Những lý do đã được khoa học chứng minh rằng bạn nên mỉm cười

Từ nụ cười từ gượng ép đến nụ cười chân thật đều có thể mang đến nhiều điều kỳ diệu cho sức khỏe của bạn

Nhiều thập niên nghiên cứu khoa học về nụ cười cũng chứng minh rằng nụ cười cũng công dụng nâng cao sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần của chúng ta. Cười càng nhiều càng tốt.

Có lẽ bạn đã nghe những tục ngữ như “mỉm cười để đi tiếp” hoặc “niềm vui theo sau nỗi buồn.” Hành động khuyến khích người khác “có một nụ cười vui vẻ” – hoặc mỉm cười rất phổ biến đến nỗi những thành ngữ này đã phản ánh hiểu biết trực giác rằng nụ cười mang đến nhiều lợi ích cho chúng ta và cho những người xung quanh.

Cười giúp giảm căng thẳng

Liệu một điều đơn giản như nụ cười có thể giảm căng thẳng hay không?

Một nghiên cứu được tiến hành bởi Tara L. Kraft và Sarah D. Pressman từ Khoa tâm lý học của Đại học Kansas, được xuất bản trong số 09/ 2012 của Tạp chí Tâm lý học (Psychological Science), yêu cầu những người tham gia ngậm một chiếc đũa trong miệng sao cho có thể tạo ra một nụ cười ‘Duchenne’ (còn được gọi là nụ cười thật), một nụ cười tiêu chuẩn hoặc một biểu cảm trung lập.

Trong nhóm ‘cười thật và tiêu chuẩn’, một nửa cũng được yêu cầu cười một cách cố ý. Sau đó, mỗi người tham gia hoàn thành hai nhiệm vụ căng thẳng khác nhau.

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những người ở trong nhóm ‘cười thật và tiêu chuẩn’ có nhịp tim thấp hơn trong giai đoạn phục hồi căng thẳng so với những người giữ biểu cảm khuôn mặt trung lập, và hiệu ứng này được quan sát dù cho những người tham gia có cố ý cười hay không.

Kết quả này cho thấy rằng việc đơn giản chỉ cần cười khi đang gặp căng thẳng có tác động tích cực giúp giảm căng thẳng.

Ngoài lợi ích đối với sức khỏe thể chất, cười thường xuyên cũng là liều thuốc bổ cho sức khỏe tâm lý của chúng ta. Nụ cười đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện tâm trạng tương đương với một loại thuốc kháng trầm cảm tự nhiên.

Mỉm cười kích thích sự giải phóng của endorphin, dopamine và serotonin, các chất truyền thần kinh “gây cảm giác dễ chịu”, giúp giảm đau và cải thiện tâm trạng – những chất này đều không có tác dụng phụ tiêu cực như khi sử dụng thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc giảm đau.

Mỉm cười có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ tổng thể

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Wayne State đã xem xét 230 bức ảnh của các cầu thủ thuộc Liên đoàn bóng chày năm 1952 và phân loại thành ba nhóm tùy theo mức độ cười: không cười, cười một nửa và cười hết cỡ.

Sau khi kiểm soát các yếu tố khác liên quan đến tuổi thọ, chẳng hạn như chỉ số khối cơ thể và tình trạng hôn nhân, kết quả cho thấy những cầu thủ có nụ cười tươi nhất sống trung bình thêm bảy năm so với những người không cười – 79.9 năm so với 72.9 năm.

Bạn muốn tăng cơ hội sống lâu hơn ư? Cười nhiều có thể giúp bạn.

Mỉm cười có thể giúp ích cho những người xung quanh

Một nghiên cứu tại Thụy Điển, được tái bản trên tạp chí Science Direct, đã xác nhận điều mà nhiều người đã nghi ngờ suốt một thời gian dài, đó là mỉm cười thật sự có sức lan tỏa.

Các nhà nghiên cứu đã cho các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu xem các hình ảnh của những người hiển thị các biểu hiện cảm xúc khác nhau: vui mừng, giận dữ, sợ hãi và ngạc nhiên.

Sau đó, họ yêu cầu các tình nguyện viên nhăn mặt và phát hiện rằng biểu hiện khuôn mặt của các đối tượng thường bắt chước các hình ảnh họ đã xem, trong quá trình gọi là “sự lây truyền cảm xúc”.

Điều đó đặc biệt khó khăn khi các đối tượng phải nhăn mặt khi đối diện với một khuôn mặt vui vẻ và tươi cười. Kết luận là gì?

Mỉm cười thật sự có sức lan tỏa, và đó là một cách dễ dàng và miễn phí để truyền tải sự tích cực và niềm vui đến những người xung quanh chúng ta.

Thậm chí cười gượng ép cũng có tác dụng

Thú vị là, những lợi ích đối với tâm lý và sức khỏe của nụ cười vẫn có thể đạt được ngay cả khi chúng ta bị ép phải cười, chứ không phải tự nhiên.

Theo cái mà các nhà khoa học gọi là “giả thuyết phản hồi khuôn mặt (facial feedback hypothesis)”, chúng ta không chỉ cười khi cảm thấy vui mừng, mà chính động tác cười cũng có thể thực sự nâng cao tâm trạng của chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn.

Tiến sĩ Fernando Marmolejo-Ramos của Đại học Nam Australia, một nhà nghiên cứu về nhận thức con người và nhân tạo tại Trung tâm Thay đổi và Tính phức tạp trong Học tập, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng, “Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng khi bạn cố gắng mỉm cười, hạch hạt nhân amygdala – trung tâm cảm xúc của não – được kích thích để giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh khuyến khích trạng thái cảm xúc tích cực. … Một cách tiếp cận ‘giả vờ cho đến khi bạn có thể cười thực sự’ có thể có giá trị hơn chúng ta mong đợi.”

Sau hai năm đại dịch COVID-19 với những gương mặt phải đeo khẩu trang, đã đến lúc chúng ta cười tươi và lan tỏa niềm vui đến mọi người.

Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Zrinka Peters
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Zrinka Peters là cây bút tự do thường viết các bài có chủ đề về sức khỏe, lối sống lành mạnh và giáo dục. Cô có bằng Cử nhân Văn học Anh của Đại học Simon Fraser và cô có nhiều bài viết được đăng trên báo giấy và trên các trang Health Digest, Parent.com, Today Catholic Teacher, và Education.com
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn