Tại sao người xưa treo ngải cứu và xương bồ trước cửa nhà vào ngày Tết Đoan ngọ?

Trong “Hồng Lâu Mộng – Hồi thứ 31” có miêu tả về cảnh Tết Đoan Ngọ như thế này: “Hôm ấy chính là ngày Tết Đoan Ngọ, cài cành ngải cứu và xương bồ lên cửa, bùa hổ đeo tay.” 

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, treo một nắm lá ngải cứu và xương bồ trên đầu cửa, có ý nghĩa tượng trưng “bệnh dịch không đến cửa nhà”, nhằm xua đuổi ôn dịch, phòng và chữa trị bách bệnh. Đây cũng là phong tục cổ xưa lưu truyền lại cho đến ngày nay. Vậy tại sao lại chọn hai loại cây ngải cứu và xương bồ này?

Tết Đoan Ngọ rơi vào giữa mùa hè, thời tiết rất oi bức, là thời gian oi bức và ẩm thấp nhất trong một năm. Thời cổ người ta gọi tiết Đoan Ngọ là “Thiên Trung”, cho nên Tết Đoan Ngọ còn được gọi là “Tết Thiên Trung”. Trong “Sự vật dị danh lục – Tuế thời bộ – Ngũ nguyệt” của Lệ Thuyên đời nhà Thanh có ghi chép:  “(Hoàng lịch) giờ Ngọ ngày 5 tháng 5 là tiết Thiên Trung.” Sự ẩm thấp và nóng bức của Thiên Trung khu động lũ trùng độc, lúc này chính là ngũ độc bắt đầu cùng xuất hiện. Vậy nên hàng năm vào tiết Đoan Ngọ, cổ nhân cũng chú trọng phương pháp phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe.

 Ngũ độc, Ngũ thụy là gì?

“Ngũ độc” thông thường là chỉ con rết, rắn, bọ cạp, cóc, và nhện, những con độc trùng này có mang độc tính. Người hiện đại thường dùng dược phẩm hóa học để diệt ngũ độc. Cổ nhân thì cơ trí hơn, họ sử dụng thực vật “ngũ thụy” (5 bảo vật) thuần thiên nhiên để khắc chế “ngũ độc”. Vì là thuần thiên nhiên nên “ngũ thụy” sẽ không mang lại tác dụng phụ hoặc di chứng cho con người và môi trường.

Ngũ Thụy của Đoan Ngọ còn có tên riêng là “Thiên Trung Ngũ Thụy”, chính là chỉ 5 loại thực vật sau đây: Xương bồ, Ngải cứu, Lựu, Tỏi và Hoa thuyền rồng. “Ngũ Thụy” có công dụng khu trừ nóng ẩm độc hại, có công hiệu cường lực kiện thân rõ ràng, trong đó có loại mang độc tính, có thể lấy độc trị độc.

Công hiệu của Ngũ Thụy 

Xương bồ

Ăn bánh ú, tắm bằng nước xương bồ, uống rượu xương bồ, và treo cành xương bồ lên cửa, đây là hoạt động thường thấy trong ngày Tết Đoan ngọ. Vì vậy, Tết Đoan ngọ cũng được gọi là “Tết Xương bồ”.

Xương bồ là đại biểu của “Thiên Trung Ngũ Thụy”, cũng là một trong “Hoa cỏ tứ nhã” trong suy nghĩ của các văn nhân. 

Cây xương bồ có rất nhiều chủng loại, sinh sống ở những nơi khe suối mát mẻ, ngày đêm ngâm mình trong dòng suối lạnh, rễ cây có nhiều đốt, khoảng 9 hay 10 đốt, đâm sâu xuống đất. Những chiếc lá nhỏ dài, mỏng manh rất dẻo dai, có lá dài đến hơn 30cm. Cây xương bồ nở hoa vào đầu mùa hạ, cành mọc thành trụ tròn dài, hoa rất nhỏ. Toàn cây xương bồ có mùi thơm đặc biệt, có công dụng diệt khuẩn, có thể trồng làm thuốhoặc làm cây cảnh.

Vì lá xương bồ cứng chắc không cong như thanh kiếm Thái A thời cổ, cho nên người xưa còn gọi là “Xương bồ kiếm”. Đặc tính của xương bồ cũng giống như hình dáng bề ngoài giống thanh kiếm, rất cứng cỏi và chịu được lạnh. 

Có thể nhìn thấy rễ cây xương bồ rất khỏe mạnh, trời sinh có tính chí dương nên hàn khí không thể làm hại. Vì vậy, xương bồ đã trở thành một trong những loại cây tiêu biểu trong tết Đoan Ngọ.  

“Bản Thảo Cương Mục” nói, thông thường dùng “xương bồ nước” (khê tôn) để khu trùng (xua đuổi côn trùng). Toàn bộ cây xương bồ đều có thể tinh chế dầu thơm, dùng để xua đuổi côn trùng có hại, khắc chế “ngũ độc”.

Tại sao người xưa treo ngải cứu và xương bồ trước cửa nhà vào ngày Tết Đoan ngọ?
Cây Xương bồ nước thường mọc ở khe nước đầm nước. (Ảnh: pixabay)

Thời nhà Chu vào ngày Tết Đoan Ngọ, người dân Hoa Hạ dùng cây xương bồ tắm gội sạch sẽ, trừ độc bảo vệ sức khỏe, còn gọi là “Dục lan thang” (nước tắm cây cỏ lan). Theo “Đại đái lễ – Hạ tiểu chính”: “Tháng 5… trữ cây cỏ lan để tắm gội”. Thời Nam Bắc triều gọi ngày mùng 5 tháng 5 là tết tắm cỏ lan.

Thời đó còn cắt xương bồ thành từng khúc nhỏ, cho vào vò rượu thành rượu xương bồ. Rượu hùng hoàng nổi tiếng xua đuổi côn trùng gây hại vào dịp Tết Đoan Ngọ cũng là cho thêm rễ cây xương bồ. Trong “Thanh Gia Lục” có nói: “Nghiền nhỏ hùng hoàng, rễ xương bồ cắt nhỏ cho vào rượu để uống, gọi là rượu hùng hoàng. Lại lấy rượu này bôi vào trán và lòng bàn tay bàn chân của trẻ nhỏ, vẩy lên tường nhà để xua đuổi côn trùng độc hại”.

Tại sao người xưa treo ngải cứu và xương bồ trước cửa nhà vào ngày Tết Đoan ngọ?
Tết Đoan Ngọ ở Hàn Quốc dùng nước Xương bồ gội đầu, phảng phất tái hiện phong tục “Dục lan thang” ngày xưa . (Ảnh: Toàn Vũ / Epoch Times)

Cây ngải cứu

Ngày tết Đoan Ngọ, rất nhiều gia đình đều treo một bó ngải cứu trên cánh cửa nhà mình, vì vậy ngày tết Đoan Ngọ này còn gọi là “Ngải tiết”. 

Cây ngải cứu còn gọi là ngải khao. Trong “Bản Thảo Cương Mục” nói ngải cứu là loại thực vật “thuần dương”. Cây ngải cứu thuần dương, tính nhiệt mạnh, có tác dụng tăng dương khí và sát khuẩn rất mạnh. Lá ngải cứu cắt nhỏ cho vào túi thơm mang bên mình có thể xua đuổi côn trùng, bảo vệ sức khỏe. Lá ngải cứu sau khi phơi khô ngâm nước rồi chưng lên có thể tiêu độc hết ngứa. 

Bào Cô thời Tấn, một trong “bốn nữ thầy thuốc nổi tiếng” của Trung Quốc, chính là dùng ngải cứu để chữa bệnh. Bà có cái nhìn và hiểu biết đặc biệt về ngải cứu, tự tìm tòi nghiên cứu sáng tạo ra môn tuyệt học về ngải cứu. Bà hành nghề y ở Lĩnh Nam, cứu được vô số người.

Tại sao người xưa treo ngải cứu và xương bồ trước cửa nhà vào ngày Tết Đoan ngọ?
Lá ngải cứu là một trong “Ngũ thụy” của Thiên Trung. (Ảnh: Fotolia)

Trong cuốn phong thổ chí “Kinh Sở Tuế Thời Ký” thời Nam Bắc triều có ghi chép lại tỉ mỉ phong tục dùng cây ngải cứu trong tết Đoan Ngọ: Vào ngày mùng 5 tháng Năm, trước lúc gà gáy sáng, mọi người nhanh chóng đi ra ngoài hái cây ngải cứu, “treo ngải cứu trên cánh cửa để trừ tà khí; dùng dây tơ tằm ngũ sắc buộc vào cánh tay, trừ ma quỷ cầu bình an, lại có thể ngăn nhiễm ôn dịch.”

Nếu hái được ngải cứu “hình người” thì hiệu quả càng cao hơn. Vào thời ấy, cũng có người dùng ngải cứu làm thành “hình người” hoặc bện thành hình con hổ, hoặc là dùng tơ lụa, vải gấm cắt thành hình dáng con hổ rồi gắn trên cây ngải cứu hoặc đeo bên người, mục đích là trừ khí độc và ôn dịch. Cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn nhìn thấy tập tục mọi người đeo túi hương, túi thơm hình con hổ nhỏ vào ngày tết Đoan Ngọ.

Trong “Sư Khoáng chiêm” có ghi chép, Hoàng Đế hỏi Sư Khoáng làm sao biết được cát hung của một năm? Sư Khoáng nói với Hoàng Đế rằng: “Tuế dục bệnh, bệnh thảo tiên sinh, ngải dã.” (Năm nào có nhiều bệnh, cây thuốc chữa bệnh sẽ mọc sớm, hãy xem cây ngải cứu vậy). Ý rằng,  nếu là một năm có nhiều bệnh tật, thì vào năm đó cây ngải cứu sẽ mọc sớm, là để cho người ta dùng chữa bệnh. Người xưa tin rằng “vạn vật đều có linh tính”, đây chính là một hiện tượng kỳ diệu của giới tự nhiên, phải chăng cũng là sự từ bi của Thần đối với con người nơi thế gian?

Vì xương bồ và ngải cứu có tính dương mạnh, cho nên đã trở thành vật chính yếu nhằm tránh tà trừ độc trong Tết Đoan Ngọ của mọi gia đình. Ngày Tết Đoan Ngọ, mọi người lấy xương bồ làm kiếm, ngải cứu làm cờ: “Cửa treo cờ ngải xua bách bệnh, nhà cài kiếm xương bồ chém thiên tà”. Tập tục từ xa xưa lưu truyền cho đến ngày nay, kỳ thực chính là nguyên lý khoa học xuyên suốt bên trong đó, vô cùng thâm sâu.

Từ xưa đến nay tết Đoan Ngọ còn có tên gọi khác là “Ngải tiết” (Tết ngải cứu) hay “Bồ tiết” (Tết xương bồ), cho thấy tầm quan trọng của hai loại cây ngải cứu và xương bồ trong dịp Tết Đoan ngọ.

Tỏi

Trong tỏi chứa nhiều hợp chất Hydro sulfide (H₂S) và Allicin, là một trong những chất kháng khuẩn mạnh. Thời xưa, cổ nhân đã biết sử dụng nước ép tỏi để khử trùng vết thương, chống nấm mốc, vi khuẩn và xua đuổi ký sinh trùng. “Bản thảo cương mục” ghi rằng tỏi có thể điều trị viêm tuyến bạch huyết ở bẹn, các vết loét nhiễm độc và sâu độc. Nếu bị rắn, bọ cạp, rết cắn gây lở loét, có thể lấy nước cốt tỏi xay uống, bã thì đắp lên vết loét.

Tại sao người xưa treo ngải cứu và xương bồ trước cửa nhà vào ngày Tết Đoan ngọ?
Tỏi là một trong “Ngũ thụy” của Thiên Trung. (Ảnh: Pixabay)

Cây lựu

Lựu hay còn gọi là An lựu, là một loại trái cây du nhập từ Tây Vực vào thời kỳ nhà Hán, ra hoa vào tháng 5 và tháng 6. Trái lựu rất giàu vitamin, có tác dụng giải rượu và khử độc. Vỏ cây lựu chứa chất kiềm có tác dụng xua đuổi và diệt ký sinh trùng trong cơ thể người.

Hoa thuyền rồng

Hoa thuyền rồng là tên gọi dân dã, ở vùng Phúc Kiến và Chiết Giang miền nam Trung Quốc, mùa chèo thuyền rồng vào Tết Đoan Ngọ cũng chính là mùa loài hoa này khai nở, cho nên người ta thường gọi là “Hoa thuyền rồng”. Ngoài ra loài hoa này còn có tên gọi là Hoa tháng 5, Hoa sơn đan, Cỏ trinh nữ, Hoa trạng nguyên… Hoa thuyền rồng trắng là một biến thể của Hoa thuyền rồng đỏ. Đem tán hoa phơi khô trong bóng râm và nghiền thành bột mịn, trộn với rượu gạo có thể dùng làm thuốc bôi chấn thương ngoài da, có tác dụng giảm đau tiêu sưng.

Tại sao người xưa treo ngải cứu và xương bồ trước cửa nhà vào ngày Tết Đoan ngọ?
Hoa thuyền rồng. (Ảnh: wikipedia)

Xương bồ, ngải cứu, và tỏi còn có tên gọi khác là “Đoan Ngọ tam hữu” (ba người bạn của Tết Đoan Ngọ). Người ta dùng xương bồ làm thanh kiếm, ngải cứu làm roi, tỏi hóa thân làm búa, là tượng trưng của “ba loại vũ khí” xua rắn, đuổi côn trùng, chống bệnh khuẩn. “Ngũ thụy” khắc chế “ngũ độc”, đây là phương pháp phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Đoan Ngọ của người xưa.

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn