Giải pháp sức khỏe cho giai đoạn tiền mãn kinh

Áp dụng liệu pháp hormone thay thế có cần thiết khi có thể giải quyết căn nguyên của tình trạng thay đổi hormone bằng những cách tự nhiên?

Tiền mãn kinh là gì? Giải pháp tự nhiên hiệu quả cho những triệu chứng khó chịu của thời kỳ này.

Về mặt giáo dục, người ta thường nhấn mạnh và chú ý chuẩn bị cho kỳ kinh nguyệt đầu tiên của một cô gái, nhưng khá ít người am hiểu và chia sẻ về những gì xảy ra trong nhiều thập niên sau khi phụ nữ dừng hành kinh. Có thể là do tiền mãn kinh không phải là một trải nghiệm phổ biến. Trên thực tế, đó là giai đoạn chuyển tiếp không đoán trước được, có thể kéo dài hàng tháng hoặc đến mười năm.

Thời kỳ tiền mãn kinh, còn được gọi là “thời kỳ không xác định” trong một tập san y khoa, rất khác nhau ở mỗi người do không chỉ liên quan đến sự tương tác của hai loại hormone chủ yếu của phái nữ – estrogen và progesterone – mà còn của một loạt các chất dẫn truyền hóa học có tác dụng điều chỉnh cơ thể và bảo vệ sức khỏe.

Xin đừng nhầm lẫn tiền mãn kinh và mãn kinh. Mãn kinh xảy ra khi dừng hành kinh trong 12 tháng liên tiếp, và tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp dẫn đến thời kỳ này. Với một số phụ nữ, tiền mãn kinh có thể gây ra những triệu chứng khó chịu khủng khiếp như bốc hỏa, cường kinh, hay quên, sương mù não, mệt mỏi, các thay đổi về da, khô âm đạo, mất ngủ, chuột rút, v.v.

Rất nhiều phụ nữ đã phải tìm đến các bác sĩ trong sự tuyệt vọng, và được cho dùng liệu pháp thay thế hormone (HRT), mà đôi khi không được kiểm tra nồng độ hormone.

Những người mong muốn giải quyết vấn đề nên hiểu rằng triệu chứng của COVID-19 và COVID kéo dài cũng tương tự như giai đoạn tiền mãn kinh. Nhiều cơ sở y tế cũng nhận thấy điều này và trong một bài báo trên Tập san Lancet vào tháng 12/2021 cũng lưu ý rằng phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh có thể bị chẩn đoán nhầm với COVID kéo dài. Bài bình luận đưa ra lời khuyên cho bác sĩ: “sự không chắc chắn trong chẩn đoán…mang đến cơ hội điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh bằng liệu pháp thay thế hormone an toàn và hiệu quả.”

Ngay cả trước khi COVID xuất hiện, các chuyên gia y học chức năng và tích hợp đã đưa ra lời khuyên: Đừng vội điều trị bằng hormone thay thế khi chưa được thông báo về những yếu tố nguy cơ, được hướng dẫn về các liệu pháp tự nhiên và quan trọng nhất là hiểu nguyên nhân gốc rễ của triệu chứng.

Bị mắc kẹt giữa những triệu chứng dễ nhầm lẫn và thông điệp mâu thuẫn, phụ nữ ngày càng cảm thấy thất vọng khi bước vào giai đoạn của sự giấu diếm, xấu hổ cũng như “tươi cười và chịu đựng” này.

Định nghĩa về giai đoạn tiền mãn kinh

Nhiều phụ nữ chuyển sang thời kỳ mãn kinh mà không có triệu chứng nào. Giai đoạn có kinh là thời kỳ rụng trứng đều đặn (thường là hàng tháng). Thông thường, kinh nguyệt kéo dài từ khoảng 13 tuổi đến cuối những năm 40 tuổi, miễn là cơ thể vẫn còn trứng.

Một bác sĩ người Pháp đã đặt ra thuật ngữ mãn kinh vào năm 1821. Có nhiều phương pháp điều trị tai hại và kỳ lạ để tăng tổng hợp estrogen vào năm 1938, thời điểm mãn kinh vẫn được mô tả là một “căn bệnh” thay vì một biến đổi sinh lý bình thường.

“Peri” có nghĩa là xung quanh, và điều làm cho tiền mãn kinh (perimenopause) khác với mãn kinh (menopause) là tính chất không đoán trước được. Nồng độ hormone [trong thời kỳ tiền mãn kinh] không giảm dần như nhiều người dự đoán. Các nghiên cứu vào những năm 1980 phát hiện hormone ở thời kỳ này tăng và giảm cùng với các triệu chứng.

Từ tuổi 35, cả lượng estrogen và progesterone bắt đầu sụt giảm thất thường. Chu kỳ kinh nguyệt có thể trở nên bất thường, như ít hơn, nhiều hơn, thưa hơn hoặc dày hơn, nhưng không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của phụ nữ. Theo một bài báo năm 2016 trên “Tập san Sức khỏe Phụ nữ,” khoảng 90% phụ nữ tìm đến bác sĩ để giảm bớt triệu chứng của tiền mãn kinh.

Các triệu chứng gây khó chịu nhất thường là bốc hỏa, rối loạn giấc ngủ và khô âm đạo. Cô Andrea Jones, y tá chức năng và huấn luyện viên hormone toàn diện cho biết, những phụ nữ trưởng thành phải vật lộn với các chu kỳ kinh nguyệt đau đớn, hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), tâm trạng thất thường, cáu kỉnh và rong kinh thường cũng gặp khó khăn trong thời kỳ tiền mãn kinh.

Khách hàng của cô có xu hướng tìm kiếm giúp đỡ để thiết lập lại cân bằng hormone ở độ tuổi 20 và 30 khi có dấu hiệu khó chịu đầu tiên — vừa để giảm bớt các triệu chứng ở thời điểm hiện tại vừa để thoải mái hơn khi bước vào tuổi mãn kinh.

Cô Jones cho biết: “Nhiều phụ nữ lo sợ rằng sẽ ra sao ở tuổi mãn kinh khi hiện tại đã tồi tệ như vậy. Họ rất muốn giải quyết vấn đề này. Tâm trạng thất thường là điều không hề bình thường.”

Bên cạnh việc thiếu thông tin, cô Jones cho biết có rất nhiều nguồn thông tin sai lệch về tiền mãn kinh khiến việc đưa ra quyết định y tế sáng suốt trở nên khó khăn. Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) đã trở thành điều bình thường. Các giải pháp không dùng hormone hiếm khi được thảo luận ở đa số phòng khám bác sĩ. Lịch sử của liệu pháp thay thế hormone gây ra tranh cãi với các nghiên cứu mâu thuẫn về việc liệu đây là nguyên nhân hay yếu tố bảo vệ các bệnh như ung thư, loãng xương và bệnh tim.

Ngay cả liệu pháp hormone đồng nhất sinh học, vốn dùng hormone thực vật gần giống với hormone người, cũng không được cô Jones hay Tiến sĩ Sean McCaffrey, bác sĩ và người sáng lập Trung tâm Y tế McCaffrey coi là giải pháp lâu dài tốt nhất.

Cả hai đều cho rằng phương pháp này chỉ nên được coi là giải pháp đầu tiên cho những tình huống trầm trọng để có chất lượng cuộc sống tốt hơn trong khoảng một thời gian ngắn. Một giải pháp khắc phục lâu dài nên xem xét đến sức khỏe toàn diện.

“Nếu có thể cân bằng và đưa cơ thể trở về bình thường cũng như cung cấp những gì cơ thể cần để hồi phục, các triệu chứng sẽ biến mất. Và bạn không cần liệu pháp hormone để làm điều đó,” ông McCaffrey nói.

Sự tương tác của hormone

Đưa cơ thể trở về trạng thái cân bằng nghĩa là gì? Trước tiên, hãy xem xét estrogen và progesterone, hai trong số hơn 50 loại hormone ở người, đặc biệt có chức năng gần giống với hormone điều chỉnh căng thẳng, giấc ngủ, chuyển hóa, v.v. Sự mất cân bằng hormone và các hệ thống khác chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến triệu chứng của tiền mãn kinh.

Nhiều phụ nữ không biết rằng buồng trứng không phải là nơi duy nhất tổng hợp estrogen và progesterone. Khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh, tuyến thượng thận, nằm trên thận, bắt đầu đảm nhận việc tổng hợp hormone. Tuyến thượng thận được biết đến nhiều nhất với việc tạo ra hormone adrenaline và cortisol, liên quan đến phản ứng căng thẳng và nhịp sinh học. Nếu tuyến thượng thận làm việc quá sức, có thể dẫn đến một loạt triệu chứng khó chịu do thay đổi hormone.

Tuyến thượng thận hoạt động kém có thể dẫn đến triệu chứng như khó kiểm soát căng thẳng, đường máu dao động, thay đổi tâm trạng, sương mù não và khó ngủ. Tuyến thượng thận khỏe mạnh là rất quan trọng đối với thời kỳ trước và trong mãn kinh.

Buồng trứng và tuyến thượng thận hoạt động như một tam giác sinh lý với tuyến giáp – một tuyến nhỏ hình bướm ở phía trước cổ, bài tiết hormone liên quan đến [chuyển hóa] năng lượng. Đôi khi, tam giác này được gọi là trục buồng trứng–tuyến thượng thận–tuyến giáp (OAT). Một phần của tam giác suy yếu sẽ dẫn đến các rối loạn. Tuyến thượng thận suy yếu có thể khiến tuyến giáp hoạt động sai cách và gây ra chu kỳ kinh nguyệt không đều. Phụ nữ có estrogen tăng cao có thể bị suy giáp và chứng mệt mỏi tuyến thượng thận.

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp kém hoạt động, làm giảm nhiều chức năng cơ thể như nhịp tim, nhịp thở, chuyển hóa, tiêu hóa và tâm trạng.

Cô Jones cho biết, các bác sĩ thường sẽ kê HRT trước tiên chỉ dựa trên triệu chứng, thay vì xem xét hormone và những hệ thống khác.

“Theo tôi, họ đang làm ngược. Đây nên là giải pháp cuối cùng,” cô nói.

“Tất cả đều có vấn đề. Bạn chỉ nên dùng (HRT) khi phải giải quyết nguyên nhân (bệnh nhân) không tổng hợp hormone ngay từ đầu.”

Cô Jones dùng đến xét nghiệm DUTCH (dried urine test for comprehensive hormones – xét nghiệm nước tiểu khô cho hormone toàn diện) để kiểm tra estrogen, progesterone, cortisol, testosterone và melatonin. Một số bác sĩ cũng dùng xét nghiệm này để theo dõi liệu pháp thay thế hormone chính xác.

Nhưng đây không phải là điều duy nhất cô Jones kiểm tra. Cô cũng nghiên cứu sự mất cân bằng các cơ quan khác có thể ảnh hưởng đến giai đoạn tiền mãn kinh.

Điều chỉnh sự mất cân bằng

Việc kiểm tra các chức năng của cơ thể, và các dấu hiệu về lối sống là cần thiết để xác định nguyên nhân gốc rễ của triệu chứng tiền mãn kinh cần đến.

Estrogen dư thừa có thể do căng thẳng kéo dài, thừa cân, ăn uống kém lành mạnh hoặc xenoestrogen, loại hóa chất trong môi trường rất giống với estrogen trong cơ thể. Quá nhiều estrogen có thể dẫn đến u xơ, u nang, tăng cân và chuyển hóa ở gan kém vì phải cố gắng loại bỏ estrogen.

Vấn đề về đường ruột, như thay đổi vi hệ, bất thường nhu động ruột hoặc căng thẳng đều ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp estrogen và progesterone.

“Hormone là giải pháp giúp cơ thể tự cân bằng. Toàn bộ tuyến thượng thận, hệ nội tiết, hệ thống tuyến đang hoạt động để giúp cơ thể hài hòa và thích nghi với căng thẳng,” ông McCaffrey cho biết.

Ông cho biết, việc dùng mạng xã hội và phương tiện truyền thông là những yếu tố quan trọng gây ra căng thẳng, đặc biệt trong vài năm qua. Vấn đề về sức khỏe tâm thần và tỷ lệ tự tử đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Ông nói, những suy nghĩ khi không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực đến cơ thể.

Ông McCaffrey nói: “Đó là tình trạng căng thẳng và hỗn loạn liên tục. Không có một khoảnh khắc nào để cơ thể ổn định. Tôi tin rằng mạng xã hội đã dẫn đến điều này.”

Căng thẳng liên tục cũng là yếu tố kích thích dẫn đến đổ mồ hôi và bốc hỏa, sương mù não, đau nhức cơ thể và đau đầu, những triệu chứng có thể bị nhầm với tiền mãn kinh. Ông McCaffrey cho biết căng thẳng sẽ khiến cơ thể mất cân bằng và biểu hiện triệu chứng ở những điểm suy yếu, có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, đào thải, sinh sản hoặc hô hấp.

Thông điệp dành cho phụ nữ là hãy quan tâm đến nhu cầu của mình, vì họ thường đặt nhu cầu của gia đình lên trước, cô Jones nói. Giống như thông báo trước mỗi chuyến bay, bạn trước tiên cần đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình.

“Tuổi thọ sức khỏe là điều quan trọng. Vấn đề là chúng ta đang làm gì? Mỗi người có những yếu tố kích thích khác nhau, khả năng khác nhau và sự phục hồi khác nhau,” cô nói, đồng thời cho biết thêm rằng các giải pháp giảm thiểu căng thẳng cũng khác nhau ở từng người.

Cân bằng hormone

Có những chiến lược giúp phụ nữ cân bằng cơ thể một cách tự nhiên. Đó có thể là công cụ phòng ngừa để tránh các triệu chứng trước và trong thời kỳ tiền mãn kinh hoặc là giải pháp đầu tiên khi triệu chứng bắt đầu xuất hiện.

Cô Jones khuyên mọi người nên thực hiện bốn điều dưới đây ngay hôm nay:

  • Uống nhiều nước để gan và thận loại bỏ hormone dư thừa một cách hiệu quả.
  • Bổ sung chất xơ từ bằng việc ăn nhiều rau trong mỗi bữa ăn. Chất xơ có thể gắn với estrogen và đào thải chúng ra ngoài qua đường tiêu hóa.
  • Tối ưu hóa giấc ngủ, đặc biệt hãy đi ngủ càng sớm càng tốt để giảm mức cortisol.
  • Chuẩn bị sẵn tinh dầu hoa oải hương và vani để xua tan căng thẳng một cách nhanh chóng.

Ngoài ra, bà Margie King, một huấn luyện viên sức khỏe mãn kinh toàn diện, cũng đưa ra những lời khuyên sau:

  • Ăn uống lành mạnh bằng cách loại bỏ thực phẩm chế biến sẵn, đường, thực phẩm biến đổi gen, chất béo chuyển hóa và các chất phụ gia hóa học có thể làm tăng nồng độ estrogen.
  • Bổ sung vitamin D bằng cách tắm nắng giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú, bệnh tim và gãy xương.
  • Xem xét dùng các phương thuốc thảo dược để cân bằng hormone, chẳng hạn như mao lương, đậu chẽ ba hoa đỏ, đương quy và cây trinh nữ Âu Châu.
  • Bổ sung acid béo thiết yếu gamma-linolenic từ dầu hoa anh thảo và quả lý chua đen để giúp làm dịu triệu chứng.
  • Thiền định hàng ngày với nhịp thở sâu bằng bụng đã được chứng minh giúp làm giảm các cơn bốc hỏa và căng thẳng.
  • Tập thể dục giúp giải tỏa căng thẳng, tăng năng lượng, cải thiện tâm trạng và thiết lập lại nhịp sinh học.
  • Tránh các sản phẩm làm sạch và đồ dùng cá nhân có hóa chất gây rối loạn hormone như paraben, phthalates và bisphenol-A (BPA).

Cô Jones cho biết nhiều phụ nữ cảm thấy bối rối và chán nản trước những thông tin và lựa chọn do bác sĩ đưa ra, khiến họ trì hoãn việc chăm sóc sức khỏe. Nếu họ không tự chăm sóc bản thân, cô sẽ khuyên họ nên tìm hiểu lý do vì sao.

“Đừng đợi bác sĩ xác nhận rồi mới giải quyết vấn đề. Đừng chờ đợi sự giúp đỡ,” cô nói. “Rất nhiều thứ bạn có thể làm. Quan trọng là bạn cần tìm đúng người để nhận được giúp đỡ.”

Tài liệu bổ sung:

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Amy Denney
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amy Denney là ký giả về sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về báo cáo các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã đạt được một số giải thưởng về báo cáo điều tra và sức khỏe. Cô tập trung vào hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và sức khỏe tích hợp.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn