Nhật Bản chú trọng dùng thảo dược Trung y trong các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và dưỡng da

Bên cạnh các phương pháp làm đẹp và dưỡng nhan theo Tây y, thì các phương pháp Trung y truyền thống cũng rất hiệu quả. Dựa theo phương pháp chăm sóc sắc đẹp của Trung y, người Nhật Bản đã nghiên cứu ra rất nhiều mỹ phẩm dưỡng da và thức uống chăm sóc sắc đẹp.

Trong Trung y, “khí” chính là năng lượng của hoạt động sống, “huyết” là chỉ sự tuần hoàn của máu, “thủy” chính là chỉ sự trao đổi chất của hệ thống chất lỏng. Trung y cho rằng, một người có vấn đề về thân và tâm, thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể và hoạt động của các cơ quan nội tạng, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của làn da.

Ứng dụng các đơn thuốc Trung y trong mỹ phẩm và thức uống làm đẹp

Nhật Bản là nơi có công nghệ mỹ phẩm tiên tiến trên thế giới, đã áp dụng lý luận “Dĩ nội dưỡng ngoại, tuần tự tiệm tiến” (bổ bên trong dưỡng bên ngoài, tuần tự từng bước) của Trung y vào thực tiễn của việc làm đẹp và dưỡng da. Từ đó đã nghiên cứu ra rất nhiều sản phẩm chăm sóc da và nước uống làm đẹp từ Hán phương. “Hán phương” trong tiếng Nhật là dùng để chỉ đơn thuốc của Trung y.

Các thành phần thảo dược trong đơn thuốc làm đẹp của Trung y không chỉ có thể trị bệnh bên trong cơ thể, mà còn có thể dùng chăm sóc bên ngoài, điều dưỡng da thịt. Dược sĩ Chiyo (bút danh) đã từng công tác tại một công ty mỹ phẩm nổi tiếng của Nhật Bản, đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn của báo Epoch Times rằng: Trong các sách y học truyền thống Trung Quốc như “Thiên Kim Phương” của Tôn Tư Mạc thời Đường, “Thái Bình Thánh Huệ Phương” thời Bắc Tống, “Ngoại Khoa Chính Tông” thời Minh và “Y Tông Kim Giám” thời nhà Thanh, đều có ghi lại rất nhiều đơn thuốc làm đẹp.

Cô cho biết: “Hơn 20 năm trước, Nhật Bản đã pha trộn, thí nghiệm các đơn thuốc này với các thành phần cần thiết trong mỹ phẩm hiện đại, nghiên cứu ra một loạt mỹ phẩm làm trắng da. Rất nhiều công ty sản xuất mỹ phẩm sử dụng các thành phần thảo dược Trung y trong các dòng mỹ phẩm làm trắng da, chẳng hạn như: hãng mỹ phẩm Kracie, Shiseido…; còn KyonoyukiSaishunkan thì khác, họ bổ sung các thành phần làm đẹp của thảo dược Trung y vào các sản phẩm chăm sóc da hàng ngày.”

Cô giải thích thêm rằng, việc thêm các nguyên tố kim loại như chì và thủy ngân vào các sản phẩm chăm sóc da có thể có hiệu quả làm trắng, nhưng sử dụng lâu dài sẽ gây hại cho da. Việc sử dụng các loại thảo dược Trung y có tác dụng làm trắng thay thế cho “chì, thủy ngân”, sử dụng rất an toàn và yên tâm. Đây là một trong những lý do khiến mỹ phẩm của Nhật Bản được mọi người ưa chuộng.

Saishunkan là công ty mỹ phẩm Nhật Bản chủ yếu dùng thảo dược của Trung Y. Công ty này còn có những khu vực trồng dược liệu ở tỉnh Kumamoto, dành riêng cho việc tự nghiên cứu và sản xuất sản phẩm. Công ty này dùng các loại thảo dược như phòng kỷ, ngải diệp, xuyên khung, đương quy, trần bì, hoa sơn chi… chế thành loại thuốc tắm “Dưỡng sinh dược thang”. Thông qua tắm thuốc dưỡng sinh, có thể thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm mệt mỏi, cải thiện bệnh thấp khớp, còn có thể làm cho da dẻ trở nên láng mịn.

Công dụng là đẹp của thảo dược Trung y

Dược sĩ Chiyo giải thích thêm, các thành phần làm đẹp từ thảo mộc như nhân sâm, ngọc trai, đương quy, ý nhân, lục đậu, cúc hoa và thược dược được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm chăm sóc da. Trong đó, nhân sâm có thể điều chỉnh sự cân bằng của nước và mỡ trong da, ngăn cho da không bị mất nước, khô dẫn đến bị nhăn; đồng thời các hoạt chất của nhân sâm còn có thể ức chế sự sản sinh hắc tố, giúp da trắng mịn và đàn hồi.

Bột ngọc trai là mỹ phẩm chăm sóc da yêu thích của Từ Hy Thái Hậu, tác dụng mạnh nhất của nó là làm trắng da. Bột ngọc trai chứa ba nguyên tố vi lượng như Mangan, Đồng, Kẽm, có thể thúc đẩy hiệu quả hoạt tính của Superoxide Dismutase (chất chống oxy hóa) trong da người, ức chế quá trình tổng hợp hắc tố. Vì nó rất giàu thành phần chống oxy hóa, có thể làm tăng độ đàn hồi của da, làm cho da căng chắc có độ bóng sáng. Dung dịch đương quy có tác dụng ức chế mạnh hoạt tính của Tyrosinase, là “khắc tinh” của nám và tàn nhang, có thể làm cho da mềm mại sáng bóng. Hoa cúc có tác dụng làm đẹp da, xóa nếp nhăn, hoa cúc trắng thường được dùng trong các sản phẩm làm đẹp.

Không chỉ có mỹ phẩm, hiện nay trên thị trường Nhật Bản xuất hiện nhiều sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, ví dụ như bột cỏ lúa mạch Yamamoto Kanpo, nước uống làm trắng da Pure White của Shiseido, thuốc viên trị mụn Pair Acne của hãng Lion…, đều nhờ sử dụng các thảo dược Trung y có hiệu quả rất cao, được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Chính phủ Nhật Bản rất nghiêm ngặt trong việc kiểm định dược liệu Trung y. Để đảm bảo tính an toàn của dược liệu, đã ban hành “Quy định trồng dược liệu” đối với việc gieo trồng dược liệu, yêu cầu hạn chế sử dụng các loại thuốc trừ sâu trong quá trình gieo trồng, tránh ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu. Dược sĩ Chiyo cho rằng, đây là nguyên nhân của việc mỹ phẩm có sử dụng thảo dược Trung y được bán trên thị trường Nhật Bản thường không có hạn sử dụng.

Dược sĩ Chiyo nói: “Để ngăn ngừa nấm mốc, các thảo dược Trung y của Trung Quốc thường được tẩm ướp lượng chất bảo quản quá nhiều; trước đây công ty chúng tôi nhập khẩu thảo dược từ Thượng Hải, qua kiểm nghiệm, lượng chất bảo quản vượt quá tiêu chuẩn 200%. Chất bảo quản thuộc kim loại nặng, không thể để cơ thể người hấp thu, hơn nữa nó là một trong những nhân tố gây ra ung thư.”

Phát triển rộng rãi việc gieo trồng thảo dược

Từ cuối năm 2012 đến năm 2015, Bộ Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, Bộ Nông Lâm Thủy sản, Hiệp hội thảo dược Trung y Nhật Bản đã tổ chức “Hội nghị nội địa hóa dược liệu” tại 8 tỉnh và thành phố trong ba năm liên tiếp, nhằm phát triển sản xuất tại địa phương. Từ đó, các loại thảo dược Trung y bắt đầu được trồng ở nhiều nơi, đồng thời, Hiệp hội thảo dược Trung y Nhật Bản đã đưa ra hàng loạt hướng dẫn về cách trồng, hái và chế biến thảo dược; cho đến nay việc gieo trồng thảo dược đã mở rộng ra 20 tỉnh, thành phố.

Theo ông Showa Kato, chủ tịch Hiệp hội bào chế thảo dược Trung y Nhật Bản, diện tích trồng từ năm 2012 có khoảng 410ha, đến năm 2017 có khoảng 490ha, đã tăng khoảng 20%. Điều này sẽ được lấy làm chỉ tiêu, phát triển việc gieo trồng thảo dược Trung y tại Nhật Bản. Năm 2016, thảo dược Trung y trồng tại Nhật Bản đã đạt tới 270 chủng loại.

Đơn thuốc Trung y được đưa vào bảo hiểm y tế quốc gia

Nhật Bản rất coi trọng việc nghiên cứu và phát triển các đơn thuốc Trung y, tính đến năm 2018, hơn 80 trường đại học y và khoa y của các trường đại học tổng hợp ở Nhật Bản đã mở ngành y học thảo dược Trung y, hơn nữa đây là môn học bắt buộc đối với tất cả các trường đại học y khoa.

Theo thống kê, năm 2008, lượng sử dụng thảo dược Trung y là 21,000 tấn, năm 2016 đã đạt số lượng 27,000 tấn, cho thấy xu hướng ngày càng tăng không ngừng. Trong cuốn “Nhật Bản dược điển” bản chỉnh lý lần thứ 18, có hiệu lực năm 2021, thì bào chế thuốc theo đơn thuốc Trung y cũng được công nhận là “Y dược phẩm quan trọng trong điều trị bảo hiểm y tế”.

Kể từ khi chính phủ Nhật Bản quyết định đưa các bài thuốc Trung y vào bảo hiểm y tế quốc gia vào năm 1978, nó đã tăng lên hàng năm, đến năm 2020, đã đưa 294 bài thuốc Trung y vào bảo hiểm y tế. 89% bác sĩ Nhật Bản có thể kê đơn thuốc Trung y. Người dân Nhật Bản cũng cho rằng, bài thuốc Trung y rất hiệu quả trong việc điều trị các bệnh kinh niên, có thể tăng cường sức khỏe và tuổi thọ.

Lý Gia Duy và Vương Giai Nghi thực hiện

Thiệu Diệc biên tập

Lam Yên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn