Nguyên tắc dưỡng sinh theo ngũ hành trong tiết Lập đông

“Lập đông” là một trong “Tứ lập” của 24 tiết khí, để báo hiệu rằng: Mùa Đông đến rồi!

Hàng năm, tiết Lập đông sẽ rơi vào ngày mùng 7 hoặc mùng 8 tháng Mười Một. Lập Đông là “tiết tháng Mười” trong Hoàng lịch, cũng là một tiết trong “Tứ lập”. Trong “Chu Bễ Toán Kinh – Quyển hạ” giải thích ý nghĩa của “Tứ lập” như sau: “Tứ lập giả, sinh, trưởng, thu, tàng chi thủy” (Tứ lập, là khởi đầu của sinh, phát triển, thu mình, ẩn tàng). Cho nên trong cách tính lịch của Trung Quốc lấy “Tứ lập” – lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông làm mốc bắt đầu cho bốn mùa, “Lập đông” là bắt đầu của sự thu mình ẩn náu, ngủ đông của vạn vật trong một năm.

Nội hàm tinh thần trong việc nghênh đón Lập đông

Trong “Lễ Ký – Nguyệt Lệnh” có ghi, vào ngày Lập đông thời xưa, Thiên Tử cử hành Lễ tế điển nghênh đông rất long trọng: “Ngày Lập đông, Thiên Tử đích thân dẫn Tam công, Cửu khanh, Chư hầu, Đại phu đến Bắc giao (ngoại thành phía Bắc) để nghênh đón mùa đông; khi hồi triều, sẽ tưởng thưởng cho những người đã chết [vì nước], chăm nom cho vợ góa con côi của họ.” Sau Lễ tế điển, truy thưởng cho những người có công hy sinh cho đất nước, trợ cấp cho mẹ góa con côi. Cho nên mùa đông cũng là mùa tạ ơn Trời Đất, cung kính thận trọng tu đức, thương xót sinh mệnh.

Cảnh lập đông thời cổ đại

Ở phương Bắc của Trung Quốc đại lục, khi Lập đông trời giá rét nước đóng băng, là đã bước vào mùa rau trái không sinh trưởng.

Thời Bắc Tống, ở kinh thành Biện Kinh (nay là Khai Phong), không thể trồng rau trái vào mùa đông lạnh giá, vì vậy trước khi mùa đông đến, người dân phải cất trữ lương thực, rau củ cho suốt mùa đông. Trong cuốn “Đông Kinh Mộng Hoa Lục” ghi lại rằng, từ cung cấm hoàng cung cho đến dân gian, khi tiết Lập đông đến mọi người đều cất trữ lương thực, rau củ để chuẩn bị cho mùa đông. Trước ngày Lập đông, trên đường giao thông tấp nập, xe ngựa, lạc đà chở đầy lương thực thực phẩm chuẩn bị cho mùa đông chật kín cả con đường, tạo nên khung cảnh lập đông.

Vào thời đó, ngoài các loại rau mùa đông, thì lương thực thực phẩm thường được cất trữ còn có gồm: chao gừng, đậu đen, lê, nghêu sò, cua… cùng với một số sản vật đang có trong mùa lúc đó, phải sớm chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho mùa đông.

Tình thơ ý hoa trong tiết Lập đông

Tiết Lập đông là thời điểm thích hợp để thưởng thức hoa cúc. Các thi nhân đã lưu lại rất nhiều bài thơ liên quan đến cảnh Lập đông, thể hiện ký ức của thời đại, cũng đã lưu lại cảm ngộ của tâm hồn. Dưới đây là những bài thơ về Lập đông và thú vui thưởng thức hoa cúc.

“Tạc dạ thanh sương lãnh nhứ trù,
Phân phân hồng diệp mãn giai đầu.
Viên lâm tẫn tảo tây phong khứ,
Duy hữu hoàng hoa bất phụ thu.”

(‘Lập đông tiền nhất nhật sương đối cúc hữu cảm’, Tiền Thời)

Tạm dịch:

Đêm qua sương lạnh tấm chăn thô,
Ào ào lá đỏ ngập đầu thềm
Trong vườn lá theo gió tây thổi hết,
Chỉ có cúc vàng không chịu thu.

Nguyên tắc dưỡng sinh theo ngũ hành trong tiết Lập đông
Lá đỏ ào ào rơi, duy chỉ có hoa cúc không bị ảnh hưởng của gió thu, vẫn tươi cười đón chào, đứng thẳng đầy sức sống… (Ảnh: Toàn Cảnh Lâm/Epoch Times)

Lá đỏ ào ào rơi rụng, gió tây liên tiếp thổi, duy chỉ có hoa cúc vàng không bị ảnh hưởng, vẫn cười tươi chào đón, đứng thẳng đầy sức sống. Người xưa ca ngợi hoa cúc:

“Viên hoa cao huyền, chuẩn thiên cực dã.
Thuần hoàng bất tạp, hậu thổ sắc dã.
Tảo thực vãn phát, quân tử đức dã.”

( “Cúc hữu ngũ mỹ tán”, Chung Hội thời Tam Quốc)

Hoa cúc vàng là biểu tượng của Hậu Thổ (Thần Đất mẹ), bền bỉ chịu khổ, hứng chịu sương thu, nghênh đón gió mạnh đứng thẳng đến giây phút cuối cùng. Chính là biểu tượng an ủi, cổ vũ tinh thần cho con người!

“Sương ly tồn vãn cúc, tịch úng tác hàn thư.
Canh hảo sơn ông xướng, dương xuân khủng bất như.”

(‘Lập đông tiền nhị nhật’, Trương Chứ)

Sau tiết Sương giáng, hoa cúc vẫn còn nguyên không tàn úa. Có hoa cúc, cuộc sống có thêm nhiều thú vui đầy thi vị, thưởng thức cúc, ngâm vịnh thơ về cúc, dùng cúc làm món ăn… Cuối thu có một đóa cúc là có thể cùng xướng họa với mùa xuân.

“Tuyền đái băng thanh lãnh, cúc hàm sương sắc giai.
Mục mưu thù hưng hội, thùy dữ xảo soa bài.”

(‘Lập đông nhật hương sơn tĩnh nghi viên trú tất’, Càn Long Đế)

Hoàng đế Càn Long vịnh rằng, một đóa hoa cúc trong sương thu giá rét đã khơi dậy thiện cảm của con người! “Tuyền đái băng thanh lãnh, cúc hàm sương sắc giai” – Âm thanh róc rách của dòng suối lạnh giá càng làm tăng thêm vẻ đẹp của đóa hoa cúc ngậm sương, âm điệu trầm bổng du dương, cảnh vật hư hư thực thực cùng tồn tại với nhau, mang đến cho người ta cảm nhận phong phú nhiều tầng, nhiều cấp độ… lần lượt được thức tỉnh từ trong câu thơ.

Món ăn truyền thống trong tiết Lập đông

Ngoài thưởng cúc, Lập đông còn có có các món ăn truyền thống được lưu truyền từ lâu đời. Những món ăn này giúp cho thân thể được ấm áp, khỏe mạnh trong mùa đông.

Lập đông ăn sủi cảo

Lập đông ăn sủi cảo là một trong những phong tục dân gian cổ xưa, đặc biệt là vùng Bắc Kinh và Thiên Tân ở phía Bắc. Tại sao vào Lập đông lại ăn sủi cảo? Là do từ sủi cảo (餃子: giáo tử) có âm gần giống với “Giao tử” (交子: giao thời), đồng thời sủi cảo cũng là một trong những thức ăn mà người phương Bắc yêu thích.

Nguyên tắc dưỡng sinh theo ngũ hành trong tiết Lập đông
Sủi cảo (餃子: giáo tử) có âm gần giống với “Giao tử” (交子: giao thời), ngày lập đông ăn sủi cảo là một trong những phong tục cổ xưa, tượng trung cho thu đông luân chuyển, chuyển đổi quý tiết. (Ảnh: Shutterstock)

“Giao tử” nghĩa là gì? Nghĩa là “thời điểm giao thời”, giờ Tý ban đêm (từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng) là thời điểm ngày với ngày giao nhau, đêm trước ngày Lập đông chính là thời gian giao mùa giữa mùa thu và mùa đông. Ăn sủi cảo vào đêm Trừ tịch 30 Tết là để chào mừng thời khắc chuyển giao năm cũ với năm mới. Vào thời điểm chuyển giao năm, chuyển giao mùa, ăn sủi cảo là một tập tục ăn uống đón mùa.

Sủi cảo lập đông ở vùng Thiên Tân xưa là sủi cảo bí đỏ, có hương vị đặc biệt. Bí đỏ được mua về từ lúc mùa hè, cất giữ trong phòng nhỏ hoặc trên bệ cửa sổ, qua thời gian dài bị đường hóa, đến Lập đông thì lấy ra làm nhân bánh sủi cảo, khi ăn chấm với giấm và thêm tỏi xay nhuyễn, sẽ cho một hương vị đặc biệt của địa phương.

Bồi bổ vào mùa đông

Có câu tục ngữ rằng “Lập đông bổ đông, bổ chủy không” (“chủy không” ý chỉ miệng rỗng) . Mùa đông đến rồi, vạn vật ẩn tàng, ai cũng muốn ăn một chút đồ ăn ấm áp làm ấm dạ dày, ấm cơ thể, bổ sung và tích trữ một ít năng lượng trong mùa đông.

Cách chế biến những món ăn bồi bổ vào ngày Lập đông dựa trên nguồn gốc “dược thực đồng nguyên” (thực phẩm và thuốc có cùng nguồn gốc) của Trung y. Phần lớn là chọn dùng các loại dược liệu có tính ôn hòa của Trung y nấu với các loại thịt chứa nhiều protein, như thịt dê, vịt mái, xương heo, gà đất v.v… Tuy nhiên có điều cần lưu ý, thể chất của mỗi người khác nhau, cho nên phương pháp bồi bổ vào mùa đông cho người thể chất hư, thực cũng là khác nhau. Nếu người thể chất hàn, tay chân dễ bị lạnh, thì có thể bổ ôn, bổ nhiệt. Người hiện đại đa số là thích thức khuya, ăn uống theo xu hướng Tây hóa, cho nên cơ thể hư, hỏa vượng, cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ Trung y trước khi bồi bổ, phải biết được thể chất của mình là hư hay thực, hàn hay nhiệt, mới không bồi bổ quá độ.

Nguyên tắc dưỡng sinh theo ngũ hành trong tiết Lập đông
Dược thiện “Kê thang” (canh gà) là món ăn bồi bổ phổ biến nhất cho mùa đông. (Ảnh: Shutterstock)

Nguyên tắc dưỡng sinh theo ngũ hành trong tiết Lập đông

Trí tuệ của y học truyền thống Trung Quốc nổi tiếng với việc dưỡng sinh tuân theo Ngũ hành. Trung y cho rằng ba tháng mùa đông sau ngày Lập đông là một thời kỳ quan trọng để dưỡng sinh, tích lũy sức sống của sinh mệnh của con người. Trong cuốn “Hoàng Đế Nội Kinh” có nói, “Xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm”, ba tháng mùa đông là tháng “bế tàng”, cho nên trong vấn đề dưỡng sinh điều khí cần coi trọng dưỡng âm, dưỡng tàng, nghỉ ngơi dưỡng sức. Theo Trung y: “Đông không tàng tinh, mùa xuân tất sẽ bệnh”. Con người đã vất vả lao động, ưu tư lo nghĩ qua ba mùa xuân, hạ, thu, nguyên khí bị hao tổn, dựa vào dưỡng tàng bồi bổ trong mùa đông, dưỡng sức, dự trữ sinh lực cho mùa xuân tới, nếu không đến mùa xuân sẽ dễ sinh bệnh.

Xét từ phương pháp dưỡng sinh theo ngũ hành, trong ngũ hành, mùa đông thuộc hành Thủy, tương ứng với tạng Thận trong cơ thể. Thận chủ tinh của sinh mệnh, chủ sức sống của cơ thể, mùa đông thận khí mạnh nhất, lợi dụng thời gian này để điều dưỡng sinh mệnh là cơ hội tốt nhất. “Hoàng Đế Nội Kinh” nói rằng: “Thận chủ thủy, tiếp nhận tinh hoa của lục phủ ngũ tạng mà ẩn tàng nó”, ý chính là tạng thận thu nhận và tàng trữ tinh hoa của toàn thân, như là sinh ra cốt tủy, sinh con đẻ cái, mọc răng, khả năng nghe của tai đều do chức năng của thận. Mùa đông không dưỡng tinh trữ khí, ắt sẽ tổn hại đến căn bản của sinh mệnh, trở nên chưa già đã yếu.

Xét từ phương diện ngũ hành tương khắc, mùa đông là Thủy, khắc Hỏa, Hỏa thuộc về tạng Tâm, cho nên dễ xảy ra các bệnh về tim mạch. Vì vậy, mùa đông dưỡng tàng (điều dưỡng và ẩn tàng), không ưu tư hao tổn tinh thần, giải tỏa mệt nhọc tích tụ của ba tháng xuân, hạ, thu, điều hòa thân tâm, đó mới là đạo lý chính yếu của dưỡng sinh mùa đông.

Hãy trân quý cơ hội của tiết Lập đông

Tiết Lập đông là bắt đầu của mùa đông, cho dù là về văn hóa truyền thống hay phương diện dưỡng sinh theo Trung y, đều rất coi trọng ý nghĩa tinh thần của sinh mệnh. Vào tiết Lập đông cũng là thời điểm dưỡng sinh tốt nhất. Bỏ lỡ mùa đông này, không biết đã bỏ lỡ biết bao nhiêu điều tốt đẹp, quý báu của một năm. Chúng ta hãy trân trọng, đừng để lỡ mất thời gian tốt đẹp nhất của Lập đông!

Lý Mai biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Dung Nãi Gia
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn