Tác dụng bảo vệ của mật ong đối với bệnh tim và tiểu đường

Thường xuyên tiêu thụ đường được xem là có hại cho sức khỏe, bao gồm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường, béo phì, và bệnh tim mạch. Tuy nhiên, có một loại đường tự nhiên là ngoại lệ, thậm chí được phát hiện là hữu ích cho sức khỏe tim mạch và kiểm soát đường máu. Đó là mật ong.

1. Mật ong chứa polyphenol giúp bảo vệ hệ tim mạch

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các bệnh tim mạch chiếm 32% các ca tử vong trên toàn thế giới. Đường, hiện diện ở nhiều thực phẩm chế biến, được cho là một trong những nguyên nhân của các bệnh tim mạch. Thường xuyên tiêu thụ quá mức đường tự do, như đường trắng, đường phèn, đường hạt, và syrup bắp giàu fructose, làm tăng nguy cơ viêm kinh niên, béo phì, tiểu đường type 2, và các bệnh tim mạch.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã phát hiện thấy rằng mật ong, được phân loại như “đường tự do,” chứa nhiều dưỡng chất lành mạnh tốt cho sức khỏe tim mạch. Một nghiên cứu mới cho thấy dùng mật ong chất lượng cao có thể cải thiện mức lipid máu và kiểm soát đường máu.

Phân tích tổng hợp này từ Đại học Toronto cho thấy rằng mật ong làm giảm mức đường huyết lúc đói, cholesterol LDL (cholesterol xấu) và cholesterol toàn phần, triglyceride lúc đói, và chỉ số gan nhiễm mỡ (ALT). Mật ong cũng làm tăng đáng kể mức cholesterol HDL (cholesterol tốt).

Mặc dù chứa xấp xỉ 80% đường và 20% nước, mật ong còn có khoảng 180 chất lành mạnh, bao gồm amino acid, vitamin, khoáng chất, probiotic, và polyphenol.

Tiến sĩ Yi Fang Tsai, nhà dinh dưỡng học tại Trung tâm Tư vấn Dinh dưỡng Koiitại Đài Loan, nói rằng những lợi ích của mật ong với hệ tim mạch chủ yếu liên quan đến polyphenol.

Polyphenol là những chất phổ biến có trong thiên nhiên. Polyphenol trong mật ong bao gồm quercetin, caffeic acid phenethyl ester (CAPE), acacetin, kaempferol, galangin, chrysin, v.v… tất cả đều có ích cho sức khỏe tim mạch. Những chất này có thể ngăn ngừa huyết khối, phòng tránh oxy hóa cholesterol xấu, và giãn mạch máu, từ đó giúp giảm nguy cơ bệnh tim.

Quercetin: Quercetin có thể hạ huyết áp, cải thiện chức năng nội mô, và giảm nguy cơ bệnh tim vành, và đột quỵ. Thêm vào đó, quercetin cũng có tác dụng ức chế angiotensin II gây phì đại tế bào cơ trơn mạch máu. Những tế bào này là một trong những thành phần quan trọng điều hòa sự tái phát hẹp mạch và xơ vữa động mạch.

Caffeic acid phenethyl ester: CAPE là một trong những thành phần chính của keo ong có công dụng giãn mạch máu, giảm huyết áp, và chống xơ vữa động mạch.

Acacetin: Trên lâm sàng, acacetin có thể được dùng như thuốc để ngăn ngừa và chữa trị rung tâm nhĩ.

Kaempferol: Kaempferol có thể phòng ngừa rối loạn chức năng tim gây ra bởi tái tưới máu do thiếu máu cơ tim cục bộ.

Galangin: Thuộc tính chống oxy hóa của galangin giúp bảo vệ nội mô.

Chrysin: Giúp bảo vệ cấu trúc cơ tim; chrysin có thể giảm bớt tổn thương cơ tim và điều hòa huyết áp.

Có sự khác biệt không đáng kể giữa các loại và hàm lượng polyphenol mật ong từ những loài hoa khác nhau, nhưng tác dụng bảo vệ của mật ong đối với hệ tim mạch đến từ tác dụng hiệp đồng của những hợp chất phenolic này.

Mật ong cũng đem lại những lợi ích sức khỏe tim mạch ở bệnh nhân béo phì có yếu tố nguy cơ tim mạch. Trong một thử nghiệm lâm sàng có đối chứng, các bệnh nhân béo phì được phân thành 2 nhóm: một nhóm tiêu thụ 70gr sucrose mỗi ngày, và nhóm kia tiêu thụ 70gr mật ong thiên nhiên.

Sau 30 ngày, nhóm dùng mật ong trải qua những thay đổi sau: giảm 3.3% cholesterol toàn phần, giảm 4.3% cholesterol LDL, giảm 19% triglycerides và giảm cân nhẹ. Đối với nhóm sucrose, cholesterol LDL (cholesterol xấu) tăng một cách đáng kể lên 9%, và trọng lượng cơ thể cũng tăng nhẹ.

2. Mật ong giúp kiểm soát đường máu và tăng tính nhạy cảm insulin

Nhiều người sợ ăn đường vì lo lắng về mức đường máu, nhưng một phân tích tổng hợp của Đại học Toronto cho thấy rằng mật ong có thể làm giảm glucose máu lúc đói. Đó là vì bên cạnh các chất chống oxy hóa như polyphenol, mật ong cũng chứa đường thô.

Đường thô là một loại đường đơn, chiếm khoảng 14% hàm lượng đường trong mật ong, và dẫn xuất của chúng không có nhiều trong tự nhiên. Đường thô có thể ức chế enzyme, làm giảm các chất vận chuyển glucose, do đó có tác động tích cực ngắn hạn và dài hạn lên mức đường máu.

Tiến sĩ Yi Fang Tsai nói thêm rằng mật ong cũng chứa oligosaccharide, khiến mức đường máu tăng dần. Hơn nữa, oligosaccharide có thể được dùng như prebiotic và thức ăn cho vi khuẩn đường ruột.

Mật ong làm tăng độ nhạy cảm insulin, giúp ổn định mức glucose máu. Điều này có thể liên quan đến tác dụng làm tăng mức adiponectin của mật ong. Adiponectin là hormon được bài tiết từ mô mỡ, có vai trò điều hòa chuyển hóa glucose và chất béo. Những bệnh nhân tiểu đường có mức adiponectin thấp. Tăng mức adiponectin trong cơ thể giúp giảm đau hệ thống và cải thiện độ nhạy cảm insulin.

Những lợi ích tim mạch của mật ong cũng được phản ánh ở những bệnh nhân tiểu đường. Bệnh nhân tiểu đường type 2 tiêu thụ mật ong lâu dài có thể cải thiện các bệnh tim mạch. Vài nghiên cứu đề xuất rằng mật ong có thể làm giảm các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu trên hơn 18,000 người phát hiện thấy rằng những người thường xuyên dùng mật ong ít có khả năng bị tiền tiểu đường, và những người dùng mật ong 4 đến 6 lần một tuần phát triển tiền tiểu đường ít hơn những người không dùng 23%.

3. Cách tiêu thụ mật ong lành mạnh

Mật ong có ích cho cả sức khỏe tim mạch và kiểm soát lượng đường trong máu. Vậy làm thế nào để dùng mật ong một cách tốt nhất cho sức khỏe? Có một vài cách.

Thay đường bổ sung bằng mật ong

Đường trắng và đường hạt mà người ta thường sử dụng, cũng như syrup bắp giàu fructose phổ biến trong thức ăn đã chế biến, không có ích cho kiểm soát đường máu. Nếu bạn quen với việc thêm đường bổ sung vào bữa sáng, ăn nhẹ, cà phê, hay trà, hãy thay thế bằng mật ong.

Kiểm soát lượng mật ong ăn vào

Mật ong có nhiều dưỡng chất nhưng vẫn là một loại đường, hãy chắc chắn giới hạn lượng mà bạn hấp thụ.

WHO khuyến cáo nên giảm tiêu thụ đường ít hơn 10% tổng năng lượng. Lượng tiêu thụ mỗi ngày cho mỗi người nên được tính toán dựa trên 2,000 calories/ngày. Một khẩu phần [chứa lượng đường bằng] 10% [tổng năng lượng] là khoảng 40 gram mật ong (2 muỗng cà phê).

Tiến sĩ Yi Fang Tsai nói rằng mật ong có ích chỉ khi được dùng điều độ. Bạn cần hạn chế lượng mật ong nếu ăn những thực phẩm có đường khác trong ngày.

Điều này đặc biệt quan trọng với bệnh nhân tiểu đường, tiêu thụ quá mức mật ong gây bất lợi cho kiểm soát đường trong máu.

Mật ong thô tốt hơn mật ong đã qua chế biến

Sự khác biệt giữa 2 loại mật ong này là mật ong đã qua chế biến được khử trùng ở nhiệt độ cao, và giảm giá trị dinh dưỡng ở một mức độ nào đó. Mật ong thô không có quá trình chế biến này, do đó giữ được hầu hết các dưỡng chất.

Mật ong thô chứa các probiotic như Lactobacillus, có thể tăng khả năng miễn dịch, giảm mỡ máu, và cung cấp acid béo chuỗi ngắn (SCFA). SCFA có thể ngăn ngừa các bệnh [liên quan đến] chứng viêm và nâng cao chức năng hàng rào bảo vệ ở ruột. Bên cạnh đó, enzyme amylase trong mật ong thô có thể giúp tiêu hóa tinh bột.

Tuy nhiên, probiotic và amylase nhạy cảm với nhiệt, do đó, thành phần và hoạt động sinh học của mật ong đã chế biến sau khi đun ở 60 đến 65 độ C trong thời gian ngắn chắc chắn sẽ thay đổi, và những lợi ích sức khỏe cũng sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ nhất định.

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng ăn mật ong thô, đặc biệt là mật ong thô từ một nguồn (VD: mật ong cỏ ba lá, mật ong keo acacia), tốt hơn cho sức khỏe tim mạch.

Nên chú ý rằng cả mật ong thô và mật ong đã chế biến không nên dùng cho trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là mật ong thô vì có thể chứa clostridium botulinum (gây ra ngộ độc )

Những bệnh nhân tiểu đường nên kết hợp mật ong với những thực phẩm khác

Những người khỏe mạnh có thể ăn mật ong khi đói bụng, nhưng những người kháng insulin và tiểu đường thì không nên. Bởi vì thành phần chính của mật ong là fructose, cho nên ăn mật ong có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết.

Tiến sĩ Yi Fang Tsai đề xuất rằng những bệnh nhận này có thể kết hợp mật ong với thực phẩm không đường khác, như sữa chua không đường với mật ong, hay trứng với nước mật ong.

Ngọc Thuần biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Camille Su
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Camille Su là một ký giả chuyên viết về mảng sức khỏe bao gồm các chủ đề về bệnh tật, dinh dưỡng và điều tra. Liên lạc với cô qua email [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn