Hạ đường huyết thường xuyên làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ

Người bệnh tiểu đường thường quá chú trọng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu cao, nhưng bỏ qua nguy cơ hạ đường huyết đối với cơ thể. 

Lượng đường trong máu cũng không phải là càng thấp càng tốt. Đường huyết quá thấp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng lượng đường trong máu thấp thường xuyên và sự dao động lượng đường trong máu cao, có thể làm tăng nguy sa sút trí tuệ.

Ông Hideaki Kaneto, giáo sư Đại học Y Kawasaki, Nhật Bản cho biết, chứng đường huyết cao kinh niên và hạ đường huyết lặp đi lặp lại, hai chứng này có liên quan mật thiết đến chứng sa sút trí tuệ.

Người bình thường nhịn ăn quá lâu có thể dẫn đến lượng đường trong máu thấp, chóng mặt và các triệu chứng khác. Khi bệnh nhân tiểu đường có các triệu chứng hạ đường huyết, thì không được coi nhẹ, trường hợp nặng có thể bị hôn mê, hạ thân nhiệt, thậm chí tử vong.

Hạ đường huyết bình thường có nghĩa là khi nồng độ đường trong máu thấp hơn 70 mg/dl, cơ thể xuất hiện một số triệu chứng như tim đập nhanh, chóng mặt, mờ mắt hoặc đổ mồ hôi lạnh,… Tuy nhiên, ở một số người, nồng độ đường trong máu cơ thể dù chưa thấp hơn 70 mg/dl, lượng đường trong máu từ nồng độ cao giảm nhanh chóng, cũng có thể phát sinh các triệu chứng hạ đường huyết.

Hạ đường huyết rất thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường, nguyên nhân là do lượng đường trong máu dao động lớn, quá trình hấp thụ và điều hòa đường trong máu kém, dẫn đến cơ thể không thể duy trì hiệu quả nồng độ đường huyết bình thường. Nếu phát sinh chứng hạ đường huyết cần nhanh chóng bổ sung thực phẩm có đường (như kẹo, nước hoa quả,…); tránh ăn sôcôla, vì sôcôla chứa lượng chất béo cao, sẽ làm chậm quá trình hấp thụ đường. Nếu sau khi bổ sung đường huyết, đường trong máu không tăng và các triệu chứng không cải thiện, nên lập tức đưa tới bệnh viện .

Glucose là một trong những nguồn cung cấp năng lượng chính cho não, hầu hết glucose do cơ thể con người tạo ra mỗi ngày được vận chuyển, cung cấp và lưu trữ trong não qua máu. Nếu khi đường huyết quá thấp, não thiếu glucose sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của não bộ, dẫn đến tình trạng phản ứng chậm chạp, hôn mê và thậm chí là hoại tử một số tế bào não.

Bác sĩ Hoàng Vĩ Phụ, trưởng khoa nội tiết của Bệnh viện Liuying Chimei (tại Đài Loan) nhắc nhở rằng, nếu tình trạng hạ đường huyết diễn ra nhiều lần trong thời gian dài, não bộ dễ bị thiếu chất dinh dưỡng, sẽ tăng nguy cơ sa sút trí tuệ và các bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA Internal Medicine) cho thấy, những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn so với người khác, lượng đường trong máu thấp cũng có thể dẫn đến tổn thương não và thần kinh.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco phát hiện ra rằng những người bị hạ đường huyết nghiêm trọng có nguy cơ bị sa sút trí tuệ cao gấp hai lần so với những người không bị hạ đường huyết.

Vào tháng 2/2017, “Tạp chí bệnh Alzheimers & Parkinsonism” (Journal of Alzheimers Disease & Parkinsonism) đã đăng một bài viết thảo luận chứng sa sút trí tuệ là một trong những biến chứng của bệnh tiểu đường, không chỉ hạ đường huyết thường xuyên có thể dẫn đến sa sút trí tuệ, mà chỉ số đường trong máu dao động cũng có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.

Tránh dao động đường huyết quá mức sau bữa ăn giảm nguy cơ sa sút trí tuệ

Bài viết trên “Tạp chí bệnh Alzheimers & Parkinsonism” cho rằng, nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ mạch máu không liên quan đến biến động đường huyết lúc đói, nhưng nó liên quan rõ ràng đến biến động đường huyết sau ăn. Bệnh nhân tiểu đường nên kiểm soát lượng đường trong máu một cách cẩn thận, đồng thời chú ý để giảm thiểu sự dao động của lượng đường trong máu.

Một bài báo trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ (The American Journal of Clinical Nutrition)nói về ảnh hưởng của chế độ ăn uống đối với chỉ số đường huyết. Tác giả là Tiến sĩ David S. Ludwig, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Harvard, cũng là Nhà nghiên cứu nội tiết và dinh dưỡng.

Trong bài báo của mình, ông đã xem xét một cách khái quát chỉ số đường huyết ảnh hưởng như thế nào đến chức năng sinh lý của con người, đồng thời làm rõ tầm quan trọng của việc chỉ số đường huyết GI (Glycemic index) trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh béo phì, tiểu đường và các bệnh tim mạch.

Chỉ số đường huyết đo lường một loại thực phẩm cụ thể làm tăng lượng đường trong máu nhanh như thế nào. Ví dụ: glucozơ nguyên chất (chỉ số đường huyết 100).

Thực phẩm có chỉ số GI bao gồm: bánh mì trắng (71), khoai tây nướng (111), bỏng ngô (93), gạo trắng (89), bánh quy giòn (83), bột yến mạch ăn liền (83)  khoai tây chiên (75)), v.v, nên ăn càng ít càng tốt.

Thực phẩm có chỉ số GI thấp bao gồm: bột yến mạch (55), mì Ý (46 đối với loại mặt nhỏ, 32 đối với loại mặt rộng), táo (39), cà rốt (35), sữa không béo (32), đậu đen (30), lúa mạch (28), bưởi chùm (25), đậu phộng (7) và rau xanh, v.v., ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu hơn.

Bệnh nhân tiểu đường tham khảo chỉ số đường huyết của thực phẩm, chỉ số này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát lượng đường trong máu, kiểm soát đường huyết trong phạm vi tương đối ổn định khỏe mạnh, sẽ giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ.

Lâm Hải Nhu thực hiện
Lâm Mộc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn