Nấm có thể tăng cường miễn dịch, 2 món nấm cải thiện di chứng của COVID-19

Có rất nhiều loại nấm ăn được. Ngoài nấm men đơn bào dùng để làm bánh mì hoặc rượu vang, các loại nấm thường thấy như nấm hương và nấm bào ngư Nhật… cả những loại nấm có thể tìm thấy ở các cửa hàng thuốc Đông y và sản phẩm sức khỏe như phục linh, ngưu chương chi… đều là những loại nấm có thể ăn.

Những loại nấm này đã được phát hiện là có tác dụng tăng cường và điều tiết khả năng miễn dịch, đồng thời cũng có thể phát huy tác dụng trong đại dịch COVID-19.

Polysaccharide trong các loại nấm có thể tăng cường khả năng miễn dịch

Các loại nấm thực phẩm phổ biến như nấm hương, nấm mỡ, nấm sò, nấm bào ngư Nhật, nấm mèo, mộc nhĩ trắng, nấm khiêu vũ… đều là những loại nấm cỡ lớn có thể quả (Fruiting body) rõ ràng, có thể phân biệt bằng mắt thường.

Các dược liệu Trung Quốc như Đông trùng hạ thảo, phục linh, ngưu chương chi và linh chi… mà mọi người thích dùng để bồi bổ và tăng cường sức khỏe cũng là những loại nấm cỡ lớn. Ở Trung Quốc, nấm linh chi có lịch sử dược liệu đã 5,000 năm, nó cũng được gọi là “tiên dược” trong các câu chuyện thần thoại.

Theo các bác sĩ Trung Y, những loại nấm ăn và dược liệu này quả thực là có lợi cho sức khỏe.

Các loại nấm như nấm hương và nấm bào ngư Nhật… có thể đi vào kinh mạch Tỳ vị, Can (gan), Thận. Theo lý luận của Trung Y, cơ thể con người có nhiều đường kinh mạch, loại thực phẩm đi vào kinh mạch nào thì sẽ có lợi cho tạng phủ tương ứng với kinh mạch đó. Bác sĩ Ngô Uyển Dung (Wu Wanrong), Giám đốc Phòng khám Trung Y Duệ Minh Đường tại Đài Loan cho biết, khả năng miễn dịch tiên thiên có liên quan đến gan và thận, còn Tỳ (lá lách) và Vị (dạ dày) là “gốc rễ hậu thiên”, chăm sóc tốt các cơ quan này có thể giữ cho hệ thống miễn dịch bảo lưu ở tình trạng tốt. Ngoài ra, Trung Y cho rằng nấm còn có tác dụng an thần.

Các nghiên cứu hiện đại đã phát hiện ra rằng thành tế bào của nấm ăn và nấm dược liệu có chứa polysaccharide, nó sở hữu các hoạt tính như điều hòa miễn dịch, chống khối u, chống oxy hóa, chống viêm, chống vi khuẩn và chống bệnh tiểu đường v.v. [1]

Một nghiên cứu đánh giá về các đặc tính chống khối u của nấm cho thấy, nấm có sở trường về điều hòa miễn dịch và có thể ảnh hưởng đến tế bào gốc tạo máu, tế bào lympho, đại thực bào, tế bào T, tế bào tua (DC) và tế bào diệt tự nhiên (NK). [2]

Bác sĩ Lobsang, chủ tịch của Tập đoàn Y tế Dự phòng Lobsang nói thêm rằng polysaccharide không chỉ có thể điều chỉnh hệ thống miễn dịch mà còn có lợi cho hệ thống thần kinh tự chủ, cả hai đều ảnh hưởng lẫn nhau. Khi thần kinh tự chủ và cảm xúc của con người tương đối ổn định, khả năng miễn dịch của họ cũng sẽ khá tốt.

Nấm cũng rất giàu chất xơ hòa tan trong nước, có thể nuôi dưỡng những vi khuẩn đường ruột có lợi cho hệ thống miễn dịch. Nấm hương khô đã được phơi nắng có chứa vitamin D cũng giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Ngoài ra, nấm còn rất giàu protein, hàm lượng protein của nó nằm giữa thịt và rau quả nhưng không chứa nhiều chất béo và cholesterol giống như thịt.

Trong các loại nấm ăn, mộc nhĩ trắng còn có tác dụng nhuận phế. Bác sĩ Dư Nhã Văn (Yu Yawen), Giám đốc Phòng khám Trung Y Thượng Tỷ tại Đài Loan cho biết, khi thời tiết khô hanh vào mùa thu đông, niêm mạc trong cơ thể sẽ tương đối khô, tác dụng nhuận phế của mộc nhĩ trắng có thể làm cho niêm mạc khỏe hơn, giúp chống lại các tác nhân gây bệnh bên ngoài như virus.

Các loại nấm mà chúng ta thường ăn có đặc tính tăng cường hệ thống miễn dịch. (Ảnh: Shutterstock)
Các loại nấm mà chúng ta thường ăn có đặc tính tăng cường hệ thống miễn dịch. (Ảnh: Shutterstock)

Các loại nấm dược liệu thường thấy trong các hiệu thuốc và các sản phẩm y tế như phục linh, Đông trùng hạ thảo, linh chi và ngưu chương chi… đều có những lợi ích sức khỏe đặc biệt:

Phục linh: Là một loại thảo dược Trung Y phổ biến, Tứ thần thang mà người Đài Loan thường dùng chính là có chứa phục linh. Nó có tác dụng bồi bổ tỳ vị, trừ thấp khí, an thần, thích hợp cho người ngủ không ngon giấc hoặc dễ bị hồi hộp.

Linh chi: Có thể điều chỉnh và cải thiện khả năng miễn dịch, đồng thời cũng hữu ích cho tim, phổi, gan và thận. Cô Ngô Uyển Dung nói rằng những người có chất lượng giấc ngủ kém, công việc bận rộn, bình thường dễ bồn chồn hoặc suy nhược thần kinh, đều có thể dùng linh chi để cải thiện.

Đông trùng hạ thảo: Là loại nấm ký sinh trên côn trùng, có tác dụng tu bổ niêm mạc, bổ phổi bình suyễn, cầm máu khử đờm. Đối với những bệnh nhân bị ho kinh niên và khó thở, dùng Đông trùng hạ thảo có thể bảo vệ hệ hô hấp.

Ngưu chương chi: Được biết đến với tác dụng bảo vệ gan, có thể kích hoạt hệ thống giải độc của gan, một số người còn dùng ngưu chương chi để giải rượu. Những người thường xuyên thức khuya, làm việc mệt mỏi cũng có thể dùng ngưu chương chi để bảo vệ gan.

4 kiểu người cần lưu ý khi ăn nấm

Mặc dù nấm có thể tăng cường khả năng miễn dịch, nhưng chúng không phù hợp với tất cả mọi người. Có một số tình huống cần lưu ý:

1. Các bệnh liên quan đến tự miễn dịch

Những bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn dịch như lupus ban đỏ, vảy nến, hội chứng Sjögren, viêm khớp dạng thấp… do hệ thống miễn dịch đã hoạt động quá mức nên cần tránh ăn nấm để không làm các triệu chứng trầm trọng thêm. Các loại nấm dược liệu như Đông trùng hạ thảo, ngưu chương chi, linh chi… đều không thích hợp để dùng.

2. Bệnh ngoài da, dị ứng

Lý do cũng giống như bệnh nhân mắc bệnh tự miễn dịch. Trung Y cho rằng nấm là “phát vật” (đề cập đến các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng hoặc kích thích, có khả năng gây ra một số bệnh cũ hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh hiện có), những người thường xuyên bị dị ứng hoặc dễ mắc các bệnh về da như chàm, mề đay đều không nên ăn nhiều. Nếu quý vị đang mắc các bệnh ngoài da và dị ứng, thì trước tiên nên ngừng ăn nấm.

3. Thể trạng khí ẩm nặng

Bác sĩ Ngô Uyển Dung cho biết, nấm có tính ẩm, điều này có liên quan đến môi trường sinh trưởng, vì vậy những người có thể trạng khí ẩm nặng nên chú ý đến lượng tiêu thụ.

Trong tình huống thông thường, nước trong cơ thể sẽ được duy trì ở trạng thái cân bằng, nếu khả năng loại bỏ nước của cơ thể kém, khí ẩm sẽ tích tụ nhiều hơn. Kiểu người này có một đặc điểm rõ ràng: phân sẽ để lại dấu vết trên bồn cầu.

4. Ung thư

Các loại nấm dược liệu có thể điều hòa khả năng miễn dịch, chẳng hạn như Đông trùng hạ thảo và linh chi có thể tăng cường hiệu quả của hóa trị liệu, nhưng bệnh nhân ung thư vẫn cần cẩn thận khi sử dụng. Bác sĩ Dư Nhã Văn nói rằng, một hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức ngược lại sẽ hỗ trợ cho các tế bào ung thư, vì vậy nếu bệnh nhân ung thư muốn dùng nấm dược liệu, tốt nhất nên hỏi bác sĩ Trung Y trước.

Ngoài ra, phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú và trẻ em dưới 3 tuổi hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, cũng không nên sử dụng các loại nấm dược liệu.

Nấm linh chi có thể điều hòa khả năng miễn dịch, nhưng mọi người nên tham khảo ý kiến ​​​​của bác sĩ Trung Y trước khi sử dụng, đặc biệt là đối với bệnh nhân ung thư. (Ảnh: Shutterstock)
Nấm linh chi có thể điều hòa khả năng miễn dịch, nhưng mọi người nên tham khảo ý kiến ​​​​của bác sĩ Trung Y trước khi sử dụng, đặc biệt là đối với bệnh nhân ung thư. (Ảnh: Shutterstock)

Hai món nấm cải thiện di chứng của COVID-19

Có rất nhiều cách nấu và kết hợp để có một món nấm ngon. Để nấm phát huy công dụng tăng cường miễn dịch thì không nhất thiết phải dùng một loại nấm nhất định nào, cũng không cần mỗi ngày đều phải ăn lượng lớn. Đồng thời, cần tránh nướng và chiên ở nhiệt độ cao để không làm mất chất dinh dưỡng của nấm và tăng gánh nặng cho cơ thể.

Có rất nhiều nguyên liệu thích hợp nấu cùng với nấm, canh gà nấm hương chính là một món ăn gia đình có thể tăng cường miễn dịch. Bác sĩ Dư Nhã Văn cho biết, Trung Y cho rằng canh gà có thể cải thiện sự hấp thụ của tỳ vị, khi các chất dinh dưỡng được hấp thụ tốt, khả năng miễn dịch sẽ tự nhiên được cải thiện. Cô khuyên rằng khi nấu canh gà nấm hương, quý vị cũng có thể thêm một ít quả kỷ tử và táo đỏ.

Cần lưu ý, nấm hương có tính hơi hàn nên khi nấu có thể cho thêm một ít gừng để trung hòa. Ngoài ra trong đợt dịch COVID-19, rất nhiều người bị nhiễm dịch và xuất hiện di chứng, ăn nấm cũng có thể giúp cải thiện. Dưới đây là hai món ăn có tác dụng như vậy:

Khí huyết song bổ thang

Dược liệu: Đương quy 10 gam, Xuyên khung 10 gam, Bạch thược 10 gam, Thục địa 10 gam, Nhân sâm 10 gam, Bạch truật 10 gam, Phục linh 15 gam, Cam thảo nướng 10 gam.

Nước và nguyên liệu: 1000ml nước, nấm bào ngư Nhật lượng vừa đủ (cũng có thể thay thế bằng các loại nấm ăn khác) hoặc sườn heo (người ăn chay có thể bỏ).

Cách làm:

  1. Rửa sạch các loại rau thơm, để ráo nước.
  1. Sườn heo rửa sạch, chần qua rồi để riêng. Rửa sạch nấm và cắt thành miếng.
  1. Cho tất cả các nguyên liệu trên vào nồi, đổ ngập nước và đun sôi bằng lửa lớn.
  1. Sau khi sôi thì vặn nhỏ lửa đun đến khi các nguyên liệu chín mềm, rồi nêm nếm gia vị là có thể dùng.

Bác sĩ Ngô Uyển Dung cho biết những bệnh nhân bị di chứng của COVID-19 dễ bị mệt mỏi, nói vài câu đã thở hổn hển và khó thở. Nếu bệnh nhân không còn các triệu chứng cảm mạo như đau họng mà chỉ cảm thấy mệt mỏi thì có thể dùng món ăn này, bởi vì đây là sự kết hợp giữa Tứ Vật Thang và Tứ Quân Tử Thang. Tứ Vật Thang có thể bổ huyết, Tứ Quân Tử Thang có thể bổ khí, giúp bệnh nhân bị di chứng của COVID-19 khôi phục tinh thần.

Cả Khí huyết song bổ thang và Tứ thần thang đều sử dụng phục linh. (Ảnh: Shutterstock)
Cả Khí huyết song bổ thang và Tứ thần thang đều sử dụng phục linh. (Ảnh: Shutterstock)

Tứ thần thang

Dược liệu: Phục linh 20 gam, Sơn dược (củ mài) 20 gam, Khiếm thực 20 gam, Hạt sen 30 gam, Ý dĩ 30 gam.

Nước và nguyên liệu: 1000ml nước, nấm bào ngư Nhật lượng vừa đủ, nấm hương (có thể thay bằng các loại nấm ăn khác) hoặc sườn heo (người ăn chay có thể bỏ).

Cách làm: Tương tự như Khí huyết song bổ thang, ngoại trừ việc sau khi rửa sạch Ý dĩ thì cần ngâm trong nước từ 2-3 giờ.

Trong quá trình phục hồi, bệnh nhân COVID-19 mang theo một số bệnh trạng như ngứa họng, có chỗ hơi viêm, hoặc đờm nhiều, đờm vàng và cảm thấy mệt mỏi, lúc này dùng Tứ Thần Thang sẽ thích hợp hơn. Tứ Thần Thang rất tốt cho tỳ vị, có thể duy trì khả năng miễn dịch tốt, thích hợp cho cả gia đình, cũng có thể dùng khi bị cảm mạo.

Đồng thời, rất nhiều bệnh nhân COVID-19 có biểu hiện là nhiễm ẩm nặng, Tứ Thần Thang và Ý dĩ đều có tác dụng loại bỏ khí ẩm ra khỏi cơ thể.

Lý Thanh Phong biên tập

Xuân Hoàng biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Tô Quán Mễ
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn