Hôn lễ truyền thống với cổ phục Việt: Khi giới trẻ muốn hồi sinh nền văn hóa bị lãng quên
Một đám cưới của hai bạn trẻ ở Đà Nẵng vừa qua đã truyền cảm hứng về vẻ đẹp giản dị, trang trọng của cổ phục Việt và ý nghĩa sâu xa của văn hóa truyền thống về trang phục và hôn nhân.
Chú rể Quốc Khánh hiện là giám đốc một công ty thương mại điện tử tại thị trường Âu-Mỹ, cô dâu Lê Quyên đang làm việc trong lĩnh vực thiết kế nội thất và xây dựng. Mặc dù đều làm việc tại môi trường hiện đại, nhưng ý tưởng đám cưới truyền thống của Quốc Khánh và Lê Quyên đến từ khát khao nhận thức lại một cách đúng đắn vẻ đẹp và văn hóa truyền thống.
Lê Quyên chia sẻ, trước đây cô là người không quan tâm đến văn hoá truyền thống, thậm chí còn có những suy nghĩ rằng trang phục theo phong cách táo bạo mới là đẹp, còn những gì thời xưa đều là lạc hậu, xấu xí; bạn bè chung quanh cũng đều nghĩ vậy.
“Nhưng sau khi gặp được một người Thầy đáng kính, thông qua những bài giảng của Thầy, tôi hiểu ra rất nhiều về vẻ đẹp truyền thống của người xưa: vẻ đẹp đó được tạo ra dựa trên nền tảng đạo đức cao quý của nhân loại.”
Từ đó Quyên mới hiểu được rằng người dân trên thế giới nói chung và người Việt nói riêng đã từng có những nền văn hoá truyền thống thật đẹp, vậy nên hai bạn dùng chính đám cưới – ngày lễ trọng đại của mình để vinh danh vẻ đẹp văn hóa của người xưa, khôi phục trang phục cổ của người Việt – áo dài Nhật Bình, áo Tấc, và áo Ngũ thân triều Nguyễn.
Với mong muốn đó, Quốc Khánh và Lê Quyên chuẩn bị cho đám cưới rất công phu, kỹ càng. Khó khăn nhất là phải chuẩn bị trang phục truyền thống cho cả quan viên hai họ, số lượng lên đến 40 bộ, mỗi bộ lại một màu sắc khác nhau, và những hoa văn và cách may phải đúng theo quy chuẩn lịch sử ghi chép lại.
Áo cưới của cô dâu là chiếc áo Nhật Bình thời nhà Nguyễn, dành cho nữ giới quyền quý trong chốn cung đình hoặc con gái các gia đình quý tộc mặc khi xuất giá. Bên trong là áo dài ngũ thân màu trắng, bên ngoài là áo bào Nhật Bình. Chú rể mặc áo Tấc dành cho phò mã. Mấn đội đầu và hài đều được làm thủ công. Quan viên hai họ đều mặc áo Tấc và áo ngũ thân.
Khánh và Quyên cũng mời các chú xích lô của thành phố Đà Nẵng tham dự trong trang phục lính nhà Nguyễn để thực hiện ý tưởng rước dâu giống như ngày xưa: cưỡi ngựa đi dạo một vòng thành phố.
Cha mẹ của cô dâu chú rể chia sẻ sự hài lòng về đám cưới truyền thống của các con: “Tuy đám cưới là do đôi trẻ tự bỏ tiền và dàn dựng, nhưng luôn nhận được tư vấn và góp ý của bố mẹ đôi bên. Mọi người đều rất hào hứng với đám cưới quay về truyền thống. Thậm chí có một đoạn đi bộ rước dâu hơi xa, các ông ngoài 80 tuổi đã chia sẻ là vui thế này cũng thấy hết mệt.”
Hình ảnh đám cưới truyền thống của Khánh và Quyên được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội và trong các diễn đàn về cưới hỏi; đa số mọi người đều chúc phúc cho cặp vợ chồng son, và có nhiều bạn mong muốn tổ chức đám cưới tương lai theo kiểu này.
Đám cưới cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho khách tham dự. Mọi người đều thích thú, ngạc nhiên, và tự hào khi biết rằng tổ tiên người Việt đã từng có những nét văn hóa rực rỡ đến vậy.
Một người bạn của cô dâu chú rể chia sẻ: “Lần đầu tiên được dự một đám cưới đẹp và có ý nghĩa đến thế. Thời nay thật là hiếm khi thấy được một đám cưới mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống như vậy.”
Chữ Ân – chủ đề của hôn lễ
Trong nhiều dự tính khác nhau của chương trình lễ cưới, cuối cùng Khánh và Quyên đã chọn chủ đề chữ Ân, để truyền tải những câu chuyện của ông bà, cha mẹ bằng những đoạn video phỏng vấn trực tiếp.
Theo thuyết văn giải tự, chữ Ân nghĩa là “ân huệ” bao gồm nhữ Tâm (trái tim) và chữ Nhân (nguyên nhân, nhân quả). Nghĩa gốc của chữ Ân là ơn huệ, lợi ích tình cảm mọi người dành cho nhau. Chữ Ân trong vợ chồng có hàm nghĩa sâu xa là nhân duyên đời trước, là an bài của trời cao và lo toan của cha mẹ đời này.
Hiếu kính, cảm ân là những giá trị nền tảng trong gia đình truyền thống. Chọn chủ đề Ân trong ngày lễ đặc biệt của mình, Khánh và Quyên muốn bày tỏ lòng cảm tạ ân đức của Trời, cha mẹ, và nhân duyên vợ chồng.
Cũng như trang phục truyền thống không chỉ là hình thức mà còn có nội hàm về văn hóa đạo lý làm người sâu sắc, Quốc Khánh và Lê Quyên chia sẻ những suy nghĩ về ý nghĩa của hôn nhân theo quan niệm truyền thống.
Người xưa thường nói: “Phu thê ân ái”, trong thành ngữ trên thì chữ “Ân” đứng trước chữ “Ái”, lòng cảm kích có trước, còn yêu thương, tương kính như tân đứng sau. Duy trì hôn nhân không chỉ đơn thuần dựa vào tình cảm, mà cần dựa vào đạo nghĩa và lòng cảm ân, như vậy hôn nhân mới bền vững.
Truyền cảm hứng về việc hồi sinh văn hóa truyền thống
Dành nhiều công phu thực hiện đám cưới truyền thống xưa xuất phát từ tâm nguyện của cô dâu và chú rể muốn truyền tải vẻ đẹp sang trọng tinh tế và ý nghĩa sâu sắc trong trang phục và văn hóa truyền thống Việt.
“Điều đặc biệt nhất chính là chúng tôi có thể tái hiện lại cho mọi người thấy rằng áo dài cổ của người Việt rất đẹp, cũng như đạo đức của người Việt xưa rất cao được thể hiện qua thiết kế của áo dài. Áo dài xưa không bó sát thân thể, bởi thế khiến người nhìn không phát sinh dục vọng, nhưng lại rất thanh tao và tôn nghiêm, khiến người nhìn phải tôn kính nhau và cư xử chừng mực.”
Hai bạn hy vọng họ có thể truyền cảm hứng để mọi người đều có thể tự mình phục dựng lại vẻ đẹp truyền thống vốn từng làm nên lịch sử huy hoàng của người Việt.
Chú rể chia sẻ: “Chúng tôi thấy áo dài cổ của chúng ta cũng rất đẹp, nếu so với hanbok Hàn Quốc và kimono Nhật Bản thì không hề thua kém. Nếu các bạn trẻ lựa chọn trang phục này cho các dịp trọng đại thì thật sự rất tuyệt vời. Ngay sau đám cưới cả hai vợ chồng đã quyết định mở một cửa hàng áo dài tên là Việt phục Ân Vũ vì say mê nét đẹp đáng tự hào của dân tộc.”
Ông Kim Dong Il, Giám đốc Phát triển Sản phẩm Du lịch – Văn hóa, Tổng Cục du lịch Hàn Quốc từng nói rằng, cách tốt nhất để bảo tồn các di sản là “cho chúng một đời sống trong xã hội đương đại”.
Cổ phục Việt là tinh hoa của một dân tộc, thể hiện thẩm mỹ quan đặc sắc của ông cha ta từ hàng trăm năm trước; là một kho tàng di sản quý giá mà thế hệ sau có thể học hỏi, giữ gìn. Đến nay nhìn lại, vẻ đẹp trang phục truyền thống vẫn cho thấy trình độ thẩm mỹ xuất sắc của cổ nhân ta, từ chất liệu đến hoa văn, đồng thời còn hàm chứa những giá trị đạo đức văn hóa quý giá. Giữ gìn những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống chính là đang lưu lại cho thế hệ tiếp theo một tương lai viên mãn tốt đẹp.
Ảnh cưới của Khánh và Quyên được nhiều người chia sẻ, nhận được hơn 3 ngàn lượt yêu thích, cho thấy việc quay về truyền thống đang rất được giới trẻ đón nhận.