Nghiên cứu được tài trợ bởi CDC: Bệnh hen suyễn dai dẳng liên quan đến phơi nhiễm nhôm trong vaccine

Một nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) tài trợ đã phát hiện có “mối liên quan thuận” giữa phơi nhiễm nhôm trong vaccine và bệnh hen suyễn dai dẳng.

Nghiên cứu (pdf) được công bố vào ngày 28/09 trên tạp chí y khoa Academic Pediatrics, đã tiến hành “đánh giá mối liên quan giữa phơi nhiễm cộng dồn với nhôm trong vaccine ở nhóm trẻ trước 24 tháng tuổi [2 tuổi]” và xem liệu nhóm trẻ này có bị bệnh hen suyễn trong khoảng thời gian từ 2 đến 5 tuổi hay không.

Tác giả của nghiên cứu thuần tập hồi cứu này bao gồm các cựu nhân viên và nhân viên hiện tại của CDC. Họ đã phân tích dữ liệu từ một nhóm thuần tập gồm 326,991 trẻ chào đời từ năm 2008 đến năm 2014 tại bảy tổ chức chăm sóc y tế trên khắp Hoa Kỳ. Những tổ chức này tham gia vào Liên kết dữ liệu về an toàn vaccine, một mạng lưới các nhóm y tế hợp tác với CDC trong việc nghiên cứu tính an toàn của vaccine.

Kết quả cho thấy, trẻ em được chích hầu hết hoặc tất cả các loại vaccine chứa nhôm được khuyến nghị (phơi nhiễm với > 3,00 mg nhôm) có nguy cơ bị hen suyễn dai dẳng cao hơn ít nhất 36% so với những trẻ chích ít vaccine hơn (phơi nhiễm với  ≤3,00 mg nhôm).

Trong nghiên cứu trên, khoảng 6% trẻ bị viêm da cơ địa và 2.1% trẻ không bị viêm da cơ địa đã bị bệnh hen suyễn dai dẳng. Phơi nhiễm thêm mỗi miligam nhôm trong vaccine có liên quan với tỷ lệ hen suyễn dai dẳng cao hơn 1.26 lần ở trẻ bị viêm da cơ địa và 1.19 lần ở trẻ không bị viêm da cơ địa.

Nhìn chung, các tác giả cho biết, có “mối liên quan thuận” giữa việc tiếp xúc với nhôm trong vaccine và bệnh hen suyễn dai dẳng. Họ không kết luận rằng có quan hệ nguyên nhân – kết quả giữa hai sự kiện. “Cần thực hiện thêm các điều tra bổ sung để làm rõ hơn về giả thuyết này,” họ nói thêm.

Nghiên cứu được tài trợ bởi CDC: Bệnh hen suyễn dai dẳng liên quan đến phơi nhiễm nhôm trong vaccine
Một y tá chích liều vaccine Pfizer Covid-19 đầu tiên cho một bé gái 2 tuổi đang được mẹ bế tại Trung tâm Y tế UW – Roosevelt ở Seattle, Washington, vào ngày 21/06/2022. (Ảnh: David Ryder/Getty Images)

CDC ‘không thay đổi các khuyến nghị về vaccine’

Trên trang web của mình, CDC nói rằng họ sẽ “không thay đổi các khuyến nghị về vaccine dựa trên nghiên cứu đơn lẻ này, nhưng cần điều tra thêm về tín hiệu an toàn tiềm ẩn này.”

Trong một tuyên bố gửi đến nhiều cơ quan, CDC lưu ý rằng nghiên cứu “có những hạn chế quan trọng mà tác giả đã thừa nhận. Chúng tôi nhận thấy kết quả này có thể liên quan đến một số bậc cha mẹ, và trên thực tế, vẫn có khá nhiều bằng chứng về các lợi ích của vaccine.”

Tác giả chính của nghiên cứu, ông Matthew Daley cho biết, ngay cả khi có mối liên quan giữa phơi nhiễm nhôm trong vaccine và bệnh hen suyễn dai dẳng, thì lợi ích của vaccine vẫn lớn hơn nguy cơ bị bệnh. Nhưng trong trường hợp như vậy, mối liên quan có thể trợ giúp cho cho việc thiết kế lại vaccine, ông cho biết.

Một số nghiên cứu trước đây không tìm thấy mối liên quan giữa vaccine chứa nhôm với bệnh dị ứng và hen suyễn ở trẻ nhỏ. Nhưng một nghiên cứu khác cho thấy sự có mặt của nhôm ở nơi làm việc tại khu công nghiệp liên quan đến bệnh hen suyễn. Và những con chuột được chích vaccine chứa nhôm xuất hiện loại phản ứng miễn dịch gây viêm đường thở thường thấy trong bệnh hen suyễn ở trẻ em.

“Dữ liệu hạn chế ở động vật cho thấy một nguy cơ lý thuyết về việc nhôm trong vaccine có thể ảnh hưởng đến nguy cơ dị ứng,” ông Daley cho biết.

Nhôm được dùng như tá dược trong vaccine

Nghiên cứu trên được khởi xướng vào năm 2013 khi Viện Y khoa, nay được gọi là Học viện Y khoa Quốc gia, kêu gọi thêm nhiều nghiên cứu liên bang về tính an toàn của vaccine ở trẻ em, bao gồm cả việc dùng nhôm.

Theo khuyến nghị của Hoa Kỳ, trẻ em nên được chích ngừa 15 bệnh trước 2 tuổi. Trong đó, tá dược nhôm được dùng trong 7 loại vaccine.

Theo trang web của CDC, “Tá dược chứa nhôm là thành phần được dùng trong vaccine từ những năm 1930.” Đây là một thành phần giúp kích hoạt mạnh hơn các phản ứng miễn dịch. “Nói cách khác, chất tá dược giúp vaccine hoạt động tốt hơn,” theo CDC.

“Vaccine chứa tá dược có thể gây ra nhiều phản ứng tại chỗ (như mẩn đỏ, sưng và đau) và phản ứng toàn thân (như sốt, ớn lạnh và đau nhức cơ thể) so với vaccine không chứa tá dược,” theo trang web của CDC.

Cơ quan này cũng lưu ý rằng nhôm là một trong những kim loại phổ biến được tìm thấy trong tự nhiên và có mặt trong không khí, thực phẩm và nước.

Nghiên cứu được tài trợ bởi CDC: Bệnh hen suyễn dai dẳng liên quan đến phơi nhiễm nhôm trong vaccine
Một em bé đang đeo chiếc huy hiệu nhận được sau khi chích liều vaccine Pfizer COVID-19 đầu tiên tại văn phòng Beaumont Health ở Southfield, Michigan, vào ngày 05/11/2021. (Ảnh: Jeff Kowalsky/AFP via Getty Images)

Sự gia tăng tỷ lệ dị ứng và hen suyễn ở trẻ em Hoa Kỳ đã được ghi nhận trong khoảng thời gian 30 năm gần đây, bắt đầu từ những năm 1980, và một số nhà khoa học tự hỏi liệu có mối liên quan nào giữa sự gia tăng này và vaccine chứa nhôm hay không.

Qua thư điện tử, CDC tuyên bố trên trang STAT rằng, sự gia tăng bệnh hen ở trẻ nhỏ bắt đầu từ năm 1980 là thời điểm trước khi nhôm được thêm vào vaccine, khoảng năm 1991.

CDC cũng nói với tạp chí này về các yếu tố khác mà tác giả nghiên cứu không thể đo lường có thể đã góp phần làm gia tăng bệnh hen suyễn ở trẻ. Đó là: tiền sử gia đình bị bệnh hen suyễn, hút thuốc lá thụ động, cũng như việc phơi nhiễm với nhôm hoặc chất gây ô nhiễm thông qua thực phẩm hoặc môi trường. Những điều này có thể góp phần gây ra tình trạng sức khỏe yếu kém và dẫn đến bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ.

CDC tuyên bố với STAT: “Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều nghiên cứu bổ sung để nhanh chóng đưa ra thông tin minh bạch về phát hiện này, nhưng ít nhất từ dữ liệu xu hướng quốc gia, có vẻ như các vaccine chứa nhôm không giải thích cho xu hướng chung mà chúng tôi nhận thấy.”

Ông Brian Hooker, giám đốc khoa học của Children’s Health Defense, nói rằng nghiên cứu đã thừa nhận “bệnh hen suyễn [có] mối tương quan với phơi nhiễm nhôm ở cả trẻ em bị viêm da cơ địa và không bị viêm da cơ địa.”

Ông lưu ý rằng nghiên cứu do CDC tài trợ đã không so sánh kết quả ở những trẻ được chích ngừa với những trẻ hoàn toàn không phơi nhiễm với nhôm trong vaccine. Theo Defender, ông cho biết: “Cần thực hiện một so sánh thực sự giữa mức phơi nhiễm nhôm tối đa khi trẻ 2 tuổi (khoảng 4mg tổng lượng tá dược nhôm được chích) và nhóm không phơi nhiễm.”

Tiến sĩ Hooker trích dẫn một phân tích của ông và Neil Miller, được xuất bản vào năm 2020, cho thấy “so với trẻ không được chích ngừa, trẻ được chích ngừa có tỷ số chênh lệch (odds ratio) với bệnh hen suyễn là 4.49 (có ý nghĩa thống kê).” Ông cho biết phân tích này dựa trên những trường hợp được chích vaccine trong một năm đầu đời. “CDC dường như đang xác nhận lại kết quả của tôi trong nghiên cứu trên,” ông nói.

Hãng thông tấn Associated Press đã đóng góp cho báo cáo này.

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Mimi Nguyen Ly
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Mimi Nguyen Ly là phóng viên cao cấp của Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về tin tức Hoa Kỳ và tin tức thế giới. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn