Khám phá sự khác biệt: Tại sao fluoride tự nhiên và fluoride tổng hợp không được tạo ra như nhau

Cho fluoride vào nước ở Mỹ (Phần 2)

Trong loạt bài “Cho fluoride vào nước ở Mỹ” này chúng ta sẽ khám phá những phát hiện gây tranh cãi xung quanh việc cho fluoride vào nước nguồn cung cấp nước công cộng ở Hoa Kỳ và trả lời câu hỏi liệu việc cho fluoride vào nước có gây rủi ro hay không và chúng ta nên làm gì.

Phần 1: Cho fluoride vào nguồn cung cấp nước công cộng ở Hoa Kỳ là một chủ đề gây chia rẽ cả về mặt học thuật lẫn chính trị bắt đầu từ những năm 1940.

Khi khoa học tiếp tục phát triển thì những tranh luận về lợi ích và rủi ro sức khỏe của việc cho fluoride vào nước càng dữ dội hơn. Trong khi một số nghiên cứu cho rằng chất fluoride trong nước có thể làm giảm sâu răng thì những nghiên cứu khác lại cho thấy mối liên hệ giữa fluoride với những tác dụng phụ gồm các vấn đề về nhận thức ở trẻ em.

Cho fluoride vào nước đang gây tranh cãi vì nhiều tác dụng phụ tiềm ẩn đối với con người và cũng có những lo ngại về cách sản xuất ra fluoride được sử dụng trong nước.

Không phải tất cả fluoride đều được tạo ra như nhau. fluoride tự nhiên, như calcium fluoride (CaF2), được phân hủy vào đất khi đá bị phong hóa và khoáng chất hòa tan. Sau đó fluoride được hấp thụ vào bất kỳ nguồn nước nào và vào một số thực vật, bao gồm những thực phẩm chúng ta ăn.

Calcium fluoride xuất hiện trong tự nhiên có khả năng gây ra các vấn đề sức khỏe khi dùng kéo dài hoặc tiêu thụ quá mức. Có những nơi trên thế giới có lượng calcium fluoride cao gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Một bài báo năm 2020 trên The Lancet cho biết calcium fluoride không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước uống ở Ấn Độ mà còn ngấm vào thực phẩm và gia vị.

Kết quả là ở một số vùng của Ấn Độ, việc hấp thụ calcium fluoride kéo dài đã dẫn đến bùng phát bệnh nhiễm fluoride ở xương vốn là bệnh mà sẽ dẫn đến vôi hóa khớp rất khó chịu và gây biến dạng có thể dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Nhiễm fluoride răng là tình trạng răng bị đổi màu và có đốm cũng là tác dụng phụ của việc tiêu thụ quá nhiều hoặc kéo dài hóa chất tự nhiên này.

Bài báo cảnh báo rằng hơn 60 triệu người có nguy cơ bị nhiễm calcium fluoride ở Ấn Độ.

Tuy nhiên, các chất phụ gia fluoride trong hệ thống nước công cộng không phải là calcium fluoride tự nhiên (CaF2).

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết các hệ thống nước cộng đồng ở Hoa Kỳ sử dụng một trong ba chất phụ gia cho fluoride vào nước học nhân tạo để cho fluoride vào nước công cộng:

  • Acid Fluorosilicic (H2SiF6; còn được gọi là hydro fluorosilicate, FSA hoặc HFS), là chất được hầu hết các hệ thống nước ở Hoa Kỳ sử dụng
  • Natri flosilicat (Na2SiF6)
  • Natri fluoride (NaF)

CDC tuyên bố rằng: “Kể từ đầu những năm 1950, FSA là chất phụ gia chính được sử dụng để cho fluoride vào nước ở Hoa Kỳ. Chi phí hợp lý và độ tinh khiết cao của FSA khiến chất này trở thành chất phụ gia phổ biến.”

Theo Ủy ban Tiêu chuẩn về fluoride của Hiệp hội Thủy lợi Hoa Kỳ, khoảng 90% chất phụ gia fluoride sử dụng ở Hoa Kỳ được sản xuất trong quá trình chiết xuất phosphate từ quặng phosphoric.

CDC giải thích quy trình này trên trang thông tin về chất phụ gia cho fluoride vào nước. Đá phosphate được nung nóng với “acid sunfuric để tạo ra hỗn hợp acid phosphoric-thạch cao (calcium sulfate-CaSO4)” sau đó “khí phosphoric và fluoride thoát ra trong quá trình này được tách ra”. Khí fluoride được thu giữ và sử dụng để tạo ra acid fluorosilicic.

Theo CDC, ba chất phụ gia fluoride được sử dụng để cho fluoride vào nước có nguồn gốc chủ yếu từ quá trình sản xuất phân bón phosphate. Mặc dù một số quận như Harford, Maryland cũng nhận được chất phụ gia cho fluoride vào nước học từ khí thải độc hại thải ra từ các nhà máy nhôm, như đã nêu trong báo cáo chất lượng nước năm 2021 của họ.

Theo tài liệu đã được bình duyệt “Hồ sơ Chất độc học về fluoride, Hydro fluoride và Fluor” của Cơ quan Đăng ký Chất độc và Bệnh tật, khi vật liệu được đốt cháy có chứa fluoride như đá phosphate thì sản phẩm phụ khí được tạo ra được gọi là hydro fluoride.

Hồ sơ nêu rõ rằng “hydro fluoride là một trong 189 hóa chất được liệt kê là chất gây ô nhiễm không khí nguy hiểm (HAP) trong Tiêu đề III, Mục 112 của Đạo luật Không khí Sạch Sửa đổi năm 1990.”

Ngoài ra, quy trình hóa học tạo ra phân lân, từ đó tạo ra sản phẩm phụ ở dạng khí, độc hại được thêm vào nước uống đã được xem xét kỹ lưỡng vì làm tăng đáng kể việc thải các hợp chất độc hại vào môi trường.

Do những tác động lớn đến môi trường của việc sử dụng phosphor trong nông nghiệp—và khí hóa học độc hại thải ra từ quá trình sản xuất—ít nhất 11 tiểu bang đã cấm sử dụng hoặc bán phân bón phốt pho, bao gồm Illinois, Maine, Maryland, Michigan, Minnesota, New Jersey, New York , Vermont, Virginia, Washington và Wisconsin.

Trang Mạng lưới Hành động fluoride (Fluoride Action Network) cho biết trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều cơ quan cấp nước bắt đầu mua hóa chất fluoride từ Trung Quốc. Tổ chức này cảnh báo rằng “việc kiểm soát chất lượng của các hóa chất Trung Quốc thậm chí còn lỏng lẻo và hay thay đổi hơn so với các hóa chất do Mỹ sản xuất.”

Hóa chất tổng hợp được thêm vào nước

Những hóa chất tổng hợp được thêm vào nước uống công cộng của chúng ta là gì?

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) là một cơ quan liên bang dựa trên cơ sở khoa học thuộc Bộ Thương mại đã liệt kê các đặc tính của từng loại trong số ba chất phụ gia hóa học fluoride nhân tạo.

Các bảng dữ liệu hóa học do NOAA cung cấp nêu chi tiết một số thuộc tính đáng chú ý như sau:

Acid Fluorosilicic

Mô tả chung: “Một chất lỏng bốc khói không màu có mùi hăng. Ăn mòn kim loại và mô. Cả khói và việc tiếp xúc rất ngắn với acid này đều có thể gây bỏng nặng và đau đớn. Được sử dụng trong quá trình cho fluoride vào nước, làm cứng xi măng và gốm sứ, làm chất bảo quản gỗ.”

Cần dán nhãn nguy hiểm “ăn mòn” đối với hóa chất này và công nhân tiếp xúc phải mặc quần áo bảo hộ, đeo găng tay cao su và đeo kính an toàn.

Các dung dịch acid fluorosilicic được sử dụng trong tinh chế điện phân chì, trong mạ điện, dùng để làm vỡ vụn vôi hoặc gạch, dùng loại bỏ vôi khỏi da trong quá trình thuộc da và để loại bỏ nấm mốc và làm chất bảo quản gỗ.

Sodium Fluorosilicate

Mô tả chung: “Chất rắn dạng bột mịn, màu trắng, không mùi. Độc hại khi nuốt phải, hít phải và hấp thụ qua da. Được dùng làm thuốc diệt chuột.”

Hóa chất này yêu cầu phải có nhãn nguy hiểm “Chất độc” và công nhân khi tiếp xúc phải đeo mặt nạ chống bụi, găng tay bảo hộ và kính bảo hộ hoặc tấm che mặt.

Sodium fluoride

Mô tả chung: “Một chất rắn kết tinh không màu hoặc bột trắng, hoặc chất rắn hòa tan trong chất lỏng. Chất này hòa tan trong nước, không cháy được và ăn mòn nhôm. Sodium fluoride được dùng làm thuốc trừ sâu. Chất này cũng được sử dụng để cho fluoride vào nước nguồn cung cấp nước, làm chất bảo quản gỗ, có trong các hợp chất làm sạch, dùng trong sản xuất thủy tinh và cho nhiều mục đích sử dụng khác.”

Hóa chất này cần có nhãn nguy hiểm “Chất độc” và công nhân khi tiếp xúc phải mặc quần áo bảo hộ cá nhân và kính bảo vệ mắt.

Thay đổi cấp độ

Vào tháng 01/2011, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) đã cập nhật và thay thế các khuyến nghị về Tiêu chuẩn Nước uống của Dịch vụ Y tế Công cộng Hoa Kỳ năm 1962 về nồng độ fluoride trong nước uống đến 0.7 mg/L.

Trước đó, phạm vi khuyến nghị được thiết lập vào năm 1962 là 0.7 đến 1.2,g/lít. Nhưng một bộ phận lớn dân số đang bị nhiễm fluoride răng. Một nghiên cứu năm 2018 công bố trên tạp chí Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng Dự phòng cho biết từ năm 1999 đến 2004, tỷ lệ nhiễm fluorider ăng là 41% ở thanh thiếu niên Mỹ từ 12 đến 15 tuổi.

Sau một nghiên cứu về thông tin mới liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh răng miệng cao và mối quan hệ giữa việc tiếp xúc với fluoride, gãy xương và nhiễm fluoride xương bắt đầu vào tháng 09/2010 do một nhóm các nhà khoa học từ khắp chính phủ Hoa Kỳ do Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh tập hợp lại thực hiện. Các khuyến nghị đã được hạ cấp xuống mức thấp nhất trong phạm vi khuyến nghị trước đó để giảm thiểu độc tính của fluoride.

CDC lưu ý rằng khuyến nghị này không phải là quy định liên bang có thể thi hành được. EPA không yêu cầu cho fluoride vào nước vì Đạo luật Nước uống An toàn cấm yêu cầu bổ sung bất kỳ chất nào vào nước uống vì mục đích chăm sóc sức khỏe phòng ngừa.

CDC đưa ra các khuyến nghị về mức fluoride tối ưu trong nước uống để ngăn ngừa sâu răng. Các khu vực pháp lý riêng lẻ đưa ra quyết định của riêng họ về việc có nên bổ sung chất fluoride cho nguồn cung cấp nước của cộng đồng của họ hay không và một số tiểu bang bắt buộc phải bổ sung chất fluoride cho các cộng đồng có quy mô cụ thể.

CDC tranh luận: Nhân tạo cũng giống tự nhiên

CDC lập luận rằng vì các nghiên cứu cho thấy calcium fluoride tự nhiên và các chất phụ gia hóa học tổng hợp có “cùng một ion fluoride” nên không có sự khác biệt nào về tác động sức khỏe của fluoride tùy thuộc vào nguồn hoặc hợp chất hóa học của nó.

Họ đưa ra bằng chứng cho tuyên bố này với hai nghiên cứu. Một là nghiên cứu chéo, mù đơn với 10 người trưởng thành được công bố vào tháng 06/2008. Nghiên cứu này đo lường ba thông số cho thấy cách mà các hóa chất được xử lý trong cơ thể: nồng độ hóa chất trong máu sau khi được hấp thụ, thời gian để hóa chất đạt được nồng độ tối đa trong máu sau khi hấp thụ và lượng hóa chất còn lại trong máu trong một khoảng thời gian sau khi được hấp thụ.

Nghiên cứu này kết luận rằng ở 10 người trưởng thành, loại fluoride (tự nhiên với nhân tạo) không ảnh hưởng đến cách mà chất này được chuyển hóa trong cơ thể.

Có lợi ích gì không khi cho fluoride vào nước?

Theo CDC, việc uống nước chứa fluoride làm cho răng “tắm” trong nước bọt có thêm fluoride, do đó giúp bảo vệ và tạo bề mặt răng bằng cách ảnh hưởng đến hoạt động của vi khuẩn gây sâu răng. Họ nói rằng đây là một cách hiệu quả về chi phí để tiếp cận những gia đình nghèo hơn vốn là những người có thể không được ăn uống cân bằng, không được khám nha sĩ hoặc không có thói quen đánh răng thường xuyên bằng kem đánh răng có fluoride.

Các nhà phê bình đặt câu hỏi liệu việc uống nước có fluoride có cho fluoride đi vào xương và máu của chúng ta hay không, nơi mà fluoride có thể gây hại cho các bộ phận khác của cơ thể. Họ nói rằng chúng ta phải cân nhắc nếu fluoride có thể tiêu diệt các enzym trong vi khuẩn răng thì nó cũng có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến các enzym quan trọng khác.

Trong một báo cáo năm 2016 của tạp chí Y tế Công cộng Harvard (Harvard Public Health), phó giáo sư về sức khỏe môi trường Philippe Grandjean nói rằng: “Chúng ta biết fluoride có tác dụng có lợi cho răng phát triển và bảo vệ chống sâu răng. Nhưng chúng ta liệu có cần thêm fluoride vào nước uống để fluoride đi vào máu và có khả năng đi vào não không?”

Ông cảnh báo rằng chúng ta cần nghiên cứu cơ bản để đảm bảo quá trình cho fluoride vào nước không gây ra những rủi ro bất lợi cho sức khỏe.

Trong các bài tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét lịch sử và chính trị gắn liền với sự khởi đầu của chương trình cho fluoride vào nước, xem xét kỹ lưỡng tính hợp lệ của các nghiên cứu được sử dụng để bắt đầu chương trình này, tiết lộ nghiên cứu bị chèn ép thách thức độ tin cậy của chương trình và phân tích nghiên cứu đương đại về nguy cơ nhiễm độc .

Trong bài viết tiếp theo:

Năm 1945, thí nghiệm thực tế đầu tiên bắt đầu ở Grand Rapids, Michigan khiến nơi đây trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới cho cho fluoride vào nước uống.

Thử nghiệm ban đầu này được cho là kéo dài 15 năm trước khi có bất kỳ khuyến nghị tiềm năng nào về việc mở rộng cho fluoride vào nước cho các cộng đồng khác nhưng thành phố Madison, Wisconsin đã bắt đầu bổ sung fluoride tổng hợp vào nước công cộng vào năm 1948, theo chỉ đạo của Hội đồng Chung.

Đến tháng 06/1950, Tổng Y sỹ Hoa Kỳ tuyên bố rằng bất kỳ cộng đồng nào muốn bổ sung fluoride vào nguồn cung cấp nước nên được “khuyến khích mạnh mẽ”, theo ghi chú trong dòng thời gian của CDC.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Christy Prais
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Christy A. Prais nhận bằng kinh doanh tại Đại học Quốc tế Florida. Cô là người sáng lập và là người dẫn chương trình Discovering True Health (Khám phá Sức khỏe Đích thực), là kênh YouTube và podcast dành riêng cho sức khỏe và tinh thần, đồng thời là ký giả của The Epoch Times. Cô Christy cũng thuộc ban cố vấn tại Fostering Care Healing School (Trường chữa bệnh bằng cách chăm sóc nuôi dưỡng).
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn