Những mối nguy hiểm chưa được tiết lộ của mùi hương hóa học

Mùi hương hóa học chứa những hợp chất hữu cơ dễ bay hơi VOC gây hại cho sức khỏe. Bài viết này trình bày những phương pháp nhằm làm giảm tác động của đến từ những mùi hương nhân tạo.

Khi Barbara Parshley đến nhà thờ vào tháng trước, bà đã không thể ở lại để nghe toàn bộ bài thuyết giảng. Hóa ra, một thành viên của giáo đoàn đã dùng một loại nước hoa có mùi khá mạnh, khiến Barbara Parshley phải rời đi.

“Trong một giờ đầu tiên, tôi vẫn ổn,” bà Parshley 70 tuổi, sống tại thành phố Wilder, tiểu bang Idaho cho biết. “Tuy nhiên, từ giờ thứ hai, tôi bắt đầu thở khò khè và cảm giác như phổi của mình đang nóng ran lên. Đó là một trải nghiệm kinh khủng khiến tôi đã phải đi về nhà sau đó.”

Bằng hương thơm ngọt ngào, những sản phẩm nước hoa (hoặc mùi hương) dành cho nam hoặc cho nữ được sản xuất để cuốn hút người khác. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta không nhận ra rằng khi dùng những sản phẩm có hương thơm này trên da, trên tóc, trên cơ thể, chúng có thể vô tình phát tán hóa chất độc hại vào không khí.

Những mối nguy hiểm chưa được tiết lộ của mùi hương hóa học
(Ảnh: S. Hermann & F. Richter từ Pixabay)

Và ngay cả khi cơ thể bạn không phản ứng gay gắt như trường hợp của Parshley, những hương thơm hóa học này có thể vẫn đang gây hại đối với sức khỏe của bạn.

VOC là gì?

Các loại hương thơm được sản xuất từ những hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, gọi vắn tắt là VOC. Đây là những chất dễ dàng hóa hơi ở nhiệt độ phòng.

Từ “hữu cơ” trong trường hợp này đơn giản có nghĩa là một phần của những hợp chất chất hóa học hữu cơ tương tự cấu thành nên cơ thể chúng ta. Đó là những phân tử chứa phần lớn nguyên tố cacbon và hydro với những cách sắp xếp khác nhau.

Một số VOC độc hại có thể dễ dàng được nhận ra. Ví dụ: mùi hóa chất nồng nặc tại tiệm giặt khô khi bạn đến lấy trang phục đi làm và quần áo, cũng có thể là mùi khói từ ống xả của chiếc xe phía trước, và mùi hương nhân tạo từ hóa chất của sơn móng tay.

Những mối nguy hiểm chưa được tiết lộ của mùi hương hóa học
(Ảnh: virin000 từ Pixabay )

Ngoài ra, có những mùi hương VOC khó nhận ra hơn, bao gồm: mùi mực bút xóa dùng để sửa các lỗi sao, đồ nội thất bạn vừa mua cho đứa con đang học mẫu giáo, mùi thuốc diệt côn trùng để giết kiến, giấy thơm mà bạn cho vào máy sấy quần áo. Thậm chí những sản phẩm tự nhiên như giường gỗ cũng chứa những hợp chất VOC.

Hợp chất VOC tạo ra mùi hương trong các loại nước hoa thông thường và một loạt các sản phẩm tiêu dùng khác là tác nhân dẫn đến ô nhiễm không khí bên trong lẫn bên ngoài, và cũng như gây hại cho sức khỏe của bạn.

Những mối nguy hiểm chưa được tiết lộ của mùi hương hóa học
(Ảnh: Lolame từ Pixabay)

Dĩ như là VOC không phải lúc nào cũng độc hại. Ví dụ như hương cam khi bạn bóc vỏ trái cam cũng những hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, nhưng sẽ không gây hại cho bạn trừ khi bạn dị ứng với cam.

Tuy nhiên, nhiều thành phần trong các loại nước hoa truyền thống, cũng như mùi hương trong chất tẩy dùng trong việc giặt ủi, nến thơm, và nhiều sản phẩm chăm sóc sắc đẹp đều gây hại cho sức khỏe. Và những hóa chất này không chỉ ảnh hưởng đối với những người như Parshley, những người nhận thức được rằng mùi hương có thể khiến họ bị bệnh.

Một số người nhạy cảm với mùi hương hơn những người khác

Phản ứng của cơ thể mỗi cá nhân đối với VOC là không như nhau. Theo tổ chức British Lung Foundation, người có sẵn những bệnh nền liên quan đến phổi như hen suyễn hoặc viêm phế quản thường sẽ dễ mắc bệnh do ô nhiễm không khí bên trong nhà.

Tuổi tác cũng là một yếu tố nên được đề cập: Phổi của trẻ em có kích thước nhỏ và vẫn đang trong thời kỳ phát triển, vì thế chứng viêm nhiễm do những hợp chất VOC và các tác nhân gây ô nhiễm khác đặc biệt có hại với phổi trẻ em.

Một nghiên cứu năm 2013 của các nhà khoa học Pháp đã phát hiện ra rằng những người trên 65 tuổi có tiếp xúc với VOC (toluene và o-xylene) có nhiều khả năng mắc chứng khó thở hơn những người ở độ tuổi 15 – 25.

“Dù bạn không có phản ứng như những gì đã xảy ra với tôi, một số chất hóa học thực sự rất độc hại đối với cơ thể bạn,” bà Parshey, một nhà địa chất chuyên nghiệp được đào tạo và là một giáo viên ngành giáo dục đặc biệt đã nghỉ hưu cho biết. “Khi ngấm vào cơ thể chúng ta, chúng vẫn có thể gây hại và dẫn đến những tác dụng phụ không dễ nhận thấy nhiều năm sau đó.”

Các thành phần bị che đậy

Theo một bài báo trong Tạp chí Environmental Health Perspectives, các sản phẩm có mùi hương được phát hiện là có thể phát ra hàng trăm hợp chất VOC [vào không khí].

Một mùi hương có thể chứa đụng hàng trăm loại hóa chất khác nhau. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi những chuyên gia nghiên cứu tại đại học Washington, đăng trên tạp chí Environmental Impact Assessment Review, trung bình có tới 17 hợp chất VOC trong trong 25 sản phẩm có mùi hương, 1-8 chất hóa học nguy hiểm, thậm chí có những chất gây ung thư. Những chất hóa học được tìm thấy bao gồm acetaldehyde, 1,4-dioxane, formaldehyde, and methylene chloride.

Chiến dịch Mỹ phẩm An toàn (Campaign for Safe Cosmetics,) một tổ chức bất vụ lợi với mục đích bảo vệ người tiêu dùng khỏi những chất hóa học độc hại, đặc biệt giúp mọi người tránh khỏi việc sử dụng những hóa chất gây ung thư, đã cho biết: “Mặc dù chỉ có một từ được in trên nhãn thành phần, nhưng “mùi hương” có thể chứa hàng tá, thậm chí hàng trăm loại hóa chất.

Theo chiến dịch này, “Nhà sản xuất các sản phẩm chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm tiếp tục từ chối việc công khai toàn bộ thành phần trong sản phẩm.” Điều này khiến “Người tiêu dùng không thể đưa ra những lựa chọn phù hợp về sản phẩm sử dụng hàng ngày.”

Những mối nguy hiểm chưa được tiết lộ của mùi hương hóa học
(Ảnh: Karolina Grabowska từ Pixabay)

Vào năm 1966, Đạo luật Đóng gói và Ghi nhãn Công bằng đã được thông qua, yêu cầu những công ty mỹ phẩm phải liệt kê chi tiết những thành phần chứa trong những sản phẩm của họ. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ Đạo luật Đóng gói và Ghi Nhãn trên thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và những thiết bị y tế.

Tuy nhiên, theo luật Liên bang, “mùi hương” không nằm trong danh sách phải liệt kê chi tiết. Điều này thực sự là một lỗ hổng pháp lý, vì người tiêu dùng không có quyền biết các loại hợp chất VOC nào tồn tại trong nước hoa hoặc chất khử mùi mà họ thường dùng.

Nếu bạn gọi đến đường dây chăm sóc khách hàng của một nhãn hàng nước hoa mà bạn ưa dùng để hỏi về thành phần cụ thể của mùi hương được in trên chai của sản phẩm, chắc chắn, họ sẽ nói với bạn rằng đó là “bí mật kinh doanh”. Ngành công nghiệp mỹ phẩm (cùng với ngành sản xuất tã nhựa và nhiều ngành sản xuất khác) sẽ khẳng định rằng việc tiết lộ những thành phần của sản phẩm là đưa cho đối thủ những bí mật thương mại có giá trị.

Da là bộ phận lớn nhất của cơ thể chúng ta và cũng là nơi xâm nhập của các chất độc hại. Nếu như tất cả thành phần được tiết lộ, bạn có thể sẽ để loại nước hoa yêu thích của mình mốc meo trên kệ, thay vì xịt lên da.

Những vấn đề sức khỏe do các hợp chất VOC

Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ đã liệt kê hàng tá những tác động tiêu cực đến từ các hợp chất VOC, bao gồm tất cả những triệu chứng kích ứng trên mắt và da, chóng mặt, tổn thương gan và thậm chí là suy giảm trí nhớ.

Những kết luận này phù hợp với những quan sát của bác sĩ của Barbara Parshley, người đã có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y học gia đình và y học cấp cứu.

“Nhiều bệnh nhân đến phòng khám của tôi và phòng cấp cứu vì lý do tiếp xúc với hóa chất bao gồm các loại nước hoa cho nam, nữ, và những chất khử mùi,” Vị bác sĩ giải thích trong một lá thư tay gửi cho tôi qua Parshley.

Những mối nguy hiểm chưa được tiết lộ của mùi hương hóa học
(Ảnh: Squirrel_photos từ Pixabay)

“Những hóa chất này không được kiểm soát và vô cùng độc hại. Tôi cảm thấy kinh ngạc khi mọi người mua những sản phẩm này và dùng chúng trên da của họ. Cơ thể sẽ phải gánh chịu những phản ứng căng thẳng để loại bỏ những sản phẩm này,” Vị bác sĩ cho biết, dù ông không muốn thành nhân vật phải hứng chịu những phản ứng dữ dội từ các đồng nghiệp y tế.

Những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe mà vị bác sĩ này đã chứng kiến, đặc biệt phổ biến đối với những bệnh nhân nhạy cảm với hóa chất, như những người bị hen suyễn, dị ứng, sương mù não, phát ban hoặc những bệnh lý về xoang.

Bác sĩ của Parshley nói thêm: “Chúng ta đã lên án và cấm hành vi hút thuốc thụ động. Nhưng chúng ta lại không cấm những mùi hương này? Đó là dấu chấm hỏi cho tính nhất quán của điều luật này.”

Theo một báo cáo mở rộng được xuất bản bởi Nhóm Công tác Môi trường, các thành phần không được tiết lộ trong nước hoa có thể bao gồm các hóa chất có “xu hướng tích lũy trong các mô của con người.”

Các thành phần này bao gồm cả nhóm hóa chất phthalate (1) gây ra bất thường ở cơ quan sinh dục và gây hại đến khả năng sinh sản ở người. Chưa hết, hương thơm tổng hợp Ketone, có thể tích tụ trong mô mỡ của con người và được tiết ra theo sữa mẹ, theo một nghiên cứu năm 2014 trên tạp chí Môi trường Sức khỏe.

File PDF bản báo cáo 44 trang được thực hiện bởi Nhóm Công tác Môi trường có thể được tải về tại trang https://www.ewg.org/research/not-so-sexy

Những mùi hương an toàn hơn

Bạn không muốn các sản phẩm nước hoa hoặc chăm sóc cá nhân của bạn gây hại đến sức khỏe bản thân và những người xung quanh, đồng thời bạn cũng không muốn cơ thể có mùi khó chịu. Vậy giải pháp ở đây là gì?

Đọc kỹ thành phần

Nếu trên nội dung của nhãn thành phần chỉ có mỗi từ mùi hương, thì bạn không nên mua, cho dù là sản phẩm “tự nhiên”. Hãy nhớ rằng, từ “tự nhiên” thường là một thuật ngữ tiếp thị vô nghĩa.

Chọn sản phẩm có thông tin toàn bộ thành phần

Hãy chắc chắn rằng bạn có thể nhận ra các thành phần trong nước hoa và các sản phẩm khác. Nếu bạn không biết liệu sản phẩm có đủ an toàn hay không, hãy tra cứu trên cơ sở dữ liệu chuyên sâu về da của Nhóm Công tác Môi trường trên trang web của họ.

Sử dụng hạn chế

Nếu bạn không thể sống mà không sử dụng một số sản phẩm nhất định, hãy bắt đầu thói quen sử dụng hạn chế. Tiếng Pháp có một từ rất thú vị: “un soupçon de” – chỉ một ít.

Hãy dùng ít nước hoa thôi. Thay vào đó, tận dụng hương tẩy rửa quần áo để làm thơm trang phục, tốt hơn hết, hãy sử dụng bột giặt không chứa những mùi hương độc hại. Trên thực tế, không có giải pháp nào là hoàn hảo, tuy nhiên phương pháp này giúp quần áo lưu hương, đồng thời không mang theo những hóa chất độc hại.

Xịt mùi hương lên trang phục, đừng dùng trên da

Da của bạn hấp thụ mọi thứ bạn xịt lên. Đó là lý do tại sao miếng dán nicotine lại có hiệu quả. Thay vì xịt nước hoa trên da, hãy xịt chúng lên quần áo của bạn (cẩn thận, một số nước hoa có thể làm phai màu hoặc đổi màu trang phục). Điều này không thể giải quyết vấn đề dị ứng hóa chất của những người xung quanh hoặc sự phát tán những phân tử mùi hương trong không khí, nhưng ít nhất cơ thể bạn sẽ không phải hấp thụ quá nhiều nước hoa.

Tự tạo mùi hương của riêng mình

Sử dụng một ít nước hoa hồng tự làm sẽ vừa tiết kiệm, vừa không độc hại.

Một vài giọt tinh dầu hoa oải hương hoặc một mùi hương yêu thích an toàn khác là những sản phẩm thay thế nhẹ nhàng cho nước hoa.

Những mối nguy hiểm chưa được tiết lộ của mùi hương hóa học
(Ảnh: googlerankfaster từ Pixabay)

Và thay vì bôi những loại kem dưỡng có mùi hương, hãy dùng dầu dừa hoặc dầu ép từ quả bơ trong tủ bếp của bạn làm kem dưỡng.

Chỉ dùng xà phòng và nước

Parshley cho rằng giải pháp hữu hiệu nhất luôn là cách truyền thống nhất.

“Xà phòng và nước chính là lời khuyên của tôi,” bà nói. “Không có lý gì lại đem những chất độc hại dùng trên cơ thể, dù đó là mùi hương độc đáo. Và lại, tôi chưa bao giờ thực sự nhận thấy mùi cơ thể khó chịu từ một ai đó.”

Để tâm đến chất lượng không khí trong nhà

Nếu mọi người đang sử dụng những sản phẩm làm đẹp thông thường, và bạn thường bị khó chịu bởi mùi đồ nội thất mới và các đồ gia dụng vừa mới mua, hãy trồng cây trong nhà để tạo ra bầu không khí lành mạnh hơn. Theo một nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện bởi NASA vào năm 1989, trồng cây trong nhà sẽ giúp lọc bớt những hợp chất VOC trong không khí.

Những mối nguy hiểm chưa được tiết lộ của mùi hương hóa học
(Ảnh: workingDOG từ Pixabay)

Mặc dù nghiên cứu gần đây do các khoa học gia tại Viện Công nghệ Massachusetts thực hiện cho thấy rằng các loại máy lọc không khí có hiệu quả làm sạch rất khác nhau, một hệ thống lọc sử dụng carbon hoạt tính (than hoạt tính), mà các nhà khoa học MIT gọi là “công nghệ đã thử và thực sự hiệu quả”, có thể sẽ hữu ích.

  • (1) Phthalate là một chất hóa học được thêm vào trong quá trình sản xuất nhựa, sơn nhằm làm thay đổi tính chất cơ bản của vật liệu.

Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Jennifer Margulis
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Jennifer Margulis là một ký giả từng đạt giải thưởng và là tác giả của cuốn sách “Con của bạn, theo cách của bạn: Chịu trách nhiệm về các quyết định mang thai, sinh con, và nuôi dạy con của bạn để có một gia đình hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn.” Bà từng đạt giải thưởng Fulbright và là mẹ của bốn đứa con, bà đã làm việc trong một chiến dịch nhằm giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ em ở Tây Phi, ủng hộ việc chấm dứt tình trạng nô lệ trẻ em ở Pakistan trên chương trình truyền hình vào khung giờ vàng ở Pháp, và dạy văn học hậu thuộc địa cho các sinh viên phi truyền thống ở nội thành Atlanta. Quý vị có thể tìm hiểu thêm về bà tại trang JenniferMargulis.net
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn