Làm chủ nỗi sợ hãi của bạn

Chúng ta điều chỉnh bản thân để có được cảm giác thoải mái thường lại ẩn chứa sự lo sợ rằng bản thân không đủ tốt.

Chúng ta thường nghĩ rằng nỗi sợ hãi sẽ kìm hãm chúng ta, rằng đó là điều chúng ta nên tránh. Nhưng sẽ thế nào nếu nỗi sợ hãi là một thứ công cụ mạnh mẽ? Và chúng ta có thể làm chủ nó không? Chúng ta sẽ không chùn bước và có thể vượt qua được sự từ chối, những thất bại hay sự chế giễu.

Ngày xưa, nỗi sợ hãi được coi là một tín hiệu cảnh báo sự nguy hiểm, nó bảo cho chúng ta chạy thoát khỏi một con sư tử hay lùi ra xa khỏi một vách đá. Điều đó khá hữu ích. Ngày nay, chúng ta không phải đối mặt với nhiều nguy hiểm tương tự như thế, nhưng những tín hiệu sợ hãi vẫn xuất hiện khi chúng ta theo đuổi những giấc mơ của mình hoặc khi bị người khác làm tổn thương.

Những nỗi sợ ngày nay thường là về sự bất an và khả năng không đáp ứng được tiêu chuẩn của bản thân chúng ta nhiều hơn.

Dưới đây là những nỗi sợ hàng đầu được ghi nhận trong một cuộc khảo sát những đọc giả mà tôi đã thực hiện cách đây không lâu:

  1. Sợ thất bại
  2. Sợ không thích nghi được với xã hội 
  3. Sợ bị từ chối
  4. Sợ phải sẵn sàng làm một việc nào đó
  5. Sợ trở thành kẻ lừa đảo
  6. Sợ bị chế giễu

Bạn có thể nhận thấy rằng tất cả chúng thực sự đều có cùng một nỗi sợ: sợ bản thân không đủ tốt. Nếu chúng ta không đủ tốt, chúng ta có thể thất bại, bị từ chối, bị chế giễu hoặc bị gọi là lừa đảo. Nỗi sợ hãi sâu kín nhất và phổ biến nhất chính là sợ rằng chúng ta không đủ tốt. Đây không phải mối nguy hiểm tự nhiên, nó đều đến từ nội tâm.

Vì vậy, nỗi sợ hãi lúc này không còn là tín hiệu cho thấy chúng ta nên bỏ chạy mà đúng hơn là chúng ta nên đối mặt và vượt qua điều gì đó.

Vượt qua bức tường sợ hãi

cách làm chủ nỗi sợ
Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy sợ, điều đó có nghĩa chúng ta đang phải đối mặt với một bức tường. Ở phía bên kia bức tường là một thứ gì đó mới mẻ và khoáng đạt. (Ảnh: Pixabay)

Đây là thứ tự do mà chúng ta khao khát, là thứ tự do lành mạnh mà chúng ta mong muốn. Nhưng khi đối diện với sợ hãi và không thoải mái, phản ứng thông thường của chúng ta là né tránh nó. Vì vậy, chúng ta vẫn sẽ ở lại phía bên này của bức tường – phía thoải mái, nơi chúng ta biết mình đang làm gì và mọi thứ đều dễ dàng. Chúng ta bị mắc kẹt mà không vượt qua được bức tường này. 

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta vượt qua bức tường đó? Chúng ta sẽ có một sự tự do mới để kết nối với những người khác một cách có ý nghĩa, bước ra ngoài kia và theo đuổi cuộc sống chúng ta thực sự mong muốn, khám phá thế giới này, bắt đầu một công việc hoặc yêu thương bằng một trái tim bao dung.

Nỗi sợ là sự lo lắng về tương lai, là thứ vẫn chưa tồn tại

 Tự do nằm ở phía bên kia của nỗi sợ. Vì vậy khi chúng ta cảm thấy nỗi sợ hãi bên trong chính mình, đó thực sự là một tín hiệu cho thấy chúng ta nên tiến về phía trước. Đây là một cơ hội để phát triển bản thân.

Nó thật khó nhưng việc né tránh sẽ không giải quyết được vấn đề. Chúng ta có thể cảm thấy dễ chịu, nhưng bên cạnh đó sẽ là nỗi đau âm ỉ vì những giấc mơ bị bỏ rơi và đánh mất sự tự tin. Lựa chọn tốt hơn là hướng vào nội tâm – nhìn vào nỗi sợ hãi và bất ổn, và giải quyết chúng. Điều đó nghĩa là hãy nhìn vào cách chúng ta nghĩ chúng ta chưa đủ tốt, học cách yêu bản thân và học cách để “cảm thấy ổn” khi gặp thất bại hoặc bị từ chối.

Và chúng ta cũng có thể can đảm hành động khi sợ hãi.

Đối mặt với nỗi sợ

Chúng ta có thể tập luyện một cách lý trí ngay cả khi bản thân cảm thấy sợ hãi bằng cách tập để ý mỗi khi nỗi sợ xuất hiện và phản ứng theo thói quen của chúng ta. Hãy đối diện với nó và cảm nhận nó như một giác quan.

Hãy ghi nhớ rằng điều đó không quá tệ, rằng chúng ta có thể thực sự “cảm thấy ổn” khi ở trong cảm giác đó. Nó chỉ là các hormon trong cơ thể cũng như năng lượng của sự phấn khích.

Trong khoảnh khắc đó, chúng ta có thể viết một cuốn sách, trò chuyện với những người xung quanh, tham gia một sự kiện xã hội hoặc trở thành một diễn viên. Chúng ta có thể đắm mình hoàn toàn vào khoảnh khắc đó, cảm nhận nỗi sợ nhưng vẫn tìm cách để giải quyết nó.

Nỗi sợ là sự lo lắng về tương lai, là thứ vẫn chưa tồn tại. Khi nhận ra điều đó, chúng ta có thể quay về đối mặt với hiện tại và những gì ở trước mắt. Chúng ta có thể cảm ơn nó, cười với nó và giải quyết nó.  

Điều này cần phải tập luyện. Hãy thử nó ngay bây giờ và tập luyện hàng ngày bằng cách: tiến về phía bất kỳ điều gì khiến bạn sợ hãi, đặt tâm vào nỗi sợ, dũng cảm vượt qua bức tường sợ hãi và đón nhận sự tự do rộng mở.

Leo Babauta là tác giả của 6 cuốn sách và là người sáng tác Zen Habits, một blog với hơn 2 triệu lượt đăng ký. Hãy truy cập ZenHabits.net.

Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn