Quan sát móng tay chân phát hiện những vấn đề về sức khỏe

Cơ thể con người chứa đựng thật nhiều bí ẩn rộng lớn và thâm sâu. Trung Y tin rằng móng tay và móng chân được kết nối với các cơ quan nội tạng thông qua các kinh mạch. Việc theo dõi tình trạng của móng có thể tiết lộ các tín hiệu sức khỏe của cơ thể, đồng thời cung cấp [giải pháp] phản ứng sớm, giúp giảm bớt các bệnh thể chất.

Ông Jonathan Liu, một nhà trị liệu và giáo sư Trung Y tại Đại học Georgian, Canada, đã giải thích những hiểu biết về việc quan sát móng tay và móng chân trên chương trình “Health 1+1”.

Trong Trung Y, người ta tin rằng móng là phần mở rộng của gân – phần lồi ra ngoài cơ thể nhất. Gân trong Trung Y bao gồm màng cơ, dây chằng, cơ, gân và được tạng can (lá gan) coi sóc.

Do đó, tình trạng của gân có thể phản ánh chức năng sinh lý của tạng can. Ngược lại, các vấn đề về tạng can thường biểu hiện ra móng tay và móng chân.

Nơi giao nhau của 12 kinh mạch trong cơ thể con người cũng hội tụ ở đầu ngón tay và đầu ngón chân. Ví dụ, ngón chân cái là nơi giao nhau của kinh mạch tỳ (lá lách), vị (dạ dày) và can, còn ngón tay cái là nơi giao nhau của kinh mạch phế (lá phổi) và đại tràng.

Do đó, bằng cách kiểm tra màu sắc, các chi tiết, độ nứt… của móng tay và móng chân, chúng ta có thể giải mã – ở một mức độ nhất định – trạng thái thể chất của toàn bộ cơ thể.

Từ xa xưa, Trung Y đã phát hiện ra rằng cơ thể có một hệ thống “kinh lạc”, với 12 kinh mạch chính tương ứng với 12 tạng phủ. Các kinh mạch này lưu thông xa hơn đến tay, chân, đầu và mặt, vận chuyển “khí” và “huyết” cho toàn bộ cơ thể.

Khí và huyết phụ thuộc lẫn nhau, chảy khắp cơ thể, giúp nuôi dưỡng các mô và cơ quan khác nhau, và duy trì các hoạt động sống của cơ thể. Khi một trong các tạng phủ có vấn đề sẽ gây ra cảm giác khó chịu tại tất cả các huyệt đạo trên đường kinh lạc tương ứng.

1. Màu sắc của móng

Ông Liu cho biết móng tay, chân bình thường sẽ có màu đỏ nhạt và sáng bóng. Nếu móng tay, chân xuất hiện bất kỳ màu nào trong sáu màu bất thường dưới đây, chứng tỏ rằng có vấn đề về thể chất tương ứng.

Màu nhợt

Màu nhợt thường xảy ra ở những bệnh nhân khí huyết hư, hoặc thiếu máu.

Màu đỏ

Màu đỏ phản ánh lượng hồng cầu trong máu quá nhiều, với biểu hiện đau đầu, chóng mặt, hoặc do cao huyết áp và bệnh tim.

Màu đen

Móng bị thiếu oxy và có thể do tuần hoàn cục bộ kém, tắc nghẽn động mạch nhỏ, hoặc mệt mỏi và béo phì quá mức.

Màu vàng

Móng màu vàng chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhân bị bệnh gan và túi mật, chẳng hạn như bệnh vàng da, hoặc do nhựa thuốc lá gây ra.

Màu xanh lam

Móng màu xanh lam phản ánh máu lưu thông kém và ứ máu cục bộ.

Màu xanh lục

Móng màu xanh lục tương đối hiếm gặp, phản ánh nhiễm trùng pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh).

2. 7 kiểu móng tay, chân bất thường

Đốm trắng

Các đốm trắng là dấu hiệu của chấn thương móng, hoặc dị ứng do thiếu kẽm. Ở người lớn, đó có thể là dấu hiệu của bệnh gan, bệnh đường ruột, hoặc tiêu chảy.

Đường và mảng màu đen

Các đường màu đen cho thấy lưu thông máu cục bộ kém. Đây có thể là nguyên nhân gây suy thận, dẫn đến tích tụ chất độc trong cơ thể với biểu hiện là da hoặc móng bị sẫm màu, đặc biệt ở những bệnh nhân tiểu đường. Các đường màu đen có thể cho thấy rối loạn nội tiết hoặc kinh nguyệt hoặc đau bụng kinh dữ dội ở phụ nữ.

Đường Beau

Đường Beau gặp trong trường hợp móng bị trũng xuống và có các đường ngang ở phía trước. Đây là dấu hiệu của một số bệnh trầm trọng như khối u, bệnh tự miễn dịch và bệnh kinh niên. Ngoài ra, những người bị stress nặng hoặc thiếu kẽm trầm trọng cũng sẽ có biểu hiện như vậy.

Đường sọc ngang

Đường sọc ngang thường thấy ở những người làm việc quá sức và căng thẳng.

Đường vân dọc

Những người bị suy nhược thần kinh kinh niên, thức khuya, mất ngủ, bệnh nội tạng kinh niên sẽ có nhiều đường vân dọc trên móng.

Móng giòn dễ gãy

Móng có thể dễ bị gãy do thiếu sắt kinh niên, các vấn đề về tuyến giáp hoặc suy giảm chức năng thận, cũng như lưu thông máu kém làm giảm cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho móng.

Móng gãy

Uống rượu quá mức có thể gây tổn thương gan, có thể khiến móng bị gãy.

3. Hình dạng móng

Ông Liu cũng cho biết ngoài cấu tạọ và màu sắc, việc quan sát hình dạng của móng có thể tiết lộ các vấn đề về sức khỏe.

Hình mỏ đại bàng

Một dấu hiệu của ứ máu cục bộ, gây ra bởi can khí uất kết do căng thẳng, bệnh tim mạch hoặc bệnh tiểu đường.

Hình thìa (móng cong lên như cái thìa)

Móng hình thìa chủ yếu là do dương khí không đủ, thường kèm theo chứng mất ngủ.

Móng quá nhỏ

Những người có móng tay nhỏ có thể bị chậm phát triển, và được xem là thiếu máu trong Trung Y.

4. Hình bán nguyệt trên móng

Hình bán nguyệt trên móng cũng có thể cung cấp thông tin sơ lược về sức khỏe của một người. Ông Liu cho biết, hình bán nguyệt trên móng thường không quá 1/5 móng. Nếu hình bán nguyệt quá nhỏ hoặc quá lớn, điều đó cho thấy tình trạng sức khỏe không tốt.

Hình bán nguyệt quá lớn (hơn 1/3 móng tay): Trung Y cho rằng hình bán nguyệt quá lớn là biểu hiện của khí huyết hư, có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, cao huyết áp; hoặc thận khí hư, có thể khiến phụ nữ không thể mang thai, và vô sinh ở nam giới.

Các hình bán nguyệt chuyển sang màu đen hoặc xanh lam: Các hình bán nguyệt bình thường có màu trắng. Nếu chúng chuyển sang màu đen hoặc xanh lam, đó có thể là biểu hiện của chứng đau kinh niên, tăng lipid máu nặng, xơ cứng động mạch, và các tình trạng tương tự.

Không có hình bán nguyệt: Ông Liu nói rằng 8 trong số 10 móng tay của một người bình thường có hình bán nguyệt, mặc dù trẻ em có thể không có. Theo Trung Y, nếu tất cả các móng tay đều không có hình bán nguyệt, người đó được xem là bị hàn, làm tiêu hao nhiều dương khí và dễ bị bệnh hiểm nghèo.

Trung Y tin rằng thể chất của mọi người là khác nhau, và hai kiểu phổ biến là hàn và nhiệt. Người có thể chất hàn dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết mùa đông, dễ bị lạnh tay chân, lưỡi thường phì đại, có lớp màng trắng. Người có thể chất nhiệt dễ bị tác động bởi nóng, dễ bị khô miệng, táo bón, lưỡi đỏ.

Hơn nữa, Trung Y đã phát hiện ra rằng tất cả các hiện tượng trong tự nhiên đều có đặc tính “âm” và “dương” tương ứng. Ví dụ như đất và trời, hàn và nhiệt. Hai nguồn năng lượng âm và dương phụ thuộc lẫn nhau. Âm dương cân bằng thì con người khỏe mạnh, vạn vật điều hòa, ổn định.

Về lý do vì sao một số người không có hình bán nguyệt trên móng tay, ông Liu đã chia sẻ những quan sát từ quá trình trị liệu của mình trong nhiều năm và tin rằng phần lớn là do thói quen trong lối sống hiện đại gây ra.

Ham muốn quá mức

Quá ganh đua trong công việc và ham muốn tình dục quá mạnh sẽ có thể gây hại cho cơ thể và làm tổn hại sinh lực.

Ăn quá nhiều đồ ăn lạnh

Đồ ăn lạnh sẽ truyền hơi lạnh xuống vùng bụng dưới, từ đó gây ra các triệu chứng như đau bụng, đau bụng kinh. Trung Y tin rằng thực phẩm có các thuộc tính lạnh, mát hoặc ấm khác nhau. Ăn quá nhiều đồ lạnh và mát trong thời gian dài có thể làm suy kiệt dương khí của cơ thể, gây mất sức.

Dễ phấn khích

Khi cảm xúc phấn khích, năng lượng và dương khí sẽ bị tiêu hao.

Về cách giải quyết vấn đề móng “không hình bán nguyệt,” ông Liu đề nghị mọi người nên giữ tâm thanh thản, bình tĩnh và cố gắng tránh ăn đồ lạnh. Ngoài ra, có thể áp dụng bấm huyệt và moxibustion (đốt và hơ bằng lá thảo mộc) trên các huyệt Túc tam lý (Zusanli) và Thần khuyết (Shenque).

Tiểu Diệp biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amber Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Amber Yang là giám đốc tiếp thị cho các sản phẩm chăm sóc da tự nhiên trong nhiều năm, đồng thời là ký giả kiêm biên tập viên về sức khỏe và sắc đẹp trong 10 năm. Cô cũng là người dẫn chương trình và nhà sản xuất của các chương trình YouTube "Amber Running Green" và "Amber Health Interview."
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn