Nghiên cứu của Harvard: Lối sống lành mạnh giúp giảm một nửa nguy cơ COVID kéo dài

Nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi Trường Y tế Công cộng Harvard T.H.Chan cho thấy việc tuân thủ lối sống lành mạnh có thể giúp người nhiễm COVID giảm một nửa nguy cơ COVID kéo dài.

Các nhà nghiên cứu cho biết, nếu mối liên quan này là chính xác, 36% trường hợp COVID kéo dài có thể ngăn chặn được nếu tất cả người tham gia nghiên cứu duy trì một lối sống lành mạnh.

Nghiên cứu: Lối sống lành mạnh giúp giảm 50% nguy cơ COVID kéo dài

Các triệu chứng của COVID kéo dài thường rất đa dạng, bao gồm mệt mỏi, khó thở, đau ngực, sương mù não và khó ngủ, v.v. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến cả người nhiễm COVID-19 mức độ nhẹ và nặng.

Nghiên cứu nói trên được công bố trên tập san JAMA Internal Medicine vào ngày 06/02, nhằm mục đích điều tra về mối liên quan giữa các yếu tố về lối sống tiền mắc COVID và nguy cơ của COVID kéo dài.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi một nhóm gồm 1,981 nhân viên chăm sóc sức khỏe là nữ với độ tuổi trung bình khoảng 65, có xét nghiệm dương tính với COVID-19 từ tháng 04/2020 – 11/2021. Trong số những người này, 44% đã phát triển thành COVID kéo dài.

Người tham gia phải hoàn thành một bảng câu hỏi về lối sống và được theo dõi trong vòng bảy tháng. COVID kéo dài được các nhà nghiên cứu định nghĩa là tình trạng các triệu chứng kéo dài ít nhất bốn tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2 ban đầu.

Các nhà nghiên cứu đã đánh giá sáu yếu tố lối sống có thể thay đổi được, bao gồm giấc ngủ, chỉ số khối cơ thể (BMI), tình trạng hút thuốc lá và tiêu thụ rượu, cách ăn uống và hoạt động thể chất.

So với những phụ nữ không tuân thủ bất kỳ lối sống lành mạnh nào kể trên, người thực hiện năm hoặc sáu yếu tố có thể giảm 50% nguy cơ mắc COVID kéo dài.

Kết quả cũng cho thấy trong số những người mắc COVID kéo dài, người có lối sống lành mạnh trước khi nhiễm COVID có thể giảm 30% nguy cơ mắc các triệu chứng trầm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Các nhà nghiên cứu viết: “Nếu hai điều trên có mối quan hệ nhân quả, 36% PCC [post-COVID condition – tình trạng hậu COVID] có thể được ngăn chặn nếu tất cả người tham gia có năm đến sáu yếu tố lối sống lành mạnh. Kết quả này có thể so sánh được khi PCC được định nghĩa là các triệu chứng kéo dài trong thời gian ít nhất hai tháng hoặc vẫn còn tiếp diễn cho đến thời điểm đánh giá.”

2 yếu tố quan trọng nhất: Ngủ đủ giấc và giảm cân

Trong số sáu yếu tố lối sống kể trên, các nhà nghiên cứu nhận thấy ngủ đủ giấc và duy trì cân nặng thích hợp là những yếu tố quan trọng nhất. Đây là những điều đầu tiên mà mọi người cần cải thiện.

“Tuy nhiên, ví dụ như tại Hoa Kỳ, 70% dân số có trọng lượng cơ thể không cân đối và 30% không đủ ngủ,” tác giả chính nghiên cứu, Tiến sĩ Siwen Wang cho biết trong một tuyên bố.

1. Ngủ đủ giấc giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh

Việc thiếu ngủ có thể làm thay đổi quá trình miễn dịch viêm thông qua nhiều con đường, Tiến sĩ Thomas Kilkenny, giám đốc Viện Y học Giấc ngủ tại Bệnh viện Đại học Staten Island, một phần của Northwell Health ở New York, nói với The Epoch Times.

Thiếu ngủ có thể làm cơ thể mắc các bệnh liên quan đến miễn dịch, dẫn đến tình trạng viêm kinh niên và tăng nguy cơ bị bệnh nhiễm trùng/viêm nhiễm, ví dụ như các vấn đề về chuyển hóa, bệnh tự miễn và thoái hóa thần kinh.

Ông Kilkenny nói rằng việc ngủ ít hơn sáu tiếng mỗi ngày và kéo dài kinh niên so với thời gian ngủ dài hơn, thậm chí liên quan đến việc giảm khả năng bảo vệ lâu dài sau khi cơ thể được chích vaccine.

“Những người thiếu ngủ, cũng như có thói quen ngủ ít hơn năm tiếng, so với người ngủ bảy đến tám tiếng, dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp tự nhiên hơn, như cảm lạnh, cúm và các bệnh truyền nhiễm phổ biến khác, ông nói thêm.

Tuy nhiên, khoảng thời gian mà bạn cần cho giấc ngủ cũng sẽ thay đổi theo tuổi tác.

Hầu hết người trưởng thành cần ít nhất bảy hoặc nhiều giờ hơn mỗi đêm. Người ta khuyên rằng trẻ em ở độ tuổi đi học nên ngủ ít nhất chín giờ một đêm và thanh thiếu niên nên ngủ từ tám đến 10 tiếng.

“Vấn đề ở đây là, chúng ta thường quá bận rộn để lên lịch đi ngủ vào một thời điểm chính xác trong ngày,” ông Kilkenny nói. “Khuyến nghị số 1 dành cho bạn là hãy thiết lập thời gian chính xác để đi ngủ và có khoảng thời gian ngủ thích hợp.”

Để bảo đảm thời gian ngủ thích hợp, ông Kilkenny khuyên chúng ta nên thực hiện một số bước sau:

  • Đi ngủ và thức dậy vào một thời điểm cố định trong ngày.
  • Giữ cho phòng ngủ yên tĩnh, thư giãn, đủ tối và có nhiệt độ thoải mái.
  • Dùng rèm hoặc màn tối màu để chặn đèn đường bên ngoài và ánh nắng buổi sớm.
  • Duy trì hoạt động thể chất trong ngày.

Ông Kilkenny bổ sung. “Hãy thường xuyên tập thể dục. Hoạt động thể chất vào ban ngày có thể giúp bạn dễ dàng đi ngủ vào ban đêm.”

2. Duy trì cân nặng hợp lý để giảm nguy cơ mắc bệnh trầm trọng

Duy trì trọng lượng cơ thể cân đối là điều rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Một nghiên cứu gần đây cho thấy béo phì có liên quan đến mức độ trầm trọng của COVID-19, và bản thân nó cũng là một yếu tố nguy cơ của tình trạng hậu COVID.

Cách ăn uống giàu trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, protein ít chất béo và chất béo lành mạnh có thể giúp bạn duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý. Cách ăn giàu chất xơ và thực vật có thể giúp giảm mắc bệnh béo phì, tiểu đường loại 2 và các bệnh kinh niên khác.

Ngoài ra, bạn cũng nên tránh các loại thực phẩm đã qua chế biến và đồ uống và đồ ăn vặt có đường, để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì và các vấn đề sức khỏe khác.

Nhưng cách ăn uống chỉ là một phần của lối sống lành mạnh; một điều quan trọng không kém chính hoạt động thể chất.

Nghiên cứu xác nhận việc tập thể dục thường xuyên ở cường độ vừa phải có thể giúp giảm tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp.

Tập thể dục thường xuyên cũng giúp duy trì chuyển hóa lành mạnh, giảm viêm và cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn.

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn