Nghiên cứu: Hút cần sa có hại cho phổi hơn thuốc lá

Một nghiên cứu gần đây cho thấy hút cần sa có thể gây hại cho phổi nhiều hơn hút thuốc lá.

Nghiên cứu này của Canada được công bố vào giữa tháng 11 trên Tập san Radiology.

Nghiên cứu đã xem xét các hình ảnh CT được chụp từ tháng 10/2005 đến tháng 7/2020 tại Bệnh viện Ottawa và các bệnh viện liên kết để điều tra tác động của việc hút cần sa lên phổi.

Các nhà nghiên cứu đã chia các hình ảnh CT ngực thành 3 nhóm: của những người hút cần sa, những người chỉ hút thuốc lá và những người không hút thuốc.

Các tác giả cho biết “nghiên cứu cho thấy những người hút cần sa có sự khác biệt trong hình ảnh CT phổi, bao gồm tỷ lệ khí phế thũng cận vách và những thay đổi viêm đường thở cao hơn… so với những bệnh nhân không hút thuốc và những người chỉ hút thuốc lá.”

Tỷ lệ khí phế thũng cao hơn

Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ khí phế thũng cao hơn ở những người hút cần sa (42/56, 75%) so với những người không hút thuốc (3/57, 5%). Khí phế thũng là một bệnh phổi trầm trọng, trong đa số các trường hợp là do tác hại của khói thuốc dẫn đến khó thở.

Khí phế thũng được phát hiện là phổ biến hơn ở những người hút cần sa (28/30, 93%) từ 50 tuổi trở lên so với những người chỉ hút thuốc lá (22/33, 67%) cùng độ tuổi. Những người hút thuốc lá lớn tuổi hơn, vì vậy các nhà nghiên cứu đã tạo ra các dưới nhóm tương đồng về độ tuổi.

Các nhà nghiên cứu nhận vào những người hút thuốc lá từ 50 tuổi trở lên, hút tối thiểu một gói mỗi ngày trong 25 năm. Đối với những người hút cần sa, số lượng trung bình là 0.065 ounce (1.85gr) cần sa mỗi ngày. Tuy nhiên, chưa đến một nửa trong nhóm này xác định được số lượng họ đã hút.

Nghiên cứu cho thấy một loại khí phế thũng gọi là khí phế thũng cận vách, ảnh hưởng đến các phần ngoài cùng của phổi, được phát hiện là phổ biến hơn ở những người hút cần sa so với những người chỉ hút thuốc lá, bất kể ở độ tuổi nào.

Công nhân sản xuất cần sa y tế tại cơ sở Tweed của Canopy Growth Corporation ở Smiths Falls, Ont., Canada, vào ngày 12/02/2018. (Ảnh: Sean Kilpatrick/The Canadian Press)
Công nhân sản xuất cần sa y tế tại cơ sở Tweed của Canopy Growth Corporation ở Smiths Falls, Ont., Canada, vào ngày 12/02/2018. (Ảnh: Sean Kilpatrick/The Canadian Press)

Tỷ lệ viêm đường thở cao hơn

Kết quả cho thấy các dấu hiệu viêm đường hô hấp cao hơn ở nhóm hút cần sa so với nhóm không hút thuốc và chỉ hút thuốc lá.

Tỷ lệ viêm đường thở của những người hút cần sa so với những người không hút thuốc lần lượt là: dày phế quản (64% so với 11%), giãn phế quản (23% so với 4%) và tắc nghẽn chất nhầy (46% so với 2%).

Giãn phế quản là tình trạng đường thở ở phổi bị giãn rộng, dẫn đến tích tụ chất nhầy khiến phổi dễ bị nhiễm trùng.

Sự tắc nghẽn chất nhầy là tình trạng đường dẫn khí chứa đầy chất nhầy.

Tỷ lệ viêm đường thở của người hút cần sa so với người hút thuốc lá lần lượt là: dày phế quản (64% so với 42%), giãn phế quản (23% so với 6%) và tắc nghẽn chất nhầy (46% so với 15%).

Phân tích các dưới nhóm có cùng độ tuổi cho thấy sự khác biệt thậm chí còn đáng kể hơn giữa tỷ lệ dày phế quản (83% so với 42%), giãn phế quản (33% so với 6%) và tắc nghẽn chất nhầy (67% so với 15%) ở những người hút cần sa so với những người hút thuốc lá.

Các nhà nghiên cứu cũng xem xét các thông số không liên quan đến phổi. Một trong số đó là Gynecomastia (bệnh vú to), một tình trạng khiến mô vú to ra ở trẻ trai và nam giới.

Họ nhận thấy bệnh vú to ở nam giới phổ biến hơn đáng kể ở những người hút cần sa (13/34, 38%) so với những người không hút thuốc (5/32, 16%).

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng kích thước mẫu nhỏ trong nghiên cứu đã hạn chế khả năng đưa ra kết luận chắc chắn.

Họ cũng lưu ý rằng đa số những người hút cần sa cũng hút thuốc lá (50/56) và nghiên cứu không tính đến các tình trạng sức khỏe khác của những người tham gia.

Nghiên cứu được đưa ra khi có nhiều tiểu bang hơn đang hợp pháp hóa cần sa.

Theo CNN, tác giả nghiên cứu, cô Giselle Revah, trợ lý giáo sư tại khoa chẩn đoán hình ảnh, Đại học Ottawa ở Ontario, cho biết: “Công chúng cho rằng cần sa an toàn hơn thuốc lá và nghiên cứu này làm dấy lên lo ngại rằng điều này có thể không đúng.”

Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Lia Onely
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Lia Onely đưa tin cho The Epoch Times từ Israel.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn