Nhịp tim đều đặn không cần dùng thuốc

Đối với những bệnh nhân bị rung nhĩ (rối loạn dẫn truyền điện thế trong tâm nhĩ), một liệu trình tập luyện mới đã ra đời để giúp họ khôi phục lại nhịp tim bình thường. Chương trình tập luyện chuyên biệt kéo dài sáu tháng này đã được trình bày tại Hội nghị Tim mạch Châu Âu năm 2021.

Những triệu chứng của bệnh rung nhĩ

Rung nhĩ (AF) là một tình trạng gây ra nhịp tim không đều, thường nhanh và có thể dẫn đến lưu lượng máu kém. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm khó thở, tim đập nhanh, choáng váng và mệt mỏi. Bệnh nhân AF thường có nguy cơ suy tim và đột quỵ đáng kể.

Những khuyến cáo phục hồi chức năng dựa trên tập thể dục thường đã được đưa ra đối với bệnh nhân bệnh lý mạch vành và suy tim. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu nhằm đánh giá lợi ích của việc tập thể dục đối với bệnh nhân rung nhĩ. Đây chính là lý do khiến các nhà nghiên cứu phát triển chương trình ACTIVE-AF dành cho bệnh nhân rung nhĩ.

Chương trình ACTIVE-AF (phiên bản thử nghiệm) nhằm đánh giá kết quả dựa trên sự tương quan giữa chương trình tập thể dục kéo dài trong sáu tháng kết hợp các hoạt động được theo dõi tại nhà và mức độ tái phát và mức độ trở nặng đối với các triệu chứng trên bệnh nhân rung nhĩ. Nghiên cứu đánh giá trên những bệnh nhân có các đợt rung nhĩ ngắn (rung nhĩ kịch phát) hoặc các đợt dài hơn (rung nhĩ kéo dài) – những người cần được can thiệp để khôi phục lại nhịp tim bình thường. Nghiên cứu không bao gồm những bệnh nhân bị rung nhĩ vĩnh viễn – những người không có khả năng hồi nhịp tim bình thường.

Trong cuộc thử nghiệm, 120 bệnh nhân rung nhĩ có triệu chứng được ngẫu nhiên chọn để áp dụng những bài tập thể dục hoặc được chăm sóc y tế thường xuyên trong sáu tháng. Sự can thiệp bao gồm những bài tập thể dục hàng tuần có sự theo dõi của bác sĩ và một liệu trình tập luyện hàng tuần được cá nhân hóa có thể theo dõi tại nhà. Mục tiêu là tăng cường thời lượng tập aerobic lên đến 3 tiếng rưỡi mỗi tuần trong vòng sáu tháng. Trong khi đó, nhóm bệnh nhân nhận được sự chăm sóc y tế thường xuyên được khuyên nên hoạt động thể chất, nhưng không có những can thiệp tích cực.

Nghiên cứu cho thấy sau 12 tháng, tỷ lệ tái phát rung nhĩ đã thấp hơn đáng kể ở nhóm tập thể dục (60%) so với nhóm được chăm sóc y tế thường xuyên (80%.) Điều này có nghĩa là bệnh nhân trong nhóm tập thể dục có thể duy trì nhịp tim bình thường mà không cần đến can thiệp chuyên sâu và không cần tiếp tục sử dụng thuốc.

Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Adrian Elliott cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi đã đưa ra bằng chứng cho thấy các bài tập dục nhịp điệu nên được kết hợp trong việc điều trị cho bệnh nhân rung nhĩ có triệu chứng. Việc tập luyện nên diễn ra cùng với việc sử dụng thuốc, theo hướng dẫn của bác sĩ tim mạch cùng với việc kiểm soát mức độ béo phì, tăng huyết áp và ngưng thở khi ngủ. Theo hướng dẫn chung, bệnh nhân nên cố gắng tập thể dục nhịp điệu tối đa 3 tiếng rưỡi mỗi tuần và kết hợp một số hoạt động cường độ cao hơn để cải thiện sức khỏe tim mạch.”

Sarah Cownley đã tốt nghiệp Ngành liệu pháp dinh dưỡng từ Học viện Khoa học Sức khỏe ở London và cô ấy thích giúp đỡ người khác bằng cách dạy họ những lối sống lành mạnh thông tham vấn cá nhân và với những đóng góp thường xuyên của cô ấy cho tờ Doctors Health Press- Sức khỏe Bác sĩ. Bài viết này ban đầu được xuất bản trên tờ Bel Marra Health.

Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn