Một loại thức uống vào buổi sáng có thể tăng cường khả năng miễn dịch

Dù đã bước qua tuổi 60, ông Ishihara, một bác sĩ y khoa nổi tiếng ở Nhật Bản, vẫn có thể khám bệnh mỗi ngày, có hàng trăm bài diễn giảng mỗi năm, cơ thể ông vẫn tràn đầy năng lượng và gần như không bị ốm. Ông đã chia sẻ các bí quyết trong cuốn sách của mình, và một trong số đó là uống một tách hồng trà gừng đường đen vào buổi sáng.

Uống một tách hồng trà gừng đường đen vào bữa sáng để cải thiện khả năng miễn dịch và loại bỏ chất thải

Bác sĩ Ishihara thường nhịn ăn vào buổi sáng và thay thế bữa sáng bằng một tách hồng trà gừng đường đen.

Ông nhận thấy rằng nhiều người hiện đại gặp các vấn đề như nhiệt độ cơ thể giảm, trao đổi chất chậm và khả năng miễn dịch kém, những điều này dễ dẫn đến các bệnh như ung thư và hội chứng chuyển hóa, v.v. Uống hồng trà gừng đường đen vào buổi sáng có thể làm ấm cơ thể, kích hoạt các cơ quan nội tạng và thúc đẩy quá trình bài tiết, giúp cơ thể có thể trở nên trẻ trung hơn.

Vậy tại sao lại uống vào buổi sáng? Bác sĩ Ishihara cho biết, buổi sáng khi con người thức dậy là lúc miệng hôi nhất, dịch nhầy ở mắt nhiều và màu của nước tiểu đầu sẫm nhất, điều đó có nghĩa đây là thời điểm để bài tiết chất thải ra khỏi cơ thể. Lúc này, nếu ăn quá nhiều thức ăn sẽ khiến máu dồn về dạ dày và ruột, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan bài tiết.

Vậy nên, bác sĩ Ishihara cho rằng uống một tách hồng trà gừng đường đen vào buổi sáng có thể bổ sung đường như một nguồn calo mà không tạo gánh nặng cho dạ dày và khiến hiệu quả bài tiết giảm.

Ông Jonathan Liu, giáo sư Trung y tại trường cao đẳng công lập của Canada chỉ ra rằng, hồng trà gừng đường đen có những lợi ích này là vì những thành phần của nó có tác dụng xua tan phong hàn và thúc đẩy bài tiết. Gừng có tác dụng làm ấm dạ dày và thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, còn sự kết hợp giữa gừng và đường đen có thể tống khứ phong hàn bằng cách ra mồ hôi nhẹ.

Ông Liu giải thích rằng, hệ thống tỳ vị (lá lách và dạ dày) của người hiện đại dễ bị lạnh, đặc biệt sau khi bước vào tuổi trung niên, chức năng tiêu hóa sẽ tiếp tục suy giảm, trong đó có nhu động của dạ dày. Khi ngủ cả đêm và tỉnh dậy, nhu động đường tiêu hóa sẽ khá chậm, do đó một số người dễ bị táo bón và đầy hơi. Uống một cốc hồng trà gừng đường đen vào buổi sáng là có thể cải thiện những vấn đề này.

Nếu bị táo bón do nhu động đường tiêu hóa chậm, bạn có thể dùng mật ong thay cho đường đen, vì mật ong có tác dụng dưỡng ẩm.

Ngoài ra, không chỉ người phương Đông gặp vấn đề về cơ thể lạnh, trao đổi chất và miễn dịch kém, giáo sư Liu cũng quan sát thấy tình trạng tương tự ở những người phương Tây. Ông phát hiện tỳ vị của nhiều người phương Tây khá yếu và lạnh, đặc biệt là ở tuổi trưởng thành. Một chế độ ăn uống không điều độ, chẳng hạn như ăn quá nhiều đồ lạnh vào mùa hè cũng sẽ làm tổn thương tỳ vị, dẫn đến nhiệt độ cơ thể thấp và trao đổi chất diễn ra chậm. Ông cho biết, tình trạng béo phì thường gặp ở người phương Tây là biểu hiện của tình trạng tỳ vị lạnh và giảm tỷ lệ trao đổi chất.

Một loại thức uống vào buổi sáng có thể tăng cường khả năng miễn dịch
Hồng trà gừng đường đen có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất. (Ảnh: Shutterstock)

Đường đen, gừng và hồng trà đều có nhiều lợi ích bất ngờ

Vậy pha hồng trà gừng đường đen như thế nào? Các nguyên liệu và cách làm khá đơn giản:

Nguyên liệu cho 1 cốc: Khoảng 10g gừng (cỡ ngón tay cái), 1 cốc hồng trà và lượng đường đen thích hợp.

Cách làm: Thêm 1-2 thìa cà phê nước gừng vào hồng trà nóng cùng lượng đường đen mà bạn cảm thấy vừa miệng, khuấy đều là hoàn thành.

Các thành phần riêng lẻ của hồng trà gừng đường đen cũng có rất nhiều lợi ích cho cơ thể:

  1. Đường đen

Trung y cho rằng các thực phẩm có thể được chia thành 3 loại là hàn tính, ôn tính và bình tính (lạnh, ấm và bình), mà đường đen là một loại thực phẩm có tính ấm. Bác sĩ Thái Uyên Dư, bác sĩ điều trị của Phòng khám Trung y Lạc Nguyên tại Đài Loan cho biết, đường đen có thể làm ấm cơ thể và còn có tác dụng bổ khí huyết.

Từ quan điểm dinh dưỡng học, đường đen rất giàu kali, calci và magie. Chuyên gia dinh dưỡng Giản Tử Quân cho biết, những chất dinh dưỡng này giúp thư giãn thần kinh, do đó khi phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt, uống nước đường đen có tác dụng thư giãn hiệu quả.

Đường đen cũng đã được chứng minh là có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Một đánh giá vào năm 2012 cho thấy trong số 46 loại ấn phẩm học thuật bao gồm đường đen và đường không ly tâm (Non-cental sugar, NCS), tác dụng miễn dịch (Immunologic Effects) chiếm 26% là lợi ích được các tài liệu này trích dẫn thường xuyên nhất. [1]

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ năm 2021, đường đen có hoạt tính chống oxy hóa, chống ung thư, chống xơ hóa, bảo vệ tế bào, điều hòa miễn dịch, làm sáng da và chống sâu răng v.v. Những hoạt tính này có thể liên quan đến các chất dinh dưỡng trong đường đen như acid amin, acid hữu cơ, khoáng chất, vitamin E, phenol và acid béo bão hòa chuỗi dài v.v. [2]

  1. Gừng

Gừng có thể được sử dụng như một loại gia vị hoặc một dược liệu, trong rất nhiều bài thuốc cổ truyền của Trung Quốc đều có thể tìm thấy gừng. Trung y cho rằng hầu hết các loại rau củ đều có tính hàn, thêm một ít gừng ấm có thể trung hòa tính hàn đó.

Bác sĩ Thái Uyên Dư cho biết gừng có tác dụng xua tan hàn khí, làm ấm dạ dày, người hiện đại thường uống đồ lạnh, bụng dễ lạnh, ăn gừng có thể làm ấm bụng.

Cô nói thêm, trong cách uống hồng trà gừng đường đen, đường đen giống như “một cục bùn sẽ chìm xuống nước”, khó có thể đưa chất dinh dưỡng đi quá xa, vì vậy nó cần khả năng khuếch tán của gừng mới có thể đưa chất dinh dưỡng đến nhiều nơi trong cơ thể.

Cô Giản Tử Quân cho biết gừng có thể thúc đẩy tuần hoàn, rất tốt cho khả năng miễn dịch và trao đổi chất của cơ thể. Gừng cũng chứa gingerol, có thể ức chế các khối u và giúp ngăn ngừa ung thư.

Ngoài ra, gừng cũng có thể giúp giảm cân. Một nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ gừng có thể làm tăng quá trình sinh nhiệt và giảm cảm giác đói. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, gừng có thể ngăn ngừa sự tăng cân bằng cách tái tạo lại quá trình chuyển hóa năng lượng của toàn bộ cơ thể. [3] [4]

Một loại thức uống vào buổi sáng có thể tăng cường khả năng miễn dịch
Gừng có tác dụng xua hàn khí, làm ấm dạ dày. (Ảnh: Shutterstock)
  1. Hồng trà

Hồng trà là một loại trà được lên men hoàn toàn, đây cũng là một loại trà có tính ấm và có công hiệu làm ấm dạ dày. Bác sĩ Thái Uyên Dư nói rằng đây cũng là lý do tại sao mọi người cảm thấy dạ dày được “thư giãn” sau khi uống hồng trà. Hơn nữa hồng trà có một chút vị chát, có thể loại bỏ thấp khí (khí ẩm) trong đường tiêu hóa.

Nghiên cứu hiện đại đã phát hiện ra rằng hồng trà có chứa nhiều chất dinh dưỡng chống oxy hóa. Một đánh giá vào năm 2019 trên Tạp chí Khoa học Y tế Quốc tế đã liệt kê rất nhiều lợi ích của hồng trà: [5]

  • Hồng trà có chứa các hợp chất polyphenol, chẳng hạn như: flavonoid, catechin, theaflavin, thearubigin, L-theanine, v.v. những hợp chất này giúp chống lại quá trình oxy hóa, giảm viêm và ngăn ngừa các bệnh kinh niên.
  • Thêm hồng trà vào chế độ ăn uống có thể làm giảm cholesterol xấu ở những bệnh nhân tăng cholesterol trong máu. Nó cũng có thể cải thiện mức cholesterol ở những người béo phì.
  • Uống hồng trà đều đặn mỗi ngày có thể cải thiện huyết áp, giảm nguy cơ đột quỵ, đau tim và các bệnh tim mạch khác.
  • Uống hồng trà cũng có thể giúp giảm cân. Các polyphenol trong hồng trà có thể làm tăng phân giải lipid và giảm tích tụ lipid bằng cách giảm sự tăng sinh của các tế bào mỡ.
  • Các polyphenol trong hồng trà có hoạt tính chống tăng sinh các tế bào khối u. Uống hồng trà có thể giúp ngăn ngừa ung thư.

Hồng trà gừng đường đen không thích hợp với tất cả mọi người, 3 nhóm người cần chú ý

Người bình thường có thể chỉ cần uống hồng trà gừng đường đen vào bữa sáng, nếu muốn dùng với các loại thực phẩm khác thì không nên dùng với bánh mì, vì sẽ khiến lượng đường tăng cao. Tốt nhất là dùng với các thực phẩm giàu protein hoặc chất xơ, chẳng hạn như trứng luộc chín, một ít rau.

Ngoài ra, một số người cũng nên chú ý khi uống hồng trà gừng đường đen:

1. Uống trà và nhịn ăn không thích hợp cho bệnh nhân sỏi mật

Chuyên gia Giản Tử Quân chỉ ra rằng, chỉ dùng thức uống này vào bữa sáng có phần giống với chế độ ăn kiêng 168, không phù hợp với bệnh nhân sỏi mật.

Dịch mật do gan tiết ra sẽ được dự trữ trong túi mật và đổ xuống ruột để phân hủy chất béo trong thức ăn. Nếu bệnh nhân bị sỏi mật nhịn ăn trong thời gian dài, dịch mật tiết ra liên tục sẽ không thể sử dụng được, dễ gây ra các vấn đề như ứ mật, sỏi mật v.v. Những người như vậy cần dùng trà với các món ăn khác, không nên chỉ dùng đồ uống.

2. Bệnh nhân tiểu đường muốn kiểm soát lượng đường trong máu

Bệnh nhân tiểu đường, dù là loại 1 hay loại 2, đều không thích hợp dùng những đồ uống có đường như thế này. Cô Giản Tử Quân cho biết, nếu bệnh nhân tiểu đường muốn thử thưởng thức, tốt nhất nên ăn một số thực phẩm protein hoặc rau quả trước để ngăn lượng đường trong máu tăng quá nhanh. Hơn nữa lượng đường đen nên được kiểm soát trong vòng 15 gam một cốc, không nên nhiều hơn.

3. Những người có thể trạng nóng và khô

Bác sĩ Thái Uyên Dư cho biết, những người có thể trạng nóng và khô sẽ cảm thấy không thoải mái khi dùng thức uống này vào bữa sáng, vì vậy tốt nhất không nên dùng.

2 đặc điểm chính của thể trạng nóng:

  • Mặt đỏ bừng, thường xuyên cảm thấy rất nóng, dễ táo bón.
  • Dễ khô miệng và khát nước, chất lưỡi đỏ, lớp phủ lưỡi khô và hơi vàng.

Giáo sư Liu cho biết thêm, thông thường những người trẻ là có thể trạng nóng, hoặc là ăn quá nhiều đồ ăn có hàm lượng calo cao trong thời gian ngắn cũng sẽ khiến thể trạng trở nên khô nóng.

Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Tô Quán Mễ
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn