Nghiên cứu: Thuốc thảo dược cổ xưa có các đặc tính kéo dài tuổi thọ

Chúng ta có thể thực hiện nhiều giải pháp để đạt được sức khỏe tốt và tuổi thọ. Liệu có toa thuốc cổ xưa nào có thể giúp con người chống lão hóa không?

Một nhóm nghiên cứu từ Khoa Giải phẫu và Sinh học Tế bào, Đại học Quốc gia Đài Loan, đã xác định danh sách các loại thuốc Trung Y có đặc tính kéo dài tuổi thọ và chống lão hóa từ dược điển Trung Y như “Bản thảo cương mục”, “Thiên kim yếu phương”, “Thần Nông bản thảo kinh” và “Hoàng đế nội kinh.”

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã chọn ra 33 loại thảo mộc và sáu công thức thảo dược; từ đó phát hiện ra rằng Psoralea corylifolia (Phá cố chỉ) có thể có đặc tính kéo dài tuổi thọ.

Kết quả đã được công bố trên Tập san Nature Communications vào tháng 03/2022.

Hợp chất kéo dài tuổi thọ và giảm lão hóa

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chiết xuất thô etanol của cây phá cố chỉ có thể kéo dài tuổi thọ tái tạo ở nấm men. Bởi vì tuổi thọ của nấm men mới nảy chồi có thể dễ dàng định lượng, nên đây là một trong những mô hình đơn giản nhất để nghiên cứu quá trình lão hóa. Tuổi thọ tái tạo đề cập đến số lần một tế bào nấm men có thể phân chia và nảy chồi trước khi chết, tức là số lượng tế bào con mà một tế bào nấm men có thể tạo ra.

Sau đó, nhóm nghiên cứu đã tinh chế phá cố chỉ và tiến hành phân tích khối phổ (một kỹ thuật phân tích, trong đó các chất hóa học được xác định bằng cách phân tách các ion khí trong điện trường và từ trường theo tỷ lệ khối lượng của chúng). Họ đã phân lập được 22 hợp chất từ ​​phá cố chỉ. Hoạt động của các hợp chất này đã được xác minh và xác định bằng các thử nghiệm hệ thống chương trình làm giàu mẹ (MEP) để theo dõi tuổi thọ tái tạo. Một trong số các hợp chất, corylin, đã kéo dài tuổi thọ của những con chuột già được cho ăn nhiều chất béo.

Nghiên cứu đã chứng minh thêm rằng corylin giúp kéo dài tuổi thọ và giảm lão hóa bằng cách ức chế mTOR. Enzyme này đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự phân chia và tăng trưởng của tế bào.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc bổ sung corylin vào khẩu phần ăn đã kéo dài đáng kể tuổi thọ của những con chuột già được cho nhiều chất béo, giảm 20% tỷ lệ tử vong sau 102 tuần so với những con chuột đối chứng.

Phá cố chỉ là trái chín của một loại thảo mộc họ đậu, có tên khoa học là “Cullen corylifolium.” Phá cố chỉ được ghi lại trong dược điển Trung Y, “Lôi Công bào chích,” do Lôi Công viết vào thời Nam Bắc Triều (420- 589).

Cuốn sách này là chuyên khảo sớm nhất của Trung Quốc về bào chế thảo dược. Ban đầu cuốn sách mô tả 300 loại thảo mộc: tính chất, hình dáng bên ngoài và những điểm quan trọng để phân biệt với các loài dễ nhầm lẫn, để phân biệt tính toàn vẹn của chúng. Đây là một tài liệu cần thiết cho việc xác định và đánh giá các loại thuốc Trung Quốc.

Phá cố chỉ, còn có các tên thông thường khác, cũng được ghi trong “Bản thảo cương mục.” Trong đó mô tả khả năng của phá cố chỉ trong việc “bổ thận và chữa đau thắt lưng, tiểu nhiều lần, tiểu dầm ban đêm ở trẻ em, đau răng kinh niên, và các bệnh khác.”

Sức khỏe của thận ảnh hưởng đến tuổi thọ

Khoa học hiện đại xem thận là cơ quan điều hòa các thành phần máu bằng cách loại bỏ chất thải và nước dư thừa.Tuy nhiên, trong Trung Y, hệ thống thận có nhiều chức năng hơn, đó là chi phối sự tăng trưởng, trưởng thành và sinh sản.

Thuật ngữ “thận” trong Trung Y không chỉ là quả thận đơn lẻ mà còn là kinh mạch thận – một hệ thống toàn diện bao gồm hệ niệu sinh dục, hệ nội tiết, hệ miễn dịch, tuyến yên và trục tuyến thượng thận.

Theo ghi chép trong “Hoàng đế nội kinh”, thận tàng tinh. Theo lý thuyết Trung Y, tinh chuyển thành khí (sinh lực) và sinh huyết (tuần hoàn của cơ thể). Người ta cho rằng thận chủ về sinh trưởng, tinh khí của thận chính là sinh khí, quyết định sinh lực. Vì vậy, sức khỏe thận cũng sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người.

Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Pediatric Nephrology vào năm 2021 đã đề cập rằng các thụ thể hormone tăng trưởng (GH) và các thụ thể yếu tố tăng trưởng giống insulin-1 (IGF-1) biểu hiện nhiều ở thận, bao gồm cả tế bào cầu thận và tế bào ống thận.

GH, một loại protein nặng 22-kDa, được tiết ra từ thùy trước tuyến yên, đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng sau khi sinh và tham gia vào nhiều chức năng sinh học khác, bao gồm chuyển hóa và cân bằng nội môi. Gan là cơ quan chủ yếu sản xuất IGF-1 rồi tiết vào máu. Ngoài ra IGF-1 cũng được sản xuất cục bộ ở thận. GH và IGF-1 tác động hiệp đồng đối với sự tăng trưởng và thận, đồng thời ức chế chuyển hóa glucose.

Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), chậm phát triển là một biến chứng phổ biến ở trẻ bị bệnh thận kinh niên(CKD).Trẻ chậm tăng trưởng có xu hướng phát triển với tốc độ chậm hơn và thấp hơn so với nhiều trẻ cùng tuổi và giới tính. Điều này là do thận đóng một vai trò thiết yếu đối với sự phát triển của trẻ. Khi thận bị tổn thương, sự phát triển có thể sẽ chậm lại.

Thực phẩm là thuốc

Học thuyết ngũ hành là một trong những khái niệm trung tâm của Trung Y. Trung Y dùng học thuyết này để giải thích cách thế giới xung quanh và thời tiết ảnh hưởng đến chúng ta và cách các cơ quan trong cơ thể tương tác với nhau.

Theo học thuyết Trung Y, ngũ hành (mộc, hỏa, thổ, kim, thủy) lần lượt tượng trưng cho ngũ tạng (can, tâm, tỳ, phế, thận), ứng với ngũ sắc (lục, đỏ, vàng, trắng, đen (tím)). Ăn nhiều thực phẩm ngũ sắc tương ứng thì có thể nuôi dưỡng ngũ tạng của cơ thể.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 08/01/2023, bác sĩ Trung Y người Nhật Bản Ho Ha cho biết: “Phá cố chỉ có nhiều công dụng, bao gồm cả điều trị chứng hói đầu, nhưng trước tiên bạn nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ Trung Y và làm theo hướng dẫn.”

Bác sĩ Ho Ha cho biết: “Trung Y tin rằng thực phẩm là thuốc.” Cô đề nghị mọi người nên ăn thực phẩm màu đen như vừng đen, dâu tằm, đậu đen, rễ hoa lông cừu, nấm đen, gạo đen và khoai môn, để bồi bổ thận.

Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Ellen Wan
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bà Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản Nhật ngữ của The Epoch Times từ năm 2007.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn