Làm gì khi nướu bị viêm sưng đỏ? Trung y khuyến nghị cách chữa trị

Nướu sưng đau nhức, phát viêm, không chỉ là vấn đề của khoang miệng, theo quan điểm của Trung y là có liên quan với các kinh mạch của tạng phủ trong cơ thể.

Nướu hàm trên thuộc Kinh Túc Dương Minh Vị, nướu hàm dưới thuộc Kinh Thủ Dương Minh Đại Tràng, nếu cả nướu trên và nướu dưới đều đau, thường liên quan đến tình trạng thận hư. Bởi vì “Thận chủ cốt, xỉ giả cốt chi dư”, thận làm chủ xương cốt, mà răng cũng là bộ phận thuộc về xương, là xương cốt hiển lộ ra bên ngoài.

Do đó, căn cứ vào vị trí khác nhau của nướu trên hay nướu dưới, có thể xác định được tạng phủ mà nướu sưng đau thuộc về, từ đó chọn chính xác được dùng thuốc hay châm cứu.

Nướu sưng viêm có hai loại triệu chứng khác nhau

  1. Thực hỏa

Loại tình huống này thuộc về viêm nhiễm cấp tính, thường xuất hiện nhanh, nhưng lại kéo dài đau đớn.

Phần lớn là do người bệnh thích ăn các thức ăn chiên rán, cay nóng, cho nên hỏa vị (nhiệt nóng ở dạ dày) bốc lên. Các triệu chứng chủ yếu của người bị Thực hỏa là nướu sưng đỏ nóng đau hoặc chảy máu, đôi khi còn lở loét khoang miệng, hôi miệng, khô miệng, mạch đập mạnh, màu lưỡi đỏ, táo bón.

  1. Hư hỏa

Thuộc về viêm nhiễm mãn tính, nướu sưng đau lúc nhiều lúc ít, kéo dài nhiều ngày.

Phần lớn là do người bệnh thức khuya, hoặc công việc quá nhiều, áp lực lớn, thời gian làm việc và nghỉ ngơi rối loạn, hay mất ngủ hoặc sau khi bị cảm mạo chưa hết, sức đề kháng chưa hồi phục, thân thể mệt mỏi, kéo dài trong thời gian dài sẽ diễn biến thành thận hư.

Triệu chứng chính của người bị Hư hỏa là khát nước nhưng uống nước không nhiều, mạch đập yếu, mất ngủ, mắt khô, eo lưng và đầu gối mỏi run, bờ môi khô.

Phương pháp chữa trị sưng viêm nướu của Trung y

Đặc điểm của người bị Thực hỏa là sưng viêm nướu trên. Nếu tỳ vị tích nhiệt, hoặc tiêu thụ thức ăn cay nóng, chiên rán, khí tà nóng ẩm thừa cơ xâm phạm, liền sẽ bốc lên đến nướu, dẫn đến khí huyết ngưng đọng, mạch lạc tắc nghẽn, xuất hiện đau đớn. Phương pháp điều trị là thanh vị tả hỏa (làm sạch dạ dày giải nhiệt), lương huyết chỉ thống (làm mát huyết ngừng đau), có thể dùng phương thuốc “Thanh vị tán” là chính.

Người bị Hư hỏa chủ yếu là thận âm hư hỏa vượng. Phương pháp trị liệu là ích thận bổ tinh, tư âm hàng hỏa (dưỡng âm hạ hỏa), phương thuốc chính có thể dùng là “Tri bách địa hoàng hoàn” hoặc “Lục vị địa hoàng hoàn”.

Đối với bệnh nhân thận âm hư, dạ dày hỏa vượng, có thể dùng phương thuốc “Ngọc nữ” sắc để trị liệu.

Bình thường, tôi thường dùng “Thanh vị tán” để điều trị đau răng, nướu sưng đau nhức, vừa nhanh vừa hiệu quả.

Có lần con gái 6 tuổi của tôi bị đau răng, vội vàng muốn đi gặp bác sĩ nha khoa, tôi dùng phương thuốc “Thanh vị tán” chủ trị, thêm một ít thuốc cho đường tiêu hóa, 10 phút sau lập tức đã hết đau.

Một lần khác, tôi khám cho một người đàn ông trung niên bị đau răng, tình trạng đau răng của ông thuộc về nguyên nhân do hỏa khí quá lớn. Tôi dùng “Thanh vị tán” làm phương thuốc chữa trị chính, thêm một ít “An trung tán”. Ba ngày sau ông ấy đến tái khám và nói: “Tôi không biết Trung y trị đau răng lại thần kỳ như vậy, bây giờ chỉ còn đau một chút xíu thôi, trước kia nhổ mấy cái răng thật không đáng.”

Kỳ thực, nếu răng bị lung lay mà không đau, hoặc người lớn tuổi răng lung lay, thì thuộc về do thận hư, có thể dùng “Lục vị địa hoàng hoàn” thêm thuốc bổ thận để điều trị. Cần chú ý, buổi tối sau khi uống thuốc xong thì không được ăn uống nữa, răng cần phải được ở trạng thái ngay ngắn. Nếu răng không được ngay ngắn, sáng hôm sau thức dậy răng sẽ bị cố định với trạng thái không ngay ngắn đó.

  • Châm cứu

Huyệt Hợp Cốc: Thuộc về Kinh Thủ Dương Minh Đại Tràng

Ấn huyệt này có thể giúp giảm đau răng, huyệt Hợp Cốc chính là một huyệt giảm đau quan trọng trong Trung y. Khép ngón cái và ngón trỏ lại với nhau và ấn vào phần lồi ra cao nhất của cơ, nếu có cảm giác căng đau mỏi thì đã ấn đúng.

Huyệt Túc Tam Lý: Thuộc về Kinh Túc Dương Minh Vị

Ở phía cạnh bên ngoài của đầu gối, dưới mắt đầu gối (chỗ lõm của đầu gối) 3 tấc, cách mép trước xương ống chân khoảng ngang một ngón tay.

Có một loại cây và 3 vị thuốc Trung Y cải thiện tình trạng nướu sưng viêm

Loại cây cải thiện nướu sưng đau:

  • Củ cải trắng:

Củ cải trắng có vị cay, ngọt, mát, đi vào kinh mạch phổi và dạ dày, có tác dụng thanh nhiệt sinh tân (tăng nước bọt), lương huyết chỉ huyết (làm mát huyết cầm máu), tiêu thực hóa tích (tiêu thức ăn dư thừa).

Củ cải trắng cho dù là nấu canh hay ăn sống, đều có thể tiêu hỏa. Sau khi hỏa tiêu rồi, thì nướu sẽ không sưng đau nữa.

Làm gì khi nướu bị viêm sưng đỏ? Trung y khuyến nghị cách chữa trị
Củ cải trắng cho dù là nấu canh hay ăn sống, đều có thể tiêu hỏa. Sau khi hỏa tiêu rồi, thì nướu sẽ không sưng đau nữa. (Ảnh: Shutterstock)
  • Hoàng liên

Có tính rất hàn, vị đắng, tả tâm hỏa và vị hỏa, trị các chứng mất ngủ, mắt đỏ, chảy máu mũi, acid dạ dày quá nhiều, đau răng.

Nếu người sợ Hoàng liên quá đắng, có thể cho Hoàng liên vào viên nang rồi uống.

  • Thạch cao

Tả vị hỏa, có thể chữa trị đau răng do vị hỏa (dạ dày nóng). Đau răng do vị hỏa sẽ xuất hiện các triệu chứng nướu sưng đau, nhức đầu, phát sốt…

Sắc nấu Thạch cao trong thời gian rất lâu, cũng có thể dùng chung với “Thanh vị tán”, cho hiệu quả nhanh hơn.

  • Bổ cốt chi

Bổ cốt chi là một loại hạt thuộc cây họ đậu, có công dụng bổ thận, có thể chữa trị đau răng do thận hư.

Bổ cốt chi có thể được dùng với các bài thuốc Trung y hiện đại, cũng có thể dùng kết hợp với “Lục vị địa hoàng hoàn”, hiệu quả càng nhanh hơn.

Tác giả: Lý Ứng Đạt (Bác sĩ Đông y của Phòng khám Trung y Đào Viên Từ Hàng - Đài Loan)
Lý Thanh Phong biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn