Dùng vitamin B có thể không hiệu quả đối với hai kiểu người: Dưới đây là cách khắc phục

Phức hợp vitamin B thường được dùng như một chất bổ sung để tăng mức năng lượng. Tuy nhiên, một số người cảm thấy buồn ngủ sau khi uống các vitamin này, và đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo.

Chú ý hai dấu hiệu cảnh báo

Mọi người thường xuyên phải làm việc nhiều giờ trong tình trạng căng thẳng trí óc khiến cơ thể tiêu hao một lượng lớn phức hợp vitamin B. Vì vậy, nhiều người dùng thực phẩm chức năng để giúp cơ thể chuyển hóa chất dinh dưỡng thành năng lượng, tăng sinh lực và giảm bớt căng thẳng.

Tuy nhiên, một số người lại cảm thấy uể oải và giảm thể lực sau khi dùng các chất bổ sung này. Dưới đây là hai lý do.

  • Cơ thể quá mệt mỏi

Theo Tiến sĩ Han-Yi Ho, chuyên gia dinh dưỡng y học chức năng tại Phòng khám Redox ở Đài Loan, mặc dù các vitamin nhóm B có thể giúp phục hồi năng lượng, nhưng phản ứng của cơ thể khi bổ sung sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe.

Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ sau khi uống vitamin B, có thể là do cơ thể đã rơi vào trạng thái căng thẳng và cần được thư giãn. Đồng thời, cơ thể không thể thư giãn do không đủ vitamin B.

Nhiều người lo lắng rằng uống vitamin B trước khi đi ngủ sẽ khiến họ mất ngủ. Trong trường hợp bình thường, vitamin B sẽ không gây ra tình trạng quá phấn khích hoặc quá buồn ngủ. [Lý do đơn giản] chỉ là mọi người có một cuộc sống bận rộn, dẫn đến thiếu năng lượng trong ngày; và cũng không thể thư giãn trước khi đi ngủ.

  • Các bệnh kinh niên

Một nguyên nhân khác khiến các chất bổ sung vitamin B không hiệu quả có thể là do bệnh kinh niên hoặc dùng một số loại thuốc.

Tiến sĩ Peng-Tzu Liu, bác sĩ tại Khoa Y học Gia đình, Bệnh viện Tân Quang ở Đài Loan, cho biết những người bị bệnh tiểu đường, các vấn đề về tuyến giáp, cũng như các bệnh về tim và phổi thường cảm thấy mệt mỏi. Trong những trường hợp này, bổ sung vitamin B sẽ không giúp tăng mức năng lượng cho bệnh nhân.

Dưới đây là một số căn bệnh gây ra tình trạng mệt mỏi:

Các bệnh gan kinh niên: Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến nhất ở những bệnh nhân bị bệnh gan kinh niên. Sự chuyển hóa bất thường và tình trạng viêm do các bệnh về gan có thể dẫn đến kiệt sức.

Các bệnh thận kinh niên: Người bệnh cảm thấy mệt mỏi do thiếu máu và không có khả năng bài tiết chất thải từ quá trình chuyển hóa.

Bệnh tiểu đường: Người bệnh tiểu đường bị thiếu năng lượng hoặc mệt mỏi vì cơ thể không thể dùng glucose để sản xuất năng lượng.

Suy tim kinh niên: Khi chức năng tim suy giảm dần, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở và mệt mỏi quá mức.

Bệnh phổi tắc nghẽn kinh niên: Đây là một bệnh phổi viêm kinh niên gây cản trở dòng khí đi ra từ phổi. Người bệnh dễ cảm thấy mệt mỏi do thiếu oxy kéo dài.

Rối loạn chức năng tuyến giáp: Tuyến giáp là một cơ quan nội tiết tham gia vào quá trình chuyển hóa của cơ thể. Chứng mệt mỏi kinh niên gặp trong suy giáp và cường giáp.

Trầm cảm và lo lắng: Bệnh nhân có thể khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ suốt đêm, dẫn đến kiệt sức. Vì vậy, họ thường cảm thấy mệt mỏi sau khi phát bệnh.

Các loại thuốc, chẳng hạn như một số thuốc hóa trị, cũng có thể gây ra mệt mỏi.

Theo Tiến sĩ Han-Yi Ho, các nhà sản xuất dược phẩm tạo ra hàng loạt các loại vitamin có thể dễ bảo quản và vận chuyển, do đó họ có xu hướng tạo ra các dạng vitamin B không hoạt động, rẻ tiền hơn.

Gan cần phải chuyển đổi các dạng không hoạt động thành có hoạt tính để cơ thể dùng. Những người có chức năng gan và thận không bình thường không thể chuyển đổi đúng cách các dạng vitamin B không hoạt động này, do đó tạo thêm gánh nặng cho cơ thể và gây ra mệt mỏi.

Quan sát các đáp ứng của cơ thể trong một tuần

Nhiều bệnh nhân thường đến khám các bác sĩ gia đình do mệt mỏi. Theo Tiến sĩ Liu, bệnh nhân thường uống vitamin B hoặc các chất bổ sung khác khi cảm thấy mệt mỏi. Sau đó, họ sẽ tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ nếu không thấy cải thiện.

Nếu cảm thấy kiệt sức, trước tiên hãy tìm hiểu xem liệu có nguyên nhân nào không, chẳng hạn như làm việc quá nhiều hoặc ngủ không ngon giấc. Nếu bạn cảm thấy tốt hơn sau khi điều chỉnh cách sinh hoạt và bổ sung vitamin B, hãy tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn cảm thấy mệt mỏi sau khi điều chỉnh sinh hoạt và cách ăn uống, bao gồm cả việc dùng chất bổ sung, hãy tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ.

Bên cạnh cảm giác mệt mỏi, có thể còn có các triệu chứng khác chưa được phát hiện, chẳng hạn như giảm cân hoặc tim đập nhanh – những dấu hiệu được xem là không liên quan đến mệt mỏi. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể là do bệnh tiểu đường, các vấn đề về tuyến giáp hoặc thậm chí ung thư.

Tiến sĩ Liu nhấn mạnh rằng khi phức hợp vitamin B và các chất bổ sung không giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi trong hai đến ba tuần, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ muộn nhất là sau sáu tuần.

Chọn phức hợp vitamin B phù hợp

Nếu không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào, và vẫn cảm thấy buồn ngủ, hoặc không thể tìm ra bất kỳ nguyên nhân nào khác sau khi bổ sung vitamin B, điều này có nghĩa là cơ thể đang ở trong trạng thái căng thẳng kéo dài. Vì vậy, bạn nên nghỉ ngơi và thư giãn trong một vài ngày.

Bạn cũng nên lựa chọn phức hợp vitamin B phù hợp nhất với mình. Theo Tiến sĩ Ho, các bệnh nhân mệt mỏi kinh niên mức độ nặng cần [bổ sung] vitamin B giúp thư giãn cơ thể và trí óc để có thể ngủ vào buổi tối và phục hồi thể lực.

Cô đề nghị nên chọn dạng phức hợp vitamin B hoạt động giúp cơ thể hấp thu nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Ví dụ, pyridoxine là dạng hợp chất phổ biến nhất trong tất cả các loại vitamin B6. Trước tiên, gan phải chuyển hóa pyridoxine thành dạng hoạt động, pyridoxal 5′-phosphate, sau đó bài tiết chất này vào máu để cung cấp cho các tế bào. Vì vậy, dạng hoạt động được cơ thể hấp thụ nhanh chóng và có tác dụng nhanh hơn.

Các dạng hoạt động phổ biến nhất của vitamin B bao gồm:

  • Vitamin B1: thiamine pyrophosphate
  • Vitamin B2: riboflavin-5-phosphate
  • Vitamin B3: niacin or its derivative niacinamide
  • Vitamin B5: D-pantothenate
  • Vitamin B6: pyridoxal 5′-phosphate
  • Vitamin B12: methylcobalamin and 5-deoxyadenosylcobalamin

Tiến sĩ Ho cho biết rằng mục đích của chất bổ sung vitamin là cung cấp những gì cơ thể đang thiếu hụt. Nếu không có bằng chứng thiếu hụt các vitamin trên xét nghiệm, bạn có thể chỉ cần bổ sung vitamin B6 hoặc acid γ-aminobutyric (GABA).

Acid Gamma-aminobutyric là một amino acid có vai trò như một chất dẫn truyền thần kinh. Chất bổ sung GABA có thể làm giảm căng thẳng và lo lắng.

Acid glutamic trong chất dẫn truyền thần kinh có thể gây cảm giác hưng phấn, nhưng GABA có thể làm dịu trí óc bằng cách kiểm soát sự hưng phấn của tế bào thần kinh. GABA là một chất chuyển hóa của acid glutamic, và vitamin B6 là một cofactor [một thành phần của enzyme] trong quá trình trao đổi chất.

Ngay cả khi thiếu một chút vitamin B6 cũng có thể làm chậm quá trình tổng hợp GABA. Tiến sĩ Ho giải thích rằng con người thời này luôn bị bao quanh bởi những kích thích liên tục từ bên ngoài, làm tăng nồng độ acid glutamic. Kết quả, cơ thể bị hưng phấn quá mức và khó đi vào trạng thái thư giãn.

Ngoài ra, vitamin B6 có thể trợ giúp quá trình trao đổi chất và tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và serotonin, được xem là những hormone hạnh phúc.

Bạn có thể bổ sung vitamin B1 (thiamine, vitamine B12 (riboflavin), vitamin B3 (acid nicotinic) và vitamin B5 (acid pantothenic) trong cả ngày để trợ giúp các tế bào sản xuất năng lượng từ các chất dinh dưỡng.

Phức hợp vitamin B tham gia vào tất cả các khía cạnh sản xuất năng lượng trong tế bào, đặc biệt là các dạng hoạt động của vitamin B1, B2, B3, và B5. Đó là những coenzyme cần thiết trong việc duy trì chức năng của ty thể và tế bào.

Tú Liên và Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Camille Su
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Camille Su là một ký giả chuyên viết về mảng sức khỏe bao gồm các chủ đề về bệnh tật, dinh dưỡng và điều tra. Liên lạc với cô qua email [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn