Nghiên cứu phát hiện lượng lớn protein gai lưu hành ở những người viêm cơ tim đã chích vaccine mRNA COVID-19

Theo các phát hiện từ một nghiên cứu mới, những người bị viêm cơ tim sau khi chích vaccine mRNA COVID-19 được phát hiện có lượng protein gai lưu hành cao hơn liên tục so với những người cũng được chích vaccine mRNA COVID-19 nhưng không bị viêm cơ tim.

Nghiên cứu, được công bố vào ngày 04/01 trên Tập san Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, đã tìm cách hiểu rõ hơn về hồ sơ miễn dịch của những người bị viêm cơ tim sau khi chích vaccine mRNA.

Từ tháng 01/2021 đến tháng 02/2022, các nhà nghiên cứu đã tiến hành lấy mẫu máu của 61 thanh thiếu niên và thanh niên, tất cả đều đã được chích vaccine Pfizer hoặc Moderna COVID-19 mRNA.

Trong đó, 16 người đã phải nhập viện vì viêm cơ tim sau khi chích COVID-19 và đã đến Bệnh viện Nhi đồng Massachusetts hoặc Bệnh viện Nhi đồng Boston vì đau ngực. 45 người khác được dùng làm nhóm chứng “khỏe mạnh, không có triệu chứng, phù hợp với độ tuổi”, không có triệu chứng viêm cơ tim sau khi chích ngừa. Nhóm chứng không bao gồm người chưa được chích ngừa.

“Chúng tôi đã thực hiện hồ sơ kháng thể mở rộng, bao gồm các xét nghiệm về phản ứng thể dịch đặc hiệu với SARS-CoV-2, đánh giá các tự kháng thể hoặc kháng thể chống lại virome liên quan đến người, phân tích tế bào T đặc hiệu của SARS-CoV-2, hồ sơ cytokine và kháng nguyên SARS-CoV-2,” theo các tác giả.

Các phát hiện

Các nhà nghiên cứu đã đánh dấu “phát hiện đáng chú ý” về “mức tăng đáng kể của protein gai có chiều dài đầy đủ (33.9 ± 22.4 pg/mL), không liên kết với kháng thể, trong huyết tương của những người bị viêm cơ tim sau khi chích vaccine. Trong khi đó, không có protein gai tự do nào được phát hiện ở nhóm chứng được chích vaccine nhưng không có triệu chứng (t-test không ghép cặp; P <0.0001).”

Giá trị p nhỏ hơn  0.05 sẽ được xem là có ý nghĩa thống kê.

Mặt khác, trong nhóm viêm cơ tim, “phản ứng miễn dịch thích ứng và tế bào T về cơ bản không thể phân biệt được với phản ứng của nhóm chứng (ghép cặp theo độ tuổi) được chích vaccine nhưng không có triệu chứng,” mặc dù nhóm viêm cơ tim cho thấy “sự gia tăng khiêm tốn trong sản xuất cytokine.”

Các nhà nghiên cứu lưu ý: “Tuy nhiên, hồ sơ miễn dịch viêm cơ tim sau chích vaccine khác với nhiễm SARS-CoV-2 cấp tính và chứng sau viêm muộn MIS-C (hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em).

Họ nói rằng trong nghiên cứu thuần tập về viêm cơ tim này, họ không tìm thấy “bằng chứng về việc nhiễm virus kèm theo sản xuất tự kháng thể hoặc phản ứng kháng thể quá mức đối với vaccine mRNA chống SARS-CoV-2.”

Các tác giả cho biết nghiên cứu “không phân biệt” liệu nồng độ cao protein gai trong tuần hoàn “là nguyên nhân hay hậu quả” của bệnh viêm cơ tim ở bệnh nhân được chích ngừa. Họ cũng lưu ý rằng không phải tất cả các bệnh nhân bị viêm cơ tim đều có thể phát hiện được protein gai trong tuần hoàn.

Bài báo viết: “Những phát hiện này gợi ý rằng việc dùng kháng thể chống protein gai, nếu phát hiện thấy kháng nguyên protein gai trong máu, có khả năng ngăn ngừa hoặc đảo ngược bệnh viêm cơ tim sau chích vaccine”. Protein gai tự do lưu hành trong máu không bị liên kết bởi các kháng thể chống protein gai được gọi là “kháng nguyên gai trong máu.”

Các tác giả đã viết rằng phát hiện trên có thể giúp hiểu rõ hơn về các biến chứng liên quan đến vaccine mRNA và chỉ dẫn nghiên cứu trong tương lai về thiết kế và liều lượng vaccine COVID-19.

Các tác giả viết: “Những kết quả này không làm thay đổi tỷ lệ rủi ro-lợi ích ủng hộ việc chích vaccine chống COVID-19 để ngăn ngừa các kết cục lâm sàng trầm trọng.

Họ thừa nhận rằng hạn chế của nghiên cứu là cỡ mẫu tương đối nhỏ. Hơn nữa, những người trong nghiên cứu “không cân bằng đồng đều” giữa vaccine Pfizer và Moderna, và “tất cả nhóm đối chứng ở tuổi vị thành niên và phần lớn nhóm viêm cơ tim đều được chích vaccine [Pfizer] (n=15).”

Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Mimi Nguyen Ly
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Mimi Nguyen Ly là phóng viên cao cấp của Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về tin tức Hoa Kỳ và tin tức thế giới. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn