Lê là ‘nước Cam Lộ’ trời sinh, 4 bí quyết chọn lê ngon

Lê là một loại trái cây phổ biến, có vị chua chua ngọt ngọt rất được nhiều người yêu thích. Sau hai ngày để trong ngăn mát tủ lạnh, vị tươi mát ngọt ngào càng thêm ngon miệng.

Trên thực tế, lê không chỉ là loại trái cây ngon, mà còn có hiệu quả dưỡng sinh trong mùa thu, đông. Nhưng lê như thế nào là ngon nhất? Dưới đây là bốn bí quyết chọn lê ngon.

Lê được ví như nước “Cam Lộ”

Theo Trung y, trái lê có vị ngọt, hơi chua, tính mát, đi vào Phế kinh, Vị kinh, có công dụng sinh tân giải khát, tư âm hạ hỏa, trị tả nhiệt hóa đàm, nhuận phế giảm ho. Lê còn được ví là “nước Cam Lộ”, khoa học hiện đại cũng đã phát hiện ra trong trái lê chứa nhiều chất dinh dưỡng rất có lợi cho cơ thể.

Theo hướng dẫn cách ăn uống của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một trái lê trung bình nặng khoảng 178gr, ngoài các thành phần Carbohydrate hữu cơ ra, nó còn chứa 5.52gr chất xơ, một lượng lớn Vitamin C, Vitamin K, Kali, Calci, và các thành phần khác như sắt, Magie, Riboflavin (vitamin B2), Vitamin B6, Folic acid. Đặc biệt, trong loại lê vỏ đỏ còn chứa Carotene, hợp chất Flavonoid vàng, và Anthocyanin.

Chất xơ có trong trái lê chiếm khoảng 22% nhu cầu chất xơ hàng ngày của phụ nữ dưới 50 tuổi. Chất xơ có thể giúp giảm cân, vì nó có thể cải thiện chức năng ruột, giúp đào thải chất thải ra ngoài; nó còn có thể làm tăng cảm giác no sau bữa ăn, ngăn việc ăn thêm đồ ăn vặt. Ngoài ra, trái lê còn có một loại chất xơ hòa tan được gọi là Pectin, có thể nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột, giúp cải thiện sức khỏe đường ruột.

Đặc biệt, giá trị chính là các chất chống oxy hóa có trong trái lê như Vitamin C, Vitamin K, Folic axit , Anthocyanin … có thể chống lại các gốc tự do. Các gốc tự do là những chất được tạo ra bởi quá trình chuyển hóa oxy trong cơ thể, bình thường nếu quá nhiều gốc tự do sẽ gây hại cho các tế bào trong cơ thể.

Lê là ‘nước Cam Lộ’ trời sinh, 4 bí quyết chọn lê ngon
Trái lê chứa nhiều chất dinh dưỡng, được ví như là “nước Cam Lộ”. (Ảnh: Shutterstock)

Bốn bí quyết chọn lê ngon

Trái lê ăn ngon kích thích khẩu vị, có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người, vậy làm thế nào để chọn được những trái lê ngon? Ông Kanako Abe, chủ cửa hàng nước ép trái cây Nhật Bản, đã chia sẻ bốn bí quyết chọn lê ngon như sau:

  1. Chọn trái lê lớn, cầm thấy nặng tay.
  2. Về ngoại hình, không chọn trái to về chiều dài, hãy chọn trái to bề ngang.
  1. Quan sát từ trên xuống dưới, chọn trái lê có tính đối xứng hai bên.

Những trái lê ngon có hình dáng cân đối, đầy đặn, còn cuống, khi ăn thịt trái mịn, tươi giòn, thường có vị rất ngọt.

  1. Chọn trái có cuống to và chắc.

Cuống lê phải càng to càng tốt. Điều này không chỉ áp dụng cho trái lê mà còn cho tất cả các loại trái cây có cuống, chẳng hạn như táo và cam.

Trên thực tế, các loại lê khác nhau có hình dáng và màu sắc khác nhau, nên tiêu chuẩn chọn lê cũng khác nhau. Vì vậy, khi chọn lê có một số điều cần lưu ý thêm:

  • Chọn những trái lê đã chín. Không giống như chuối và táo, một số giống lê sẽ không tự chín nếu hái trước khi chín, vì vậy khi chọn lê, phải đặc biệt chú ý đến độ chín của chúng.
Lê là ‘nước Cam Lộ’ trời sinh, 4 bí quyết chọn lê ngon
Lê ngon có màu sắc đồng đều, hình dáng cân đối, đầy đặn và chắc. (Ảnh: Shutterstock)
  • Xem màu sắc vỏ trái lê. Khi chọn lê xanh, những trái lê có vỏ hơi xanh và vàng sẽ chín và ngọt hơn; khi chọn lê đỏ, những trái lê có vỏ trơn bóng có màu nâu sẽ chín và ngọt hơn.
  • Xem rốn. “Rốn” nằm ở đỉnh của trái (tức là vị trí đối diện với cuống) đây thực chất là dấu tích để lại trên trái sau khi phần hoa rụng đi. Ngoài ra, nếu vết lõm ở đáy trái lê sâu, hình dạng của vết lõm tương đối tròn, xung quanh nhẵn và gọn gàng thì đó là trái lê ngon. Rốn cạn không tròn thì vị tương đối kém.

Khi nào thì nên ăn lê sống, lê chín?

Mặc dù lê có tác dụng bổ phổi giảm ho, thanh nhiệt giải đờm, nhưng ăn lê sống hay lê nấu chín đối với từng loại bệnh và tùy vào từng thời điểm là có công dụng rất khác nhau. Vì lê sống có tính hàn, lê nấu chín có tính ôn, tính chất khác nhau nên thích hợp với từng người khác nhau.

Trong “Bản Thảo Thông Huyền” của Lý Trung Tử, danh y nổi tiếng thời nhà Minh, đã nói rằng: Trái lê sống có tác dụng thanh nhiệt của lục phủ, lê nấu chín bổ âm ngũ tạng. Như vậy có nghĩa là, ăn lê sống có thể thanh nhiệt lục phủ, ăn lê nấu chín có thể dưỡng âm, bồi bổ ngũ tạng. Trung y cho rằng, nếu người phong nhiệt, xuất hiện các triệu chứng ho, đờm vàng, đờm đặc thì “ăn lê sống” để cải thiện; nhưng khi ho lâu ngày không khỏi, trở thành chứng hư hàn, thì có thể ăn lê nấu chín.

Cách ăn lê sống rất đơn giản, có thể cho lê vào ngăn mát tủ lạnh, khi ăn sẽ thấy có vị ngọt hơn. Nếu ép thành nước thì cắt lê thành miếng, cho vào máy ép trái cây ép lấy nước, sau đó cho thêm lượng đá lạnh vừa phải là được, đều là cách thưởng thức lê vô cùng ngon.

Đối với những người bị ho dai dẳng không khỏi, có thể dùng Xuyên bối mẫu và lê đem chưng đường phèn để cải thiện bệnh. Cách làm là khoét rỗng trái lê, cho xuyên bối mẫu, đường phèn vào, sau đó chưng chín là có thể dùng được.

Vì trái lê sau khi chưng sẽ trở thành lê chín, tính hàn sẽ chuyển thành tính ôn. Trong Trung y có câu “ho lâu tất hư”, vì thế ăn lê chưng chín phù hợp với những người bị ho lâu không khỏi.

Lê là ‘nước Cam Lộ’ trời sinh, 4 bí quyết chọn lê ngon
Trái lê sau khi chưng sẽ trở thành lê chín, không còn tính hàn. (Ảnh: Shutterstock)
  • Lượng đường trong trái lê khá cao, người bị bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn. Nếu mua lê đóng hộp, cần chú ý chọn sản phẩm không thêm loại đường khác, để tránh hấp thụ thêm lượng đường không cần thiết.

  • Lê có tác dụng lợi tiểu, những người có chứng đi tiểu đêm nhiều lần không nên ăn lê trước khi ngủ, tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Người có tỳ thận suy nhược, hoặc đang trong thời kỳ điều dưỡng sau khi bị bệnh, nên ăn lê chưng chín, nước ép lê cũng nên làm chín rồi uống sẽ an toàn hơn.

Tôn Tỉnh thực hiện
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn