phẩm acetaminophen kê đơn ở mức 325 miligam mỗi liều và thêm một hộp cảnh báo nêu rõ khả năng gây tổn thương gan nghiêm trọng của thuốc.

Ông Majlesi nói: “Nếu FDA thực sự muốn giảm nguy cơ ngộ độc acetaminophen kinh niên, họ cần loại bỏ tất cả các chế phẩm kết hợp và buộc mọi người phải uống một viên cho từng loại thuốc riêng lẻ.”

Điều này có nghĩa là bệnh nhân sẽ uống một viên duy nhất cho mọi thành phần có trong thuốc của họ.

Ông nói: “Điều này sẽ loại bỏ phần lớn sự nhầm lẫn xảy ra và làm cho thuốc an toàn hơn.”

Acetaminophen thậm chí không giúp điều trị cơn đau cấp tính

Acetaminophen đã được dùng từ năm 1878 và có thể coi là vô hại, giống như aspirin, một loại thuốc lâu đời khác. Thật không may, một số nghiên cứu cho thấy acetaminophen có liên quan đến tăng tỷ lệ đau tim và suy thận.

Và ngoài rủi ro cao khi dùng với số lượng lớn, thuốc cũng gây suy gan, ngay cả với liều tiêu chuẩn, theo nghiên cứu được công bố trên tập san Drug Safety năm 2013.

Vẫn còn nhiều điều chưa biết về cách acetaminophen hoạt động trong cơ thể để giảm đau.

Ông Zacharoff nói: “Không ai thực sự biết chính xác acetaminophen hoạt động như thế nào trong điều trị cơn đau. Có một cơ chế khá chắc chắn về việc acetaminophen được dùng để điều trị cho người bị sốt, như một loại thuốc hạ sốt, tương tự như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), nhưng bản thân acetaminophen không có bất kỳ hoạt động chống viêm nào.”

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy acetaminophen thậm chí không mang lại tác dụng cho người bị đau kinh niên. Khi xem xét hai thử nghiệm lâm sàng lớn, các nhà nghiên cứu phát hiện 4,000mg acetaminophen mỗi ngày không tốt hơn giả dược trong việc giảm đau thắt lưng cấp tính ngắn hạn hoặc dài hạn cho người bị bệnh. Nghiên cứu cũng cho rằng acetaminophen không hiệu quả so với giả dược trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Acetaminophen thường bị nhầm là NSAID thông thường, chẳng hạn như ibuprofen, naproxen và diclofenac, nhưng thực tế không phải vậy.

Ông Majlesi nói: “Dược lý học của chúng là rất khác nhau.”

Ông giải thích rằng trong khi NSAID có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, chảy máu và các vấn đề về thận khi dùng quá liều, acetaminophen dẫn đến suy gan nếu lạm dụng kinh niên. Trái ngược với NSAID, các triệu chứng nhiễm độc do acetaminophen không dễ để nhận biết cho đến khi tổn thương nghiêm trọng đã xảy ra.

Ông Majlesi cho biết: “Tình trạng quá liều acetaminophen thường dễ xảy ra hơn vì nó được dung nạp rất tốt ở liều lượng cao và tồn tại ở dạng tiền kết hợp nhiều hơn so với NSAID.”

Cách để ngăn ngừa quá liều acetaminophen

Ông Majlesi nói: “Là người tiêu dùng, bạn nên biết về mọi loại thuốc sẽ đi vào cơ thể mình. Nếu bạn đang dùng các chế phẩm kết hợp, thì bạn cần biết từng loại thuốc trong chế phẩm đó và tại sao lại dùng chúng.”

Ông khuyến nghị mọi người ngừng dùng tên thương hiệu khi thảo luận về thuốc và tập trung vào tên chung của từng loại thuốc khi dùng trong cuộc sống hàng ngày.

Ông Majlesi nói: “Hầu như không có lý do gì mà mọi người phải dùng thường xuyên chế phẩm kết hợp có chứa acetaminophen hàng ngày trong hơn một tuần.”

Với những cá nhân gặp tình huống đó, ông khuyên họ nên trò chuyện cởi mở với bác sĩ để đặt câu hỏi về hiệu quả của cách điều trị như vậy.

Ông Majlesi nói: “Tôi không thể nghĩ bất kỳ chế phẩm kết hợp nào có chứa acetaminophen nên được dùng lâu dài.”

*Chú thích của dịch giả

Acetaminophen (hay còn có tên gọi phổ biến là paracetamol) là một thuốc rất thường được sử dụng và có thể mua dễ dàng tại nhà thuốc mà không cần có toa bác sĩ.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn