Rối loạn thần kinh thực vật: Nguyên nhân và cách điều trị

Nhiều người bị rối loạn thần kinh thực vật (dysautonomia – hay còn gọi là rối loạn thần kinh tự chủ) kinh niên. Ngoài việc tìm kiếm trợ giúp từ Tây y, bệnh nhân cũng có thể thử điều trị bằng Trung y.

Hệ thần kinh tự chủ điều chỉnh chức năng của các cơ quan nội tạng như nhịp tim, huyết áp, tiêu hóa và nhiệt độ cơ thể. Các vấn đề trong việc điều hòa các hệ thống chức năng này có thể dẫn đến nhiều triệu chứng bao gồm ngất xỉu, huyết áp dao động, căng cơ và các triệu chứng khác.

Trung y điều trị hệ thống thần kinh tự chủ như thế nào? Ở đây, chúng ta cần nhìn nhận từ hai khía cạnh tâm lý và sinh lý.

Khía cạnh tâm lý

Nhiều người bị chứng rối loạn thần kinh thực vật là những người cầu toàn, thường có những cảm xúc tiêu cực hoặc thường xuyên bị căng thẳng cao độ trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Áp lực tâm lý dai dẳng có thể dẫn đến căng cơ toàn thân. Trạng thái căng thẳng liên tục cũng có thể dẫn đến kích thích thần kinh giao cảm, gây khó ngủ vào ban đêm cũng như nhiều triệu chứng khác nhau. Do đó, điều quan trọng là phải thư giãn tâm lý càng nhiều càng tốt, đồng thời học cách quản lý áp lực trong cuộc sống hàng ngày.

Rối loạn thần kinh thực vật: Nguyên nhân và cách điều trị
(Ảnh: The Epoch Times)

Khía cạnh sinh lý

Theo quan điểm lâm sàng của riêng tôi, hầu hết bệnh nhân bị rối loạn thần kinh thực vật cũng bị rối loạn giấc ngủ. Một hiện tượng phổ biến khác là các cơ ở đầu, cổ, vai và lưng đặc biệt căng cứng. Có hai lý do khiến các khu vực này bị căng cứng – một là căng thẳng tinh thần kéo dài – và hai là tư thế đầu cúi về phía trước khi dùng các thiết bị điện tử.

Căng cứng cơ vùng đầu, cổ, vai, lưng tưởng chừng là triệu chứng không đáng chú ý, tuy nhiên đây lại là chìa khóa quan trọng trong việc điều trị chứng rối loạn thần kinh thực vật và rối loạn giấc ngủ.

Rối loạn thần kinh thực vật: Nguyên nhân và cách điều trị
(Ảnh: The Epoch Times)

Đầu chiếm khoảng 1/10 trọng lượng cơ thể, chỉ được hỗ trợ bởi các cơ và dây chằng của xương cổ và cổ. Một khi bệnh thoái hóa cột sống cổ xảy ra, sự chèn ép vào động mạch cột sống hoặc kích thích của dây thần kinh giao cảm xung quanh động mạch cột sống sẽ gây ra một loạt các triệu chứng bao gồm rối loạn giấc ngủ, ù tai, giảm thính lực, đau đầu kinh niên hoặc nhức đầu vào buổi sáng và chóng mặt.

Cũng có thể xuất hiện một loạt các rối loạn về mắt như tăng nhãn áp, giảm thị lực, đau mắt, nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy, lồi mắt (nhãn cầu nhô ra khỏi ổ mắt) và khuyết tật thị giác tạm thời.

Các triệu chứng khác của chứng rối loạn thần kinh thực vật là buồn nôn, nôn, và đổ mồ hôi.

Rối loạn thần kinh thực vật: Nguyên nhân và cách điều trị
(Ảnh: The Epoch Times)

Bằng cách chữa thoái hóa đốt sống cổ, các triệu chứng kể trên cũng có thể chữa lành. Mặc dù điều này không được đề cập trong hầu hết các sách giáo khoa chính thống của cả Trung y và Tây y, nhưng từ kinh nghiệm lâm sàng của bản thân tôi cho thấy bắt đầu từ việc điều trị thoái hóa đốt sống cổ, khơi thông kinh mạch, khí huyết, cơ và dây chằng cột sống cổ và đầu là cách quan trọng và hiệu quả nhất để điều trị rối loạn thần kinh tự chủ và rối loạn giấc ngủ.

Một trường hợp lâm sàng thành công

Một phụ nữ ở độ tuổi bốn mươi bị hầu hết các triệu chứng điển hình của chứng rối loạn thần kinh tự chủ, bao gồm ù tai và khó nghe ở tai trái, khó chịu, lo lắng, cứng và đau ở cơ đầu, cơ cổ, cơ vai, cơ lưng và rối loạn giấc ngủ. Cô phải uống 5 viên thuốc ngủ và thuốc an thần do bác sĩ kê toa trước khi đi ngủ.

Sau một lần điều trị châm da đầu – dưới hộp sọ tại các huyệt Thiên Trụ, Phong Trì, An Miên, Hoàn Cốt, và huyệt Hoa Đà Giáp Tích – hiện cô chỉ cần uống một viên thuốc trước khi đi ngủ là có thể ngủ tới sáng. Chứng ù tai và giảm thính lực ở tai trái được cải thiện hơn một nửa, tiếp đó là sự cải thiện mạnh mẽ về tinh thần và tâm trạng.

Theo lý luận của Trung y, cơ thể người có hệ thống “kinh lạc” có nhiệm vụ luân chuyển khí huyết đi khắp cơ thể. Khí huyết là những chất cơ bản cấu tạo nên cơ thể và duy trì mọi hoạt động sinh lý bên trong. Khí là “năng lượng” hay “sinh khí” cấu thành nên sự sống trong cơ thể và Trung y thường đề cập đến một thứ giúp bổ sung dưỡng chất cho cơ thể là máu. Trên kinh mạch có một số điểm có chức năng đặc biệt gọi là huyệt. Việc kích thích vào các huyệt có thể điều hòa năng lượng cơ thể và giúp điều hòa hệ thần kinh.

Rối loạn thần kinh thực vật: Nguyên nhân và cách điều trị
(Ảnh: The Epoch Times)

Điều trị bằng thuốc bắc

Bảy bài thuốc Trung y sau đây thường dùng để điều trị rối loạn thần kinh tự chủ:

  • Quy tỳ thang: Đặc trị tâm tỳ khí huyết không đủ, tim đập nhanh, hồi hộp, đãng trí, mất ngủ.
  • Thiên vương bổ tâm đan (bài thuốc nhân sâm và táo tàu): Dùng cho tim đập nhanh do nóng trong người và thiếu ngủ.
  • Ôn đảm thang (làm ấm túi mật) cùng với toan táo nhân và hoàng liên bắc: Cho giấc ngủ đêm yên bình hoặc làm dịu nỗi sợ hãi khi nhìn thấy những hình ảnh đáng sợ.
  • Gia vị tiêu dao tán (bài thuốc sài hồ và hoa mẫu đơn): Giúp cải thiện đáng kể tình trạng lo lắng về cảm xúc và rối loạn giấc ngủ.
  • Hoàng liên và giao ngải hoàn thang: Trị tim đập nhanh, khó ngủ.
  • Thuốc sắc cam thảo, lúa mì và táo tàu: Điều trị cảm xúc bất ổn và ngáp liên tục.
  • Thuốc sắc sài hồ, long cốt và mẫu lệ xác (vỏ sò Oyster Shell): Làm dịu thần kinh và hỗ trợ giấc ngủ.

Lưu ý: Vì mỗi người có thể chất khác nhau, quý vị nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc chuyên gia Trung y.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Dr. Wu Kuo-Pin
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bác sĩ Wu Kuo-pin (Ngô Quốc Bân) là giám đốc Phòng khám Trung y Tâm y đường, Đài Loan. Năm 2008, ông bắt đầu học chuyên ngành Trung y và lấy bằng cử nhân tại Đại học Trung Y ở Đài Loan.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn