Nghiên cứu: Phương thuốc đơn giản giúp giảm tái phát ung thư di căn

Theo một nghiên cứu gần đây, một phương thuốc đơn giản giúp giảm căng thẳng và viêm nhiễm có thể làm giảm nguy cơ di căn sau phẫu thuật cắt bỏ khối u.

Nghiên cứu cho thấy sau 5 năm phẫu thuật, 9 trong số 18 bệnh nhân dùng giả dược (50%) đã phát triển ung thư di căn, trong khi chỉ 2 trong số 16 bệnh nhân (12,5%) dùng phương thuốc gặp phải tình trạng này.

Nghiên cứu lâm sàng đầu tiên về vấn đề trên được thực hiện bởi ông Shamgar Ben-Eliyahu, giáo sư tại Trường Khoa học Thần kinh và Khoa học Tâm lý Sagol thuộc Đại học Tel-Aviv, và ông Oded Zmora, bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật đại trực tràng và là giáo sư tại Khoa Y Sackler của Đại học Tel-Aviv.

Hai giáo sư đã cùng thực hiện nghiên cứu trong 15 năm.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Phẫu thuật Ung thư Âu Châu. Bài tổng quan lý thuyết và nguyên tắc cơ bản của nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Reviews Clinical Oncology vào năm 2020.

‘Điều trị dứt điểm’

Ông Zmora nói với The Epoch Times, thông thường, khi một cơ quan xuất hiện khối u không di căn xa, phương pháp tiêu chuẩn là phẫu thuật loại bỏ phần chứa khối u.

Ông cho biết đây là phương pháp điều trị quan trọng nhất, gọi là “phương pháp điều trị dứt điểm mang lại cơ hội khỏi bệnh cao nhất.”

Trong một số trường hợp, khi bệnh nhân bắt đầu hồi phục, bác sĩ sẽ đưa ra một số phương pháp bổ sung, chẳng hạn như hóa trị.

Tại thời điểm phẫu thuật, khối u nguyên phát khi bị loại bỏ vẫn có nguy cơ tái phát. Trong thời gian theo dõi, khối u có thể tái phát hoặc ở chính cơ quan đích hoặc phổ biến hơn là di căn ở cơ quan khác như gan hoặc phổi.

Theo ông Zmora, bệnh nhân ung thư đại tràng và ung thư tuyến tụy có nguy cơ di căn sau khi cắt bỏ khối u lần lượt là 30-40% và 90%.

Ông cho biết, mặc dù phẫu thuật là nền tảng trong điều trị, phương pháp này “cũng tạo ra gánh nặng lớn cho cơ thể, [chẳng hạn như dẫn đến] căng thẳng.”

Hầu hết bệnh nhân tử vong là do tái phát di căn sau phẫu thuật. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu là giảm tỷ lệ tái phát di căn.

Giai đoạn chu phẫu là khoảng thời gian quan trọng

Ông Ben-Eliyahu nói với The Epoch Times: “Chúng tôi và nhiều người khác đã phát hiện, khoảng thời gian ngắn xung quanh thời điểm phẫu thuật, trước một tuần và sau một hay hai tuần (gọi là giai đoạn chu phẫu), có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình di căn của ung thư.”

Việc sử dụng các phương pháp can thiệp trong giai đoạn này có hiệu quả cao hơn so với sử dụng trong giai đoạn ít quan trọng hơn.

Ông nói, một nghịch lý là, do cản trở quá trình phẫu thuật, hầu hết phương pháp chống di căn như xạ trị, hóa trị và liệu pháp miễn dịch đều không được dùng trong giai đoạn này. Các phương pháp không được dùng trong giai đoạn chu phẫu, mà cần dừng trước một tháng hoặc bắt đầu lại sau một tháng phẫu thuật.

Và do vậy, “điều đặc biệt về phương pháp can thiệp này là chúng tôi thực sự tác động vào chính giai đoạn chu phẫu của cuộc phẫu thuật,” ông nói.

‘Một bước ngoặt trong cuộc đời’

Điểm thứ hai mà các nhà nghiên cứu tìm hiểu là xem việc can thiệp trong giai đoạn chu phẫu ngắn ngủi này có ảnh hưởng thế nào đến quá trình di căn.

Họ phát hiện thấy, trong giai đoạn chu phẫu, căng thẳng và phản ứng viêm tác động đến quá trình ung thư theo những cách chung và riêng, thông qua một số cơ chế.

Ông Zmora cho biết, khi một người được chẩn đoán bị ung thư, đây có thể coi “là bước ngoặt trong cuộc đời” của họ. “Đó là thời điểm mà họ phải chuẩn bị tinh thần để trải qua các cuộc phẫu thuật và điều trị.”

Người bệnh thường rất căng thẳng trong thời gian chờ đợi phẫu thuật. Sau đó, cơ thể cũng bị căng thẳng và xuất hiện các phản ứng viêm trong quá trình phẫu thuật cũng như trong giai đoạn phục hồi thể chất. Với nỗi lo lắng thường trực trong mỗi lần kiểm tra sức khỏe, họ thường hỏi rằng liệu ung thư có quay trở lại hay không.

Trong những nghiên cứu trên động vật trước đây, ông Ben-Eliyahu phát hiện, mức độ ảnh hưởng của căng thẳng tâm lý không hề thua kém mức độ ảnh hưởng của cuộc phẫu thuật.

Ông nói: “Ảnh hưởng của căng thẳng có thể lớn hơn những gì chúng ta tưởng tượng.”

Tất cả những bất thường về tâm sinh lý có thể tạo ra phản ứng căng thẳng (làm giải phóng hormone căng thẳng là catecholamine, chẳng hạn như adrenaline và noradrenaline), và phản ứng viêm (làm giải phóng prostaglandin.)

Ông Zmora cho biết: “Chúng tôi cho rằng những bệnh nhân bị tái phát ung thư có các tế bào khối u vốn bị ức chế bởi một số yếu tố trong cơ thể đã hoạt động trở lại như trạng thái ban đầu trước khi phẫu thuật.”

Ông Ben-Eliyahu cho biết, việc tiếp xúc với hormone căng thẳng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tế bào ung thư còn sót lại, khiến chúng trở nên hung hãn và bắt đầu di căn.

Những hormone này cũng gián tiếp đẩy nhanh di căn bằng cách ức chế hoạt động của miễn dịch chống di căn.

Ông nói: “Chúng ngăn chặn yếu tố miễn dịch mà hệ miễn dịch sử dụng để chống lại di căn.”

Do vậy, tất cả cơ chế căng thẳng gây viêm diễn ra trong giai đoạn chu phẫu có thể làm tăng nguy cơ bùng phát di căn ở bệnh nhân, trong một số trường hợp, điều này trở nên rõ ràng chỉ vài năm sau phẫu thuật.

Một khi hiểu được cơ chế, các nhà nghiên cứu có thể nghĩ về loại thuốc điều trị.

Phương pháp điều trị trong nghiên cứu được thiết kế để ngăn ngừa di căn, tình trạng vốn có thể bị đẩy nhanh xung quanh thời điểm phẫu thuật.

Điều trị bằng thuốc

Phương pháp điều trị bao gồm hai loại thuốc. Đây là những loại thuốc không tốn kém đã được dùng nhiều năm trong y học cho một số chỉ định và có sẵn ở hiệu thuốc địa phương.

Loại thuốc đầu tiên là Deralin, hay propranolol, thường được dùng cho bệnh nhân cao huyết áp để hạ huyết áp và tránh căng thẳng.

Loại thuốc thứ hai là Etopan, hay etodolac, thường được dùng để chống viêm và giảm đau.

Theo các nhà nghiên cứu, cả hai đều có “độ an toàn cao” và có thể sử dụng đồng thời.

Theo ông Ben-Eliyahu, vì cả phản ứng viêm và căng thẳng đều gây nên nhiều vấn đề với cùng cơ chế, việc chỉ ngăn chặn một trục phản ứng là hoàn toàn không đủ.

Ông nói: “Bạn cần đồng thời ức chế cả phản ứng viêm và căng thẳng trong khoảng thời gian chu phẫu.”

Ông nói: “Ở những nghiên cứu trên động vật, họ phát hiện “mỗi loại thuốc khi dùng riêng sẽ có tác dụng yếu hơn khi dùng đồng thời. Đây được gọi là tác dụng hiệp đồng; nghĩa là các thuốc có thể làm tăng tác dụng của nhau.”

Trong nhóm điều trị, 16 bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên đã dùng thuốc trong 20 ngày — năm ngày trước khi phẫu thuật và hai tuần sau khi phẫu thuật mà hầu như không gặp tác dụng phụ.

Theo ông Ben-Eliyahu, phương thuốc này cho thấy kết quả đầy hứa hẹn khi làm giảm chỉ dấu di căn trong mô u bị cắt bỏ. 5 năm sau phẫu thuật, chỉ 12.5% bệnh nhân dùng thuốc phải điều trị ung thư di căn, so với 50% bệnh nhân dùng giả dược.

Một nghiên cứu trước đây cũng cho thấy kết quả tương tự với 38 bệnh nhân ung thư vú. Bệnh nhân dùng thuốc trước và sau phẫu thuật cũng giảm đáng kể chỉ dấu đánh giá nguy cơ tái phát ung thư sau phẫu thuật.

Tuy nhiên, mặc dù kết quả của hai nghiên cứu có ý nghĩa về mặt thống kê, chúng ta vẫn cần một nghiên cứu lâm sàng có quy mô lớn để chứng minh tác dụng có lợi của phương pháp và tiến tới triển khai lâm sàng trong tương lai.

Nghiên cứu bị gián đoạn

Ông Ben-Eliyahu cho biết, bước tiếp theo là lặp lại nghiên cứu trên quy mô lớn.

“Chúng tôi đã trông thấy kết quả đầy hứa hẹn.”

Tuy nhiên, ông lo ngại các công ty dược sẽ không hỗ trợ cho một nghiên cứu về phác đồ điều trị.

Ông nói thêm, các công ty dược thường sẽ tài trợ cho các phương pháp ít hứa hẹn hơn nhưng có lợi nhuận tài chính lớn hơn.

Ông Zmora cho biết: “Các thuốc kể trên là thuốc gốc (thuốc generic), không phải thuốc phát minh. Do vậy, không có công ty nào quan tâm đến việc đẩy mạnh nghiên cứu và chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc huy động vốn.”

Khi họ tìm đến một công ty dược và nói rằng có nhiều bệnh nhân ung thư trên thế giới cần được điều trị, và việc điều trị chỉ thực hiện trong vòng 3 tuần hoặc một tháng, công ty tỏ ra không mấy quan tâm vì họ muốn đầu tư vào các liệu pháp dài hạn.

Tuy vậy, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu một nghiên cứu quy mô lớn dù chưa có đủ kinh phí cần thiết. Ít nhất 4 bệnh viện ở Israel đang triển khai nghiên cứu và một số bệnh viện khác đang có kế hoạch tham gia.

Các nhà nghiên cứu có ý định tuyển chọn hơn 300 bệnh nhân nhưng gặp phải thách thức lớn về mặt tài chính.

Ông Zmora nói: “Mặc dù nghiên cứu rất tiềm năng, nhưng cũng rất khó để gây được quỹ.”

“Điểm gián đoạn của nghiên cứu là vấn đề về chi phí,” ông Ben-Eliyahu nói. “Không phải vấn đề các trung tâm [y tế] có hợp tác với chúng tôi hay không, mà là chúng tôi không có chi phí để trả cho bệnh viện… cho nghiên cứu.”

Các nhà nghiên cứu đã nhận được tài trợ từ Bộ Y tế Israel, Bộ Khoa học Israel, Quỹ Nghiên cứu Ung thư Israel và SPARK, một trung tâm đổi mới tại Đại học Tel Aviv.

Nhưng họ chưa có đủ số tiền cần thiết.

Ông nói: “Chúng tôi cần từ 2–4 triệu USD để tiến hành nghiên cứu với 300 bệnh nhân ung thư đại tràng. Và mỗi nhà tài trợ cung cấp khoảng 50,000–200,000 USD.”

“Do vậy, chúng tôi đang khá chật vật và phải tìm thêm nguồn tài trợ.”

Ông Ben-Eliyahu cho biết các tổ chức khoa học lớn ở Israel (ví dụ: Quỹ khoa học Israel) không tài trợ cho các thử nghiệm thuốc trên lâm sàng vì chúng thường được tài trợ bởi các công ty dược phẩm.

Ông nói: “Chúng tôi làm điều này về cơ bản là phi lợi nhuận. Không có lợi nhuận kinh tế ở đây và do đó, các công ty dược sẽ không quan tâm.”

Ông Zmora nói: “Tôi không có ác cảm với các công ty dược, tôi cũng làm việc với họ và đánh giá cao những gì họ làm. Nhưng tình hình thực tế là như vậy.”

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Lia Onely
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Lia Onely đưa tin cho The Epoch Times từ Israel.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn