Nghiên cứu mới: Nhóm máu có thể dự đoán trước nguy cơ đột quỵ 

Bạn có biết rằng nhóm máu của mình có thể dự báo trước về nguy cơ đột quỵ khởi phát sớm trước tuổi 60?

Một phân tích gộp mới đây do các nhà nghiên cứu của Đại học Y Maryland (UMSOM) dẫn đầu đã phát hiện ra rằng nhóm máu của con người có thể liên quan đến đột quỵ thiếu máu cục bộ khởi phát sớm, đặc biệt ở những người trẻ dưới 60 tuổi.

Ông Steven J. Kittner, bác sĩ y khoa, chuyên gia về y tế công cộng, Giáo sư Thần kinh học tại UMSOM cho biết, đột quỵ khởi phát sớm (hay đột quỵ sớm) đang gia tăng ở tất cả mọi người, và có rất ít nghiên cứu về lý do tại sao điều này lại xảy ra.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là một tình trạng rối loạn xảy ra khi tắc nghẽn dòng máu trong các động mạch [cung cấp máu] đến não bởi cục máu đông. Đột quỵ khởi phát sớm là đột quỵ xuất hiện ở những người trẻ dưới 60 tuổi, đột quỵ khởi phát muộn (hay đột quỵ muộn) thường xuất hiện ở những người trên 60 tuổi.

Ông Kittner cho biết: “Những người này có khả năng tử vong cao hơn do biến cố đe dọa đến tính mạng này [đột quỵ], và những người sống sót sau cơn đột quỵ có thể phải đối mặt với tình trạng tàn tật suốt đời.”

Ông Kittner cùng những đồng nghiệp khác, đã đưa ra một phân tích gộp các nghiên cứu liên quan đến toàn bộ hệ gen về đột quỵ sớm ở lứa tuổi từ 18 đến 59, bao gồm 16,730 trường hợp đột quỵ và 599,237 trường hợp không bị đột quỵ. Họ đã tiến hành phân tích 48 nghiên cứu khác nhau và so sánh hệ số ảnh hưởng và rủi ro đa gen do cục máu đông (hay huyết khối tĩnh mạch) giữa đột quỵ sớm và đột quỵ muộn.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra nhiễm sắc thể của nhóm đột quỵ và nhóm đối chứng (chưa từng bị đột quỵ trước đây) để xác minh mối liên quan giữa các biến di truyền và đột quỵ sớm. Họ phát hiện thấy hai biến thể di truyền, là nhóm máu O và nhóm máu A, có hệ số ảnh hưởng ở đột quỵ sớm lớn hơn so với đột quỵ muộn.

Các gen được tìm thấy trên nhiễm sắc thể có thể xác định nhóm máu của mỗi người. Dựa trên việc điều tra nhóm máu khác nhau và tình trạng đột quỵ sớm, các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên quan giữa hai yếu tố này.

Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Neurology. Kết quả cho thấy so với những người bị đột quỵ muộn hoặc không bị đột quỵ, những người có nguy cơ đột quỵ khởi phát sớm thuộc nhóm máu A cao hơn những người thuộc nhóm máu O. Và những người bị đột quỵ muộn thường có nhóm máu B nhiều hơn so với nhóm chứng.

Những người thuộc nhóm máu A có nguy cơ đột quỵ sớm cao hơn 16%, trong khi những người thuộc nhóm máu O có nguy cơ đột quỵ muộn thấp hơn 12% so với các nhóm máu khác.

“Mối liên quan giữa nhóm máu với đột quỵ khởi phát muộn là yếu hơn so với những gì chúng tôi nhận thấy với đột quỵ khởi phát sớm”, ông Braxton D. Mitchell, tiến sĩ, chuyên gia về y tế công cộng, cũng cho biết thêm.

Nghiên cứu cho thấy không có manh mối nào về lý do tại sao nhóm loại A có nguy cơ đột quỵ khởi phát sớm cao hơn. Theo ông Kittner, các yếu tố đông máu như tiểu cầu và tế bào đóng vai trò trong việc phát triển huyết khối tĩnh mạch, đặc biệt là những cục máu đông xuất hiện ở cẳng chân hay huyết khối tĩnh mạch sâu.

Các nghiên cứu tập trung vào dân số ở Bắc Mỹ, Âu Châu, Nhật Bản, Pakistan và Úc, và chỉ 35% trong số họ không phải là người Âu Châu. Cần có các nghiên cứu tiếp theo để xác định các cơ chế làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Xét về mức độ rủi ro gia tăng ở mức vừa phải, những người thuộc nhóm máu A không nên quá lo lắng về phát hiện này. Tuy nhiên, nghiên cứu trên cũng cần tìm hiểu thêm về các biến dị di truyền và đột quỵ khởi phát sớm để ngăn ngừa những người trưởng thành trẻ tuổi gặp phải những biến cố có thể gây hại này.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia và Bộ Cựu chiến binh.

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Trinh Dinh
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn