Fluoride: Là phương pháp thần kỳ chữa sâu răng, là thuốc độc, hay là cả hai?

Cho fluoride vào nước ở Mỹ (Phần 3)

Trong loạt bài này, chúng ta sẽ tiếp tục khám phá những phát hiện gây tranh cãi xung quanh việc fluoride hóa nguồn cung cấp nước công cộng ở Mỹ và trả cho lời câu hỏi liệu việc cho fluoride vào nước có gây rủi ro hay không và chúng ta nên làm gì.

Phần 1: Cho fluoride vào nguồn cung cấp nước công cộng ở Hoa Kỳ là một chủ đề gây chia rẽ cả về mặt học thuật lẫn chính trị bắt đầu từ những năm 1940.

Phần 2: Khám phá sự khác biệt: Tại sao fluoride tự nhiên và fluoride tổng hợp không được tạo ra như nhau

Bài trước: Việc cho fluoride vào nguồn nước công cộng của Hoa Kỳ là một chủ đề gây chia rẽ cả về mặt học thuật lẫn chính trị bắt đầu từ những năm 1940. Khi khoa học tiếp tục phát triển thì những tranh luận về lợi ích và rủi ro sức khỏe của việc fluoride hóa nguồn nước càng dữ dội hơn. Trong khi một số nghiên cứu cho rằng cho fluoride vào nước có thể làm giảm sâu răng thì những nghiên cứu khác lại cho thấy mối liên hệ giữa việc cho fluoride vào nguồn nước với những tác dụng phụ gồm các vấn đề về nhận thức ở trẻ em.

Việc cho fluoride vào nước máy được triển khai tại Mỹ vào năm 1954 và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên dùng như là một phương pháp bổ sung fluoride chính để cải thiện sức khỏe răng miệng.

Fluoride độc ​​đáo ở chỗ đây là hóa chất phòng ngừa duy nhất mà hầu hết người dân Mỹ không có quyền lựa chọn sử dụng vì khoảng 75% nguồn cấp nước công cộng đều có fluoride.

Mặc dù Bộ Y tế Indiana lập luận dựa trên những phán quyết của tòa án rằng “fluoride là một chất dinh dưỡng… không phải là thuốc” và “bắt buộc fluoride hóa nguồn nước là việc sử dụng hợp lệ quyền lực của cảnh sát” nhưng cũng lưu ý rằng không ai bị ép phải uống nước có fluoride và người dân có thể áp dụng phương pháp thẩm thấu ngược hoặc chưng cất nước uống.

Theo sách “Sự lừa dối fluoride” của phóng viên điều tra Christopher Bryson thì trước 1945, các cơ quan y tế luôn tìm cách loại bỏ fluoride khỏi nước.

Vậy làm thế nào mà fluoride từ một hóa chất độc hại làm xuất hiện các đốm trên răng, gây hàng loạt các vấn đề sức khỏe lại trở thành thuốc tiên chữa sâu răng? Dưới đây là những cột mốc quan trọng và các con số đáng chú ý.

Dịch sâu răng

Ngày nay sâu răng dường như không phải là vấn đề lớn—mặc dù đây vẫn là bệnh kinh niên phổ biến nhất có thể ngừa được ở cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, vào giữa những năm 1900 thì sâu răng là một vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng.

Trong bài báo đăng trên Tập san Y tế Công cộng Hoa Kỳ năm 2015, nhà sử học Catherine Carstairs lưu ý rằng vào giữa những năm 90, nếu không được điều trị sâu răng sẽ dẫn đến rụng răng, các vấn đề về nhai, suy dinh dưỡng và các biến chứng nhiễm trùng. Bà Carstairs cũng cho rằng một yếu tố góp phần vào tình trạng này có thể là do sự thiếu hụt đáng kể nha sĩ tại Mỹ vào thời điểm đó.

Bà Carstairs viết rằng vào đầu những năm 1950, hai nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng cho biết bình quân nam thanh niên từ 20 đến 35 tuổi mất trung bình 4.2 chiếc răng và 90% trong số họ cần phải cầu răng, trồng răng giả toàn hàm hoặc một phần.

Các nhà lãnh đạo như giám đốc nha khoa bang Wisconsin, ông Frances Bull “đã lập luận rằng có thể giảm sâu răng bằng cách thực hành tốt vệ sinh răng miệng, hạn chế tiêu thụ đường và cải thiện thực đơn ăn uống.” Tuy nhiên, ông cũng không tin rằng người dân sẽ thực hiện các biện pháp này.

Bà Carstairs viết: “Theo quan điểm của Frances Bull, fluoride là biện pháp khả thi đầu tiên được đưa ra để ngăn ngừa sâu răng.”

Chiến tranh cũng khiến mức độ bệnh răng miệng ở Hoa Kỳ trở thành tâm điểm chú ý. Một bài báo của Hiệp hội Thủy lợi Hoa Kỳ vào năm 2016 cho biết vào năm 1938, quân đội có quy định rằng bạn phải có sáu răng chạm nhau để được nhập ngũ.

Bài báo viết: “Khi chiến tranh nổ ra, họ bỏ quy định đó vì cần người. 40% những người mới tham gia quân đội phải được điều trị đau răng ngay lập tức.”

Vết nâu Colorado

Theo Viện Nghiên cứu Răng Hàm Mặt Quốc gia (NIDR), các nghiên cứu về fluoride ở Hoa Kỳ bắt đầu vào năm 1901, khi sinh viên nha khoa đã tốt nghiệp Frederick McKay mở phòng khám của mình ở Colorado Springs, Colorado và phát hiện rằng trên răng của nhiều trẻ em địa phương có những vết ố nâu nghiêm trọng, đôi khi còn bao phủ cả hàm răng.

Tình trạng này được gọi là Vết ố nâu Colorado và sau đó được đặt tên y tế là răng bị nhiễm fluoride. McKay đã nhờ đến sự giúp đỡ của đồng nghiệp là tiến sĩ G.V. Black và quyết tâm tìm cách chữa trị, họ bắt đầu tìm căn nguyên của chứng rối loạn này.

Vào những năm 1920, những vết nâu tương tự cũng được phát hiện ở Oakley, Idaho. McKay đã điều tra và có thể liên kết tình trạng này với nguồn nước từ đường ống dẫn nước công cộng mới được xây dựng, mặc dù ông vẫn chưa biết chính xác tại sao nước ở đây lại gây dị dạng răng. Những người đứng đầu thị trấn đã đóng cửa đường ống và sử dụng một nguồn nước khác và trong vòng vài năm và sau đó một thế hệ trẻ em mới đã không còn mọc những chiếc răng ố vàng nữa.

Một bước đột phá xuất hiện khi McKay đến thị trấn công nghiệp Bauxite, Arkansas để điều tra các báo cáo về dịch bệnh đốm nâu ở trẻ em trong thị trấn. Ông lưu ý rằng các thị trấn cách đó chỉ năm dặm không tồn tại vấn đề biến dạng răng.

Thị trấn công nghiệp Bauxite thuộc sở hữu của Công ty Nhôm Hoa Kỳ (ALCOA) vì vậy những phát hiện của McKay ở đó đã đến tay H. V. Churchil là trưởng nhóm hóa học của ALCOA.

Vào thời điểm đó, có những tuyên bố rằng đồ nấu ăn bằng nhôm thì độc hại nên Churchill đã có động lực để đảm bảo rằng ALCOA không phải chịu trách nhiệm.

Churchill có kỹ thuật phức tạp hơn McKay và trong quá trình nghiên cứu của mình ông đã có thể phát hiện ra hàm lượng fluoride cao trong nguồn cung cấp nước ở Bauxite. Phát hiện này đã dẫn đến việc kiểm tra các mẫu nước từ các khu vực bị ảnh hưởng tình trạng vết ố nâu. Trong vòng vài tháng, người ta xác nhận rằng hàm lượng fluoride cao trong nước khiến cho men răng bị đổi màu.

Phát hiện này đã khơi dậy nghiên cứu sâu rộng của McKay và Black trong những năm tiếp theo.

Căn cứ theo lịch trình bổ sung fluoride vào nước công cộng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), các bài báo ban đầu của McKay và Black vào năm 1916 đã phát hiện ra một mâu thuẫn cốt lõi trong điều tra của họ: “Trái ngược với những gì được mong đợi [các đốm nâu] không làm tăng nguy cơ sâu răng.”

Cuộc điều tra vẫn tiếp tục

Giờ đây, khi các nhà nghiên cứu đã thấy được mối liên hệ giữa fluoride trong nước uống và những tác động lên răng thì họ càng muốn tìm hiểu thêm.

Năm 1925, các kết quả nghiên cứu do Khoa Vệ sinh Hóa chất, Trường Vệ sinh và Y tế Cộng đồng, và Đại học Johns Hopkins, Baltimore thực hiện đã tiết lộ một số phát hiện bất ngờ.

Các nhà nghiên cứu muốn biết liệu sự thiếu hụt nguyên tố fluoride trong thức ăn có thể dẫn đến sâu răng hay không và việc bổ sung thêm fluoride vào thức ăn của chuột ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng răng của chúng. Nghiên cứu này đã cho thêm 226 phần triệu nguyên tố fluoride ở dạng natri fluoride vào thực đơn của chuột.

Họ phát hiện rằng việc ăn phải lượng fluoride cao hơn một chút so với lượng có trong thực phẩm tự nhiên đã làm xáo trộn đáng kể cấu trúc răng của chuột.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng hộp sọ của những con chuột ăn nhiều fluoride dường như có chất lượng kém hơn xương sọ của chuột bình thường.

Nghiên cứu kết luận “một minh chứng rõ ràng cho việc hấp thu quá nhiều một nguyên tố mà thường thấy một lượng nhỏ trong cả thực phẩm và các mô có thể gây ảnh hưởng có hại khi lượng ăn vào nhiều hơn một chút so với lượng nguyên tố đó có trong một số mẫu thực phẩm nhất định.”

Tiến sĩ H. Trendley Dean là một nhân vật đáng chú ý khác trong câu chuyện về fluoride. Ông là trưởng khoa vệ sinh răng miệng tại Viện Y tế Quốc gia và đã tiến hành nhiều nghiên cứu về fluoride bắt đầu từ những năm 1930 ở Mỹ và cuối cùng dẫn đến việc bổ sung fluoride vào nguồn cung cấp nước công cộng.

Theo Viện Nghiên cứu Răng Hàm Mặt Quốc gia, “một trong những mối quan tâm nghiên cứu chính của ông là xác định mức fluoride cao có thể có trong nước uống trước khi xảy ra nhiễm độc fluoride.”

Vào cuối những năm 1930, tiến sĩ Dean phát hiện ra rằng hàm lượng fluoride lên tới 1 phần triệu trong nước uống không gây ra bệnh nhiễm độc fluoride ở răng với hầu hết mọi người và chỉ có một số ít người có men răng bị nhiễm fluoride nhẹ.

Tiết lộ này kết hợp với quan sát trước đó của McKay rằng trẻ em có răng bị nhiễm fluoride không làm tăng nguy cơ sâu răng đã châm ngòi cho cuộc thử nghiệm kéo dài 15 năm đầu tiên được thực hiện trên một nhóm trẻ em ở Hoa Kỳ và dẫn đến hình thành Viện Nghiên cứu Răng Hàm Mặt Quốc gia, nơi tiến sĩ Dean làm giám đốc.

Năm 1945, thí nghiệm thực tế đầu tiên bắt đầu ở Grand Rapids, Michigan, khiến nơi này trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới cho fluoride vào nước uống. Hai thành phố tiếp theo là Newburgh và New York. Evanston và Illinois là hai nơi tham gia thử nghiệm trong những tháng sau đó.

Ở Grand Rapids, gần 30.000 học sinh được theo dõi về tỷ lệ sâu răng. Sau 11 năm quan sát, các nhà nghiên cứu đã công bố rằng tình trạng sâu răng đã giảm hơn 60% ở trẻ em sinh ra sau khi fluoride được bổ sung vào nguồn nước. Hai thành phố Newburgh và New York cho thấy sâu răng giảm từ 50% đến 70% ở trẻ em.

Cuộc thử nghiệm ban đầu này dự định kéo dài 15 năm nhưng chỉ hai năm sau đó, vào năm 1948 thành phố Madison, Wisconsin theo chỉ đạo của Hội đồng Chung (Common Council) bắt đầu bổ sung fluoride tổng hợp vào nguồn nước công cộng.

Theo ghi nhận trong dòng thời gian của CDC thì vào tháng 06/1950, trước khi bất kỳ cuộc thử nghiệm nào được hoàn thành, Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, Hiệp hội Giám đốc Nha khoa Tiểu bang và Lãnh thổ, và Dịch vụ Y tế Công cộng Hoa Kỳ đều đưa ra các tuyên bố ủng hộ việc bổ sung fluoride vào nguồn nước công cộng và Tổng Y sinh Hoa Kỳ cũng tuyên bố rằng bất kỳ cộng đồng nào muốn fluoride hóa nguồn nước nên được “khuyến khích mạnh mẽ.”

Vào cuối những năm 1950, có khoảng 1.5 triệu người Mỹ đang uống nước máy chứa fluoride. Và chỉ 6 năm sau đó, vào năm 1956, Crest là kem đánh răng đầu tiên trên thế giới có chứa fluoride được tung ra thị trường Mỹ vào thời điểm nhiều năm trước khi những nghiên cứu thực tế trên người dân được hoàn tất.

Bên kia Đại Tây Dương

Cùng với khoảng thời gian các nghiên cứu về fluoride đang được đẩy mạnh ở Hoa Kỳ thì một bác sĩ người Đan Mạch là Kaj Roholm đã tìm kiếm nguyên nhân của một căn bệnh đang lan rộng trong các công nhân tại Nhà máy hóa chất Oresund ở Copenhagen, Đan Mạch. Trong sách “Sự lừa dối fluoride,” phóng viên điều tra Bryson đã trình bày chi tiết về lịch sử này và cách một đám mây bụi cryolite dày đặc lấp đầy không khí trong nhà máy. Cryolite chứa hơn 50% fluoride.

Những đau đớn mà người lao động phải chịu đựng bao gồm biến dạng cột sống, phát ban da kinh niên, rối loạn thần kinh và các vấn đề dạ dày nghiêm trọng. Sau khi nghiên cứu sâu rộng, bác sĩ Roholm đặt tên cho căn bệnh này là “nhiễm độc fluoride” và nghi ngờ rằng chính khả năng gây ngộ độc enzym của fluoride đã khiến chất này trở thành mối đe dọa trên nhiều phương diện sinh học.

Năm 1937, ông xuất bản một cuốn sách chuyên sâu về ô nhiễm fluoride có tên là “Nhiễm độc fluoride” và phản đối mạnh mẽ việc dùng fluoride ở trẻ em.

Giống như nhiều loại vitamin, khoáng chất và các hợp chất khác, cùng một chất có thể có những ảnh hưởng khác nhau. Trong những năm đầu nghiên cứu này đã tiết lộ điều tương tự về fluoride.

Một bài báo của tiến sĩ Barry Durrant-Peatfield là cố vấn y tế của Thyroid UK lưu ý rằng vào những năm 1930, tiến sĩ Viktor Gorlitzer von Mundy đã sử dụng fluoride để điều trị bệnh cường giáp.

Bệnh nhân uống nước có fluoride hoặc uống thuốc có fluoride hoặc tắm trong nước có fluoride và kết quả là chức năng tuyến giáp của họ bị suy giảm nghiêm trọng.

Mặc dù các loại phương pháp điều trị sử dụng fluoride này có thể mang lại những lợi ích y tế quan trọng nhưng việc sử dụng rộng rãi nguồn nước bị fluoride hóa vẫn tiếp tục gây tranh cãi trong những năm qua. Hiện nay, có một số ít quốc gia châu Âu bổ sung fluoride vào nguồn nước và Hoa Kỳ là một trong số ít các quốc gia có lượng fluoride cao trên thế giới.

Tiếp theo: Gladys Caldwell và tiến sĩ Philip Zanfagna vào năm 1974 đã viết trong cuốn sách “fluoride hóa và sự thật về sâu răng” của họ rằng: “Một báo cáo trên Tập san Y học Anh Quốc Mới (New England Journal of Medicine) năm 1955 cho thấy tỷ lệ ung thư tuyến giáp ở San Francisco tăng 400% trong thời kỳ thành phố cho fluoride vào nước uống.”

CDC vẫn bảo lưu quan điểm rằng một liều thích hợp để giảm sâu răng không ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng tuyến giáp.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Christy Prais
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Christy A. Prais nhận bằng kinh doanh tại Đại học Quốc tế Florida. Cô là người sáng lập và là người dẫn chương trình Discovering True Health (Khám phá Sức khỏe Đích thực), là kênh YouTube và podcast dành riêng cho sức khỏe và tinh thần, đồng thời là ký giả của The Epoch Times. Cô Christy cũng thuộc ban cố vấn tại Fostering Care Healing School (Trường chữa bệnh bằng cách chăm sóc nuôi dưỡng).
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn