Trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm H10N3 trên người đầu tiên ở Trung Quốc
Theo các quan chức Trung Cộng, một người đàn ông ở miền đông Trung Quốc đã được ghi nhận là trường hợp đầu tiên nhiễm chủng cúm H10N3 trên người, một loại cúm gia cầm.
Theo thông báo trên trang web của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, bệnh nhân là một người đàn ông 41 tuổi, chưa được xác định danh tính, đã nhập viện vào cuối tháng 04/2021 với chẩn đoán nhiễm virus H10N3 ở Trấn Giang, tỉnh Giang Tô, nằm gần Thượng Hải.
Ủy ban này tuyên bố rằng không có trường hợp nào khác được báo cáo.
“Sự lây nhiễm này là một sự lây truyền ngẫu nhiên giữa các loài,” tuyên bố của họ cho biết, đồng thời khẳng định rằng “nguy cơ lây truyền trên diện rộng là thấp,” theo bản dịch từ Hoa ngữ sang Anh ngữ.
Cơ quan này nói rằng người đàn ông đó bị sốt và có các triệu chứng khác; ông được chẩn đoán nhiễm virus cúm H10N3 khoảng một tháng sau đó, ngày 28/05.
Ông Filip Claes, điều phối viên phòng thí nghiệm khu vực của Tổ chức Lương Nông, nói với hãng thông tấn Reuters rằng chủng cúm gia cầm này “không phải là một loại virus rất phổ biến.”
Trong những năm qua, người ta đã phát hiện một số chủng cúm gia cầm trên các loài động vật ở Trung Quốc, mặc dù các báo cáo về các đợt bùng phát trên diện rộng ở người là rất hiếm.
Dịch cúm ở người gần đây nhất liên quan đến một chủng cúm gia cầm, H7N9, xảy ra ở Trung Quốc vào năm 2016 và 2017. Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, chủng cúm H7N9, một loại virus gây ra tỷ lệ tử vong tương đối cao, đã lây nhiễm cho khoảng 1,700 người và khiến 613 người tử vong kể từ năm 2013.
Năm 2020, các quan chức y tế Trung Quốc đã thông báo về các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1, trong đó có một đợt bùng phát ở tỉnh Hồ Nam khiến cho 18,000 con gà bị tiêu hủy.
Các báo cáo về ca nhiễm virus H10N3 ở Trung Quốc xuất hiện trong bối cảnh Trung Cộng phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng của các quan chức Hoa Kỳ về nguồn gốc của virus Trung Cộng, còn được gọi là virus corona gây ra căn bệnh COVID-19, và về việc liệu nó có bị rò rỉ hay được nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không. Giới chức Trung Cộng từ lâu đã nói rằng virus này đã lây truyền từ động vật sang người tại một khu chợ ở Vũ Hán, nhưng nhà cầm quyền này không đưa ra bằng chứng nào cho tuyên bố kể trên và cũng chưa xác định được loại động vật mà họ nói đến.
Cuối tháng 05/2021, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra một tuyên bố rằng nhiều người trong cộng đồng 17 cơ quan tình báo Hoa Kỳ tin rằng virus này đến từ Viện Virus học Vũ Hán, một phòng thí nghiệm đứng đầu về bảo mật, và kêu gọi họ công bố một báo cáo trong những tháng tới về nguồn gốc của virus Trung Cộng.
Trước đó, trong suốt năm 2020, các hãng thông tấn thiên tả và các trang web kiểm chứng thông tin đã cố gắng giảm bớt tính nghiêm trọng của những lời khẳng định virus có thể đến từ phòng thí nghiệm đó; đôi khi họ còn mô tả các tuyên bố đó như là một phần của “thuyết âm mưu”.
Nhưng vào cuối tuần kết thúc vào ngày 30/05, các ký giả hàng đầu, bao gồm cả ông Jonathan Karl của ABC News, đã thừa nhận rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán là hợp lý, và nói rằng nó đã không được xem xét nghiêm túc đơn giản vì cựu Tổng thống Donald Trump và các quan chức chính phủ thường đưa ra những tuyên bố đó.
Ông Karl nói: “Vâng, tôi nghĩ rất nhiều người đang cảm thấy xấu hổ. Đây là ý tưởng lần đầu tiên được ngoại trưởng Mike Pompeo cũng như ông Donald Trump đưa ra, và hãy nhìn xem, một số điều có thể đúng ngay cả khi đó là điều ông Donald Trump nói. Bởi vì ông Trump đã nói rất nhiều điều khác ngoài tầm kiểm soát… ông ấy nói thẳng rằng thứ này đến từ phòng thí nghiệm đó, và câu nói này đã bị nhiều người bác bỏ … nhưng bây giờ những người nghiêm túc đang nói rằng việc này cần một cuộc điều tra nghiêm túc.”
Các quan chức tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã không phúc đáp ngay yêu cầu bình luận của The Epoch Times.