Một loại ‘độc tố bất tử’ có thể gây ung thư gan, 4 cách để phòng tránh

Có một loại chất có thể gây ung thư gan và tồn tại ở khắp nơi, ví dụ như trong nước, màng bọc thực phẩm, dầu gội đầu và chảo chống dính v.v. Nó được mệnh danh là “hóa chất bất tử” – Per- and polyfluoroalkyl substances (PFAS).

Cách đây không lâu, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đã giảm giới hạn tiêu chuẩn được khuyến nghị xuống hơn 1,000 lần đối với các chất PFAS trong nước uống là acid perfluorooctanoic (PFOA) và acid perfluorooctane sulfonic (PFOS). Từ giá trị 70 phần nghìn tỷ (70ppt) vào năm 2016, hiện nay nó đã được thay đổi thành 0.02 phần nghìn tỷ (0.02ppt) cho PFOS và 0.004 phần nghìn tỷ (0.004ppt) cho PFOA. [1] [2] [3]

Nguyên nhân của sự thay đổi này là vì ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy PFAS rất độc hại. Một nghiên cứu mới nhất vào tháng 8/2022 đã phát hiện thêm rằng các chất PFAS có thể gây ung thư gan. [4] [5]

PFAS có thể lắng đọng ở nhiều cơ quan, lần đầu tiên được chứng minh là có thể gây ung thư gan

PFAS là một nhóm lớn các hợp chất organofluorine nhân tạo. Những chất này có nhiều nguyên tử flo, được kết hợp với các nhóm alkyl để tạo thành liên kết cacbon-flo bền vững. Cấu trúc này làm cho nó rất ổn định về nhiệt và hóa học, có thể chống lại khả năng phân hủy của môi trường và hoạt động trao đổi chất. [6]

Các chất như PFAS phân hủy rất chậm và không ngừng tích lũy trong môi trường, con người và động vật. Vì là một trong những hóa chất hữu cơ tồn tại lâu nhất trong môi trường nên PFAS được mệnh danh là “hóa chất bất tử” (forever chemical). [7] [8]

Các hợp chất PFAS được phát minh vào cuối những năm 1930, và được sử dụng rộng rãi từ những năm 1940 do khả năng chống thấm nước và dầu hiệu quả. PFAS có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường ăn uống, hô hấp và tiếp xúc với da, chúng phân bố rộng khắp cơ thể, nhưng chủ yếu tích tụ ở thận, gan và máu. Một số chất PFAS này rất dễ bị cơ thể hấp thụ, khó bị thận lọc bỏ, và cuối cùng tích tụ trong các cơ quan như gan. [9]

Lo lắng về tác động của PFAS đối với cơ thể con người, các nhà nghiên cứu cũng đã tiến hành nhiều thí nghiệm trên động vật. Tuy nhiên, việc nghiên cứu độc tính và ảnh hưởng của các chất này đối với cơ thể con người không phải là điều dễ dàng. Hiện nay tình hình đã có một bước đột phá, vào tháng 8/2022, các khoa học gia Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu có ý nghĩa thời đại trên tạp chí Bệnh học gan (Journal of Hepatology), lần đầu tiên kiểm chứng được rằng các chất PFAS có thể gây ra ung thư biểu mô tế bào gan ở người. [5]

Ung thư biểu mô tế bào gan là loại ung thư gan phổ biến nhất, chiếm 75~85% các trường hợp. Với tỷ lệ sống sót sau 5 năm dưới 20%, đây là một trong những bệnh ung thư nguy hiểm nhất. [10] [11]

Từ hồ sơ của 200,000 cư dân Hoa Kỳ, các khoa học gia đã tìm ra được 50 người bị ung thư biểu mô tế bào gan. Họ đã điều tra số liệu mẫu máu của những người này trước khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan, kết quả cho thấy trong máu của 50 người này có vài chất PFAS rất phổ biến. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu tập trung vào chất acid perfluorooctane sulfonic (PFOS).

Họ phát hiện ra rằng 10% số người với hàm lượng PFOS cao nhất trong máu có nguy cơ bị ung thư gan cao gấp 4.5 lần so với những người có hàm lượng chất này thấp trong máu!

Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng PFOS ảnh hưởng đến chức năng bình thường của gan bằng cách biến đổi quá trình trao đổi chất của 4 chất trong gan. 4 chất này bao gồm glucose, một loại acid mật, một loại acid amin và loại acid keto.

Ngoài ra, các chất PFAS còn có thể gây ra bệnh tim mạch, các vấn đề về tuyến giáp, các vấn đề về hệ thống miễn dịch, tổn thương gan, ung thư thận và tuyến tiền liệt.

PFAS có ở khắp mọi nơi! Nước uống, Chảo chống dính, cơ thể người đều có

Theo một kiểm kê do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ tổng hợp, thì PFAS hiện có hơn 8,000 loại. Ngoài lớp phủ chống dính của chảo mà mọi người đều biết, PFAS có ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta:

  • Nước uống
  • Thực phẩm (động vật và cá nuôi trong môi trường ô nhiễm)
  • Bao bì thực phẩm (ví dụ: giấy chống thấm dầu, hộp/túi đóng gói thực phẩm)
  • Sản phẩm chăm sóc (một số loại dầu gội đầu, chỉ nha khoa và mỹ phẩm)
  • Sản phẩm gia dụng trong nhà (thảm chống thấm và chống ố, quần áo chống thấm, chảo chống dính, sản phẩm tẩy rửa, vật liệu lắp đặt và sơn)
Một loại ‘độc tố bất tử’ có thể gây ung thư gan, 4 cách để phòng tránh
PFAS có ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta, kể cả thực phẩm, bao bì thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày. (Ảnh: Epoch Times)

Các khoa học gia đã kiểm tra hơn 2,000 mẫu máu của những người Mỹ trên 12 tuổi và tìm thấy hơn một chục loại PFAS. Có 4 loại PFAS đã được phát hiện trong máu của ít nhất 98% người dân, trong đó nhiều nhất là PFOS (99.9%) và PFOA (99.7%). [12]

PFOA và PFOS là hai chất PFAS được sử dụng rộng rãi nhất. Trong những năm gần đây, hai chất này ở Hoa Kỳ đã được thay thế bằng các chất PFAS khác: GenX thay thế cho PFOA, và acid perfluorobutanesulfonic (PFBS) thay thế cho PFOS. Tuy nhiên, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ thừa nhận rằng GenX có ảnh hưởng đến gan, thận, hệ thống miễn dịch và sự phát triển, đồng thời cũng có liên quan đến ung thư. Còn PFBS thì ảnh hưởng đến sức khỏe của tuyến giáp, hệ thống sinh sản, sự phát triển và sức khỏe của thận. [3]

4 cách để tránh xa độc tố PFAS

Mặc dù các chất PFAS có ở khắp xung quanh chúng ta và trong môi trường, nhưng chúng ta có thể điều chỉnh một số lối sống và thói quen để giảm thiểu việc tiếp xúc với các chất này.

  1. Thay chảo chống dính bằng chảo inox

Chất PFAS trong chảo chống dính sẽ chuyển vào thức ăn trong quá trình nấu nướng. Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm với tương cà muối và phát hiện ra rằng, các chất PFOS và PFAS trong chảo chống dính sẽ được chuyển dần vào thức ăn. [13]

Khi nấu, có thể thay chảo chống dính bằng chảo inox. Nếu lo lắng nấu chảo inox sẽ bị dính, bạn có thể đổ một ít dầu vào chảo trước khi nấu, sau đó đun nóng chảo, rồi để chảo nguội; chờ đến khi chính thức nấu thì bật lửa trở lại và đổ một lượng dầu thích hợp để nấu, như vậy là có thể tránh được.

Nếu vẫn dùng chảo chống dính, hãy chú ý những điểm sau để giảm lượng PFAS và các chất độc hại khác:

  • Không làm khô nồi rỗng; nấu ở nhiệt độ vừa và nhỏ; mở quạt thông gió hoặc cửa sổ khi nấu ở nhiệt độ cao.
  • Tránh sử dụng các dụng cụ nấu nướng có thể làm xước bề mặt chảo.
  • Không sử dụng các sản phẩm tẩy rửa có tính ăn mòn.
  • Nếu dụng cụ nấu bị hỏng hoặc mòn, hãy nhanh chóng thay thế.
  1. Thay thế những tấm thảm có khả năng gây nguy hiểm trong nhà

Một số tấm Thảm chống dầu và vết bẩn có chứa PFAS. Người hiện đại dành 90% thời gian ở nhà hoặc ở các môi trường trong nhà. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Environmental Science and Technology Letters nói rằng, Thảm và bụi có liên quan mật thiết với nồng độ PFAS dễ bay hơi, cho thấy Thảm và bụi là nguồn ô nhiễm chính của các chất này trong không khí trong nhà. [14]

Ông Rainer Lohmann, tác giả chính của nghiên cứu và là Giáo sư Hải dương học tại Đại học Rhode Island cho biết, Thảm được xử lý bằng PFAS là một con đường tiếp xúc của mọi người với những chất này. Có thể thay thế chúng bằng Thảm không chứa PFAS. [15]

  1. Nấu thức ăn ở nhà

Nhiều loại bao bì thực phẩm có thể chứa PFAS. Mua thực phẩm chưa qua chế biến và nấu ở nhà là giải pháp tốt nhất.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người thường xuyên ăn ở nhà có mức PFAS trong cơ thể thấp hơn đáng kể. Mỗi 100 calo tiêu thụ trong bữa ăn tại nhà, lượng PFAS trong máu của họ giảm đi 0.5%. Ngược lại, những người ăn nhiều thức ăn nhanh hoặc thường xuyên ăn ở nhà hàng thường có mức PFAS trong cơ thể cao hơn. [16]

Điều này có nghĩa là thực phẩm từ các quán ăn nhanh và nhà hàng chứa nhiều PFAS hơn, có lẽ vì các nguyên liệu và món ăn ở những nơi này tiếp xúc nhiều hơn với bao bì chứa các chất PFAS.

  1. Cẩn thận khi mua quần áo làm bằng chất liệu chống thấm nước và chống bám bẩn

Một số quần áo thể thao ngoài trời và quần áo Bảo hộ sẽ sử dụng chất liệu đặc biệt không thấm nước và chống dầu, trong đó sẽ có chất PFAS. Những sản phẩm may mặc này sẽ dần dần bị biến chất và giải phóng những chất này ra trong quá trình sử dụng và giặt giũ. Do đó, nên sử dụng vật liệu không chứa PFAS để sản xuất những loại quần áo này mà không làm giảm hiệu suất chống thấm nước. [17] [18]

Lý Lộ Minh thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn