Sữa là một yếu tố nguy cơ của ung thư tiền liệt tuyến 

Chúng ta đều biết rằng chế độ ăn uống không lành mạnh giữ một vai trò quan trọng trong các bệnh ung thư. Nhưng liệu có bao giờ bạn nghĩ rằng sữa và các sản phẩm từ sữa yêu thích của bạn cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư tiền liệt tuyến? 

Sữa có thực sự tốt cho cơ thể không?

Cách đây vài năm, những hình ảnh và quảng cáo “ria mép sữa” đã được lan truyền nhanh chóng trên khắp cả nước. Đây là một phần của chiến dịch tiếp thị sâu rộng với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng. Thật không may, mẩu quảng cáo này có thể khiến nhiều người đàn ông nghĩ rằng tiêu thụ một lượng lớn sữa đang mang lại lợi ích cho cơ thể họ, trong khi thực tế thì không phải vậy.

Sau khi có bằng chứng khoa học về mối liên quan không thể chối cãi giữa các sản phẩm từ sữa với bệnh ung thư tuyến tiền liệt, The Physicians Committee for Responsible Medicine (Ủy ban Các bác sĩ Y học có Trách nhiệm) đã ủng hộ các quảng cáo có nội dung “Loại bỏ sữa để bảo vệ tuyến tiền liệt của bạn.” Tuy nhiên, nhiều người đàn ông vẫn nghĩ rằng uống sữa sẽ giúp bản thân họ khỏe mạnh.

Những sự thật về sữa

Chúng ta biết rằng chế độ ăn uống có tác động rất lớn đến nguy cơ mắc ung thư. 

Vậy, hormone trong sữa đóng vai trò gì trong nguy cơ phát triển ung thư của bạn? Bạn có nên lo lắng về những chất phụ gia này không? 

Nói một cách ngắn gọn là CÓ.

Nghiên cứu cho thấy những người đàn ông uống nhiều hơn MỘT ly sữa nguyên kem mỗi ngày có gấp đôi nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt gây tử vong so với những người đàn ông uống ít hơn.

Sữa là yếu tố nguy cơ của ung thư tiền liệt tuyến
Sữa có thực sự tốt cho cơ thể không? (Ảnh: Pixabay)

Các sản phẩm từ sữa có gây hại cho sức khỏe không? 

Và những người đàn ông không chỉ cần cảnh giác với một ly sữa lớn. Một đĩa kem hàng ngày, một lát pho mát, một muỗng pho mát nhỏ hoặc thậm chí tiêu thụ kem chua hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt ở một người đàn ông.

Các nhà nghiên cứu Harvard đã phát hiện ra rằng những người đàn ông tiêu thụ hơn 2.5 khẩu phần các sản phẩm từ sữa mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.

Một khẩu phần tương đương 8 oz (250ml) sữa, một lát pho mát hoặc một muỗng kem.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Prostate với 1,334 nam giới tham gia, các nhà nghiên cứu kết luận rằng những người đàn ông uống sữa thường xuyên (hơn 4 khẩu phần một tuần) có nguy cơ tái phát ung thư tuyến tiền liệt trung bình TĂNG 80% so với những người đàn ông uống ít hơn 3 khẩu phần một tháng.

Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt thực sự CAO HƠN khi tăng tiêu thụ sữa ít béo. Vì vậy, đừng nghĩ rằng chỉ cần chuyển sang sữa ít béo và các sản phẩm từ sữa ít béo khác là bạn sẽ không phải đối mặt với các nguy cơ về ung thư tiền liệt tuyến. 

Sữa có hại cho cơ thể như thế nào?

Tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa thường xuyên đã được chứng minh là làm tăng nồng độ IGF-1 trong máu (một yếu tố tăng trưởng giống insulin). Một nghiên cứu theo dõi sức khỏe 21,600 các bác sĩ nam trong 28 năm cho thấy những người đàn ông có mức IGF-1 cao nhất có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt gấp 4 lần so với những người đàn ông có mức IGF-1 thấp nhất.

IGF-1 có liên quan đến một số bệnh ung thư, không chỉ tuyến tiền liệt. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu đã phân tích hơn 400,000 mẫu máu được Đại học Oxford công bố vào tháng 09/2020. Những nhà nghiên cứu đã có thể xác định những người hiến tặng mẫu đã phát triển một trong 30 loại ung thư ác tính khác nhau trong thời gian trung bình là bảy năm.

Sữa là yếu tố nguy cơ của ung thư tiền liệt tuyến
Tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa thường xuyên đã được chứng minh là làm tăng nồng độ IGF-1 trong máu (Ảnh: Pixabay)

Những thay đổi trong sản phẩm sữa ngày nay

Thành thật mà nói, loại sữa chúng ta đang uống ngày nay rất khác so với trước đây. Tại sao? Thứ nhất, sữa từ động vật và sữa pha chế trên thị trường có hàm lượng hormone cao hơn đáng kể. Một nghiên cứu được xuất bản bởi Tạp chí Nội tiết Âu Châu đã lưu ý rằng ung thư tuyến tiền liệt có liên quan mật thiết đến việc tiếp xúc với các hormone steroid sinh dục.

Hóa ra là estrogen, một loại hormone phổ biến trong sữa của bò sữa đang mang thai có tác dụng kích hoạt IGF-1. Những kết quả của một nghiên cứu về mối liên quan giữa estrogen và ung thư tuyến tiền liệt được công bố trên tạp chí Medical Hypotheses, đã giải thích cách hormone trong sữa tác động đáng kể đến sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt. Và trong khi một số quốc gia đã nhận ra sự cần thiết phải cấm chích các hormone như somatotrophin bò (BST) để tăng sản lượng sữa và thịt, thì Hoa Kỳ không nằm trong số đó.

Các vấn đề về kích thước cơ thể

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý về vấn đề tái phát ung thư ở những người tham gia theo chỉ số khối cơ thể (BMI). Họ lưu ý rằng những người đàn ông thừa cân và béo phì có nguy cơ tái phát ung thư tuyến tiền liệt CAO hơn những người đàn ông có cân nặng bình thường.

Chủng tộc cũng đóng vai trò quan trọng

Chúng ta chắc chắn đều không muốn coi chủng tộc là một vấn đề gì đó nghiêm trọng có thể gây ra ung thư. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng ung thư tuyến tiền liệt xảy ra phổ biến hơn ở nam giới da đen và người Phi Châu sống tại Caribbean so với các chủng tộc khác.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, đàn ông da đen có nguy cơ tử vong vì ung thư tuyến tiền liệt cao hơn gấp đôi đàn ông da trắng. Các nghiên cứu trên nhiều quần thể khác đã cho thấy mối liên quan chặt chẽ và nhất quán giữa IGF-1 trong máu và nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Thành phần chủng tộc liên quan đến chế độ ăn uống gây ung thư tuyến tiền liệt là một điều thú vị cần xem xét. Ung thư tuyến tiền liệt không phổ biến ở các nền văn hóa Á Châu. Điều này khiến bạn phải dừng lại và suy nghĩ rằng lần cuối cùng bạn nhìn thấy pho mát trong các thành phần trong thực đơn của nhà hàng Trung Quốc là khi nào?

James Templeton là nhà sáng lập của hệ thống y tế Uni Key Health Systems vào năm 1992 và quỹ sức khỏe Templeton Wellness Foundation, với nỗ lực cống hiến và giúp đỡ mọi người đạt được những lợi ích sức khỏe. Bài viết này lần đầu được đăng trên trang Templeton Wellness Foundation Blog.

Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn