Hiện tượng phát quang sinh học ở người phản ánh tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần

Kinh mạch năng lượng phát ra ánh sáng mạnh nhất

Nếu từng ghé thăm các nhà nguyện và thánh đường, bạn có thể trông thấy những vầng hào quang phát sáng xung quanh các vị thần và vị thánh ở các bức tranh trên tường. Hình ảnh này biểu đạt cho sự thánh thiện hoặc sự vĩ đại của những vị thần này. Tuy nhiên, trên thực tế, miễn là một sinh vật còn sống và thực hiện chuyển hóa, nó cũng có thể phát ra vầng hào quang một cách yếu ớt. Mặc dù sự phát quang không được phân bố đều, nhưng những điểm sáng nhất lại tương ứng với kinh mạch hay các kênh năng lượng được mô tả trong học thuyết Trung Y

Vào những năm 1980, các nhà khoa học đã dùng một ống nhân quang điện có độ nhạy cao làm máy dò để đo vầng hào quang yếu ớt nhưng nhìn thấy được do các sinh vật phát ra. Các nghiên cứu phát hiện mức độ phát quang của cơ thể có sự tương quan với sức khỏe thể chất và tinh thần của người đó. Do vậy, nghiên cứu về sự phát quang có thể được dùng như một phương pháp giúp phát hiện các vấn đề về sức khỏe.

Hiện tượng phát quang sinh học xảy ra khi cơ thể đang chuyển hóa

Các nhà khoa học phát hiện cơ thể phát ra ánh sáng khi đang thực hiện hoạt động chuyển hóa hàng ngày. Để kiểm tra giả thuyết này, các nhà nghiên cứu đã đo độ phát quang của giấy trắng, miếng thịt lợn và bàn tay người trong cùng điều kiện không có ánh sáng. Trong khi tờ giấy phát sáng gấp 10 đến 1,000 lần so với bàn tay người khi tiếp xúc với ánh mặt trời, ánh sáng đó lại nhanh chóng yếu dần. Ngược lại, độ sáng của bàn tay người vẫn ở mức cũ trong trạng thái không có ánh sáng. Các đầu ngón tay phát sáng nhất, tiếp theo là lòng bàn tay và phần tiếp giáp giữa ngón cái và ngón trỏ. Phần phát sáng yếu nhất là mu bàn tay. Tuy nhiên, miếng thịt lợn không phát ra ánh sáng.

Các nhà khoa học tin rằng sự chuyển hóa của cơ thể càng mạnh thì mức độ phát sáng càng lớn. Một nhóm nghiên cứu do nhà khoa học người Hoa Yen-Chih Chiang dẫn đầu đã đo độ sáng cơ thể trong bóng tối hoàn toàn của 158 người. Họ nhận thấy 14 đường phát quang có mật độ cao bao phủ cơ thể thẳng hàng với 14 đường kinh mạch, hay các kênh năng lượng, được Tiến sĩ Maoshing Ni đề cập trong cuốn “Hoàng Đế Nội Kinh”. Có 1,934 điểm huyệt đạo trên các đường phát quang có mật độ cao này. Các điểm huyệt đạo tương ứng với kinh mạch năng lượng chiếm khoảng 93%, trong khi những điểm giống một phần chiếm khoảng 7%. Nhóm nghiên cứu tin chắc rằng sự phát quang là hiện thân của năng lượng và kinh mạch, cho thấy mức độ chuyển hóa trong cơ thể của một người.

Những phát hiện này gợi ý rằng học thuyết Trung y về việc kinh mạch đóng vai trò là đường dẫn năng lượng trong cơ thể có thể hoàn toàn chính xác.

Mặc dù cấu trúc giải phẫu của kinh mạch vẫn chưa được khám phá, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều hiện tượng quang-âm và điện từ có thể phân biệt được liên quan đến kinh mạch. Một kinh mạch truyền dẫn âm thanh, ánh sáng và nhiệt độ nhanh hơn lớp da bên ngoài, và điện trở tại kinh mạch hoặc huyệt đạo cũng thấp hơn so với các bộ phận khác trong cơ thể.

Một số nhà khoa học đề xuất giả thuyết rằng cơ thể của một sinh vật có nhiều sóng điện từ khác nhau dẫn truyền thông tin sinh học, và điểm châm cứu là nơi các sóng điện từ giao nhau.

Theo đó, năng lượng điện từ sẽ biến đổi bất thường khi một người bị bệnh. Châm cứu có thể hạn chế và điều chỉnh hiệu quả những bất thường này.

Các nhà khoa học khẳng định rằng sóng điện từ là những đường liên lạc quan trọng trong cơ thể, một phần vì chúng có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh lý, chẳng hạn như hoạt động của dây thần kinh và hormone. Giống như con người cần dịch vụ viễn thông để kết nối internet, truyền hình và điện thoại di động, chúng ta cần sóng điện từ để gửi thông điệp đi khắp cơ thể.

Kỹ thuật chụp ảnh giúp nhận biết trường năng lượng bằng mắt thường

Kỹ thuật chụp ảnh Kirlian do một thợ điện người Nga tên là Semyon Kirlian và vợ ông, bà Valentina, phát minh vào năm 1939. Công nghệ này dùng điện trường tần số cao, điện áp cao tạm thời để khiến trường điện từ trong cơ thể có thể nhìn thấy được. Các bức ảnh được chụp bằng phương pháp này chứng minh trường điện từ không được phân bố đều và có thể bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và tình trạng sức khỏe của một người.

Nhà trị liệu tự nhiên và châm cứu người Đức Peter Mandel từng dùng công nghệ Kirlian để chụp ảnh bàn tay phải của mình. Ông nhìn thấy những vòng sáng hoàn chỉnh xung quanh hầu hết các ngón tay và vòng sáng không hoàn chỉnh xung quanh ngón trỏ và ngón út. Vào thời điểm đó, ông đang bị đau bụng và tiêu chảy. Theo thực hành châm cứu Trung Y, những nơi không có hào quang trên ngón tay của ông thẳng hàng với hai đường kinh lạc liên quan đến hệ tiêu hóa: kinh mạch của đại tràng và ruột non.

Sau khi thực hiện châm cứu vào huyệt hợp cốc tương ứng với kinh mạch đại tràng, các triệu chứng tiêu chảy của ông Mandel đã biến mất. Ông chụp lại bàn tay và nhận thấy lần này tất cả vòng tròn quanh 10 ngón tay đều phát sáng hoàn chỉnh.

Trải nghiệm trên đã khiến ông tiếp tục những thí nghiệm của mình. Ông Mandel đã chụp ảnh ngón tay và ngón chân của nhiều bệnh nhân bằng kỹ thuật Kirlian để phát triển một phương pháp chẩn đoán mà ông gọi là Phân tích Phát xạ Năng lượng, nhằm phát hiện sự biến đổi năng lượng trong cơ thể và điều trị những tình trạng do các rối loạn gây ra.

Sóng điện từ do cơ thể phát ra phản ánh tình trạng sức khỏe tổng thể

Trong những năm gần đây, học giả người Nga Konstantin Korotkov và nhóm của ông đã cải tiến kỹ thuật chụp ảnh Kirlian. Họ cập nhật công nghệ chụp ảnh và phát triển một phương pháp có tên là Gas Discharge Visualization (GDV) để quan sát các photon sinh học. Nghiên cứu của ông Korotkov xác nhận thêm rằng sóng điện từ có thể phản ánh tình trạng sức khỏe tiềm ẩn của một người. Các nghiên cứu phát hiện hình ảnh GDV trên ngón tay của người bị ung thư biểu mô đại tràng có sự khác biệt rõ ràng với hình ảnh của người khỏe mạnh.

Phát hiện của ông Korotkov cũng tiết lộ rằng mật độ vòng sáng quanh ngón tay có liên quan chặt chẽ đến tâm trạng của một người. Vầng hào quang sẽ phát sáng hơn khi một người hạnh phúc, nhưng sẽ bị thu nhỏ lại, không hoàn hảo hoặc thậm chí biến mất khi một người mang tâm trạng tiêu cực như tức giận, ghen tị hoặc ghét bỏ. Đồng thời, trường năng lượng cũng có thể ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ, trường năng lượng có thể tăng lên tức thời khi các thành viên trong gia đình hoặc các cặp đôi gặp gỡ nhau.

Ông Zhang Changlin, giáo sư vật lý tại Đại học Temple, trong cuốn sách “Invisible Rainbow: a Physicist’s Introduction to the Science Behind Classical Chinese Medicine” (Tạm dịch: Cầu vồng vô hình: Lời giới thiệu của một nhà vật lý về khoa học đằng sau Trung Y) đã giới thiệu về những phát hiện liên quan đến trường điện từ và kinh mạch năng lượng trong cơ thể người. Ông gọi trường điện từ xung quanh cơ thể là “cầu vồng vô hình”, bởi vì mặc dù phổ điện từ có nhiều màu sắc, mắt người chỉ có thể trông thấy một phần rất nhỏ.

Những người bị mù màu không thể phân biệt giữa màu đỏ và màu xanh lá cây, vì phổ điện từ mà họ nhìn thấy bị thu hẹp hơn so với người bình thường. Trong trường hợp này, phải chăng một số người có phổ điện từ rộng hơn người khác, nên có thể nhìn thấy năng lượng phát ra từ kinh mạch và ánh sáng xung quanh cơ thể?

Ông Zhang tin rằng một người có thể nhạy cảm với âm thanh và sóng điện từ hơn khi họ ở trong trạng thái thiền định. Vào thời cổ đại, mức độ tiếng ồn thấp hơn nhiều so với xã hội hiện đại, do không có sự tồn tại của xe cộ, máy bay, tivi hay radio. Hơn nữa, trái tim và tâm trí người cổ đại bình hòa hơn khi không có những kích thích mà người hiện đại phải đối mặt. Điều này có nghĩa là, người cổ đại nhạy cảm hơn và có thể nhận thức được những điều mà người hiện đại không thể.

Danh y Lý Thời Trân, một nhà y học nổi tiếng thời Minh của Trung Hoa cổ đại, đã viết rằng “bên trong cơ thể con người có những đường hầm, và một người khi nhìn vào trong bản thân mình bằng tinh thần có thể soi sáng chúng”. Điều này có nghĩa là bản chất thực sự của các cơ quan và kinh mạch chỉ có thể được nhìn thấy bởi một người tu luyện, người nhìn vào trong bằng con mắt của tâm trí.

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Teresa Zhang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Teresa Zhang là ký giả tạị Hồng Kông. Cô đã viết về các chủ đề sức khỏe cho The Epoch Times Hong Kong từ năm 2017, chủ yếu tập trung vào Trung y. Cô cũng báo cáo về các vấn đề hiện tại liên quan đến Hồng Kông và Trung Quốc. Liên hệ với cô tại [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn