Hướng dẫn cơ bản về ung thư tụy: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và phương pháp tự nhiên

Ung thư tụy (pancreas cancer) là một trong những căn bệnh ung thư khó điều trị nhất. Mặc dù tỷ lệ bị bệnh tương đối thấp, nhưng căn bệnh này đứng thứ bảy trong số các nguyên nhân gây tử vong do ung thư toàn cầu ở các nước công nghiệp hóa. Năm 2020, ung thư tụy là nguyên nhân thứ ba gây tử vong do ung thư tại Hoa Kỳ.

Bệnh nhân hiếm khi có triệu chứng cho đến khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối. Theo bệnh viện Johns Hopkins, 80% trường hợp ung thư tụy không được chẩn đoán cho đến giai đoạn trễ và khó điều trị. Vì vậy, tỷ lệ sống sót sau 5 năm vẫn chỉ từ 5% đến 10% cho dù có y học có những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị.

Các loại ung thư tụy phổ biến là gì?

Tụy có 2 loại tế bào: Tế bào ngoại tiết là các tuyến tiết ra các enzym tiêu hóa rồi đổ vào các ống trong cơ thể, còn tế bào nội tiết tiết ra hormone rồi đổ trực tiếp vào máu.

Có hai loại ung thư tụy—ung thư tụy xuất phát từ tế bào nội tiết và ung thư tụy xuất phát từ tế bào ngoại tiết.

Ung thư tụy ngoại tiết

  • Ung thư biểu mô tụy: Đây là dạng ung thư tụy phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% trong tất cả các chẩn đoán. Ung thư biểu mô tụy ảnh hưởng đến các tế bào ngoại tiết trong ống tụy sản xuất các enzym tiêu hóa.
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy: Loại ung thư này rất hiếm gặp và có tiên lượng rất xấu. Loại này hiếm đến mức không có đủ trường hợp được báo cáo để hiểu rõ nguồn gốc của nó. Tế bào ung thư hình thành trong các ống dẫn tụy từ các tế bào vảy không có tự nhiên trong tụy.
  • Ung thư biểu mô tuyến vảy: Chiếm từ 1 đến 4% ung thư tụy ngoại tiết, loại ung thư tụy hiếm gặp này có các yếu tố của cả ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào vảy. So với ung thư biểu mô, ung thư biểu mô tuyến vảy tiến triển nhanh hơn và có tiên lượng xấu hơn.
  • Ung thư biểu mô keo: Chỉ chiếm 1 đến 3% các trường hợp ung thư tụy ngoại tiết, dạng hiếm gặp này thường phát triển từ một loại nang lành tính cụ thể, u nhầy nhú trong ống dẫn (IPMN). Bởi vì ung thư biểu mô keo bao gồm các tế bào ác tính lơ lửng trong một chất keo được gọi là mucin nên nó di căn chậm hơn, dễ điều trị hơn các bệnh ung thư tụy khác và có tiên lượng tốt hơn.

Ung thư tụy nội tiết

Ung thư tụy nội tiết chiếm 5% chẩn đoán ung thư tụy. Ung thư xuất phát từ các tế bào nội tiết – sản xuất ra hormone có tác động đến nhiều quá trình của cơ thể, từ quá trình trao đổi chất, điều hòa lượng đường trong máu cho đến tâm trạng. Loại ung thư này có tỷ lệ sống sót và phục hồi tốt hơn ung thư biểu mô tuyến.

Hướng dẫn cơ bản về ung thư tụy: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và phương pháp tự nhiên
Ung thư tụy hoặc bắt đầu trong các tế bào nội tiết hoặc ngoại tiết. Loại phổ biến nhất là ung thư biểu mô tụy. (Ảnh: The Epoch Times)

Tổn thương tiền ung thư lành tính

U nang và các khối u lành tính khác, bao gồm u nhầy nhú trong ống dẫn (IPMN,) có thể hình thành trong tụy và một số có thể dẫn đến ung thư tụy. IPMN và các tổn thương lành tính khác thường được phát hiện tình cờ. Tùy thuộc vào loại khối u và vị trí, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ tổn thương lành tính hoặc tiếp tục theo dõi.

Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của ung thư tụy là gì?

Ung thư tụy thường không gây ra các triệu chứng cho đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn tiến triển. Do đó, các dấu hiệu ban đầu và đáng tin cậy rất khó phát hiện.

Ung thư tụy tiến triển có thể biểu hiện các triệu chứng sau:

  • Mất cảm giác thèm ăn
  • Sụt cân nhanh
  • Cơn đau ở vùng bụng có thể lan ra sau lưng
  • Đau lưng dưới
  • Triệu chứng của huyết khối (thường xuất hiện ở chân, có thể biểu hiện bằng đỏ, đau và sưng)
  • Vàng da
  • Trầm cảm
  • Đi tiêu phân nhạt màu hoặc phân nhầy
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Ngứa
  • Buồn nôn và nôn
  • Bệnh tiểu đường khởi phát đột ngột hoặc bệnh tiểu đường đã có sẵn trở nên trầm trọng hơn.

Lưu ý rằng các triệu chứng vừa kể trên cũng có thể gặp ở những bệnh khác ít nghiêm trọng hơn, vì vậy, bạn hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này.

Mặc dù tiên lượng xấu, ung thư tụy vẫn có khả năng trị khỏi nếu được chẩn đoán sớm. Theo bệnh viện Johns Hopkins, có tới 10% bệnh nhân ung thư tụy được chẩn đoán sớm đã được điều trị khỏi hoàn toàn. Thời gian sống trung bình của bệnh ung thư tụy là từ ba đến ba năm rưỡi đối với những bệnh nhân được chẩn đoán khi khối u chưa phát triển hoặc lan rộng.

Đối với những người có tiền sử gia đình ung thư tụy thì xét nghiệm tìm ung thư có thể có ích ngay cả khi không có triệu chứng. Các xét nghiệm này thông thường là siêu âm nội soi hoặc chụp cộng hưởng từ. Các bác sĩ thỉnh thoảng cũng đã chẩn đoán xác định điều trị thành công ung thư tuỵ sớm ở những người có nguy cơ cao bằng các xét nghiệm này.

Nguyên nhân gây ung thư tụy?

Tụy tạng là một cơ quan nội tạng nằm trong ổ bụng, giữa dạ dày và cột sống. Tụy tạng sản xuất ra các hormone điều hòa lượng đường trong máu và các enzym tiêu hóa. Ung thư tụy xảy ra khi DNA trong tế bào tụy phát triển đột biến.

DNA của một tế bào chứa các bản thiết kế cho sự lớn lên và chết của tế bào. Ung thư xảy ra khi tế bào phát triển không giới hạn và chết đi. Trong một số trường hợp hiếm hoi, những đột biến này có thể được di truyền.

Nếu không được điều trị, các tế bào ung thư có thể lan sang các cơ quan và mạch máu lân cận, và đến các cơ quan khác của cơ thể.

Ai có nguy cơ ung thư tụy?

  • Hút thuốc
  • Béo phì, đặc biệt là béo bụng
  • Uống quá nhiều rượu
  • Bệnh tiểu đường, đặc biệt là bệnh tiểu đường loại 2. Bệnh tiểu đường khởi phát đột ngột có thể là dấu hiệu của ung thư tụy.
  • Viêm tụy mãn tính, tiền sử có viêm tụy
  • Tiếp xúc với một số chất độc hóa học, chẳng hạn như thuốc trừ sâu và sản phẩm hóa dầu
  • Tiền sử gia đình dễ bị tổn thương di truyền, chẳng hạn như gen BRCA1 hoặc BRCA2 được thừa hưởng từ cha mẹ
  • Nhóm máu khác nhóm máu O

Các xét nghiệm để phát hiện ung thư tụy là gì?

Có hai loại xét nghiệm trong ung thư tụy:

  • Xét nghiệm chẩn đoán
  • Xét nghiệm đánh giá mức độ lan rộng của ung thư.

Chẩn đoán hình ảnh: Cung cấp cho bác sĩ hình ảnh về tụy và các cơ quan xung quanh. Các kỹ thuật được sử dụng bao gồm chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) và chụp cắt lớp phát xạ positron (chụp PET).

Siêu âm nội soi (EUS): Kỹ thuật này dùng một ống mềm được đưa qua thực quản để cung cấp hình ảnh của tụy và các cơ quan lân cận khác.

Sinh thiết: Một mẫu mô nhỏ được thu thập thông qua một công cụ được đưa vào qua siêu âm nội soi EUS hoặc hiếm hơn là thông qua một chiếc kim được đưa vào tụy qua ngả bụng.

Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này tìm kiếm các protein do tế bào ung thư tụy tiết ra, ví dụ như CA 19-9. Xét nghiệm cũng có thể giúp tiên lượng bệnh nhân có đáp ứng điều trị như thế nào. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân ung thư tụy đều có kết quả dương tính với xét nghiệm này.

Xét nghiệm di truyền: Nếu bạn là người thân trực tiếp—cha mẹ, con cái hoặc anh chị em ruột—của người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tụy, hãy xem xét xét nghiệm di truyền cho chính bạn và các thành viên trong gia đình. Kết quả có thể cho bạn biết liệu bạn có đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 là hai gen có nguy cơ cao ung thư tụy và các loại ung thư khác hay không. Tất nhiên, có đột biến này không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư. Tuy nhiên, việc này có thể giúp cải thiện cơ hội chẩn đoán sớm.

Nếu chẩn đoán ung thư tụy được xác định, bác sĩ sẽ đánh giá giai đoạn ung thư nhằm lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Các giai đoạn của ung thư nằm trong khoảng từ 0 đến 4. Các giai đoạn 0,1,2 có nghĩa là ung thư chỉ giới hạn trong tụy. Ở giai đoạn 3,4, ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.

Các biến chứng của ung thư tụy là gì?

Biến chứng của ung thư tụy thường liên quan đến các cơ quan của hệ tiêu hóa và các dây thần kinh xung quanh tụy.

Tắc ruột

Một khối u tụy có thể cản trở tá tràng (đoạn đầu tiên của ruột non), ngăn chặn sự di chuyển của thức ăn đã tiêu hóa từ dạ dày vào ruột. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể đặt ống thông vào ruột của bạn để giữ cho ruột không bị tắc. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần phải phẫu thuật để đặt một ống dẫn thức ăn tạm thời hoặc để định vị dạ dày đến một điểm thấp hơn cho khối u không cản trở nhu động ruột.

Vàng da

Ung thư tụy có thể làm tắc đường mật của gan và gây vàng da. Các dấu hiệu bao gồm da và mắt vàng, phân nhạt màu và nước tiểu sẫm màu. Bác sĩ có thể đề nghị đặt một stent bằng nhựa hoặc bằng kim loại vào đường mật để giữ cho đường mật không bị tắc.

Đau

Một khối u đang phát triển có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh trong ổ bụng, dẫn đến cơn đau. Trong trường hợp này, thuốc giảm đau có thể được kê toa. Ngoài ra, phương pháp điều trị bằng xạ trị và hóa trị có thể làm chậm sự phát triển của khối u và cũng có công dụng giảm đau.

Trong một số trường hợp, bác sĩ của bạn có thể làm thủ thuật chích cồn vào dây thần kinh bụng. Thủ thuật này sẽ làm gián đoạn các tín hiệu đau được gửi từ bụng đến não.

Sụt cân

Một số trường hợp ung thư tụy có triệu chứng sụt cân. Sụt cân xảy ra do khối u ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Ngoài ra, bệnh triệu chứng buồn nôn và nôn do điều trị hoặc do khối u gây áp lực lên dạ dày có thể khiến việc ăn thức ăn đặc trở nên khó khăn hoặc không thể. Thức ăn được tiêu hoá hoàn toàn vì tụy không sản xuất đủ dịch tiêu hóa.

Các phương pháp điều trị ung thư tụy là gì?

Điều trị ung thư tụy phụ thuộc vào giai đoạn và vị trí của khối u cũng như sức khỏe tổng quát và lựa chọn cá nhân của bệnh nhân, bao gồm phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị. Ung thư tụy giai đoạn cuối thì điều trị tập trung vào chăm sóc giảm nhẹ.

Phẫu thuật

Phẫu thuật nhằm mục đích loại bỏ (các) khối u ung thư. Loại phẫu thuật phụ thuộc vào vị trí của khối u trong tụy.

  • Cắt tụy-tá tràng (“thủ thuật Whipple”): Thủ thuật này được sử dụng khi khối u nằm ở vùng đầu tụy. Phẫu thuật đòi hỏi kỹ năng của phẫu thuật viên để cắt bỏ đầu tụy, tá tràng, túi mật, một phần của ống mật chủ và các hạch bạch huyết lân cận. Đôi khi một phần của dạ dày và ruột non cũng được cắt bỏ. Sau đó, phẫu thuật viên sẽ nối các phần còn lại của các cơ quan này để cho bệnh nhân có thể giữ được chức năng tiêu hóa thức ăn.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tụy đoạn xa: Thủ thuật này loại bỏ phần bên trái của tụy (thân và đuôi). Thủ thuật này cũng có thể liên quan đến thủ thuật cắt lách.
  • Cắt bỏ toàn bộ tụy: Như tên của nó, phẫu thuật này loại bỏ hoàn toàn tụy. Mặc dù bạn có thể sống tương đối bình thường nếu không có cơ quan tụy, nhưng bạn sẽ cần điều trị bằng insulin và liệu pháp thay thế enzyme suốt đời.
  • Phẫu thuật các khối u ảnh hưởng đến các mạch máu lân cận: Nếu (các) khối u liên quan đến các mạch máu gần đó, bạn có thể không phải là ứng cử viên cho các can thiệp phẫu thuật ở trên. Trong trường hợp đó, tại một số trung tâm y tế hiện đại, bác sĩ phẫu thuật có thể cắt bỏ và tái tạo lại các mạch máu bị ảnh hưởng.

Mỗi ca phẫu thuật này đều có nguy cơ biến chứng đáng kể và cần thời gian hồi phục lâu. Bệnh nhân sẽ ở lại bệnh viện vài ngày sau khi phẫu thuật và sau đó tiếp tục hồi phục trong vài tuần tại nhà.

Nghiên cứu cho thấy phẫu thuật ung thư tụy có xu hướng gây ra ít biến chứng hơn khi được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm tại các trung tâm có kinh nghiệm điều trị nhiều ca phẫu thuật này. Vì thế bạn hãy hỏi về kinh nghiệm phẫu thuật ung thư tuỵ của bác sĩ phẫu thuật của bạn. Nếu bạn nghi ngờ, hãy xem xét tư vấn với một bác sĩ khác có liên kết với một bệnh viện nổi tiếng về thành công trong phẫu thuật tụy.

Hóa trị

Hóa trị sử dụng các loại thuốc gây độc cho tế bào ung thư. Các loại thuốc được dùng dưới dạng thuốc viên hoặc truyền tĩnh mạch.

Hóa trị có thể được kết hợp với các phương pháp điều trị khác hoặc được sử dụng như một phương pháp điều trị độc lập, đặc biệt là trong các trường hợp ung thư tiến triển. Hóa trị cũng có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u hoặc sau khi phẫu thuật như một bước tiếp theo để loại bỏ bất kỳ tế bào ung thư nào mà thủ thuật này không loại bỏ được.

Xạ trị

Xạ trị hướng tia X năng lượng cao vào khối u để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị. Xạ trị cũng có thể được sử dụng cho những bệnh nhân nặng không đủ điều kiện phẫu thuật để giảm bớt các triệu chứng.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Trong phương pháp điều trị này, thuốc được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các protein cụ thể xác định xâm lấn và phát triển của ung thư. Liệu pháp này cũng có thể được kết hợp với các phương thức điều trị khác.

Giảm đau

Khối u tụy có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh gần đó, có thể gây ra những cơn đau rất dữ dội. Bác sĩ có thể kê toa thuốc uống, thuốc chích có steroid hoặc phong bế thần kinh để kiểm soát cơn đau.

Bệnh nhân ung thư tụy nên thảo luận với bác sĩ để xác định phương pháp điều trị phù hợp nhằm giảm bớt các triệu chứng nếu họ bắt đầu xuất hiện những cơn đau dữ dội và dai dẳng.

Viện Ung thư Quốc gia cung cấp một biểu đồ tương tác cung cấp chi tiết chuyên sâu về các lựa chọn điều trị khác nhau, bao gồm các quy trình liên quan cũng như hiệu quả và rủi ro tương đối. Chẳng hạn, xạ trị đôi khi được sử dụng, nhưng hiệu quả của xạ trị đối với ung thư tụy vẫn còn đang gây tranh cãi.

Tâm trạng ảnh hưởng đến ung thư tụy như thế nào?

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, nhiều nghiên cứu đã không chỉ ra rằng thái độ, tâm trạng hoặc liệu pháp chăm sóc cơ thể ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sót sau ung thư. Một số nghiên cứu gần đây thách thức đánh giá đó, chỉ ra rằng “các nghiên cứu về hiệu ứng giả dược đang tiết lộ rằng tư duy của chúng ta thậm chí có thể tận dụng các con đường miễn dịch thần kinh và opioid nội sinh, do đó trực tiếp thay đổi sinh lý học và định hình các dấu hiệu khách quan về sức khỏe. Trong quá trình điều trị ung thư, suy nghĩ về ý nghĩa của bệnh tật (ví dụ: đó là một thảm họa, một thách thức có thể kiểm soát được hay một cơ hội để tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống) là rất quan trọng.”

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là không có bằng chứng y khoa nào kết luận rằng bệnh nhân “tự chuốc lấy ung thư” do suy nghĩ tiêu cực hoặc do một kiểu tính cách cụ thể nào đó.

Một số phương pháp khác ít gây tranh cãi hơn như phản hồi sinh học, thiền định, tham gia nhóm hỗ trợ, trị liệu trầm cảm và hình dung có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, sự khó chịu và những thách thức về tinh thần liên quan đến chẩn đoán như vậy.

Một chẩn đoán ung thư tụy chắc chắn là một trải nghiệm khó khăn và thay đổi cuộc sống. Hãy thảo luận với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn về các lựa chọn của bạn để giải quyết các vấn đề về tinh thần và lối sống. Hãy cân nhắc tham gia nhóm hỗ trợ những người bị ung thư tuỵ; Hãy dành thời gian với những người cùng cảnh ngộ để có thể cải thiện sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bạn. Bạn cũng có thể gặp chuyên gia trị liệu hoặc nhân viên xã hội để giải quyết những cảm xúc nảy sinh.

Phương pháp tiếp cận tự nhiên đối với ung thư tụy là gì?

Có rất ít nghiên cứu được bình duyệt về các phương pháp tự nhiên đối với bệnh ung thư tụy.

Một ngoại lệ đáng chú ý là một nghiên cứu đầy hứa hẹn cho thấy một trong những thành phần hoạt tính của dầu Nigella sativa (dầu hạt đen), thymoquinone, có thể tiêu diệt tế bào ung thư tụy trong ống nghiệm và can thiệp vào quá trình sao chép tế bào. Nghiên cứu sâu hơn đang được tiến hành để cố gắng cô lập và tăng đặc tính hoạt động của dầu đen để phát triển thành dược phẩm.

Một bài đánh giá tài liệu xuất bản vào năm 2021 đã xem xét các hợp chất tự nhiên được sử dụng trong một số loại thuốc truyền thống của châu Á, bao gồm cả Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc, và phát hiện ra rằng một số hợp chất cho thấy bằng chứng góp phần tiêu diệt tế bào ung thư, bao gồm cả Eucalyptus microcorys, một loài bạch đàn bản địa. đến Úc và thường được gọi là tallowwood, cũng như hạt Moringa và coix được biết đến với đặc tính chống viêm.

Làm thế nào để ngăn ngừa ung thư tụy?

Không có phương pháp chắc chắn để ngăn ngừa ung thư tụy, nhưng có những bước bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ bị bệnh.

Tiến sĩ Ryoichi Nakahara, người có bằng tiến sĩ phẫu thuật tại Đại học Tokyo, Nhật Bản, đã đề xuất trong một cuộc phỏng vấn với thời báo The Epoch Times rằng chúng ta có thể ngăn ngừa ung thư tụy bằng 6 cách sau:

Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá được cho gây ra khoảng 25% bệnh ung thư tụy. Nicotine ảnh hưởng đến sự bài tiết của tụy. Hút thuốc có thể khiến chất gây ung thư N-nitrite đi vào ống mật và sau đó trào ngược vào ống tụy, do đó gây ra ung thư tuỵ.

Ăn uống cân bằng: Ăn nhẹ, ít chất béo, nhiều ngũ cốc, đậu, cá và tôm, các loại rau như củ cải và rau xanh như bông cải xanh và bắp cải, và các loại trái cây như nho, kiwi, quả sung, v.v.

Tập thể dục ngoài trời: Tham gia tập thể dục thường xuyên như đi bộ, đạp xe và bơi lội. Tập thể dục giúp ích cho sức khỏe tổng quát và khả năng miễn dịch, đồng thời rèn luyện xương và cơ, hỗ trợ hoạt động tối ưu của mô và cơ quan. Hoạt động này còn có công dụng ngừa ung thư nhờ khả năng huy động hệ thống miễn dịch và tăng cường chức năng tế bào T.

Khám sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm ung thư tụy, từ đó cải thiện tiên lượng của bệnh nhân và cho phép bác sĩ sử dụng đầy đủ các phương pháp điều trị, bao gồm cả phẫu thuật, vốn rất quan trọng đối với thời gian sống cảu bệnh nhân.

Tự bảo vệ tại nơi làm việc: Nếu bạn làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất, hãy thực hiện mọi cách ngăn ngừa cần thiết để giảm thiểu phơi nhiễm, bao gồm đeo khẩu trang, găng tay và quần áo bảo hộ.

Giữ tinh thần tích cực: Căng thẳng có thể dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch cũng như rối loạn chức năng trao đổi chất và nội tiết, tạo ra một môi trường hấp dẫn cho bệnh ung thư phát triển và tiến triển mạnh mẽ.

Được xem xét về mặt y tế bởi Bác sĩ Beverly Timerding.

Lan Hoa biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

David Charbonneau
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ David Charbonneau là một nhà báo tự do, giảng viên văn học và viết bài ở cấp đại học trong 25 năm. Ngoài Epoch Times, các bài viết của ông cũng xuất hiện trên The Defender, Medium, và các nền tảng in ấn và trực tuyến khác. Ông cũng là người ủng hộ nhiệt thành cho quyền tự do y tế. Hiện tại ông sống và làm việc tại Pasadena, California.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn